Sự kiện & Bình luận

Một nét Sa Pa

Bút ký phóng sự
08:32 | 10/07/2020
Sa Pa được mệnh danh là vùng núi đá. Không chỉ thế. Toàn bộ vùng núi non phía Bắc của Tổ quốc Việt Nam, đâu đâu cũng có đá. Những trái núi đá sừng sững dường như mỗi năm càng thêm nhô cao lên, càng thêm trơ ra. Tuy nhiên, đá ở Sa Pa hình như có khác. Ngoài những mô đá khuất lấp trong cỏ, những tảng, hòn trơ lì, hoặc lăn lóc bên những con suối, ngước nhìn lên những sườn núi dốc, còn có những khối đá tảng đồ sộ tưởng như chỉ gá vào núi, hoặc những mỏm đá xù xì nghễu nghện giữa trời với biết bao tư thế trông tựa ngựa phi, hổ nằm, trâu đằm
aa

Sa Pa được mệnh danh là vùng núi đá. Không chỉ thế. Toàn bộ vùng núi non phía Bắc của Tổ quốc Việt Nam, đâu đâu cũng có đá. Những trái núi đá sừng sững dường như mỗi năm càng thêm nhô cao lên, càng thêm trơ ra. Tuy nhiên, đá ở Sa Pa hình như có khác. Ngoài những mô đá khuất lấp trong cỏ, những tảng, hòn trơ lì, hoặc lăn lóc bên những con suối, ngước nhìn lên những sườn núi dốc, còn có những khối đá tảng đồ sộ tưởng như chỉ gá vào núi, hoặc những mỏm đá xù xì nghễu nghện giữa trời với biết bao tư thế trông tựa ngựa phi, hổ nằm, trâu đằm... nên không biết tự bao giờ đã có những tên địa danh chứa đầy huyền thoại, như Hàm Rồng, Cô Tiên... Và, ở Tả Phìn, có một phiến đá phẳng, trên đó in lại biết bao dấu chân muông thú, có cả một vết chân người khổng lồ, ướm thử bàn chân của mình vào, chỉ chiếm khoảng một phần tư, một phần năm. Và, một quần thể đá ở Lao Chải, Tả Van, Hầu Thào in vô số những nét khắc chạm của người cổ xưa, là những câu chuyện huyền diệu có thể là những thông điệp về những trận chiến, những sự tích hình thành vùng đất này mà tôi đã lang thang đến ngắm nhìn không biết bao nhiêu lần.

MInh họa của ĐỖ DŨNG

Trong vô vàn những tảng đá phơi bày sừng sững giữa thiên thanh bạch nhật ấy, có một tảng đá lạ. Khi trời đang mưa lây phây mà có những tia nắng vàng xiên qua, hoặc khi trời đổ cơn mưa rào nhẹ vào đúng khu vực đó, đứng từ xa, ta nom thấy hình dạng một tráng niên mặc áo chàm, có áo khoác bóng, đầu đội mũ chàm, chân đi ủng cao đến đầu gối, tay cầm dao, tay cầm nỏ. Ngay sau lưng người đàn ông, là một cậu bé cũng diện mạo như thế. Và tiếp sau cậu bé, là dáng hình một thiếu phụ, đầu đội khăn xếp, lưng đeo cở, tay xe lanh. Cả ba người đang hướng về phía trước. Xa xa đằng trước là dáng một con chó đang nghển cổ đánh hơi. Khối tranh thiên tạo ấy phản ánh đầy đủ quang cảnh một gia đình đang đi nương, hoặc đang đi tìm đất làm ăn, làm cho ta chợt nhớ tới câu mở đầu trong tất thảy những bài dân ca khi người ta cất giọng: “Trời hết rồi...”. Câu mở đầu mỗi bài hát đó khiến ta phải suy ngẫm trước thân phận của người Hmông, và cũng phải suy nghĩ về tính khí của họ: Cái máu người Hmông đã tạo nên bản sắc rất riêng, khiến tôi phải bật ra mấy câu văn vần: Đồng điệu Zigan.

Không lý thuyết, không cần kỷ lục

Không ồn ào ta thán buồn vui

Ở đâu có bầu trời, đó là Tổ quốc

Những con người hồn nhiên như

chim khướu, chim ri.

“Trời hết rồi!?...”, câu ca tôi vẫn hát

Nhắc muôn trùng quá khứ xa xăm

Quá khứ trầm luân nặng nề

trong ký ức

Chiếc nôi êm, là tảng đá

giữa non ngàn.

