Trong nhiều sách viết về Bác Hồ, tôi đọc và thích cuốn Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng của giáo sư, tiến sĩ, nhà báo, nhà văn Trình Quang Phú, do nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật in nhân kỷ niệm 133 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-2023).
Những điều tác giả nói đến trong sách không phải cái gì cũng mới, nhiều điều có thể chúng ta đã đọc, đã nghe đâu đó, nay được tác giả hệ thống lại dưới nhãn quan của một nhà văn, nhà khoa học khiến chúng ta có một cái nhìn tương đối toàn diện, chân xác và do đó thật mới mẻ về cuộc đời hoạt động cách mạng của Người từ lúc sinh ra cho đến lúc trở thành vị lãnh tụ tối cao của dân tộc.
Sách chia làm hai phần. Phần thứ nhất Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng gồm 10 bài mang tính sử liệu về cuộc đời của Bác: Sinh năm 1890 ở làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; 5 tuổi (1895) theo cha mẹ vào Huế; 11 tuổi (1901) mẹ mất, cùng cha trở về quê; 16 tuổi (1906) theo cha vào Huế lần hai, học Trường Tiểu học Pháp – Việt Đông Ba và Trường Quốc học; 19 tuổi (1909) bỏ Trường Quốc học rời Huế vào Bình Định; 20 tuổi (1910) vào Phan Thiết; 21 tuổi (1911) vào Sài Gòn; ngày 3/6/1911 xuống tàu Amiral Latouche Tréville làm phụ bếp, lương tháng Sáu 50 phơrăng, trong khi những người bồi Pháp làm việc rất nhàn nhã thì lương gấp ba lần lương Bác; hai ngày sau, 5/6/2011 tàu chở Bác cùng 72 thủy thủ rời bến Nhà Rồng viễn dương; và ngày 06/7/1911, lần đầu tiên Bác đặt chân đến Pháp. Từ đây Người “sương tuyết bôn ba” hoạt động cách mạng ở hải ngoại…
Mở đầu tập sách, tác giả đã dành những dòng chữ hào sảng, đắm say để giới thiệu về “Quê hương Bác – Xứ sen vàng”: “Kim Liên là tên gọi chung cho cả Hoàng Trù – quê ngoại và Nam Liên quê nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Là một vùng địa linh, Kim Liên nổi lên giữa dải đất Hồng Lam, xứ sở của sông sâu núi cao, rất mực hoành tráng và cũng rất trữ tình.
Dãy núi Hồng Lĩnh dài trên 20km gồm 99 ngọn cao trên 500m, nhấp nhô giữa trời xanh như một đàn ngựa chiến đang phi nước đại, tiếng vó nện âm vang sóng Biển Đông.
Sông Lam cuồn cuộn một dòng như sữa mẹ chảy từ tây sang đông, tạo nên cảnh trù phú giữa sỏi đá khô cằn, bất chấp cái nắng gió và rét buốt của vùng đất này. Trước khi hòa vào biển cả, sông như muốn làm tấm gương mênh mông cho dãy Hồng Lĩnh soi mình, như muốn làm một cánh tay ôm vòng quanh Hồng Lĩnh. Núi Hồng Lĩnh được mệnh danh là núi thơ có thể cũng do sự gặp gỡ hữu tình giữa non với nước nơi này”.
