Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Văn Cao (1923-2023)
Bài thơ này Văn Cao viết tháng tám 1994, trước khi Ông qua đời gần một năm. Có thể, đây là một trong mấy bài thơ cuối cùng của Văn Cao, hay đó là bài thơ cuối cùng?
Không chỉ vì thời gian viết bài thơ này, mà còn vì chính nội dung, ẩn ý của bài thơ nữa. Xin giới thiệu bài thơ với quý bạn đọc:
Tôi ở
Tôi ở
Một căn nhà bên đầu ngọn suối
Chỗ nước rỏ ra chính nơi tích tụ
Và hình thành con suối
Những mùa thay lá
Những mùa cảm xúc
Rừng vẫn bao dung với bóng lá trên đầu
Tôi sống
Nhìn những chiếc lá trôi theo dòng suối
Đến mùa gió Nam thổi
Tôi lại đi theo những chiếc lá
Phiêu du
Tới bao giờ tôi gặp được biển
Hà Nội, tháng tám 1994
Văn Cao và Thanh Thảo. Ảnh: Nguyễn Đình Toán |
Bài thơ quá nhẹ nhàng, nếu có ẩn ý thì ẩn ý cũng nhẹ như những chiếc lá trôi theo dòng suối.
Một nhà thơ đầy linh cảm như Văn Cao khi viết những dòng thơ nhẹ nhàng ấy, chúng ta vẫn có thể đoán được những cảm xúc và linh cảm của Ông về thời hạn ngắn ngủi còn tại thế. Nhưng Văn Cao, một người mà cuộc đời đã trải qua biết bao hiểm nguy, đã vào sinh ra tử, thì “bước cuối cùng” ấy vơi Ông vẫn rất nhẹ nhàng.
Cuộc phiêu du cuối cùng của Văn Cao nhẹ như những chiếc lá trong bài thơ Ông viết:
“Đến mùa gió Nam thổi
Tôi lại đi theo những chiếc lá
Phiêu du”
Ông vĩnh biệt trần gian vào ngày 10/7/1995. Đúng vào “Mùa gió Nam thổi”.
Đây là bài thơ theo nghệ thuật tối giản mà Văn Cao đã tạo ra, nó khiến chúng ta nhớ đến những bài thơ của thi hào Nazim Hikmet và thi hào Yiannis Ritsos. Nghệ thuật thơ tối giản thường là nghệ thuật của những nhà thơ có một không gian rất hẹp để sáng tác. Hai thi hào người Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đúng là đã làm thơ trong những “không gian hẹp”, kể cả trong… nhà tù. Văn Cao không ở tù, không làm thơ trong nhà giam, nhưng Ông luôn có cảm giác mình thực hiện nghệ thuật, nhất là thơ, trong không gian hẹp. Những bài thơ theo nghệ thuật tối giản của Văn Cao, vì thế, khiến người đọc phải cảm xúc và suy nghĩ rất nhiều khi đọc chúng. Gợi nhiều hơn tả, đó cũng là một “đặc điểm” của thơ tối giản. Nó có từ thơ cổ điển, từ thơ Thiền, và phát triển cho tới thơ hiện đại.
Ngay từ khi viết một trường ca dài hơn 600 câu thơ, trường ca Những người trên cửa biển, hoàn thành vào Mùa xuân 1956, Văn Cao đã có những câu thơ tối giản, nó báo trước cho con đường của nghệ thuật Thơ mà ông sẽ theo.
Bài thơ Tôi ở, vì vậy, theo tôi, là bài thơ mà những nhà nghiên cứu về nghệ thuật thơ Văn Cao rất cần quan tâm.
Tôi còn nhớ, vào khoảng tháng 7 năm 1994, gia đình tôi sau khi đi thăm chơi Hải Phòng, nơi khởi phát nghệ thuật âm nhạc và thơ của Văn Cao, về Hà Nội, chúng tôi đã tới nhà 108 Yết Kiêu thăm vợ chồng bác Văn Cao - Thúy Băng. Hôm đó rất vui. Lần đầu tiên, vợ và hai đứa con nhỏ của tôi đã được ăn cơm trưa ở nhà hai bác Văn Cao - Thúy Băng. Còn tôi thì được… uống rượu với anh Văn. Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán còn chụp được bức ảnh đẹp tôi hầu rượu anh Văn. Đã 29 năm rồi, anh Văn ạ.
Thanh Thảo
Nguồn Văn nghệ số 45/2023