Sáng tác

Mẻ lưới cuối cùng. Truyện ngắn của Trương Vân Ngọc

Trương Vân Ngọc
Truyện
18:56 | 01/01/2025
Baovannghe.vn- Hôm nay mới hăm ba tháng chạp, ngày ông Táo chầu trời, bà chỉ chuẩn bị qua loa cho phải phép, bởi tầm dăm hôm nữa, những dòng sông của cải kia mới đổ thác về.
aa

Chị Nhàn được công ty môi giới nhân lực giới thiệu vào nhà ông Tuần làm ô sin đã được gần một năm. Ngoài chi tiêu cá nhân ra, mỗi tháng chị cũng chắt chiu gửi về cho cha mẹ hai triệu. Số tiền này ở thành phố thì chả thấm vào đâu, nhưng với gia đình chị lại là một khoản không nhỏ. Năm nay chị đã hăm nhăm, lũ bạn cùng trang lứa đã chồng con hết, còn chị, phần kém về nhan sắc, phần nhà nghèo nên vẫn độc thân. Từ độ ra thành phố làm việc, nhìn chị cũng có khá hơn, biết làm quen với thỏi son, làn phấn. Quần áo tuy mặc toàn đồ thải của hai cô con gái ông Tuần, nhưng vẫn rất hợp mốt và thời trang, nom không đến nỗi nào. Chị hy vọng sau này có lưng vốn, sẽ về quê mở một cửa hàng tạp hoá, rồi kiếm một anh nào chân chất làm chồng. Ở cái làng nhỏ bé ấy, như thế cũng là điều mơ ước của nhiều người.

Mẻ lưới cuối cùng. Truyện ngắn của Trương Vân Ngọc
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ông Tuần là một cán bộ có tiếng ở thành phố, tính ra, ông đã ngồi ở cương vị các ghế trưởng tới nay cũng ngót nghét hai chục năm. Chỉ vài ba năm nữa thôi là ông về hưu, nhưng xem ra ông vẫn còn trẻ lắm, sung sức lắm. Ông có năm người con, ba trai, hai gái. Các anh chị đều đã yên bề gia thất, duy chỉ có cậu út là vẫn chưa bởi cậu thần kinh không bình thường, do hồi cuối cấp ba, cậu bị tai nạn xe máy trong một cuộc đua ăn thua với đám bạn. Suốt ngày cậu chỉ tha thẩn với mấy món đồ chơi trẻ con xanh xanh đỏ đỏ. Ngay khi cô Nhàn mới đến làm, cậu ta đã có vẻ quấn quýt. Lúc đầu nhìn cái mặt ngơ ngơ của cậu, cô Nhàn sợ, sau rồi quen, cô lại thấy mên mến. Anh Tuân là cả, làm bên chi cục thuế của quận, anh Tuấn con thứ là bác sỹ, công tác trong một bệnh viện lớn, hai cô chị, một tên Ngân, một tên Ngần đều là tiểu thương có quầy hàng lớn ở chợ trung tâm, người nào ông Tuần cũng lo cho một dinh cơ. Có thể nói, gia đình ông cũng thuộc loại nhất nhì ở cái thành phố này.

Giỗ tết năm nào nhà ông cũng nhiều khách, điều đó thật dễ hiểu, bởi quyền lực trong tay, thiên hạ phải cầu cạnh ông, xin xỏ ông. Có đi có lại, đó là quy luật, cấm cãi với đời. Trình độ ông thuộc loại tàng tàng, vài tấm bằng tại chức cộng với thế thời thời thế, ông đã chễm chệ trên cái ghế cao nhất của cái cỗ máy cồng kềnh mà nhiên liệu vận hành lại do nhân dân cung cấp. Nên ông chả có gì phải lo lắng, cứ thũng thẵng sáng cắp cặp trèo lên xe hơi biển xanh, chiều lại đủng đỉnh bước xuống cũng từ con xe ấy. Mà tiền thiên hạ cứ chảy vào túi ông như nước từ các con sông chảy ra biển, chả bao giờ ngớt. Ông tự hào vì cái lộc trời cho ấy, tiền chảy vào túi, dại gì không nhận? Mà không nhận có khi thiên hạ lại chửi mình là ngu ấy chứ.

