Hiện nay, nhà nước Nga không hiểu xã hội cần văn học làm gì, nên đã đánh mất mọi sự quan tâm đối với văn học. Đến lượt mình, xã hội đang đánh mất văn hóa đọc. Văn học tồn tại chủ yếu ở chiều kích “thương mại” và đang đánh mất chức năng suy ngẫm về số phận dân tộc, nhân loại, vốn luôn luôn đặc trưng đối với văn học Nga. Để hiểu thêm về vấn đề này, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cuộc trò chuyện của phóng viên báo “Văn hóa” Nga với ông Mikhail Golubkov, giáo sư khoa Ngữ văn Trường Đại học Quốc gia Moskva, Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử văn học hiện đại Nga và Tiến trình văn học đương đại Nga.
Giáo sư Mikhail Golubkov |
* Ông có thể nói điều gì đó lạc quan về tiến trình văn học ở Nga đầu thế kỷ XXI?
- Mikhail Golubkov: Chúng ta có một nền văn học rất phong phú, nhưng tiếc thay, không có tiến trình văn học. Bạn hãy tưởng tượng một cánh đồng trồng rất nhiều hoa. Ở đấy có cả hoa độc, hoa dại, hoa mẫu đơn, và hoa hồng tuyệt đẹp. Nhưng chúng ta không có một cái tháp để có thể leo lên và quan sát cánh đồng này từ trên cao. Chúng ta không nhìn thấy tất cả sự phong phú của cánh đồng này, cũng như tất cả mâu thuẫn của nó. Chúng ta chỉ nhìn thấy những gì ở bên cạnh, đó là một vài tên tuổi được tách ra từ một dòng lớn. Mỗi năm có khoảng 300 tác phẩm mới được xuất bản, có những tác phẩm thực sự rất hay. Nhưng chỉ có hai hoặc ba tên tuổi rơi vào tâm điểm chú ý và xung quanh họ bắt đầu những cuộc trò chuyện bất tận.
Kết quả là tác phẩm dường như rơi vào một vùng thiếu không khí, không tham gia đối thoại với những cuốn sách khác. Trong khi đó, tiến trình văn học đòi hỏi sự tương tác giữa các quan niệm nghệ thuật của thế giới và con người, diễn ra trong ý thức của người đọc. Quá trình tương tác được tổ chức bởi nhà phê bình. Nói một cách nghiêm khắc, nhà phê bình là người thấu hiểu các cuộc đối thoại giữa những cuốn sách, là người đại diện của bạn đọc trong văn học, hóa thân vào bạn đọc. Nhà phê bình là người đọc có trình độ chuyên môn, anh ta cố gắng nhận thức và diễn đạt những nội dung vốn có trong tác phẩm văn học, cho thấy chúng tương tác với nhau như thế nào. Than ôi, hiện nay không có sự tác động tích cực giữa người đọc, nhà văn và nhà phê bình. Tuy nhiên, vẫn có một nền văn học lớn cần được tìm hiểu và suy ngẫm.
* Liệu nhà nước có thể làm một điều gì đó trong hoàn cảnh này không?
- Văn học không còn được nhà nước quan tâm nữa. Điều đó tốt hay xấu? Đây là một câu hỏi khó. Mối quan hệ của văn học với chính quyền ở Nga chưa bao giờ dễ dàng, đặc biệt trong thời kỳ Xô viết. Tôi thường so sánh quan hệ này với một mối tình đầy sóng gió, luôn ghen tuông, nghi ngờ lẫn nhau, nó có thể kết thúc bằng đổ máu. Nhưng văn học và nhà nước có kỳ vọng lẫn nhau. Nhà nước cần văn học, văn học tìm kiếm sự hỗ trợ của chính quyền. Đôi khi, kết quả của mối tình này là nhiều khuynh hướng văn học không làm vừa lòng chính quyền Xô viết bị tiêu diệt.
