Văn hóa nghệ thuật

Mozart - Thiên tài và nghi án về một cái chết bí ẩn

Ngô Quốc Kỳ (Theo tài liệu nước ngoài)
Âm nhạc
09:00 | 08/07/2024
Âm nhạc của Mozart có vẻ đẹp kì lạ trong giai điệu, sự hài hòa cân đối trong sắp xếp hình thức, cấu trúc rất thông minh, tài hoa và bác học.
aa

Mozart chào đời ngày 27/1/1756 tại thị trấn Salzburg, được rửa tội ở Thánh đường St. Rupert với tên gọi Johannn Chrysostom Wolfgang Theophilus Amadeus Mozart - một danh xưng vừa mang tên thánh vừa tên người. Theophilus, nghĩa nguyên thủy từ tiếng Latin được diễn giải và hiểu như một Amadeus, nghĩa là “Đứa con cưng của Chúa” (Lover of God), như thể ngay từ khi lọt lòng, cái tên của Mozart đã là một sự kết hợp giữa thiên mệnh và nhân mệnh.

Thần đồng siêu việt

Mozart sinh ra trong gia đình có cha là Leopold Mozart, một giáo viên dạy nhạc và là nhạc công violon, mẹ và chị gái cũng là những nhạc công giỏi.

Theo kể lại, trí lực siêu phàm của Mozart bộc lộ rất sớm. Ngay từ khi lên 3 tuổi, cậu bé đã bắt đầu tìm kiếm những nốt nhạc “yêu nhau”, vì cậu tin rằng âm nhạc là việc ghép những nốt nhạc “yêu nhau” vào cùng một chỗ. 2-3 tuổi, chỉ cần nghe mẹ chơi đàn, cậu bé đã có thể đánh ngay lại bản nhạc vừa nghe qua.

Mới 3 tuổi rưỡi cậu bé Mozart đã tự kê cao ghế để chơi đàn clavicin (một loại đàn dây phím cổ). 4 tuổi, cậu bé Mozart có thể bắt đầu sáng tác ngẫu hứng, đánh được đàn piano và đàn violon, viết được bản hoà tấu cho đàn piano. Sang tuổi thứ 5 cậu bé bắt đầu soạn nhạc cho đàn phím và biểu diễn trước công chúng. Lên 6 tuổi thì cậu đã biểu diễn được trong giàn nhạc giáo đường. Có lời đồn rằng “Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ” - một tác phẩm âm nhạc hàn lâm được Mozart viết ra vào năm cậu… 6 tuổi!

7 tuổi, Mozart viết 4 nhạc khúc dành riêng cho piano và violon, được xuất bản ở Paris năm đó, cùng với cha mình đi biểu diễn ở Frankfurt, London, Amsterdam, Paris... Đích thân vua Louis 16 tổ chức một buổi hoà nhạc tại cung điện Versailles để Paris thưởng thức tài nghệ của Mozart.

Sang 8 tuổi cậu bé xuất bản những bản sonata đầu tiên. Lên 10 tuổi đã dùng chữ Latin để viết một tập ca kịch. Đến 11 tuổi Mozart đã chỉ huy một đội ca kịch lớn, viết bộ ca kịch đầu tiên "Apolo et Hyancinthus Symphony". Lên 12 tuổi cậu bé chỉ huy được đội nhạc kịch nổi tiếng của Đức, viết 2 vở ca kịch theo kiểu Italia, Đức.

Ở tuổi 13 Mozart làm giáo viên cung đình Tổng giám mục Salzburg. Tài năng của cậu bé được người đương thời gọi là "phép lạ mà Chúa trời ban phước cho Salzburg". Cũng năm này, khi ở Italia, Mozart đã được công nhận là nhà soạn nhạc và được phong danh hiệu Hiệp sỹ của Giáo hoàng. Mới 14 tuổi, cậu bé đã viết được bản nhạc 4 bè đầu tiên, viết vở ca kịch Mitridate, được tặng danh hiệu Viện sĩ Viện Hàn lâm Accademia Filhamonica, Bologne - điều chưa từng có trong lịch sử.

