Do tác động của toàn cầu hoá, áp lực phải đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của đời sống..., các quốc gia này đua nhau phát triển bằng quy hoạch hạ tầng cơ sở đồ sộ, xây dựng những công trình “kiến trúc hiện đại” không tạo nên dấu ấn khác biệt. “Bộ mặt mới” đã làm biến mất đặc trưng văn hoá các đô thị và bản sắc văn hoá truyền thống ở vùng nông thôn.
Ở Việt Nam, bên cạnh nguyên nhân trên còn có nhiều nguyên nhân khác như hoàn cảnh chiến tranh và “đấu tranh giai cấp” lâu dài, định kiến phân biệt văn hóa vùng miền từ nhận thức và trình độ quản lý xã hội, sự hiểu biết không đầy đủ về các loại hình và giá trị di sản các thời kỳ lịch sử khác nhau, việc xây dựng quy hoạch phát triển địa phương chưa mang tầm chiến lược… đã gây ra hậu quả là di sản văn hóa vật thể và phi vật thể bị biến dạng và phá hủy ngày càng nhiều hơn.
Tuy nhiên, từ lâu trên thế giới đã có nhiều bài học kinh nghiệm, nhiều định chế thể hiện nhận thức mới về sự phong phú đa dạng của di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các khu vực, các cộng đồng, các giai đoạn lịch sử. Từ đó thông qua chính sách của nhà nước và công trình nghiên cứu khoa học, thông qua việc phổ biến và giáo dục kiến thức về di sản văn hoá, gìn giữ và trân trọng di sản đã trở thành ý thức xã hội, thể hiện bằng những hành xử đúng của chính quyền và cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa
Ở nước ta từ nhiều năm nay kéo dài tình trạng di sản văn hoá bị huỷ hoại, bị tổn thương trong quá trình đô thị hoá, hiện đại hoá. Các di tích khảo cổ bị phá huỷ, bị đào bới tìm kiếm cổ vật. Nhiều công trình cổ sau khi “hạ giải, trùng tu” thì mất đi những nét truyền thống Việt Nam, không còn đặc trưng cơ bản của công trình đó. Khu trung tâm các thành phố - “vùng di sản” của đô thị xưa - nay bị các công trình mới phá huỷ và phá vỡ cảnh quan. Nhiều văn hóa phi vật thể, nhất là các lễ hội được phục hồi sinh hoạt của hàng chục hàng trăm năm trước, tuy nhiên không còn phù hợp với cuộc sống ngày nay nên gây ra sự phản cảm và nhận thức sai lệch về giá trị lễ hội. Những “di sản” như vậy làm sao có thể trở thành tài sản quý giá để làm giàu cho hiện tại và tương lai?
Thực trạng này ngoài sự bất cập của chính sách nhà nước, việc thực thi quản lý di sản không đồng bộ, còn do “sự đứt gãy” về văn hóa trong xã hội. Một thời gian dài trong và sau chiến tranh, các công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, các công trình nghệ thuật “thời phong kiến thực dân” đã không được quan tâm, thậm chí bị phá hủy; nhiều sinh hoạt văn hóa cộng đồng như lễ hội, tín ngưỡng truyền thống... bị xóa bỏ hoặc phải sinh hoạt “bí mật”. Văn hoá đô thị, văn hoá nông thôn đều biến dạng và không còn phân biệt được do “đô thị hoá” nhanh chóng, di sản đô thị bị phá huỷ không thương tiếc trong quá trình “hiện đại hoá”.
Mặt khác, nhiều quan niệm mới về các loại hình di sản văn hoá đã chậm được đưa vào Luật Di sản, làm hạn chế nhận thức và phổ biến trong xã hội. Ví dụ, khái niệm về Di sản đô thị với hàng chục loại hình khác nhau như di sản công nghiệp, di sản cảnh quan đô thị, kiến trúc đô thị… hay khái niệm Di sản tư liệu, nhiều loại hình di sản phi vật thể… Việc nhìn nhận giá trị nhiều mặt của di sản văn hoá như giá trị lịch sử, giá trị kinh tế, giá trị truyền thông… gần đây mới được đề cập toàn diện. Chính điều này làm cho việc bảo tồn các loại hình di sản này rất khó khăn, không kịp thời và không tìm ra phương thức phù hợp để phát huy các giá trị của di sản văn hoá.