Nhưng mặt khác, những khuynh hướng mới cũng xuất hiện, một trong số đó là chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, một hiện tượng rất mâu thuẫn, nhưng lý thú. Nhưng không chỉ có thế. Còn những tổ chức như Hội Nhà văn, Trường Viết văn, các dự án xuất bản và dịch thuật khổng lồ liệu có thể tồn tại được không nếu thiếu sự hỗ trợ của nhà nước? Kể cả các nhà văn, trong đó có những người thực sự đáng kính, cũng tìm kiếm mối quan hệ với chính quyền, ví dụ như Bulgakov. Xin hãy nhớ lại những bức thư nổi tiếng của các nhà văn gửi cho Stalin. Thế rồi bỗng nhiên, hai mươi năm gần đây, niềm đam mê lẫn nhau đã được thay thế bằng sự thờ ơ tuyệt đối. Văn học hoàn toàn thờ ơ với nhà nước, và nhà nước hoàn toàn thờ ơ với văn học. Năm văn học diễn ra năm 2015, theo tôi, đã phát hiện ra điều này. Chính quyền không biết tại sao văn học lại cần thiết. Vì vậy nhà nước hiện nay không thể bằng cách nào đó tác động tới tiến trình văn học.
* Nhưng phải chăng nền văn học chúng ta hiện nay không có những tài năng thực sự lớn?
- Có một hiện tượng mà tôi muốn gọi là “hiện tượng cuốn sách thứ hai”. Một trong những tác giả của ba trăm cuốn sách được xuất bản hằng năm thu được thành công và anh ta chịu sự chi phối của thị trường. Để củng cố thành công thương mại, nhà xuất bản đòi hỏi cuốn sách thứ hai. Và tác giả viết cuốn sách thứ hai, nhưng hóa ra, nó kém hơn nhiều. Điều này đã xảy ra với Guzel Yakhina. Sau thành công hoàn toàn xứng đáng của tiểu thuyết Zuleykha mở mắt, chị viết cuốn thứ hai Những đứa con của tôi, một cuốn tiểu thuyết phiêu lưu kiểu Robinson hoàn toàn không thể tưởng tượng được trong thế kỷ XX. Điều tương tự cũng xảy ra với Evgeny Vodolazkin. Tiểu thuyết Vòng nguyệt quế hay và rất nghiêm túc. Phi công kém hơn. Còn tiểu thuyết thứ ba Brisbane, theo tôi, chẳng có gì đáng nói. Nhà văn không được viết theo sự cưỡng bức của ai - dù là dùi cui của RAPP (Hiệp hội các nhà văn vô sản Nga) hay quy luật nghiệt ngã của thị trường. Nhưng những tác phẩm lớn vẫn tồn tại trong văn học, và chúng sẽ còn lại. Đó là những tác phẩm của Yury Polyakov, Aleksey Varlamov, Vladimir Sorokin. Trước đây, tôi rất thích đọc Lyudmila Ulitskaya. Hai cuốn tiểu thuyết của bà Shurik chân thành của bạn (tạm dịch) và Chuyện rắc rối của Kukotsky. Tôi cảm thấy đó là những tác phẩm rất lớn và sâu sắc.
* Trong một bài viết của mình, ông nói rằng đối với thế hệ hiện nay, văn học đã đánh mất chức năng quan trọng nhất của nó - định hướng con người trong không gian lịch sử. Tại sao lại xảy ra điều đó?
- Tôi nghĩ rằng vấn đề này có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, sự phát triển của Internet, sự phổ biến của các loại tiện ích. Kết quả là sự phát triển của tư duy cắt dán. Học sinh hiện nay gặp nhiều khó khăn khi đọc hiểu một văn bản lớn. Thứ hai, sự o ép của môn văn ở trường phổ thông. Thời chúng tôi, văn học là môn học chính. Khi thi vào bất cứ khoa nào của trường đại học, thí sinh cũng phải thi môn văn, viết bài luận, bởi vì, ngay cả khi học vật lý hay toán, bạn cũng phải thành thạo tiếng Nga, và kỹ năng này đã được kiểm chứng bằng bài luận. Bây giờ thì không. Văn học đang dần dần bị gạt ra khỏi nhà trường, qua từng tiết học. Học sinh đánh mất kỹ năng đọc. Mà đọc là một thao tác trí tuệ rất phức tạp. Từ các chữ cái nguệch ngoạc trên giấy, chúng ta tạo thành từ, từ thành câu và câu thành văn bản. Trí tuệ hoạt động cực kỳ căng thẳng trong khi đọc. Chúng ta không nhận thấy điều đó, bởi vì trong chúng ta đã hình thành kỹ năng đọc tự động. Còn học sinh hiện nay thì không. Đối với họ, đọc sách đã là một công việc khó khăn. Nói gì đến việc rút ra từ tác phẩm văn học những nội dung sâu sắc chuyển tải những mã số quan trọng nhất của đời sống dân tộc qua nhiều thế kỷ. Các loại hình nghệ thuật thị giác hiện đang lấn át các loại hình nghệ thuật ngôn từ, bởi vì chúng cần động não ít hơn. Kết quả là hình thức giải trí như đọc sách đang trở thành quá khứ.