Người ta nói rằng, trong lịch sử âm nhạc, Mozart và Beethoven (1770-1827) là hai đỉnh cao có sức hút kì lạ, nhưng Mozart là thần đồng siêu việt. Mozart nổi tiếng là thần đồng đến mức bố của Beethoven vốn rất ngưỡng mộ Mozart nên đã khai man giảm 2 tuổi của Beethoven để con mình được ở vị trí thần đồng số 2 sau Mozart! Những người theo chủ nghĩa lãng mạn ở thế kỷ XIX coi Mozart là thần Eros, vị thần tình yêu với mũi tên vàng. Họ coi cậu bé Mozart là một tấm gương mẫu mực để dạy con cái, mong chúng bộc lộ thiên hướng và tài năng ngay từ nhỏ.

Người ta cũng từng biết đến cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Mozart và Beethoven vào năm Beethoven 17 tuổi. Các nhà nghiên cứu âm nhạc cho rằng đây là cuộc gặp gỡ báo hiệu một thiên tài mới xuất hiện sẽ ở đỉnh cao của thế kỷ tiếp theo, một người mà sứ mệnh sẽ bắt đầu ở nơi Mozart kết thúc sự nghiệp của mình khi cuộc đời còn quá trẻ ở tuổi 35.

Mozart là thần đồng, nhưng phải nhờ gia đình, đặc biệt người bố của Mozart đã phát hiện ra tài năng thiên bẩm của con mình, tạo điều kiện tốt nhất cho tài năng ấy phát triển thành thiên tài âm nhạc, làm cho ông không chỉ là thần đồng trong lịch sử âm nhạc thế giới, mà còn là nhà soạn nhạc thành công xuất sắc ở tất cả các thể loại.

Thiên tài của thiên tài

Tuy nhiên, Mozart thần đồng chỉ mới là khúc dạo đầu kì lạ trong hành trình nghệ thuật của nhà soạn nhạc thiên tài. 10 năm sau cùng của cuộc đời Mozart tại Viena mới là "Thời đại Mozart" trong lịch sử âm nhạc phương Tây, được ví như là “Ánh sáng của mặt trời vĩnh hằng”. Đó là 10 năm của thời kì đau khổ do kiệt quệ về tài chính và khả năng sáng tạo phi thường của thiên tài.

Ở thời điểm qua đời, Mozart được coi là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất mọi thời đại. Cuộc đời 35 năm ngắn ngủi của ông đã tạo ra những mốc son rực rỡ trong lịch sử âm nhạc thế giới với di sản đồ sộ: Mozart đã sáng tạo nên 626 tác phẩm lớn nhỏ, 24 bản opera, 52 bản giao hưởng trong đó có 41 bản giao hưởng được đánh số (gấp 4 lần Beethoven với 9 bản giao hưởng), 55 bản concerto, 13 bản nhạc kịch, hơn 70 ca khúc, hơn 40 bài hát trữ tình và 1 số bản fantasia, serenate, biến tấu, vũ khúc... Người ta ước tính, một nhạc sĩ thời nay để sáng tác ra được một khối lượng khổng lồ như vậy, chưa bàn đến chất lượng hay dở, cần phải mất... 350 năm! Đó là những tác phẩm đỉnh cao trong các lĩnh vực nhạc kịch opera và nhạc giao hưởng, piano, thính phòng và nhạc tôn giáo - một tài năng hiếm có mà phải vài thế kỉ may ra mới xuất hiện một lần.

Trong di sản đồ sộ đó, các tác phẩm hay nhất của ông được dàn dựng qua nhiều thời gian ở nhiều nước, được nhắc tới nhiều nhất là 2 vở nhạc kịch Đám cưới Figaro (1786), Don Giovanni (1787) và 2 kiệt tác bất hủ là Cây sáo thần (Die zauberfloete) và Khúc cầu hồn (Requiem).