Địa linh sinh nhân kiệt. Đất Kim Liên đã sinh ra Bác. Từ đây Bác ra đi tìm đường cứu nước, lần lượt qua các địa phương: Huế, Bình Định, Phan Thiết, Sài Gòn. Mỗi địa phương một điểm nhấn riêng. Huế, kinh đô của nước Việt thời ấy, là nơi Bác ở lâu nhất, 8 năm cả hai lần, đã cho Bác những ý niệm đầu tiên về nhân quần và thiết chế xã hội. Ở Huế, Bác được học quốc ngữ và học tiếng Pháp. Sau Huế đến Bình Định, Bác lưu lại hơn một năm, học tiếng Pháp với thầy Phạm Ngọc Thọ, thân sinh của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch sau này. Tháng 7 năm 1909, cha Bác - cụ Nguyễn Sinh Sắc được triều đình bổ làm Tri huyện Bình Khê, một huyện miền núi sát chân đèo An Khê, nơi nghĩa quân Tây Sơn xưa dấy nghĩa. Huyện đường quay mặt ra sông Côn. Những ngày ở Bình Khê thăm cha, Bác đặc biệt hay đến thăm di tích của Hoàng đế Quang Trung, chỉ còn lại cái nền nhà, giếng nước xưa và hai cây me đại thụ; thăm nhà của nữ tướng Bùi Thị Xuân, hoặc đi đò qua sông Côn… Lúc rỗi, Bác thường đứng bên bờ sông Côn nhìn lên dãy Trường Sơn hùng vĩ với đèo An Khê, đèo Mang Yang, cổng trời của Tây Nguyên. Có thể là một sự tình cờ, một huyền cơ của trời đất, cũng có thể ở đây có một mối ràng rịt sâu xa. Nguyễn Huệ quê Nghệ An, Nguyễn Sinh Cung quê Nghệ An. Từ Bình Khê, cậu bé Hồ Thơm về sau đổi sang họ Nguyễn, nổi tiếng với danh xưng Nguyễn Huệ - Quang Trung. Từ Bình Khê, 33 năm sau (1942) anh thanh niên Nguyễn Tất Thành đổi sang họ Hồ, năm 1945 trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh. Rồi Phan Thiết, Sài Gòn mỗi nơi Bác lưu lại bốn, năm tháng. Cuộc sống, học tập, hoạt động của Bác ở những nơi Bác đi qua được tác giả mô tả một cách chân thực, sống động qua các bài viết. Đặc biệt, những trao đổi, trăn trở của cha con Bác về con đường cứu nước…
Phần thứ hai với tên gọi: Miền Nam trong trái tim người ghi lại những câu chuyện cảm động của một số người đã may mắn, vinh dự được gặp Bác Hồ như: đồng chí Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Thị Bình, Luật sư Trình Đình Thảo, Thượng tướng Trần Văn Trà. Các dũng sĩ diệt Mỹ: Ngô Thị Tuyết, Hồ Thị Thu, Trần Thị Bưởi... Các câu chuyện đã thể hiện tấm lòng kính yêu vô hạn của đồng bào, chiến sĩ miền Nam đối với Bác Hồ và cũng đã khắc họa rất chân thực, xúc động tình cảm, nỗi nhớ thương miền Nam của Bác. Tác giả đã biết chọn và đưa những chi tiết thành đỉnh cao xúc động, làm rung cảm người đọc.
Tác giả Trình Quang Phú tâm sự: “Càng ngày, tư liệu về Bác càng nhiều, sách báo thế giới, tài liệu của mật thám theo dõi Bác được giải mật… Chính sử, dã sử và những hư cấu về Bác xuất hiện, có cả tiểu thuyết lịch sử. Điều đó đặt ra cho tôi nhiều suy nghĩ. Tôi quyết định viết theo thể ký không hư cấu. Bởi vì, viết về Bác, chỉ cần viết đúng, nói đủ sự thật về Bác thì đã rất hấp dẫn…”. Kể từ đó (tức từ khi có ý định viết sách), tác giả đã kỳ công ghi chép, sưu tầm tư liệu, gặp gỡ các nhân chứng khi có thể. Rồi đọc, nghiên cứu, đối chiếu tài liệu và “giải mã” theo nhãn quan của mình. Ví dụ: Có thông tin Bác vào Bình Định bằng xe ngựa, Bác rời Phan Thiết vào Sài Gòn bằng xe lửa… Nhưng sự thật là, cha con Bác thân với Công ty nước mắm Liên Thành, đi tàu thủy của Công ty nước mắm Liên Thành, vừa tránh được mật thám, lại vừa nhanh. Mặt khác, năm 1910, đường sắt từ Sài Gòn mới xây dựng đến Tánh Linh thì làm sao có tàu lửa ở Phan Thiết để đi...
Nhiều chuyện như vậy, càng tìm ra sự thật càng lôi cuốn tác giả. Và qua lăng kính của tác giả, càng lôi cuốn người đọc. Vì vậy, kể từ lần xuất bản đầu tiên năm 1966 đến nay, cuốn sách đã được in 22 lần. Con số đó phần nào nói lên sức hấp dẫn của cuốn sách, cũng như khát khao tìm hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác của đông đảo bạn đọc nước ta. Vì vậy, sách viết về Bác Hồ đến nay có khá nhiều, nhưng Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng vẫn có được vị trí riêng.
Ở lần xuất bản thứ 22 này, cuốn sách được trao Giải A, giải thưởng Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của Ban Tuyên giáo Trung ương, nhân dịp Quốc khánh năm nay là hoàn toàn xứng đáng.
Ngô Xuân Hội
Nguồn Văn nghệ số 38/2023