Sáng tác

Một giờ sáng. Truyện ngắn của Nguyễn Thị Quỳ

Nguyễn Thị Quỳ
Truyện
08:26 | 12/02/2025
Baovannghe.vn - Thoạt tiên, chị tưởng mình nghe thấy tiếng rè rè của chiếc quạt nơi cuối giường. Rồi chị nhận ra tiếng mưa. Mưa nhỏ, đều đều. Không hiểu cơn mưa bắt đầu từ khi nào.
aa

Mười giờ tối qua, khi tắt đèn đi ngủ, trời còn trong lắm. Chị vừa muốn xem đồng hồ vừa ngại trở dậy. Nhưng rồi chị lại không xua đi được cảm giác khó chịu vì không biết bây giờ là mấy giờ, là khoảng nào của đêm.

Đó là một thói quen, một thói quen có từ ngày nhỏ, ngày chị biết đọc những con số trên mặt đồng hồ. Cứ mười, mười lăm phút chị lại nhìn đồng hồ. Đó là chiếc đồng hồ nhỏ, mặt tròn, dây da nâu, quà sinh nhật của bố chị. Giờ đây, ở nhà chị, phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp đều treo những chiếc đồng hồ lớn. Nhìn đâu cũng thấy đồng hồ, nhìn đâu cũng thấy thời gian với những chiếc kim giờ, kim phút chỉ cùng vào những con số nào đó. Đôi khi chị bật cười một mình. Không hiểu mình tính đếm thời gian để làm gì. Rồi chị lại có cảm giác tiếng cười của mình buồn bã thế nào.

Chỉ cần bật công tắc là có thể nhìn thấy chiếc đồng hồ treo ở mảng tường đối diện. Chị xoay người, định với tay, vừa lúc đồng hồ nhà ai đổ một tiếng dài. Một giờ. Chị gần như reo lên hai tiếng ấy. Thế rồi một tiếng chuông khác vang lên, khô gọn như một tiếng gõ. Rồi mọi vật lại ắng lặng. Chị nghe rõ một giọt mưa lớn hơn, nặng hơn những giọt mưa khác. Có lẽ đó là giọt mưa chỗ góc tường, nơi có một thanh sắt tròn chìa ra. Bất chợt, chị lại nghe thấy một tiếng chuông nữa. Rồi lại một tiếng nữa. Một tiếng nữa. Tiếng sau cùng có một đoạn nhạc đệm buồn tẻ. Dễ có đến năm, sáu tiếng đồng hồ cùng điểm một giờ ở những khoảnh khắc khác nhau, rất xa nhau nữa. Lạ lùng. Tự nhiên chị thấy lòng lo lắng, bồn chồn. Cái nào đúng nhỉ. Cái thứ nhất ngân nga, cái thứ nhì khô gọn, cái thứ ba, cái thứ tư... hay cái cuối cùng có nhạc, chị tự thấy mình vẩn vơ quá, chị xoay người, cố ngủ lại.

Tuần trước, trên tờ báo Văn hoá thể thao, một vị bác sĩ đã hướng dẫn cách nằm tốt nhất trong khi ngủ. Theo vị bác sĩ này, nằm ngửa nằm nghiêng bên trái đều có hại. Nằm nghiêng bên phải là đúng nhất. Nhưng chị hay đau phía đầu bên phải, hay mỏi cánh tay phải, hay nhức đầu gối phải. "Phía bên phải của chị không ổn, chị cần lưu ý đến điều đó". Ông bác sĩ vừa gỡ chiếc kính khỏi khuôn mặt mệt mỏi vừa căn dặn. Nhưng chị cũng không mấy lưu tâm đến "phía bên phải" ấy. Đau thì uống thuốc, khỏi thì thôi. Bệnh ở mãi trong người thành quen. Có lần một người bạn cho chị mượn cuốn tạp chí Văn nghệ. Có ông nhà thơ nào đó viết bài thơ "Dỗ bệnh". Dỗ nó cho mình yên, dỗ nó thương mình. Cũng kỳ lạ. Mấy câu thơ của một người xa lạ bỗng như lời an ủi. Chị đưa trả tờ tạp chí, vừa cười vừa nói với bạn, "Rõ thật chuyện văn chương" mà lòng thì muốn khóc.

Thôi, tốt nhất là cứ nằm cách nào mình thấy thuận, thấy dễ ngủ. Chị nằm thẳng, hai chân bắt chéo, tay phải gác trán, tay trái đặt ngang bụng. Không ngủ, chị cũng thường nằm vậy, mắt nhìn lên cái trần nhà trắng phau vô cảm. Không hiểu từ khi nào, có lẽ từ sau cuộc chia tay với Thiên. Không, có lẽ mãi sau này nữa, chị có cách thu xếp cuộc sống khác hẳn ngày trẻ. Mọi việc cốt sao cho êm thuận, dễ dàng.

Một giờ sáng. Truyện ngắn của Nguyễn Thị Quỳ
Ảnh minh họa. Nguồn pixabay

Ngày trẻ chị theo một chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt để tránh lên cân. Ăn kiêng hết món này đến món khác, chị làm phiền cha mẹ, bạn bè và cả Thiên. Giờ thì chị ăn những gì mình thích, chị còn mong lên cân nữa, người ta bảo nhiều tuổi, mập một chút tốt hơn nhưng chị không qua khỏi con số 48 kg. Hồi trẻ chị khe khắt trong cách ăn mặc. Có khi chỉ vì một màu áo, một kiểu váy chị có thể cảm tình hay ác cảm với một người. Đôi khi những tình cảm đó sâu đậm đến độ không thể xoá đi được. Bây giờ nhìn Huyền, con dâu chị mặc những chiếc áo rộng thùng thình màu đỏ chói, xanh lục, rồi những màu ấy đứng cạnh nhau như một thách thức, chị chỉ lắc đầu. Hồi trẻ, hồi trẻ... Hồi xưa, hồi trước... Con bé Cún cháu nội của chị thường nói: "Hôm trước, hôm qua". "Hôm trước hôm qua bố Hoàng mua áo cho con". "Hôm trước hôm qua mẹ Huyền mua một cái bánh to đùng"...