Với Đám cưới Figaro, nhà nghiên cứu âm nhạc Đức bấy giờ Moder cho rằng “nó là một thứ rượu vang tươi mát dậy men thơm lừng và nồng nàn nhất trong mọi thứ rượu mà nền âm nhạc suốt cả thế kỷ XVIII đã ủ và cất lên được”. Richard Wagner (nhà soạn nhạc và nhà lý luận âm nhạc Đức, 1813-1883) cho rằng Cây sáo thần “là tác phẩm mẫu mực của opera, là kiểu mẫu của opera Đức thuần chất, có tính chất tiêu chuẩn, đến mức không ai có thể vượt qua nổi, dấy lên một niềm cảm hứng hư ảo”. Còn Khúc cầu hồn lại được giới âm nhạc coi là bản nhạc độc đáo, một tác phẩm tế lễ xuất sắc nhất, chiếm vị trí quan trọng và trang trọng trong lịch sử âm nhạc thế giới. Đây là một kiệt tác mà theo đánh giá của Beethoven: “Nếu Mozart không viết khúc nhạc đó thì người viết nó chính là Mozart!”. Khúc cầu hồn đã được chơi tại đám tang của Mozart. Ngoài ra, nó cũng được trình diễn tại lễ an táng của Napoleon I vào năm 1840 và tại đám tang của đại nhạc sỹ F.Chopin năm 1848.

Âm nhạc của Mozart vừa trong sáng vừa trữ tình, vừa giản dị vừa sang trọng. Nhạc của ông đã đạt tới sự vĩ đại thông qua những cái giản dị nhất, điều làm nên sự bất hủ ở Mozart. Các nhà nghiên cứu âm nhạc đã đưa ra một nhận xét thú vị (về cái gọi là kĩ thuật virtuoso): không giống như Chopin, người hay sử dụng các ngón đàn độc đáo trong các tác phẩm trên bàn phím, cũng không giống như Beethoven, người cố tình sử dụng các ngón đàn lạ lẫm để làm cho tác phẩm chơi khó hơn, còn trong các tác phẩm của Mozart, ông luôn coi trọng việc nhấn ngón đúng lúc với một trình độ kĩ thuật mượt mà, linh hoạt và một bàn tay cố định. Trước Mozart, âm nhạc Baroque với Antonio Vilvadi, Johann Sebastian Bach làm tiêu biểu cho trường phái âm nhạc quý phái hoa mỹ, lấy độ tương phản to nhỏ đột ngột đối âm, phức điệu làm cảm hứng. Sau ông, trường phái lãng mạn với một loạt các tài danh như Brahms, Wagner, Tchaikovsky hay Chopin vốn mê say tốc độ và cường độ, đa dạng hóa âm thanh, đem cá nhân lên làm chủ đạo. Nhưng với Mozart - cổ điển, âm nhạc thời kỳ này vẫn lung linh sự hoa mỹ, quý phái, vẫn có tính cá nhân làm chủ đạo nhưng mọi thứ hài hòa, giản dị không quá cầu kỳ.

Thiên tài của Mozart thể hiện ra qua những tác phẩm âm nhạc của ông thuộc mọi thể loại mà không một nhạc sĩ nào có thể sánh được về vẻ đẹp thi ca cũng như sự phong phú của âm điệu và sáng tạo về giai điệu. Mozart được ví như là người khổng lồ vĩ đại đứng giữa và kết nối hai bờ âm nhạc chủ nghĩa cổ điển và chủ nghĩa lãng mạn. Ông chính là người đưa âm nhạc cổ điển đến đỉnh cao trong cuộc hành trình nghệ thuật của mình và đứng mãi trên đỉnh cao nghệ thuật đó.

Tchaikovsky gọi Mozart là “Thiên tài phát sáng", viết về thiên tài này: “Tôi khẳng định một cách sâu sắc rằng, Mozart là đỉnh cao nhất mà cái đẹp trong âm nhạc có thể đạt tới". Còn thiên tài khoa học Albert Einstein, học violon từ năm lên 6 tuổi, chỉ khi khám phá ra những niềm vui kì diệu trong các bản sonata của Mozart thì ông mới thực sự say mê âm nhạc, thậm chí coi âm nhạc là yếu tố quyết định của đời mình. Einstein từng nói: “Âm nhạc của Mozart thuần khiết và đẹp đến mức người ta có cảm giác rằng ông chỉ đơn giản là tìm thấy nó, lấy nó ra một cách tự nhiên và nguyên vẹn như thể nó vốn đã tồn tại như một phần cái vẻ đẹp sâu kín của vũ trụ đang chờ được khám phá”.

