Sáng tác

Mèo hoang. Truyện ngắn của Đặng Thiều Quang

Đặng Thiều Quang
Truyện
03:00 | 24/08/2024
Baovannghe.vn - Anh ta tên là Thắng sống trong khu ổ chuột gần chung cư cao tầng. Nhà của anh là một cái côngtenna han gỉ. Không ai rõ anh ta làm gì từ đâu tới
aa
Mèo hoang. Truyện ngắn của Đặng Thiều Quang
Mèo hoang - truyện ngắn của Đặng Thiều Quang

Căn phòng kín đáo bởi vô số bụi cây dại mọc um tùm bao quanh, những cây ké, đom đóm, cúc tần... Ngay gần đó là một sân bóng loang lổ các vũng nước, chiều chiều thanh niên quần nhau và dầm bùn, gọi nôm na thì đấy là đá bóng. Kế tiếp sân bóng là công trường trộn bê tông ngổn ngang cần trục, cả một cái xác của xe tải nữa, dây leo đã bò vào cabin. Ban đêm nhìn cái xe thật đáng sợ, giữa nền thẫm nhợt nhạt nơi công trường, hiện lên hai cái hốc đen ngòm mà trước kia vốn đã là hai tấm kính chắn buồng lái. Nó làm người ta liên tưởng đến một chiếc khô lâu đang nhìn mình với hốc mắt sâu hoắm.

Ngày xưa tất cả những thứ đó: Xe tải, cần trục, công trường, máy trộn vữa, đã từng hoạt động tấp nập để đúc panel. Và giờ đây, panel đã biến thành cả một khu chung cư cao tầng rộng lớn. Còn công trường thì trở thành bãi tha ma của các loại máy móc, xe cộ. Mẫu nhà lắp ghép cũ không còn thích hợp nữa, đã kéo theo cái chết ngắc ngoải của xí nghiệp xây dựng tấm lớn.

Người ta luôn tránh xa bãi đất hoang nơi công trường khi đêm xuống. Những đêm trăng mới rùng rợn, thanh cần trục giống như khúc xương nham nhở chọc lên trời, xung quanh bàng bạc một màu, và cây dại phất phơ theo gió. Còn chiếc xe nát, nó giương đôi mắt đen ngòm nhìn về phía cửa sổ sáng đèn của khu nhà cao tầng, cái nhìn u tối và lạnh lẽo, khiến những cư dân hay xúc động của khu chung cư khép cánh cửa sổ lại một cách vô thức khi chợt nhìn thấy nó.

Nhưng họ không ngờ rằng còn một đôi mắt nữa, đó là anh Thắng. Đêm đêm anh ngồi trong chiếc côngtennơ và đăm đăm nhìn ánh đèn lung linh của khu nhà lắp ghép. Anh cứ ngồi ngắm mê mải như vậy suốt buổi tối. Từ nơi đó vọng lại tiếng nhạc của cátxét, của tivi, âm thanh rất yếu, chỉ vừa đủ để nhận ra. Như thành phản xạ của con chó với tiếng khua bát đũa, Thắng thở dài âm thầm mỗi khi nhận ra tiếng nhạc của bản tin tiếng Pháp vọng lại kết thúc buổi truyền hình. Anh biết sau đó những ánh đèn cuối cùng sẽ lần lượt tắt hết. Cả khu chung cư sẽ trở thành những khối đen thẫm trải dài về cuối chân trời, nơi ánh đèn thành phố hắt lên mây tạo ra một quầng sáng mờ mờ, xa xăm. Anh buồn.

Lúc đó chỉ còn việc đi ngủ mà thôi. Vừa ban nãy thôi, sự sống tồn tại ở ánh đèn nêông sáng xanh sau các ô cửa sổ, ở tiếng nhạc phát ra từ máy thu hình, đôi khi anh còn nghe thấy tiếng người gọi nhau ơi ới vọng lại giữa các dãy nhà nữa. Vậy mà bây giờ, tất cả đang chìm vào quên lãng, họ thản nhiên bỏ lại một ngày, để hôm sau đón ngày mới. Họ, những cư dân ấy, không biết rằng ánh đèn trải dài các dãy nhà, hiện lên vô cùng đẹp, như dải ngân hà của đêm hè. Đôi khi mắt Thắng nhòa đi, anh thấy chúng không nhấp nháy như các vì sao nữa, mà ánh đèn như hắt bóng dưới lòng sông, khẽ lay động hội nhập vào nhau, rồi lại tách ra.