Vẫn như thế! Vẫn chân trần

đạp lên đá sắc

Chiếc thồ trên lưng thồ trĩu cả

ngàn năm

Con dao bên hông, cây khèn treo

vách thầm thì hy vọng

Người Hmông tôi đồng điệu

với Zigan!

Điều kỳ diệu là bức tranh thiên nhiên kia chỉ xuất hiện trong một thời điểm nhất định, một khoảnh khắc nhất định, chứ nó không phơi bày cho bàn dân thiên hạ muốn nhìn thấy lúc nào cũng được.

*

Một ngày chủ nhật, tôi tranh thủ về nhà. Trên đường trở lại trường huyện, bất chợt có cơn mưa, nên tình cờ tôi đã nhìn thấy bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ đó. Kể lại chuyện với cha. Cha tôi nói, cũng đã từng nhìn thấy, không chỉ một lần. Cha nói thêm: Phải tốt phúc, mới được nhìn thấy! Rồi cha lý giải, đó là các vị thần tiên đi mở đất sinh sống cho người Hmông. Họ, xưa kia, cũng là người trần mắt thịt, nhưng to lớn khác thường. Họ đặt những bước chân đầu tiên lên mảnh đất này. Họ đã ươm những hạt giống ngô, lúa, pa, xèo, cao lương, đào, lê, dưa, bí... vào các hốc đá... Ngày ấy, đất đai còn bùn nhão. Một lùa chân trái, thành ra đồng ruộng Nả Tà (bãi bằng lớn, nay địa danh là Tả Phìn). Một lùa chân phải, thành ra thung lũng Mường Hoa (nay là Lao Chải, Tả Van, Hầu Thào, Sử Pán). Một lùa chân nữa, thành ra cánh đồng Mường Sảng (tức mường thượng - mường trên, nay là Thanh Phú). Một bước trượt chân, thành ra rẻo sườn núi Tà Sang (dải núi đón nắng, nay là Tả Giàng Phình, tức đại dương bình). Một con rồng hốt hoảng vì nước rút đi, đất nhô lên, đã bỏ chạy, bị người khổng lồ ném đuổi. Con rồng hóa thành dải núi Hoàng Liên, chiếc sừng của nó chính là đỉnh Phan Xi Păng. Nó chỉ có một sừng. Con rồng nhỏ, do ngủ dậy muộn, bị mắc cạn, hóa đá, thành núi Hàm Rồng ngày nay...

Không phải ai cũng có phúc được nhìn thấy cảnh tượng bức tranh huyền thoại kia. Và, chẳng nên nói với những người một mực khăng khăng cãi bay rằng không thể có cảnh tượng ấy. Vì người ta có nhìn thấy đâu. Dưới con mắt họ, đá chỉ là đá, núi chỉ là núi, cỏ cây chỉ là cỏ cây, mây trời chỉ là mây trời, và dù hoa có tỏa hương thoang thoảng kín đáo, họ vẫn có thể giày xéo, vò nát một cách vô tâm vô tín. Nhưng, tôi tin, rất tin rằng rồi Sa Pa sẽ trở nên một kỳ quan lộng lẫy, Sa Pa sẽ thức dậy, nếu như con người biết cách thưởng thức, con người đừng có can thiệp thô bạo. Văn hóa là tri thức. Văn hóa vô tri, vô cảm, văn hóa chỉ nhìn thấy ngón chân cái, thậm chí văn hóa chỉ nhìn thấy đồng tiền như mèo đánh hơi thấy mỡ, thì Sa Pa sẽ bị xé nát, Sa Pa sẽ bị hủy hoại. Tin, mà lo, dù là lo hão huyền, lo xa vời.