Người ta luôn coi Mozart là biểu tượng của những gì tinh hoa và thuần khiết nhất của âm nhạc. Với Mozart, mọi người đều bình đẳng trong tình yêu với âm nhạc, được thưởng thức và tìm kiếm niềm vui, giá trị trong nghệ thuật âm nhạc. Âm nhạc của Mozart có vẻ đẹp kì lạ trong giai điệu, sự hài hòa cân đối trong sắp xếp hình thức, cấu trúc rất thông minh, tài hoa và bác học. Đó là sự kết hợp hoàn hảo giữa tính logic và giai điệu, sự phóng khoáng bay bổng trong hình thức biểu hiện với những cảm xúc trong sáng, sống động. Nhà soạn nhạc nổi tiếng người Nga Shostakovich nhận xét: “Mozart, đó là tuổi thanh xuân của âm nhạc, là nguồn sống khi mùa xuân về và là một sự hài hòa của tâm hồn”.

Cuốn Từ điển Laroussse của Pháp viết: “Mozart luôn tìm kiếm sự thanh khiết, nét tao nhã và biết đạt tới vẻ đẹp cao cả xuyên qua sự đơn sơ và nét duyên dáng”. Âm nhạc của Mozart chứa đựng tính nhân văn sâu sắc, một ngôn ngữ phong phú và đa dạng với những giai điệu tươi sáng giàu hình ảnh, hòa thanh uyển chuyển và tiết tấu phong phú, những phức điệu với các chủ đề giàu hình tượng, phối khí được cải tiến và bổ sung. Âm nhạc của ông tràn ngập lòng nhân ái, sự hòa hợp và bao dung, sự trang trọng và thiêng liêng của lòng từ bi.

Mozart - Thiên tài và nghi án về một cái chết bí ẩn
Nhà soạn nhạc thiên tài Mozart - Ảnh: Internet

Theo tờ Epoch Times, âm nhạc của Mozart có khả năng chữa lành sâu sắc nhiều bệnh tật: động kinh, Alzheimer, chấn thương tâm lý, tăng tốc độ phát triển não bộ của trẻ nhỏ.

Không chỉ là thiên tài về âm nhạc, Mozart còn rất xuất sắc về số học và ngoại ngữ. Trong âm nhạc của ông, dường như có mối liên hệ chặt chẽ và hỗ trợ giữa âm nhạc, toán học và ngoại ngữ. Người ta thường hay nói về tỉ lệ vàng (0,618) trong các bản sonata của Mozart để liên tưởng đến mối liên hệ giữa âm nhạc, ngoại ngữ và toán học, đến dãy số Fibonaci - một dãy số có thể giải thích nhiều hiện tượng tự nhiên. Tỷ lệ Vàng 0,618 (Golden Ratio) cho đến nay vẫn được xem là một trong những bí ẩn nhất của vũ trụ, thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học ở hầu hết mọi lĩnh vực: âm nhạc, kiến trúc, mỹ thuật, hội hoạ, trang trí, điêu khắc, nhiếp ảnh… bởi sự hiện hữu khắp nơi của tỷ số này: từ đường gân trên lá, sự phân nhánh của huyết quản và dây thần kinh, màn hình, thẻ tín dụng đến khoáng vật, xoáy nước, cơn lốc, vân tay, cánh hoa hồng, từ hình dáng vỏ ốc Anh vũ đến kiến trúc ở điện Panthenon, Kim tự tháp Giza, từ nhà thờ Đức Bà ở Paris hay trụ sở Liên hợp quốc ở New York đến dải ngân hà hay một số dải thiên hà khác như dải M51 ngay cạnh dải ngân hà của chúng ta…

Mozart là nghệ sĩ tự do bẩm sinh đích thực, luôn khao khát tự do và luôn là "kẻ thù của nô dịch" (Pushkin). Dường như ông là một nốt nhạc không chịu đi theo những khuông nhạc đã được kẻ sẵn mà chỉ muốn tự mình làm nên một giai điệu. Ông tuyên bố: "Tôi không muốn phục vụ bất cứ một vị Hoàng đế nào". Chính vì vậy, ông đã từ bỏ công việc trợ lý Tổng giám mục ở Salzburg (quê hương ông) để vĩnh viễn trở thành nghệ sĩ tự do đến cuối đời, kiếm sống bằng công việc biểu diễn, dạy học, sáng tác nhạc và bán các tác phẩm của mình.