Hoàng là con trai duy nhất của chị. Hoàng chạy qua chạy lại giữa bố và mẹ. Mỗi lần Hoàng đi thăm bố về, chị thường hỏi: "Bố có khoẻ không?" và Hoàng vừa cười vừa trả lời: "Khoẻ lám, đẹp lão lắm". Lúc đầu, nghe câu trả lời của Hoàng, chị thấy đau nhói trong lòng. Lâu dần, chị không còn cảm giác đó nữa. Liệu chị muốn sao. Muốn nghe Thiên đau ốm, buồn bã, bất hạnh ư. Và nếu như vậy, chị sẽ làm gì nhỉ.

Chị còn nhớ lần trò chuyện cuối cùng giữa họ. Đó là một chiều thu nhiều gió. Thiên ngồi bên bàn làm việc, vẻ nhẫn nhịn. Anh với tay khép cánh cửa nhỏ để tránh gió. Rồi anh nói, giọng nhỏ nhẹ. Anh nói rằng anh yêu thương, quý trọng chị, chuyện giữa anh và cô ấy chẳng có gì nghiêm trọng, anh xin chị thời gian để tĩnh tâm. Chị đã đứng dậy, cắt ngang câu nói của anh: "Thời gian ư. Nhưng em không có thời gian".

Đó không phải là lần duy nhất trong đời chị phải nghe những lời kể lể của một người đàn ông. Sau này, Luyện cũng nói những lời gần như thế. Và điều kỳ cục là, chị có thể, lại một lần nữa, nổi giận và lặp lại những lời cũ. Khi dứt lời, chị gần như bàng hoàng vì sự lặp lại đó. Bấy giờ, chị không hiểu sao những người đàn ông khác nhau lại có thể có cùng một cách nghĩ, một cách kể lể giống nhau đến vậy. Có lẽ họ đã chân thành khi nói rằng họ cần có thời gian, để tĩnh tâm, để lựa chọn, để có tất cả. Còn chị, chị tính đếm thời gian để làm gì nhỉ. Phải chăng để hiểu rằng thực ra đàn ông chỉ là những đứa trẻ. Họ thích được nuông chiều, họ ưa những trò mới. Và bi kịch là ở chỗ người phụ nữ không dược quyền yêu họ như yêu những đứa trẻ. Nếu chị gặp người đàn ông thứ ba hẳn chị sẽ nói điều này. Và chắc chắn anh ta sẽ la lối để chứng minh rằng người đàn ông là một người khổng lồ đầy sức mạnh. Phải, họ là những người khổng lồ, người khổng lồ trong cuộc chiến triền miên với cái bóng của chính họ. Chị đã không có cơ hội để nói những lời vừa khôi hài vừa cay đắng đó.

Chị xoay người, bật công tắc. Căn phòng sáng rực, lạnh vắng. Đồng hồ tường của chị chỉ 2 giờ 15 phút. Vậy là đã 1 giờ 15 phút trôi qua. Nhưng lấy gì làm mốc để tính khoảng thời gian ấy. Trong năm, sáu tiếng đồng hồ kia, chiếc nào là đúng. Và liệu đồng hồ của chị có chính xác không? Chị lại nhìn đồng hồ. Vỏ ngoài của nó có hình dáng một ngôi nhà chóp nhọn với một ô cửa màu xanh. Mặt đồng hồ nằm gọn trong ô cửa nhỏ. Tự nhiên chị thấy ngôi nhà nóc nhọn ấy giống hệt ngôi nhà có chân của mụ phù thuỷ trong phim hoạt hình. Mụ ta bay ra từ ô cửa, cưỡi trên chiếc chổi cán dài. Mụ ta đưa hai bàn tay xương xẩu làm phép trên một phiến đá giữa rừng, miệng không ngừng lẩm bẩm câu thần chú: "Không biết, không biết".

Văn nghệ Trẻ, số 38/1998
Một thoáng chiều quê… - Thơ Huỳnh Thị Kim Cương

Một thoáng chiều quê… - Thơ Huỳnh Thị Kim Cương

Baovannghe.vn- Chiều về qua ngõ vắng/ Thấy nụ cười bâng khuâng
Triển khai Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Triển khai Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Baovannghe.vn - Chiều 25/3, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo (BCĐ), Ban Tổ chức (BTC) Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực lần thứ 5, giai đoạn 2024-2025.
Thăm bệnh - Thơ Vũ Ngọc Đan Linh

Thăm bệnh - Thơ Vũ Ngọc Đan Linh

Baovannghe.vn- Nằm lại trong bệnh viện/ nhìn hàm răng cha rỉ máu
Đôi mắt của sương mù. Tản văn của Gia Hân

Đôi mắt của sương mù. Tản văn của Gia Hân

Baovannghe.vn - Ngôi nhà không có cửa sổ, trong nhà tối âm âm, ánh sáng dường như vất vả lắm mới len được vào qua cửa chính...
Mãn nhãn với gần 1000 cổ phục Việt trong phim "Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu"

Mãn nhãn với gần 1000 cổ phục Việt trong phim "Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu"

Baovannghe.vn - Đạo diễn Victor Vũ và nhà sản xuất Đinh Ngọc Diệp quyết định may mới gần 1.000 bộ phục trang để phục vụ làm phim