*

Nghe các bậc cao niên nói lại rằng xửa xưa, khi những con đường mòn mới hình thành, người khách thường gồng gánh, hoặc dắt theo những đoàn ngựa thồ đi buôn bán khắp nẻo. Thế là hình thành những địa danh mang âm Hán - Việt: Trung Chải, Mường Xiên, Tả Phình, Lao Chải, Mường Khang, Tả Giàng Phình, Sa Pả, Sín Chải, Tả Van, Seo Mí Tỉ, vân vân. Trong khi đó, những chủ nhân của vùng đất này vốn đã có tên gọi các địa danh kia, là: Đrang Đrồng - vùng đất giữa (tức Trung Chải), Mùa Xênh - làng họ Mã cư trú và sinh sống từ lâu đời (viết bừa thành Móng Sến), Nả Tà - Bãi Bằng (gọi thành Tả Phình, chứ không phải Phìn), Nả Jào - làng lớn (viết thành Lao Chải - làng cũ, làng cổ cũng được), Mảng Khang - cái rọ lớn chứa đá (viết thành Bản Khoang), Tà Sang - bãi nắng (gọi thành Tả Giàng Phình - có thể dịch là đại dương bình), Suô Puổ - bãi cát (biến thành Sa Pả, tiếng Tây biến âm thành ra Sa Pa, vì chữ Tây không có dấu giọng), Jào Sa - làng mới (gọi thành Sín Chải), Kang Ca - làng nằm phía dưới chợ phố (viết phứa thành Cát Cát), Nả Háng - thung lũng rộng lớn (tức Mường Hoa), Tà Suô - bãi cỏ tế ( được gọi thành Seo Mí Tỉ - mảnh nương nhỏ). Hay như Vùi Lùng Sung, nghĩa là thung lũng năm con rồng, Thanh Phú, tiếng Hmông vốn gọi Mồng Sảng, nghĩa là mường thượng, mường trên... Riêng vùng Sa Pa xưa mà nay đang là thị trấn huyện lỵ vốn có tên là Hồng Hồ. Giữa núi cao có một đầm nước đỏ. Quanh đầm là những vũng chằm. Tứ bề sườn núi là nương của người Hmông bản xứ. Vì nương xa nhà, nên phải có lều. Một khu dân cư thứ hai được hình thành. Người Pháp đến, thấy đây là vùng khí hậu cận ôn đới. Họ xua đuổi những chủ nhân đi. Rồi vùng Hồng Hồ xuất hiện những ngôi nhà xây theo kiểu dáng biệt thự. Dần dần, một khu phố có dáng kiến trúc như phương Tây trở nên đông đúc. Mỗi ông chủ chiếm cứ một khu đất, trong mỗi khu đất có một tòa biệt thự, xung quanh là khuôn viên. Có khoảng trên dưới hai trăm tòa nhà như thế. Có người thì có buôn bán. Những người khách quen buôn hàng rong trụ lại, tạo thành một dãy phố, gọi là phố Hoa Kiều. Chữ viết của người Pháp đọc lên chỉ có ngữ điệu, không có thanh điệu, họ lấy luôn Sa Pả đặt tên cho vùng nương Hồng Hồ, ghi theo chữ Pháp là Chapa, phiên ra chữ ta là Sa Pa. Vùng nương Hồng Hồ khi các lều lán đã dày lên, người ta gọi là Jào Sa - làng mới. Nhưng, những chủ nhân của làng mới bị dạt xuống chân núi Hoàng Liên, vẫn mang tên Jào Sa, còn gọi là Kang Ca, nghĩa là bị rơi xuống cuối phố chợ, bị hất ra ngoài rìa phố chợ. Kang Ca, tiếng Kinh biến âm thành Cát Cát. Sau này phân địa giới, mới có thôn Sín Chải và thôn Cát Cát riêng (thuộc xã San Sản Hồ). Cũng như Huồ Sì Páng, là âm Hán - Hmông, có nghĩa là phiến đá, bị biến âm thành Phan Xi Păng, ngẫu nhiên một phiến đá tự nhiên nằm ở giữa độ đường từ Sa Pa xuống Thanh Phú được đặt cho đỉnh cao 3.143 m mà đỉnh núi đó tiếng Hmông vốn gọi là Cu Ndề Jê, nghĩa là cột đá chống trời. Vậy nên tên đỉnh Phan Xi Păng có thể được gọi khi những đoàn người buôn bán xuất hiện, hoặc khi người phương Tây xuất hiện. Buồn cười thay, có người ở tận đẩu đâu lại suy đoán Phan Xi Păng là tên người, thậm chí có người bảo Phan Xi Păng là tiếng Tây cơ đấy! Và rồi một lô những địa danh bị phiên âm sai, trở nên vô nghĩa, nghe nó ngô ngố như người nói không sõi.