Nhà văn Maynard Solomon (1930-2020), một nhà nghiên cứu âm nhạc, nhà sản xuất thu âm nổi tiếng, đã dành nửa thế kỷ tìm kiếm thông tin để viết nên cuốn Mozart (tên tiếng Anh Mozart: A life ). Với phong cách khách quan và sự vượt trội về nguồn tư liệu, trong đó có nhiều nguồn tư liệu chưa từng được công bố trong bất kỳ tiểu sử nào trước đó về Mozart, tác giả đã tái hiện cuộc đời của Mozart qua những khúc quanh của ông, từ địa vị một cậu bé được yêu mến ở quê hương Salzburg đến các cuộc chinh phục ở Viena và châu Âu, từ cuộc hôn nhân mà người cha phản đối đến những thăng trầm kiệt quệ tài chính, bệnh tật, cuối cùng là cái chết…Một Mozart đời thường, luôn bị giằng co trong những “món nợ” với gia đình dưới cái bóng của người cha khắt khe, những bế tắc và bi kịch trong cuộc đời. Đó là bi kịch của một thiên tài chói sáng và một cuộc đời cay đắng với những thiếu thốn cuối đời. Nó cũng là bi kịch gia đình khi xung đột quan niệm sống khiến ông bị tước quyền thừa kế chỉ vì không phát triển sự nghiệp theo ý muốn của người cha mình, khi cưới người vợ trái ý cha . Mozart đã học được ngôn ngữ súc tích mang tên Sự khước từ vĩ đại, học cách nói “không” với sự thống trị gia trưởng, bất công thứ bậc, với sự thiên vị, bóc lột và quy phục. Và, Mozart đã phải trả một cái giá rất đắt cho tự do. Ông đã sống những ngày cuối đời trong nghèo túng, bệnh tật và nợ nần. Ông có đến 6 người con mà 4 người bị chết vì không đủ tiền để chạy chữa thuốc thang khi bị đau ốm. Còn 2 người con còn lại của ông cũng bị ốm đau đến mức không thể gượng dậy vào đúng cái ngày đưa tang cha mình.

Cái chết bí ẩn

Mozart qua đời tại Viena vào rạng sáng ngày 5-12-1791. Theo các tài liệu để lại, Mozart được mai táng trong ngôi mộ ở nghĩa trang St.Marc dành cho những người cứu tế ở ngoại ô Viena. Một cơn bão tuyết lớn hoành hành trong suốt thời gian tổ chức đám tang ông khiến không một người bạn thân nào của ông có thể đưa ông ra nghĩa trang. Theo sau cỗ xe tang sơ sài của ông chỉ có người vợ goá Constanze, người đào huyệt mai táng ông, cùng một chú chó của Mozart cụp đuôi đi chậm rãi dưới cơn bão tuyết xối xả và lạnh buốt.

Khi ông mất, do gia đình quá nghèo nên phải mai táng ở một nghĩa trang người nghèo, mộ chôn tập thể. 7 năm sau, theo lệnh chính quyền, tất cả các ngôi mộ ở nghĩa trang này đều được cải táng để dành chỗ chôn người mới. Vì là mộ tập thể nên người ta không thể xác định được hài cốt của Mozart. Từ bấy đến nay không ai biết được hài cốt của ông đã được phân tán đi đâu và hài cốt nào là của Mozart. Sau này, tại nghĩa trang St.Marc, người ta dựng lên một ngôi mộ để tỏ lòng biết ơn và tưởng nhớ tài năng của ông, nhưng mộ ông không giống với bất kì ngôi mộ nào trên thế giới. Trên mộ ông là một trụ đá khắc dòng chữ "W.A.Mozart 1756-1791", bên cạnh là bức tượng một thần đồng mang đôi cánh trên lưng, ở góc sát bức tượng ông là một khóm hoa vàng và toàn bộ mộ ông là một thảm hoa đỏ màu huyết dụ, khuôn viên ngôi mộ bạt ngàn những cánh hoa đầy màu sắc thoảng bay trong gió…