Bà Mẫn vợ ông phải nói là một người phụ nữ có tài thu vén và cần mẫn. Cứ mỗi độ xuân về, tết đến, bà phải lo tiêu hoá một lượng quà khổng lồ, có khi lên tới cả tấn. Ấy là chuyện ngày xưa, chứ bây giờ ai dại gì mà đi quà nặng như thế, quà bây giờ chỉ đơn thuần là gói bánh, chai rượu ngoại để lấy cớ, quan trọng chính là cái phong bì. Vì thế công việc của bà cũng nhàn đi nhiều, nhưng bà lại ghét nhất cái việc xé phong bao. Bà lẩm bẩm “Có vài cái đồng bạc mà phải dán rõ kỹ, cứ như sợ nó rơi ra ngoài không bằng”. Rơi đi đâu được, đã vào tay bà thì chỉ có vào két, rồi hôm sau sẽ chui vào ngân hàng tha hồ sinh sôi nảy nở, tiền lại đẻ ra tiền. Vì thế ông bà xây liền mấy cái biệt thự cho đàn con mà cứ nhẹ như trở bàn tay. Người ta bảo, vợ chồng ông tốt phước, làm gì cũng xuôi chèo mát mái. Tết năm nay bà Mẫn dự đoán sẽ thu hoạch một khoản không nhỏ, bởi bốn năm ghế chủ chốt trong cỗ máy cồng kềnh mà nhiên liệu cho nó vận hành là từ nhân dân đang bỏ trống. Năm ghế, trong đó có hai chức trưởng phòng, một chức phó chủ tịch và hai trợ lý cho chủ tịch. Sở dĩ năm nay nhiều ghế bỏ trống như thế là vì các vị đương chức đến tuổi nghỉ hưu. Thời buổi mật ít ruồi nhiều, bao kẻ tranh giành, nhăm nhe, bà biết hết. Ngoài ra còn bao nhiêu những chức vụ lẻ tẻ khác mà thiếu chữ ký của chồng bà thì có mà lên bằng niềm tin. Vì thế, bà đã chuẩn bị một kế hoạch hoàn hảo để sẵn sàng đối phó với cơn bão tiền đang chuẩn bị đổ bộ vào nhà bà.

Hôm nay mới hăm ba tháng chạp, ngày ông Táo chầu trời, bà chỉ chuẩn bị qua loa cho phải phép, bởi tầm dăm hôm nữa, những dòng sông của cải kia mới đổ thác về. Năm nào cũng thế, nhà bà tự dựng lên cái ngày gọi là báo ân tổ tiên, ngày đó nhằm hăm tám tết. Bà mỉm cười, lòng rộn ràng phơi phới. Nhìn bà ra dáng một nhất phẩm phu nhân, áo quần nhung lụa quý phái thời thượng, miệng thét ra lửa, lời nói trọng lượng, mềm dẻo và hiệu quả. Người quen lâu khó đoán bà đang nghĩ gì, vui hay buồn. Người mới gặp ngỡ trước mắt mình là một nhân đức, có lòng thương người biển cả bao la. Câu mà bà hay cửa miệng “Ôi, quý hoá quá”, “Mấy khi gia đình được chiếu cố”, “Có đáng gì đâu, chỉ là mái tranh chị Dậu lấy chỗ che nắng che mưa”. Và như thế, chắc chắn một điều là không mấy ai còn nhớ thuở hàn vi, bà chân lấm tay bùn lam lũ, tất tả ngược xuôi sớm tối, đầu tóc tổ quạ lo cái ăn cái mặc cho từng ấy miệng ăn. Trong gia đình, mọi phú quý sung túc ngày hôm nay đều từ một tay bà sắp đặt, do đó chồng con sợ bà một phép. Ông Tuần ngả mình trên chiếc sô pha cao cấp êm ái, tạng người khí to béo quá, mặt da ghế tưởng như bẹp sát xuống nền sàn gỗ. Cái mắt ti hí bị che lấp bởi lớp mỡ trên lông mày chảy xệ xuống, nhưng cũng may là khuôn mặt cùng đôi tai to bù lại. Thế mạnh của ông là chất giọng, nó sang sảng, vừa chắc vừa uy lực khiến đối phương yếu bóng vía phải đầu hàng quy thuận ngay từ giây phút đầu tiên. Ở đời hơn nhau đòn phủ đầu, vạn sự khởi đầu nan, ông hiểu điều đó nên trong công việc chưa bao giờ bỏ lỡ sở trường ấy của mình.

