Sự kiện & Bình luận

Miền Tây đang khát

Tiếng nói nhà văn
13:37 | 14/06/2024
Miền Tây Nam Bộ, đất Chín Rồng, miền sông nước thế mà đang khát, đang thiếu nước sinh hoạt, đang được tiếp nước hằng ngày Vâng, tôi vừa có chuyến “phượt” miền Tây khá dài ngày, lộn đi lộn lại mấy tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bến Tre đi giữa những ngày nắng nóng nhất, không chỉ ở thành phố, mà về các miệt vườn, về vùng sâu vùng xa, vùng Đồng Tháp Mười và các cù lao, cồn bãi cả đi xe và đi thuyền và chứng kiến cái hạn, cái thiếu nước ngọt trầm trọng ở miền sông nước này
aa

Miền Tây Nam Bộ, đất Chín Rồng, miền sông nước... thế mà đang khát, đang thiếu nước sinh hoạt, đang được tiếp nước hằng ngày... Vâng, tôi vừa có chuyến “phượt” miền Tây khá dài ngày, lộn đi lộn lại mấy tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bến Tre... đi giữa những ngày nắng nóng nhất, không chỉ ở thành phố, mà về các miệt vườn, về vùng sâu vùng xa, vùng Đồng Tháp Mười và các cù lao, cồn bãi... cả đi xe và đi thuyền và chứng kiến cái hạn, cái thiếu nước ngọt trầm trọng ở miền sông nước này.

Trở về nhà, đọc báo, thấy liên tục trên các báo trong nước đưa tin cơ quan này đoàn thể kia tặng nước ngọt cho dân miền Tây. Hôm qua một tờ báo đưa tin một đơn vị công an tặng hàng ngàn bình nước ngọt cho dân vùng khát. Nó chỉ là những bình nước 2 lít đến 5 lít chứ không nhiều nhặn gì. Và tôi hình dung mỗi nhà tằn tiện với những bình nước như thế để qua ngày dưới cái nắng nóng đổ lửa miền Tây những ngày này...

Tôi đã từng chứng kiến những mùa khô Tây Nguyên thuở còn đúng nghĩa mùa khô, những thập niên 80 của thế kỷ trước, cái thời bà con chỉ trông chờ hoàn toàn vào nước tự nhiên. Mùa khô Tây Nguyên, những con suối cạn kiệt hết. Ngay ở các lưu vực sông, như sông Pa chẳng hạn, bà con phải đào những cái hố lắng nước. Rồi hàng ngày ra gùi nước về. Hoặc những giọt nước, là những chỗ bà con chọn vị trí thuận tiện, rồi dùng hệ thống máng bằng tre nứa vầu... dẫn nước về đấy, làm giọt nước của làng. Mùa khô nước ri rỉ như... nước đái nhện, xếp hàng lấy nước như ta xếp hàng thời bao cấp. Gùi nước cũng nhiêu khê: lấy nước vào từng quả bầu, xếp các quả bầu ấy vào gùi rồi gùi về, đa phần là phải leo ngược dốc. Về xếp những quả bầu đựng nước ấy vào sát vách. Rồi hàng ngày dùng nước chắt ra từ những quả bầu ấy, hết sức tiết kiệm, chủ yếu để nấu ăn và uống, trực tiếp từ quả bầu, không cần đun sôi. Nhưng bà con đã quen rồi, thời tiết ấy, khí hậu ấy, văn hóa ấy... đã khiến họ quen với cách dùng nước tiết kiệm, hết sức tiết kiệm như thế.

Tôi cũng vừa tham dự một cuộc du khảo trên sông Tiền, để bàn về “chuyện của những dòng sông”. Một người thốt lên: Đi giữa nước mà thiếu nước, mà khát! Và ngay trên du thuyền ấy, mọi người tự giác đóng góp tiền để mua nước ngọt tặng bà con vùng sông nước miền Tây...

Cái câu “đi giữa nước mà thiếu nước, mà khát” nó xa xót biết bao nhiêu!

Tôi không phải nhà khoa học về nước, về thủy văn, nhưng vẫn láng máng biết rằng, nước ta ở vào vùng rất nhiều nước, vì bên trong có sông, bên ngoài có biển bao bọc. Và trên đất nước ta, thì miền Tây Nam Bộ là nhiều nước nhất. Miền Bắc, miền Trung lúc khô hạn thì rất khô hạn, nhưng lúc lũ lụt thì cũng rất kinh, ấy bởi vì các con sông dốc do phụ thuộc địa hình. Bình thường êm đềm thế, nhưng mùa lũ, nước cuồn cuộn. Nên một trong những công trình vĩ đại bởi sức người ở miền Bắc là các con đê. Nhưng miền Tây Nam Bộ, ta không gặp một con đê đúng nghĩa nào, là bởi cả vùng này là nước, nước lừ lừ lên rồi xuống, hiền hòa và tuần tự, không tạo áp lực cho đời sống. Bà con sống chung với lũ, lũ làm cho đời sống trù phú. Lũ chính là nguồn sống vô tận của bà con ở đây. Miền Tây với hệ thống kênh rạch chằng chịt làm thành một bản sắc đời sống và văn hóa sông nước. Theo thống kê chưa đầy đủ, miền Tây Nam Bộ có khoảng 54.000km chiều dài sông rạch. Nguyên cách gọi tên thôi, lúc nào là sông, kênh, rạch, xẻo; lúc nào là vàm, cái, hóc... vân vân, tôi ngồi với một số nhà văn ở miền Tây một buổi để nghe giảng giải mà không thể nào nhớ hết được. Nó chứng tỏ sự phong phú và mênh mông sông nước ở đây như thế nào.