Vì là một thần đồng, một thiên tài trác việt nên cuộc đời ngắn ngủi và cái chết đột ngột của ông luôn được giới khoa học quan tâm nghiên cứu. Trong suốt 233 năm qua kể từ khi Mozart qua đời đến nay, nguyên nhân về cái chết của ông luôn là một đề tài không thôi tranh cãi. Cho đến nay đã có tới 150 giả thiết được viết tiếp vào bộ Hồ sơ tử vong đồ sộ của Mozart để lí giải về nguyên nhân cái chết của ông.

Nhìn chung, có 2 xu hướng chính tạo nên các giả thiết về cái chết của Mozart: chết vì bệnh tật hay chết vì bị sát hại?

Các giả thiết cho rằng Mozart chết vì bệnh tật đã dựa vào Hồ sơ bệnh án khai tử đồ sộ của ông. Theo bệnh án, Mozart mắc bệnh tả (sốt cao, tiêu chảy). Người thì cho rằng ông bị thấp khớp (phù các chi, đau nhức). Thậm chí còn có tin đồn ông bị bệnh lây qua đường tình dục nên đã phải dùng thủy ngân để chữa bệnh mà không biết rằng đó là chất độc giết dần giết mòn ông.

Bác sĩ J.Hirchmann, chuyên viên thú y ở Seatle (Mỹ) lại cho rằng Mozart chết vì ăn phải thịt lợn nấu nướng không vệ sinh nên bị nhiễm giun xoắn, bởi cơn sốt kèm theo các triệu chứng phát ban, các chi sưng to, đau nhức.

Gần đây, các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Amsterdam (Hà Lan) đăng trong Tạp chí Biên niên sử chuyên ngành nội khoa (2009) lại đưa ra giả thuyết các chứng của bệnh viêm khí quản do nhiễm trùng khuẩn cầu chuỗi là lí do dẫn đến cái chết của Mozart. Mặc dù đây chưa phải là kết luận cuối cùng về nguyên nhân cái chết của Mozart, song giới khoa học cho rằng, giả thuyết này rất đáng quan tâm.

Nữ Tiến sỹ Faith Fitzgerald, một giáo sư âm nhạc thuộc Đại học California vốn hâm mộ thiên tài Mozart, người đã thống kê được 150 giả thiết khác nhau về cái chết của ông từ các phương tiện truyền thông và các báo cáo khoa học trên thế giới, lại tin rằng Mozart chết vì chứng thấp khớp cấp bởi những biểu hiện của ông khi chết là các chi sưng to, đau nhức và sốt cao.

Gần đây hơn, một giả thiết khác lại được đưa ra: Mozart chết là do thiếu vitamin D. Dựa vào thời khoá biểu của ông, người ta nhận thấy Mozart thường soạn nhạc vào ban đêm nên ông thường ngủ suốt ngày. Theo W.B.Grant ở San Francisco (Mỹ) và S.Pilz thuộc Đại học y khoa Graz (Áo) thì ánh sáng mặt trời hiếm hoi cùng với thói quen làm việc ban đêm đã khiến Mozart thiếu vitamin D. Theo giả thiết này, thủ đô Viena ở vĩ độ 48 độ Bắc, nơi Mozart sinh sống không thể tạo vitamin D từ ánh sáng cực tím suốt 6 tháng trong 1 năm. Rất có thể mức 25 hydroxyvitamin D trong máu quá thấp đã góp phần gây ra cái chết của Mozart. Việc thiếu hụt vitamin D này đã khiến ông dễ mắc bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là vài tháng của mùa đông. Mozart qua đời vào 05/12/1791, là rơi vào giai đoạn 2-3 tháng mùa đông, khi các tia cực tím ở mức thấp nhất. Các nhà khoa học này cho rằng, nếu Mozart dành vài phút dưới ánh nắng mặt trời mỗi ngày, thì rất có thể ông không qua đời sớm như thế...