Pha ấm chè Tân Cương hảo hạng, khói bốc thơm lừng, ông chậm rãi nhấm nháp. Rượu khà trà chép, không gian tĩnh lặng yên bình khiến ông nhẹ nhõm. Một nguyên nhân nữa khiến ông hào hứng là vì chiều nay đã thu xếp rất ổn thoả vấn đề nhân lực trong cuộc họp lãnh đạo cao cấp của thành phố. Đời ông những chuyện như thế này, muỗi. Trong mắt mọi người, ông vẫn luôn là một lãnh đạo tài ba và mẫu mực, đường đi nước bước của ông cao và chắc như núi Fansipan của dãy Hoàng Liên. Nhưng ông vẫn tức tay trưởng phòng bởi năm ngoái ông đưa lên mà tạ ông bằng cái phong bì nhẹ hèo, mỏng tang. Năm nay lại nhăm nhe cái ghế phó chủ tịch, có mà mơ. Chú tưởng ông là con gà công nghiệp chắc, còn lâu, cứ đợi đấy.

Đột nhiên ông bảo với vợ: “Bà nó này, cái tay giám đốc công ty Mặt Trời Vàng đã nói gì với bà chưa đấy, tôi định ký cho lão ta thầu khu đất phía tây thành phố đấy”. Bà Mẫn mặt hớn hở: “Trưa nay vừa gọi điện cho tôi, hẹn 28 âm này tới vì lão ta nói vẫn đang trong Nam, chưa ra được”. “Ờ ờ, tôi biết rồi, mấy tay trưởng phó phòng chắc cũng tới hôm đó mới đến được, bà liệu mà khu xử”.

Anh con trai cả bước xuống từ con Lexus đời mới láng cóng, sau khi cánh cửa cổng mở toang nuốt gọn con xe vào trong, rồi lại từ từ khép lại. Dáng anh giống bố, người quả bầu, bước chân có phần bệ vệ và nặng nề. Thời buổi kinh tế suy thoái, ngành thuế của anh cũng có phần kém hơn và vì thế mà năm nay nói như câu cửa miệng của thiên hạ là “đói”. Anh muốn ông Tuần đồng ý cho anh bán cái biệt thự nho nhỏ xinh xinh ở góc khuất, để anh chuyển sang nơi trung tâm hơn. Nhưng ông Tuần là người bảo thủ và có phần gia trưởng, nên anh phải lựa. Hôm nay cả nhà tề tựu đông đủ để cúng ông Táo chầu giời, không đón khách. Hai cô công chúa rồng rắn mấy đứa trẻ bi ba bi bô, con anh, con em chí choé, khu nhà bỗng sôi động hẳn lên. Cô Nhàn suốt cả ngày đầu tắt mặt tối phục vụ, nhưng cô cũng đang rất vui bởi ông bà chủ đã hứa ngày mai cho cô về. Mùi thức ăn trong bếp đủ loại sực lên khiến cô nao nao, buồn nôn. Thằng Thuân rón rén vào trong bếp, nó hù một cái khiến cô giật mình. Di chứng từ vụ tai nạn khiến mặt nó lệch hẳn đi, cái giọng lúc nào cũng như bị tắc từ trong cổ họng: “Ị àn ai ề uê à, Uân ớ ị ắm” (Chị Nhàn mai về quê à, Thuân nhớ chị lắm) Rồi nó dúi vào tay chị một sấp tiền toàn tờ mệnh giá lớn, chị hoảng hốt kêu lên: “Thuân, lấy ở đâu ra nhiều thế này?” “Ong ọt dác, ị ầm ấy y, Uân ặng ị ấy” (Trong sọt rác, chị cầm lấy đi, Thuân tặng chị đấy). Cô Nhàn run run cầm xấp bạc chạy lên phòng bà Mẫn, bà giật ngay lấy bảo: “Của tao đánh rơi đấy”. Sáng hôm sau cô Nhàn về quê, thằng Thuân khóc lóc đòi theo, bà Mẫn quát đuổi vào trong nhà. Xe đón ông Tuần đi làm đã chờ sẵn ngoài sân, trong phút chốc khu nhà trở nên vắng teo. Thằng Thuân lại làm bạn với đống đồ chơi xanh xanh đỏ đỏ, cả ngày không nói một lời nào. Bà Mẫn dành gần một tiếng đồng hồ để trang điểm. Bà tô vẽ thật kỹ, khăn áo nuột nà, bà chuẩn bị đi chùa.