Đêm khuya chỉ còn tiếng xe chở rác vọng lại. Những chiếc xe chạy đến bãi thải, lao điên cuồng qua các con đường vắng. Nhưng ngay cả tiếng ầm ầm vọng lại cũng hết sức xa xăm, thậm chí như không có thực. Tiếng còi tàu vào ga lan đi suốt thành phố, nhưng nó còn có vẻ xa xăm hơn nữa. Đêm lạnh. Chiếc côngtennơ bám đầy sương.

Thắng lặng lẽ sờ vào vỏ sắt lạnh lẽo, anh cảm thấy rõ sự tồn tại lạnh lùng của nó, cái gọi là căn nhà anh.

Người ta biết anh là một sinh vật vô hại. Sinh vật ấy có mái tóc bú rù và đôi mắt của kẻ bị bệnh mộng du. Nếu nói anh là con nghiện thì cũng chẳng ai ngạc nhiên. Họ cũng sẽ không tin vào chứng bệnh thần kinh, vì anh là một kẻ tằn tiện khủng khiếp.

Chủ quán sẽ sai lầm nếu thối lại tiền của anh thiếu mất một trăm đồng. Thắng sẽ quanh quẩn ở quán nước đó cả ngày, và sẵn sàng thức cùng chủ quán cho đến hôm sau. Còn như kẻ kia, cho đến một lúc nào đó, bỗng băn khoăn tự hỏi "hắn lởn vởn mãi ở đây làm cái gì thế nhỉ?"

Tất nhiên người ta sẽ biết vì cái gì khi nhớ ra đức tính cần kiệm của Thắng. Anh ấy không nhắc gì đâu, nhưng cứ cười hiền lành và lảm nhảm đủ thứ chuyện. Đại loại câu chuyện sẽ là theo kiểu gà gật ngủ.

- Dân xóm liều chúng nó thật lắm chuyện - Anh ngáp một cái thật dài khẳng định tính chất vặt vãnh của câu chuyện mình kể, rồi uể oải nói tiếp - Bọn nó định lấy cái nhà của em. Bác biết rồi đấy, cái thùng sắt ấy mà. Bác biết em bảo sao không, em bảo khi nào mua được một phòng trên khu nhà tầng thì biếu không chúng nó cái thùng sắt gỉ ấy.

- Cậu định mua nhà...

- Thì cũng định như thế - Anh lim dim - Ngày trước em là công nhân đội 2 đúc Panel đấy chứ. Bác không phải thợ thì không biết đâu. Em có sổ tiết kiệm, thì cũng túc tắc ấy mà, kiến tha lâu thì... Chậc! Em cũng chán cho các bố nhà mình, hơi đâu mà đi lo hộ. Cái lão Xuân đội phó ấy, chắc bác biết...

- Ừm! Ừm!...

- Em cũng nghĩ rồi.., thì cũng thế cả... kể ra leo cầu thang cũng mệt... ai mà chả thế, leo mãi cũng quen, có ai định bán thì bác bảo em một câu, tầng năm cũng đành vậy. Em thì tầng nào chả được... Bác cho chén nước. Trời lạnh thế!... Thế là hết nốt trăm lẻ lúc nãy... Chậc! Trời lạnh ghê| - Anh so vai lại lùi thụt vào trong ghế, rồi thở dài - Có cái nhà ra hồn rồi đi làm nó yên tâm.

Thế rồi anh hớp nốt chén nước, đứng dậy ngáp và lũng thững đi về, yên tâm rằng đã tiêu nốt trăm lẻ mà người ta thiếu.