* Ông bảo vệ luận án tiến sĩ về đề tài “Tiến trình văn học Nga những năm 1920-1930 như một hiện tượng của ý thức dân tộc”. Còn tiến trình văn học đương đại là một hiện tượng của tự ý thức dân tộc?
- Khi đọc những tác phẩm lớn, thú vị, đặc sắc, bạn thấy một số khía cạnh quan trọng nào đó của đời sống dân tộc được phản ánh trong đó. Ví dụ, các cuốn sách của Yury Polyakov hoặc Aleksey Varlamov. Đây là những nhà văn hoàn toàn khác nhau, nhưng với tôi họ đều thú vị như nhau, bởi vì họ suy tư về số phận dân tộc. Tôi có thể kể tên hai cuốn tiểu thuyết gần đây của Yury Polyakov: Cuộc sống vui vẻ, hay Tình dục ở Liên Xô (2019) và Tình yêu thời biến động (2015). Đây là những suy ngẫm rất nghiêm túc về số phận dân tộc. Cũng có thể nói như vậy về các tác phẩm của Aleksey Varlamov. Cuốn tiểu thuyết của ông Con sói tưởng tượng là hình ảnh của thế kỷ Bạc, trong đó tác giả nhìn thấy sự khởi đầu của các hiện tượng bi thảm trong toàn bộ thế kỷ XX. Linh hồn của tôi-Pavel cũng là một cuốn tiểu thuyết rất thú vị.
* Ông có thể nêu lên những khuynh hướng nào trong văn học Nga đương đại?
- Trong cuốn chuyên khảo của mình về văn học đương đại, PGS bộ môn chúng tôi, Daria Vladimirovna Krotova, bàn về chủ nghĩa tân hiện đại như một khuynh hướng quan trọng nhất trong văn học đương đại. Quan điểm rất thú vị này ngày càng được thừa nhận và phổ biến rộng rãi. Cùng với chủ nghĩa tân hiện đại trong văn học đương đại còn có chủ nghĩa hiện thực như một hệ thống thẩm mỹ phổ quát. Chủ nghĩa hậu hiện đại cũng tồn tại, mặc dù chu kỳ phát triển của nó đã kết thúc. Những tư tưởng mà chủ nghĩa hậu hiện đại có thể đưa ra đã cạn kiệt, còn những tư tưởng mới chưa xuất hiện.
* Theo ông, cần phải làm gì để đưa nhà phê bình trở lại tiến trình văn học?
- Chúng ta đang trở lại đoạn đầu cuộc trò chuyện của chúng ta. Lượng phát hành. Phải làm sao để các nhà xuất bản thương mại hiểu phê bình là gì. Rằng sách phê bình hay cũng bán chạy. Khi tiếng nói của nhà phê bình được nghe thấu, ngay lập tức anh ta trở nên cần thiết. Còn hiện nay, phê bình quả là đã thay đổi chức năng của mình. Nghĩa là, nhà phê bình không còn là nhà phân tích- nghiên cứu văn học, mà là người chào hàng, quảng cáo cho một nhà văn hoặc nhà xuất bản nào đó.
* Tương lai của văn học sẽ ra sao, nếu như văn hóa nghe nhìn đang lấn át văn hóa đọc?
- Xã hội nào văn học nấy. Nếu xã hội sẵn sàng suy tư về bản thân mình thông qua văn học, thì văn học sẽ hướng tới các giải pháp có trách nhiệm, nghiêm túc cho các vấn đề của đời sống dân tộc. Ngược lại, số lượng người đọc sẽ thu hẹp lại, và có lẽ, văn học cũng giống như người đọc. Nhưng tôi không nghĩ rằng văn học có thể biến mất. Nó tồn tại chừng nào còn tồn tại chữ viết, và là một yếu tố cần thiết của đời sống trí tuệ bất kỳ xã hội nào.
Theo báo “Văn hóa” Nga
Nguồn Văn nghệ số 22/2020