II

Ngày hai mươi bốn Tết, đã khuya mà không thấy ông Tuần về, bà Mẫn sốt ruột bấm máy: “Thuê bao quý khách hiện không liên lạc được, xin quý khách vui lòng gọi lại sau”. Bà bực lắm, bởi chả mấy khi ông về muộn hay tắt máy. Trong mắt bà, ông Tuần luôn là người chồng mẫu mực, không bao giờ rượu chè, cờ bạc hay gái gú đàn đúm. Bà hết ra lại vào, lòng như có lửa đốt. Sắp đến ngày hệ trọng, mọi thứ cần sắm sửa, lên danh sách khách khứa bà rất cần có sự hỗ trợ của ông. Ông Tuần ơi là ông Tuần, sao hôm nay ông lại hư đốn thế hả? Bà sôi tiết khe khẽ rít lên trong cổ họng. Quá nửa đêm, anh lái xe mới đưa ông về. Ông say quá, miệng sặc sụa mùi rượu, người mềm oặt. Thỉnh thoảng lại ưỡn bụng lên, các thứ cho vào lúc tối, bây giờ ra bằng hết. Cái mùi đặc trưng từ đống hỗn độn ấy xộc lên khiến bà Mẫn chun mũi, nhăn nhó … Hai con chó thường ngày háu ăn là vậy, nhưng thấy đống nôn, chúng cũng chỉ dí dí mõm vào một chút rồi ăng ẳng quay đầu chạy xổ ra sân.

Gần sáng, bà Mẫn bỗng tỉnh dậy bởi những tiếng nấc của ông Tuần, bà hoảng hốt bật đèn và lay ông, rồi hết sờ lên mũi lại xuống ngực. Hơi thở ông Tuần cứ yếu dần, yếu dần, nhịp tim cũng chậm dần chậm dần. Linh cảm có chuyện chẳng lành, liền với chiếc điện thoại gọi ngay cho thằng con bác sỹ, mươi phút sau thì cả nhà đã có mặt. Anh Tuấn mặt thẫn thờ buông ống nghe và nức nở: “Bố đi rồi.”. Hai cô con gái nghe bố chết toan gào lên thì bà Mẫn quát: “Chúng mày im mồm, cấm làm ầm ĩ. Tất cả mọi việc để tao lo.”…

Thời gian lặng lẽ. Hăm nhăm. Hăm sáu. Hăm bảy…

Ngày hăm tám Tết, nhà bà Mẫn khách khứa ra vào nườm nượp. Bà Mẫn áo quần là lượt, tươi cười đón tiếp. Anh con cả oai phong trong bộ veton cáu cạnh, tay bắt bắt, miệng nói nói, cười cười. Thời tiết năm nay cũng lạ, nóng như mùa hè. Hệ thống làm mát hoạt động hết công suất mà khách khứa lẫn gia chủ vẫn đổ mồ hôi. Bọn nhà bếp phục vụ luôn chân luôn tay mà không ngơi việc. Bà Mẫn luôn miệng: “Vâng quý hoá quá, cảm ơn anh.”. “Ông nhà tôi hôm nay về quê có việc của họ”. “Dạ vâng, chị đừng khách sáo thế, chỗ người nhà cả mà.”. Khách khứa ra vào tấp nập, càng lúc càng đông. Anh Tuân mặt đỏ gay luôn miệng: “Nào chúng ta cạn ly mừng thắng lợi,”. “Chúc mừng năm mới.”. “Đến Cao Bằng rồi, nào Bắc Cạn thôi.”. “Trăm phần trăm nhé?”.