*

Lại nói về đá. Cách tảng đá khổng lồ có bức tranh ảo huyền không mấy khi xuất hiện kia, có một cái hang khá rộng. Đồn rằng trong vách hang có ghi dòng chữ Pháp bằng than củi: “Đây là câu lạc bộ của người Miao”. Nghe nói, một thời đó là hang phỉ, có lính Tây trực tiếp chỉ huy và huấn luyện. Khi đã thuần thục cách bắn súng Tây, nghĩa là tất cả các kiểu cách đánh trận, chính những người gọi là thổ phỉ kia đã lén xử tội cả đám lính râu rậm, mũi lõ rất hách dịch, rồi họ vác súng đạn về nhà, cất giấu đi. Còn lại mấy thằng phỉ ăn gạo, muối Tây quá nhiều, nên sợ sệt, đành phải lén lút, chui lủi trong rừng, trong các khe đá, để rồi đến cuối những năm 50 thì tan rã. Với người Hmông, cái sự phân biệt phải, trái, chính nghĩa, hay phi nghĩa cho rạch ròi theo như sách chính trị thì lơ mơ lờ mờ. Nhưng, trong tâm khảm họ, sợ nhất, kinh khủng nhất là mó tay vào điều ác. Tự dưng, bị kẻ nào đó thét mắng, đó là kẻ ác! Phơi vải ở bờ rào, kẻ nào đó lấy trộm, đó là thằng ác! Chửi đổng, nói điêu, nói dối, nói một đằng mà lén làm một nẻo... đó là kẻ ác! Người Hmông không bao giờ sống gần, sống cùng kẻ ác! Họ lành như đất, nhũn như giun, mềm như nước, lặng lì như đá. Một vai của họ là chức phận nhà nông cừ khôi. Một vai là cuộc sống tinh thần, ấy là những bài dân ca, những dòng truyện cổ, những bài ca lý lối, những bài khèn nghi lễ và vui chơi... Thiếu niên đến tuổi nhầng nhầng, học chữ hay không, chưa cần, nhưng phải học cho thuộc lấy những gì mà ông cha đã sáng tạo ra, truyền lại. Hãy đến một đám tang mà xem! Tất cả nam giới, thanh niên, trung niên, ông già đều sẵn sàng xướng những bài ca lý lối. Còn với nữ giới, may vá, thêu thùa, xe lanh dệt vải... là phận sự của họ. Họ không can dự vào những bài ca lý lối, những bài khèn não nề. Nhưng dân ca, cổ tích thì chứa đầy trong buồng gan, tích tụ ở cõi cao siêu. “Bụng nó tốt lắm vớ!” Đó là cách nói miệt thị của kẻ cả. Đối với người Hmông, những trường hợp như thế, người ta chỉ nói tới buồng gan và cõi cao siêu. Sa vừa có nghĩa đen là gan, và cũng là cõi cao siêu. Không mấy khi, đúng hơn, không bao giờ người ta nói “bụng tốt”. Vâng! Lành đấy! Nhũn đấy! Mềm đấy! Thật thà đến độ cục mịch đấy! Im lặng chẳng biết nói lên ý kiến của mình đấy! Tha hồ mà nạt nộ nhá! Làng quê êm đềm của họ xuất hiện kẻ thối gan, xuất hiện kẻ lừa lọc, kẻ ác, nếu cần, thì họ vùng lên theo cách của họ, những cách gì đó xem ra có vẻ khó chịu, thôi thì đành gọi là “cái lý ông Mèo”. Nếu không cần, họ lặng lẽ bỏ đi. Những mảnh ruộng chỉ đặt vừa một đường bừa, những mảnh nương xếp đá ngăn gia súc quấy phá, những khu rừng đều được thờ thần thổ địa... được các thế hệ cha ông khai phá, con cháu mở mang dần. Tất cả có được, là từ mồ hôi, nước mắt của họ. Ruộng, một thứ tài sản quý giá hơn tất cả mọi thứ quý giá khác. Thế mà bỗng dưng bị chia năm, xẻ bảy, nếu nguyên cớ chỉ khoanh trong đrồng (vùng, địa vực), hay trong jào (làng, xóm), thì họ sẽ tự xử lý cứng, mềm tùy thuộc vấn đề, còn nếu nguyên cớ từ chính sách trên cao dội xuống, thì thôi, “trời hết rồi !” Họ đành lặng lẽ đi sâu vào rừng, đi khuất đến nơi vắng bóng người.