Những người theo quan điểm án mạng lại cho rằng Mozart chết là do bị sát hại vì ghen tuông, vì đố kị ghen ghét. Tương truyền rằng Mozart đi đến đâu thì tình yêu đi đến đó, đến mức bố của Mozart đã phải thốt lên: "Những người đàn bà quanh đây đều là người yêu của con tôi". Đương thời, Mozart được mời dạy nhạc cho Maria Magdalenda, một quý phu nhân xinh đẹp và đã cám dỗ người người đàn bà này. Chồng của bà ta là một vị đại thần của cung đình Viena vẫn luôn tuyên bố là phải giết Mozart cho bằng được. Người đàn ông này đã đột nhập vào nhà của Mozart và hành hạ ông cho đến chết. Không chỉ thế, có nguồn tin lại cho rằng Mozart chết vì đã bị sốc nặng khi biết tin mình bị... cắm sừng! Những người này khẳng định đứa con trai thứ 6 của ông thực ra là con của một kẻ là học trò của ông. Do ghen tị về tài năng siêu phàm của thầy mình mà kẻ học trò này đã hạ độc thầy dạy mình. Điều trùng hợp ngẫu nhiên khó hiểu là tên của kẻ học trò này - Franz Xavier Zyusmeir - lại cũng trùng với tên của đứa con trai thứ 6 của Mozart nên người ta càng có thêm nhiều lời thêu dệt về nguyên nhân cái chết của ông.

Một nghi án khác cho rằng Mozart bị sát hại bởi thói đố kị ghen tức. Một nhạc sĩ cung đình, cũng là một thiên tài âm nhạc - Antonio Salieri - do đố kị nghề nghiệp và tư thù cá nhân đã ra tay sát hại Mozart bằng cách đầu độc (có nguồn tin cho rằng Salieri đã thú tội khi hấp hối năm 1825). Pushkin đã dựa vào giả thiết này để viết nên vở kịch "Mozart và Salieri", tác phẩm được R.Korsakov phổ nhạc. Giả thiết này cũng là nguồn cảm hứng cho các tác giả kịch bản và đạo diễn xây dựng nên bộ phim “Sự đố kị của thiên tài" (tên phim tiếng Anh: Amadeus), một bộ phim đã từng đoạt 8 giải Oscar và 4 giải Quả cầu Vàng năm 1985.

Mozart còn được cho là nạn nhân của một âm mưu của Hội tam điểm những người Do thái. Theo nguồn tin này, do tức giận và thấy bị xúc phạm đối với những nghi thức bí mật của Hội tam điểm mà Mozart tiết lộ trong tác phẩm "Cây sáo thần”, nên họ đã liên minh với giới Do thái tài phiệt để ngăn chặn những tiết lộ của Mozart và hạ thủ ông để hả cơn giận.

Vẫn còn giả thiết khác lí giải về cái chết của ông mang tính định mệnh, thần bí hơn. Khoảng tháng 7 năm 1791, khi sống tại Viena, có một người cao lớn mặc áo choàng đen đã đến gõ cửa căn phòng Mozart, đặt ông viết bản nhạc Khúc cầu hồn, Requiem, trong khi ông đang bận rộn giúp đỡ nhạc sĩ Salieri (đã nói ở trên). Lúc này ông đã quá mệt mỏi vì làm việc quá độ, tính mạng nguy kịch. Có lúc ông ngất xỉu và kiệt sức vì nỗi ám ảnh với kẻ lạ mặt mang áo choàng đen thần bí. Mozart đã nói với vợ khi viết Khúc cầu hồn: "Anh viết bản Khúc cầu hồn này như là cho chính anh vậy". Ông cũng thản nhiên nói với bạn bè: “Lưỡi hái của tử thần đang ở trên đầu tôi, và tôi cũng sắp phải nếm trải mùi vị của tử thần rồi". Mozart tin rằng nhạc phẩm này có mối liên hệ và có ý nghĩa đối với tang lễ của ông sau đó. Ông đã trút hơi thở cuối cùng khi bản Khúc cầu hồn mới viết được 8 chương còn dang dở, một học trò của ông là Sussmayr đã viết nốt 4 chương còn lại của bản nhạc đó.