Khu bếp liền với nhà trên khá rộng rãi, cửa mép phải thông ra sân nên mỗi khi nhà có cỗ, việc phục vụ rất tiện lợi. Phía trong cùng là căn phòng nhỏ của cô Nhàn. Cô đã về quê nên đóng cửa im ỉm. Trước cửa phòng cô, anh Tuấn lòng lặng trĩu, căng thẳng, đi đi lại lại. Với khuôn mặt thiểu não này, anh bị cấm tiếp khách. Nhiệm vụ anh hôm nay là ở đây. Bọn nhà bếp nghĩ chắc chắn anh đang quản lý chúng, thành thử cứ răm rắp, việc nào gọn ghẽ việc nấy. Anh nghĩ miên man, lòng tê tái sầu thảm. Cái xã hội nhộn nhạo kim tiền đã tràn vào gia đình anh từ lâu, mình anh không thể chống nổi. Anh thương cha vô cùng nhưng cũng giận ông. Anh trách oán mẹ tham lam, tàn nhẫn vô tình. Ở bệnh viện, anh là bác sĩ chỉ lo chuyên môn, tối ngày vì người bệnh. Bao nhiêu lần ban giám đốc cất nhắc, đề bạt lên vị trí nọ vị trí kia nhưng anh toàn từ chối. Với anh lương tâm trách nhiệm và được thoả sức cho đam mê là nguồn hạnh phúc vô bờ bến. Luận án Tiến sĩ mà anh vừa bảo vệ thành công cùng sự kính trọng của đồng nghiệp, của người bệnh chính là minh chứng cho điều đó. Anh ít nói, mọi câu trả lời của anh thể hiện bằng hành động và kết quả. Nhưng dao sắc không gọt được chuôi, tình huống éo le nghiệt ngã, không lối thoát khiến anh đau, nỗi đau tự trong tim, tắc nghẹn. Anh vẫn con nhớ như in một bận hai bố con anh tranh luận về sự liêm khiết của người làm quan. Lần đó anh nói với cha về điển tích Tứ Tri, đại để câu chuyện về Dương Chấn nhậm chức thái thú quận Đông Lai khi qua đất Xương Ấp, quan huyện ở đấy là Vương Mật đang đêm đem vàng bạc đến lễ. Dương Chấn bảo: "Trước tôi biết ông là người khá, mới cử ông lên, thế mà ông vẫn chưa biết bụng tôi, còn đem vàng tới cho tôi sao?". Vương Mật cố nài, thưa rằng: "Xin ngài cứ nhận cho, bây giờ đêm khuya không ai biết.". Dương Chấn nói : "Trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết, sao lại bảo là không ai biết.". Nghe xong, ông Tuần cười ha hả bảo “Anh còn non lắm, sống phải thức thời. Làm quan khác gì kẻ bơi, lựa dòng quá giang, biết tận dụng thời cơ chính là Tri đấy con ạ.”. Trời đây, đất đây là của ông, những kẻ như Vương Mật ông trói chặt cả móng chân, dẫu có đến ban ngày cũng không hề gì. Lúc này thuận lợi, mưa đổ xuống mái không hứng, không nhẽ để trôi? Anh nghe vậy thở dài, tích xưa Tăng Sâm sát nhân, sự thật rành rành mà có nhiều kẻ nói trái ấy vậy còn có người tin nữa là. Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó thoát. Những việc ông làm anh đều biết, nhưng chẳng lẽ con lại tố cha? Có lần mẹ anh chì chiết “Cho mày ăn học đầy đủ để lên giọng dạy đời đấy à. Thật phí cơm phí gạo.”.Nhớ tới đây, giọt nước mắt dù cố nén mà vẫn lăn dài trên má anh, khiến mấy chị phục vụ rất đỗi ngạc nhiên và thắc mắc nhà vui thế mà sao bác sĩ Tuấn lại khóc?