Miền Tây Nam Bộ thân thuộc và gắn bó với nước tới mức tất cả các ngôi nhà đều quay mặt ra sông, như nhà đô thị quay mặt ra đường phố vậy. Tất cả mọi giao dịch đều trên sông nên cái sự họ điều khiển ghe xuồng thật tài tình, điệu nghệ. Lần đầu tiên về miền Tây Nam Bộ, tôi đã tròn xoe mắt ngạc nhiên khi thấy những tài công điều khiển xuồng, ghe, vỏ lãi... như điều khiến xe đạp, xe máy ở trên bờ. Họ quẹo trái, rẽ phải... và đặc biệt là chạy lùi, cái sự mà xe máy không làm được, chỉ ô tô là có thể. Những cái vỏ lãi nhỏ bé hoặc tàu đò dài khượt, được gắn động cơ như ô tô, chạy trên sông như mắc cửi, vun vút nhìn hoa cả mắt...

Miền Tây Nam Bộ đấy! Nước dập dềnh, nước lé đé, nước luênh loang, nước chan hòa... Thế mà bây giờ đang khát vì hạn, hạn nặng, hạn đến mức báo động. Hạn đến mức nhiều nơi phải quyên góp... nước, quyên góp tiền mua nước, rồi ủng hộ bà con từng bình nước để tằn tiện qua ngày. Nhưng rõ ràng, cái sự tặng nước ngọt này nó chỉ là việc nhất thời, việc tạm qua ngày, không thể kéo dài được. Cần có một sự căn cơ hơn để thích ứng, như cái thời chúng ta đã thích ứng “sống chung với lũ”. Nên nhớ là lũ miền Tây Nam Bộ, đừng như có người đã nhầm tưởng lũ ấy nó giống như lụt ở miền Bắc và miền Trung, để rồi định... chống nó (!)

Tất nhiên chúng ta cũng đều biết, toàn cầu đang nóng lên, cả thế giới đang cùng lo việc... nước, cho nên cái sự miền Tây Nam Bộ thiếu nước ngọt nó cũng nằm trong cái vấn nạn chung của cả trái đất này. Mà không chỉ thiếu nước ngọt, còn cả nguy cơ xâm nhập mặn nữa. Tất nhiên, thiên nhiên luôn khôn lường, luôn bất ổn, luôn có những bất ngờ, nhưng thiên nhiên cũng luôn có những quy luật. Và rõ ràng con người luôn hết sức nhỏ bé trước tự nhiên. Chúng ta đã từng, nhiều lần, đòi chống lại tự nhiên; trong khi nhẽ ra chúng ta phải nương vào tự nhiên mà sống, thuận theo tự nhiên mà sống. Nếu có làm điều gì cũng phải phù hợp tự nhiên thì sẽ tồn tại, chứ chống lại tự nhiên, tôi e rằng rất khó, nếu không muốn nói là sẽ bị tự nhiên trả thù, mà cái sự phá gần như hết rừng Tây Nguyên rồi đồng bằng miền Trung năm nào cũng hứng lũ lụt là ví dụ. Mà không chỉ miền Trung và Tây Nguyên, một số nhà khoa học đã chứng minh rất thuyết phục là nó ảnh hưởng cả tới miền Tây Nam Bộ.

Tôi chấm dứt cuộc giang hồ miền Tây Nam Bộ bằng cú xe buýt từ thành phố Mỹ Tho lên tận cổng sân bay Tân Sơn Nhất. Từ Mỹ Tho về Gò Công cũng gần. Gò Công hiện đang là nơi hạn nặng nhất ở miền Tây. Search google thì thấy hàng ngàn bài báo về việc bà con khắp nơi ủng hộ nước ngọt cho bà con Gò Công. Lại có cả một cái tin nóng hổi: Chiều 23-5-2024, trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 29 tại Nhật Bản, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái có cuộc tiếp Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol. Tại đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định: Việt Nam tôn trọng lợi ích chính đáng của Campuchia trong xây dựng phát triển đất nước, trong đó có dự án kênh đào Funan Techo, phù hợp với quan hệ hữu nghị và các quy định liên quan của Ủy hội Mekong quốc tế (MRC). Với tinh thần đó, Việt Nam mong phía Campuchia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và MRC trong việc chia sẻ thông tin về dự án và đánh giá tác động của dự án này đối với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của lưu vực sông Mekong, bảo đảm hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông, vì sự phát triển bền vững của lưu vực và vì lợi ích người dân...

Nghĩa là, để “giải khát” cho miền Tây Nam Bộ, còn cần đến những giải pháp mang tầm khu vực và quốc tế nữa!

Nhà thơ Văn Công Hùng

Nguồn Văn nghệ số 23/2024


Dấu mốc trên hành trình tiểu thuyết

Dấu mốc trên hành trình tiểu thuyết

Baovanghe.vn - Tấn kịch ở Hạ Lỗi là tiểu thuyết thứ 6 trên hành trình tiểu thuyết của Nguyễn Nhuận Hồng Phương. Thiên truyện bắt đầu bằng cuộc hồi hương nhọc nhằn và bất đắc dĩ của thông phán Trịnh Huệ và cậu con trai Trịnh Hạ mới 7 tuổi đầu của ông.
Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Baovannghe.vn - Tối ngày 19.9.2024 Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức lễ trao Tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT năm 2023, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội)
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.