Những năm cuối đời, Mozart rơi vào cảnh bệnh tật, nghèo đói và nợ nần với vô vàn cơ cực. Ông luôn gặp phải sự ganh ghét ghen tị, thói đố kị và âm mưu của các thế lực muốn hãm hại ông, sự thờ ơ ghẻ lạnh của những kẻ quyền thế. Ông bị đối xử tồi tệ và bị vắt kiệt sức sáng tạo. Ông kiếm được nhiều tiền, nhưng lại chi tiêu nhiều hơn số tiền kiếm được, nên nợ nần ngày càng tăng và đeo bám ông đến lúc chết. Không chỉ ham chơi billard, cờ bạc cũng mê hoặc ông, rượu chè đã hủy hoại ông, nhấn chìm ông. Ông thường chi rất nhiều tiền vào lối sống xa hoa, hoang phí qua việc mua sắm nhiều quần áo, tiệc tùng, du lịch. Nợ nần và túng thiếu buộc gia đình Mozart phải chuyển nhà tới 11 lần. Lúc kiếm được nhiều tiền, ông vung tay vào các cuộc truy hoan miệt mài thâu đêm suốt sáng. Đêm thức chơi bời, cho đến khi rượu tỉnh canh tàn, một ngày mới đến ông lại lăn ra ngủ li bì. Ông sống không theo một quy tắc nào. Ông qua lại với nhiều gái điếm. Ông cặp kè với quý bà Maria Magdalenda. Ông hẹn hò với những tiểu thư quyền quý, vương phi mệnh phụ (công chúa Maria Theresia, hoàng hậu Marie Zezczynska, hoàng hậu Charlote, hoàng hậu Marie Antoinette... đều đã ít nhất một lần đi qua cuộc đời ông). Anh hoa phát tiết ra ngoài từ năm lên 2 tuổi, đến tuổi trưởng thành thì mức độ phát tiết càng mãnh liệt hơn như một hiện tượng phi thường (the prodigy phenomenon). Ông sống nhanh, sống trước tuổi, sống vội vàng như thể ông biết rất rõ rằng thời gian không chờ đợi mình. Người ta nói rằng, cả cuộc đời ngắn ngủi của ông luôn bị ám ảnh bởi ba điều: tình yêu, nỗi ghen tuông và sự đố kị thì cũng chính những thứ đó đã làm cho ông phát sáng, bị vùi dập và bị tai hoạ. Sự nghiệp của ông bắt đầu thật sớm để tạo nên một vầng sáng rực rỡ trong lịch sử âm nhạc thế giới nhưng lại đã kết thúc trong sự bi thảm, ghẻ lạnh và ảm đạm. Cái chết của ông là cái chết của một tài năng thiên bẩm, một thần đồng bị khai thác triệt để nhất trong lịch sử âm nhạc thế giới.

Viết & Đọc - Chuyên đề mùa xuân 2024

Trình diễn chương trình hòa nhạc “Giao hưởng số 41 của Mozart” Mozart: Con người đằng sau những lá thư Bức hoạ Mozart năm 13 tuổi sẽ được đấu giá lên đến 1,2 triệu euro. Hòa nhạc đặc biệt "Âm nhạc từ Vienna - Mozart & Strauss" Âm nhạc là con đường bước ra ánh sáng
Dấu mốc trên hành trình tiểu thuyết

Dấu mốc trên hành trình tiểu thuyết

Baovanghe.vn - Tấn kịch ở Hạ Lỗi là tiểu thuyết thứ 6 trên hành trình tiểu thuyết của Nguyễn Nhuận Hồng Phương. Thiên truyện bắt đầu bằng cuộc hồi hương nhọc nhằn và bất đắc dĩ của thông phán Trịnh Huệ và cậu con trai Trịnh Hạ mới 7 tuổi đầu của ông.
Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Baovannghe.vn - Tối ngày 19.9.2024 Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức lễ trao Tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT năm 2023, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội)
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.