Tới gần trưa thì sân nhà đã chật cứng quan khách, kẻ nói người cười thật rôm rả. Miệng bà Mẫn có vẻ rộng ra do nói nhiều quá, cười nhiều quá. Trên bàn thờ đã ăm ắp phong bì và đồ lễ đắt tiền. Thỉnh thoảng bà tự tay đỡ lấy lễ vật người ta mang đến cứ như là trân trọng khách lắm, nhưng thực ra, bà vờ thế để ngó qua và ước lượng xem đã được bao nhiêu. Bà chắc mẩm, tổng thu được ngày hôm nay sẽ lên tới bạc tỷ, sau này dù đến chết bà cũng không kiếm một góc số đó. Ông Tuần, ông hẵng cứ nằm yên đấy đã nhé, đừng trách tôi, tiệc tan tôi sẽ phát tang làm ma cho ông thật to.

Bỗng từ phía nhà bếp có tiếng la thất thanh “Bớ người ta, có người chết.”. Bà Mẫn và anh cả Tuân chưa kịp phản ứng thì mọi người đã đổ xô tới. Một cảnh tượng rùng rợn diễn ra trước mắt: Xác ông Tuần cuộn tròn trong chiếc tủ đá lớn, cứng đờ, lạnh ngắt, đóng tuyết. Thì ra, tình cờ lúc anh Tuấn ra ngoài, có ông khách uống nhiều quá buồn đi vệ sinh, mắt mũi thế nào mà lại lao đầu vào phòng của cô Nhàn. Lúc phát hiện mình đã vào nhầm, nhưng lại nhìn thấy chiếc tủ kem nằm chềnh ềnh ngay trước mặt, đang khát nước, ông ta tưởng trong có đồ uống lạnh liền mở ra, chính vì thế mới xảy ra cơ sự.

Trong lúc bà Mẫn và các con còn đang bối rối ở nhà bếp thì trên nhà, nơi điện thờ, những chiếc phong bì cùng đồ lễ lần lượt trở về với chủ cũ. Rồi họ ra khu để xe nhanh như lúc đến, khiến khoảng sân phút chốc vắng tanh. Bàn ghế ngổn ngang, đồ ăn vương vãi.

III

Lễ cúng bốn mươi chín ngày ông Tuần im ắng, vắng teo. Hàng xóm thấy thập thò trước cổng nhà bà Mẫn có một người phụ nữ vác cái bụng lùm lùm. Chị không dám vào bởi chị biết, tác giả đứa con trong bụng chị giờ đã trở thành thiên cổ. Buồn rầu, lặng lẽ vái vọng mấy cái rồi quay lưng, chị đi thẳng ra con đường lớn, nhanh chóng hoà vào dòng người xe cộ đông đúc xô bồ.

Người phụ nữ ấy chính là cô Nhàn, chị được công ty môi giới nhân lực giới thiệu vào nhà ông Tuần làm ô sin tính tới hôm nay là tròn một năm.

VN26/2016

Khẳm một thuyền trăng - Thơ Nguyễn Nhã Tiên

Khẳm một thuyền trăng - Thơ Nguyễn Nhã Tiên

Baovannghe.vn- Tiếng lá lao xao hồn ngói đỏ/ ơn phù sa tôi phải đắp bồi
Vô thường - Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh

Vô thường - Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh

Baovannghe.vn- Thời gian/ màu cỏ khô tàn úa
Bốc thăm  - Thơ Hoàng Việt Hằng

Bốc thăm - Thơ Hoàng Việt Hằng

Baovannghe.vn- Thời bao cấp bốc thăm từ cái kim cuộn chỉ/ lốp xe đạp thống nhất, phích Rạng đông
Tiếng chiêng và Ngọn lửa. Tản văn của Uông Thái Biểu

Tiếng chiêng và Ngọn lửa. Tản văn của Uông Thái Biểu

Baovannghe.vn - Trong tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc, lửa đã thắp sáng tâm linh của họ. Họ hướng về ngọn lửa như hướng về một thế giới huyền bí.
Những khát vọng đổi mới trong xung đột kịch giai đoạn 1975 - 1985 dưới góc nhìn đương đại

Những khát vọng đổi mới trong xung đột kịch giai đoạn 1975 - 1985 dưới góc nhìn đương đại

Baovannghe.vn - Từ những xung đột nội tâm trên sân khấu kịch nói, có thể thấy văn học nghệ thuật 1975-1985 đã chuyển hướng khám phá chiều sâu tâm hồn con người