*

Tôi có lần lại dòng tộc mình. Các bậc cao niên nói rằng họ Mã - họ viết đúng ký tự (có biến âm thành Mùa, Ma, Má, Mai, Mè...) đã sinh sống ở cái làng Mã Sinh (Mùa Xênh) nhỏ bé, vắt vẻo trên sườn núi có từ năm đến bảy đời, thậm chí lâu hơn thế. Chuyện không có sách, chỉ được kể theo trí nhớ như là truyền thuyết, huyền thoại. Nhưng ngôi mả cụ tổ năm đời thì vẫn còn đó. Vì không có tục lệ chăm chút khơi động người đã xa khuất vào cõi tiên tổ, nên ngôi mộ trở nên hoang phế. Lại nghe nói rằng ngày xưa các cụ có tuổi thọ cao lắm. Tính theo lịch con giáp, thì cụ tổ năm đời kia sống hơn trăm tuổi. Ngay như cha tôi, nhớ nhớ, quên quên, cũng ngót chín chục. Người đã từng đeo ba lô cóc lép kẹp, hông đeo súng ngắn, tay chống gậy đi khắp vùng núi non Sa Pa. Ở đâu có hốc đá, dù nhỏ xíu chứa được vài người, là ở đó có in bóng dáng Người. Chính Người đã chỉ cho tôi con đường cái vòng vèo men dọc con suối đá, và giục tôi đi theo con đường đó để biết nó dài tới đâu. Theo con đường ấy, tôi đã đến Mù Căng Chải, Trạm Tấu, sang Bình Lư, Phong Thổ, Mường Xo. Bà con đồng tộc nói ngay rằng quê gốc họ là Sa Pa. Gặp một anh bạn quê tận Mường Lát - Thanh Hóa, cũng nói một cách đầy văn hoa, như là dân ca, như là huyền thoại, rằng quê gốc của họ có dãy núi Hoàng Liên sừng sững, trên đó có nhiều ngọn núi cao ngất quanh năm chìm trong mây. Vậy, phải chăng họ là con cháu, chút chít của những người đã sáng tạo ra những trang sách khắc trên bãi đá phơi nắng hứng mưa trải suốt dọc thung lũng Mường Hoa, bắt đầu công bố công trình khai thiên lập địa và tồn tại vĩnh cửu!? Thôi thì những cuộc thiên di trong dĩ vãng để tìm miền đất sinh sống vốn là chuyện đương nhiên, hay chuyện đã rồi của quá khứ. Còn hiện thời... Tôi đau thắt ruột khi tiếp xúc với một dúm người ngơ ngơ, ngác ngác đang lạc lõng nơi phố xá, do bị “trao trả”, xứ mới không nhận, hốt họ lên xe cho về lại làng quê cũ. Và, một lần nọ, tôi quá đột ngột khi thấy một bà mẹ tiều tụy hớt ha hớt hải tránh những luồng xe nhằng nhịt giữa đô thành Hà Nội. Mẹ già đến nỗi điếc đặc. Nhìn mẹ và miếng cơm do bạn tôi, quê ở Lai Châu mua về mỗi bữa, thú thực, tôi phải lén chùi nước mắt. Tôi nói đằng tôi. Mẹ khóc, và phân bua rằng mẹ không phải người đi ăn xin. Mẹ chạy theo các con mẹ, xe chỉ đỗ chốc nhoáng, rồi phóng vù đi mất hút. Mẹ yếu chân tay, nên không kịp, và bị lạc. Mẹ khóc sướt mướt rằng phải đi theo đường dây thép, may ra sẽ gặp con cháu, thế là lạc tận nơi phố phường đông nghịt. Bạn tôi cũng nói người quê tôi có mặt ở Đắc Lắc, Lâm Đồng... nhiều lắm!? Sao thế? Sao? Sao? Chả lẽ câu mở đầu những bài dân ca cứ cất lên là “trời hết rồi!”…

Tình cảnh ấy dẫu sao cũng đã thấy đang đi vào quá khứ. Cuộc đời đổi thay đang từ từ diễn ra. Những hàng cột điện đang len lỏi vươn tới các bản làng. Đến phố chợ Sa Pa, khách xa, khách lạ có thấy các bà, các chị bám nhằng để chào mời mua những tấm thổ cẩm được thêu, vẽ như những dãy núi điệp trùng, như những đám mây bồng bềnh, như những cây cỏ, như những hình muông thú, như những trái núi đá, như những rừng hoa đào, hoa mận..., xin hãy cảm thương. Cho dù sơ khai, cho dù thật thà, thì đó chính là dấu hiệu của cơ chế thị trường đang lôi cuốn họ. Hay có thể nói khác đi, họ cũng đã phải bập vào cơ chế thị trường rồi đấy!