Việc bảo tồn các di sản văn hoá hiện nay vẫn còn nhiều thách thức, bao gồm cả trình độ công tác quản lý của nhà nước lẫn ý thức cộng đồng do tác động của quá trình phát triển kinh tế nhanh và nóng. Đáng chú ý là tình trạng trùng tu, phục dựng vội vàng khi chưa đủ tài liệu và căn cứ khoa học sẽ tạo ra những phiên bản “di sản giả”. Di sản giả còn tệ hơn không có di sản vì mang lại những nhận thức sai lạc, không đúng về lịch sử, văn hóa của đất nước.
Đặc biệt ở các đô thị lớn có bản sắc riêng như Hà Nội, TP.HCM thì càng không nên “rập khuôn” đô thị khác dù tiên tiến hiện đại đến đâu. Vấn đề là cần bảo tồn để phát triển sao cho đúng với bản sắc tính chất của riêng mình chứ không phải là một phiên bản của Paris hay Singapore.
Hiện nay việc bảo tồn di sản của đất nước trở nên cấp bách hơn bao giờ hết! Mỗi ngày có thể xây thêm công trình mới nhưng một ngày không bảo tồn di sản là một ngày lịch sử, văn hóa của đất nước mất đi! Di sản văn hoá là của ông cha truyền lại, mỗi thế hệ có nhiệm vụ lưu giữ bảo tồn cho chính mình và cho con cháu. Xây dựng cái mới thì thế hệ nào cũng phải làm và sẽ làm được. Nhưng bảo tồn di sản thì chỉ cần một thế hệ không làm những thế hệ sau muốn cũng không thể, vì chẳng còn gì để mà bảo tồn. Hiện nay ở nước ta, các nhân tố có vai trò và tác động đến bảo tồn di sản văn hoá gồm: chính quyền/nhà quản lý, nhà chuyên môn/tư vấn, cộng đồng dân cư đô thị và những người yêu quý di sản, nhà đầu tư/đầu cơ địa ốc. Trên thực tế nhiều năm nay, xuất phát từ nhận thức và ý thức của cả 4 nhân tố này nên trong quá trình bảo tồn di sản văn hoá của nước ta, chính quyền và nhà đầu tư đang có vai trò quyết định; nhà chuyên môn và cộng đồng ngày càng có vai trò quan trọng
Lễ hội ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh Minh Hòa |
“Mỗi thời đại đều có cách thích ứng của mình với quá khứ” nên việc tôn trọng lịch sử của cộng đồng, của quốc gia thể hiện từ sự ứng xử tử tế với di sản văn hoá. Chính sách bảo tồn di sản văn hóa của Việt Nam thường được sửa đổi và cập nhật kịp thời. Ngay trong những ngày này, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội 15, Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện nhiều nội dung.
Từ khoảng mười năm gần đây, tiếng nói của cộng đồng cùng với những chính sách cụ thể đã tạo điều kiện thúc đẩy và hỗ trợ cho các dự án bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; việc khẩn trương nghiên cứu lập hồ sơ công nhận di sản văn hóa các cấp, thực hiện tổng điều tra di sản văn hóa ở địa phương và quốc gia, khảo sát lại những di sản đã được xếp hạng để cập nhật thực trạng và giải pháp bảo tồn, ban hành nhiều quy định, quy chế cho các ngành liên quan đến di sản văn hóa… Đặc biệt quá trình quy hoạch phát triển các thành phố đều đặt vấn đề bảo tồn di sản văn hóa đô thị lên hàng đầu.
Tất cả những cố gắng đó đều nhằm một mục tiêu: Bảo tồn di sản gắn liền với phát huy giá trị di sản, thông qua kinh tế di sản, đưa cộng đồng tham gia và trực tiếp được hưởng lợi từ việc bảo tồn di sản. Từ đó bảo vệ đời sống tinh thần của cộng đồng, nâng cao kiến thức và sự hiểu biết về di sản văn hoá của toàn xã hội. Phát triển “kinh tế di sản”, “kinh tế du lịch” trong phạm vi quốc gia chứ không chỉ là nguồn lợi của một địa phương.
Di sản văn hóa là tài sản của cộng đồng, là nguồn vốn xã hội quan trọng và lâu dài. Vì vậy bảo tồn di sản không phải là một “gánh nặng” của nền kinh tế. Không có sự “mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển” mà ngày nay, bảo tồn di sản được coi là một phương thức đặc thù của phát triển bền vững, vì lợi ích của cộng đồng, vì giá trị văn hoá truyền thống của mỗi quốc gia đóng góp vào nền văn hoá chung của thế giới.