Không ai biết anh làm nghề gì, anh cứ lang thang đâu đó, cả ngày vật vờ như bóng ma. Chẳng ai để ý đến anh. Gặp ai anh cũng đôi lần nhắc đến cái thời mà khu chung cư còn dang xây dở với "các bố nhà mình". Người ta chỉ ậm ừ cho qua chuyện và hiểu rằng có giàn giáo, que hàn, tai nạn... trong câu chuyện của anh. Anh không đòi hỏi người nghe phải đáp lại, miễn anh được kể trước mặt họ là đã yên tâm rồi. Anh kể, rồi thỉnh thoảng ư ử trong họng bài hát "Bài ca xây dựng" Rõ ràng là anh chẳng hiểu tí gì về vôi vữa và công việc xây dựng cả. Có lần người ta cơi nới, nhờ anh đến làm giúp. Anh vui vẻ nhận lời rồi đến đấy chỉ lảm nhảm các chỉ tiêu xây dựng chẳng ai hiểu nổi, sau đó trò chuyện tâm đắc với cánh thợ và ngồi ăn cùng họ. Mặt anh sáng hơn mọi khi, thích thú với các mẩu chuyện uể oải của mình.

Có lần người ta nhìn thấy anh nhặt túi nilông ở bãi rác anh cười: "Mình nhét gói thuốc lào vào túi nilông rồi quên xừ nó mất, đâm ra mất công tìm."

Dù thế, người ta vẫn ngờ rằng nghề thực sự của anh là bới rác. Anh thông thuộc từng ngõ ngách, từng gầm cầu thang mỗi dãy nhà. Anh có đôi mắt của mèo, ban đêm bắt ánh điện, trở nên sáng rực. Còn ban ngày, anh trở lại hình dáng của kẻ mộng du.

Không. Thắng không phải là kẻ bới rác kiếm ăn, lại càng không phải cựu công nhân xây dụng. Anh là kẻ khao khát ánh đèn, cũng có thể anh là mèo hoang.

Đêm đêm, anh cứ ngồi lặng lẽ trong thùng sắt gỉ, mắt anh bắt ánh đèn sáng rực lên trong bóng tối. Xung quanh là bãi tha ma của sắt thép han gỉ, của những tấm panel vỡ, ố loang lổ theo thời gian. Còn cây dại, ngày càng ken dày hơn, dưới ánh trăng, chúng vẫn phất thơ theo gió. Bọn trẻ con đâm sợ, ban tối không dám tụ tập lai vãng nữa. Thỉnh thoảng lũ trộm đi ăn đêm dừng lại chia chác, rồi chúng cũng mau chóng bỏ đi.

Thắng vẫn thở dài mỗi khi tiếng nhạc vọng lại báo hiệu kết thúc buổi truyền hình. Anh còn biết rõ những nhà nào thỉnh thoảng thức khuya, anh dần dần biết rõ cả chủ nhà nữa, nó như một hành động không chủ ý. Anh tò mò quan sát họ từng người một, cho đến khi thuộc từng khuôn mặt và thói quen của họ. Ban đầu là khu nhà gần nhất, rồi sau đó tiến dần về phía chân trời, nơi ánh điện tỏa quầng mờ ảo. Cái nhà đèn vàng có ông đeo kính hay hỉ mũi, ông ta hay thức khuya. Nhà có ánh đèn nê ông màu xanh ma quái là gia đình có năm người, khuôn mặt họ quàu quặu, họ luôn cãi nhau thì phải. Anh không hiểu nổi họ, nhưng nhà ấy bao giờ cũng tắt đèn sớm nhất. Cái cửa sổ tít xa màu đỏ có chứa một kẻ độc thân lầm lũi, không có gì đáng chú ý, luôn tắt đèn đều đặn...

Vô số những ngôi nhà, anh biết tất, chứng kiến tất vào ban đêm, nhìn trộm họ vào ban ngày. Nhưng họ luôn trở nên lạ lùng, vì anh không hiểu gì về họ ngoài cái vẻ bề ngoài và lịch trình hành động, giờ giấc tắt điện, màu bóng điện... Anh không lí giải mà chỉ quan sát và nắm bắt họ trong đôi mắt của mình.

Anh thèm khát một căn nhà, một ngọn đèn điện như thế, giống của họ. Có lẽ đó là cách lí giải và cách tìm câu trả lời của anh.

Từ cái ngày anh dọn vào ở thùng côngtennơ kia đến nay đã vài năm. Đã lác đác vài kẻ bắt chước, dân bụi bặm, họ chiếm hữu những thùng sắt kế tiếp.