*

Bức tranh thiên nhiên huyền bí kia không biết có còn xuất hiện lại. Dù xuất hiện hay không, thì cũng chỉ là huyền thoại mà thôi. Còn cuộc sống con người Sa Pa thì vẫn cứ mải miết, và vẫn cứ hồn nhiên. Tiềm năng du lịch đã và đang được khai thác, bằng không khí thoáng đãng, mát mẻ, bằng cảnh quan núi đá điệp trùng, bằng nắng vàng và tuyết trắng, bằng sắc màu trên những tấm hoa văn thổ cẩm, bằng điệu khèn, tiếng sáo. Và, năng lực lao động sáng tạo của những người dân nơi đây đang cống hiến cho quê hương mỗi người một vẻ, mỗi người một khả năng riêng có. Một vùng quê núi non hùng vĩ, một vùng quê lộng gió ngàn và trải ra ngút ngát màu xanh, một vùng quê thảng hoặc có mùa đông tuyết phủ đầy những ngọn núi, có lẽ tất cả sự hiện diện của thiên nhiên kỳ vĩ ấy đã tạo nên tính cách trong mỗi người Hmông Sa Pa...

Hẳn là nhiều người ở nhiều miền đất đều có mong ước được một lần đến với Sa Pa. Không chỉ người Việt Nam, cả người nước ngoài xa xôi cũng đã nườm nượp tìm đến với Sa Pa để tận hưởng không khí trong lành hiếm hoi để kiếm tìm sự thanh thản của cõi lòng. Và đây, không phải nói quá, có lẽ còn là vùng đất thánh cho các văn nghệ sĩ kiếm tìm niềm vui sâu lắng trang trọng, và cả nỗi buồn lâng lâng trong trẻo. Nguồn cảm hứng ấy rồi sẽ bật lên những tác phẩm thi ca, văn chương, nhạc, họa...

Tưởng chừng vùng núi đá Sa Pa cằn cỗi, xác xơ. Hóa ra, đây lại phong lưu, giàu có!

Nguồn Văn nghệ số 28/2020


Rừng xanh ấm hơi muông thú. Truyện ngắn dự thi của Trần Nguyên Mỹ

Rừng xanh ấm hơi muông thú. Truyện ngắn dự thi của Trần Nguyên Mỹ

Baovannghe.vn - Nhà tôi ngợp trong rừng biên giới. Bốn mùa chim kêu vượn hú. Sáng gặp gà rừng lông đỏ bay qua, thi thoảng con sơn dương đốm chạy qua suối uống nước sau nhà. Đến bữa, tôi nhóm lửa đặt nồi vào rừng bẻ măng về luộc vẫn kịp.
Khúc phong linh - Thơ Phạm Công Trứ

Khúc phong linh - Thơ Phạm Công Trứ

Baovannghe.vn- Lông kông/ Linh kinh/ Tôi là chuông gió
Đầu năm đi chùa - Truyện ngắn của Văn Thành Lê

Đầu năm đi chùa - Truyện ngắn của Văn Thành Lê

Baovannghe.vn - Bữa ấy có mưa xuân phơi phới bay của thi sĩ cỏ nội hương đồng Nguyễn Bính. Khin và cả hội túm tụm tán chuyện nhảm sau Tết rồi hò dô ta lên chương trình đi chùa đầu năm.
Thời tiết ngày 25/11: Bắc Bộ chuyển lạnh. Nam Bộ mưa rào vài nơi

Thời tiết ngày 25/11: Bắc Bộ chuyển lạnh. Nam Bộ mưa rào vài nơi

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết ngày 25/11: Bắc Bộ đêm và sáng sớm trời lạnh. Nam Bộ mưa rào vài nơi.
Chàm. Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân

Chàm. Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân

Baovannghe.vn - Gần đây, người ta lấy thuốc hậu sản cho phụ nữ rất nhiều. Ngoạn thấy bố gọi chứng trầm cảm sau sinh là hậu sản. Bố nói, tất cả những căn bệnh của phụ nữ sau sinh đều nguy hiểm đối với không chỉ người mẹ, đứa con mà còn đối với cả cuộc hôn nhân.