Người ta bắt gặp thêm mấy lần anh bới rác ở tận đầu kia thành phố, có lần lại thấy anh bẽn lẽn ở quỹ tiết kiệm, họ hiểu anh đang làm con kiến tha mồi.

*

Vào cuối năm nay, anh tìm ra được một căn hộ có thể mua được. Chủ nhà ngạc nhiên khi thấy anh biết rõ từng sở thích, thói quen của mình.

- Bác ở một mình - Anh nói - Bác hay tắt đèn lúc đài tút tút.

- Sao anh biết? - Ông già ngạc nhiên.

- Cháu nhìn thấy - Anh lờ đờ nhìn ông - Dạo này bác hay thức khuya, có người nào mới đến thì phải.

- Đúng rồi! - Ông già thốt lên - Thằng con tôi nó giục bán nhà, nó ở đây gần tháng nay rồi...

Họ mặc cả rất lâu. Ông già ngạc nhiên hơn nữa khi Thắng đọc vanh vách giá cả từng loại căn phòng trên khắp các khu nhà lắp ghép trong thành phố, có điều đó là giá mua bán mấy năm về trước.

- Bác ạ! - Thắng kết luận một cách lười nhác - Cách đây vài năm cháu nhắm kĩ các khu rồi, nhưng từ mấy năm gần đây... Chậc... Cháu thích cái cửa sổ. Mà có đèn nữa... Trước cháu không đủ tiền, giờ thì túc tắc... Chậc... Cũng đủ mua. Có cái nhà... Chậc! Đi làm cũng yên tâm.

Thế là họ thỏa thuận xong. Thắng bỏ đi, cái côngtennơ bị chiếm dụng ngay.

Giờ thì không quay lại đó được nữa, anh dò dẫm leo lên cầu thang. Căn nhà của anh ở trên kia, anh chờ đợi để được biết về ánh điện nhấp nháy như vì sao ấy.

Còn chút nữa thôi là trời tối, anh bật sẵn đèn, căn phòng trống trải. Nó là của anh tất cả tấm tường panel, cả đèn đóm, cửa sổ. Phía dưới kia công trường hoang hiện lên xam xám dưới ánh chiều, anh quay vào phòng bó gối đợi trời tối hẳn.

Anh đợi mãi mà mọi thứ cũ sáng choang hết cả, không có gì mờ ảo lung linh, cũng không có gì rõ ràng. Anh kiên trì quan sát căn phòng, nó trống trơn như bao bức tường nhà người khác anh đã thấy.

Anh mò mẫm về phía công trường bỏ hoang. Giờ thì không còn gì nữa. Căn phòng lung linh ánh điện kia không bao giờ là của anh được, cái côngtennơ cũng đã mất.

Anh đã thực sự là mèo hoang, với đôi mắt cháy rực nhìn về phía những ô cửa sổ lung linh ánh sáng.

Mèo hoang đã nhìn với đôi mắt như vậy. Anh là đôi mắt bắt ánh đèn, sáng xanh như những ô cửa sổ, chúng chỉ lung linh khi ngắm từ xa.

Còn cư dân quanh đấy, họ có hơi băn khoăn trước sự biến mất của anh.

Sau thì cũng chẳng ai nhắc đến nữa.

Đặng Thiều Quang | Báo Văn Nghệ

---------

Bài viết cùng chuyên mục:

Đọc văn, đọc truyện Đọc truyện: Chờ người trong tranh - Truyện ngắn dự thi của Đặng Ngọc Hùng Đọc truyện: Lửa trạng nguyên. Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân Đọc truyện: Bên sông giặt áo - Truyện ngắn dự thi của Bảo Thương Đọc truyện: Ngọc lan trắng. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thanh Bình
Văn nghệ Trẻ, số 8/1997
Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Baovannghe.vn - Nhà văn Nguyễn Chí Trung trưởng thành từ thiếu sinh quân. Đi lính từ bé và làm cán bộ đại đội từ trẻ - ngày nền nông nghiệp của ta xứng danh với cái tên “nghèo nàn và lạc hậu” thì ông hòa nhập vào lớp thanh niên “vượt lên hàng đầu, vượt là vượt như tên bay”...