Sáng tác

Sống ở nơi khác - Truyện ngắn của nhà văn Lưu Vĩ Lân

Nhà văn Lưu Vĩ Lân
Truyện
20:33 | 11/07/2024
Bà đã ảo hóa nơi này để sống gần như thực ở nơi kia. Bà là mẫu thức mình phải đưa vào kết luận cho cuộc du hành cô độc của con người giữa vũ trụ thẳm sâu.
aa

Tiến sĩ Alex Phạm mệt nhoài sau một chuyến bay dài từ Đông Âu trở về. Máy bay dần đáp xuống sân bay quốc tế George H. W. Bush, cái phi cảng khổng lồ nằm đúng phía bắc như bệt một vết chàm trên trán của đô thành Houston, thủ phủ bang Texas. “Bay ra từ một chiến địa, đáp xuống một “landing zone”(1) có cái tên gắn với những chiến địa khác...”. Quả thật cái tên của dòng họ vị tổng thống này luôn gây liên tưởng đến những cuộc chiến: “Bão táp sa mạc” của Bush Cha; rồi cuộc tập kích “Shock and Awe”, của Bush Con khi tiến vào Iraq - “Sốc và Kinh hoàng”, từ lóng chỉ một chiến thuật đầy ngạo mạn học thuyết quân sự “Rapid Dominance” của Mỹ. “Khống chế tức thì”, dùng sức mạnh vũ lực áp đảo làm tê liệt đối phương ngay phút ban đầu.

*

“Ông là nhà văn, nhà báo?”, người quân nhân Ukraine lem luốc, râu ria xồm xoàm, cơ thể bốc mùi vì nhiều tuần không tắm và ngụp lặn trong căn hầm ẩm thấp nằm cách chiến địa Robotyne(2) vài cây số, vừa thì thào vừa nhả khói thuốc cuồn cuộn lên không khí trong mùa thu sũng nước trên vùng đất đen của những cánh đồng lúa mì.

Alex gục gặc cho qua chuyện thì anh lính cười khì nói bằng một thứ tiếng Anh vỡ vụn: “Vậy ông thường viết bằng ngôi thứ nhất hay ngôi thứ ba?”. Là sao? Nhìn ánh mắt ngơ ngác của đối tượng, anh lính giải thích: “Tôi từng là sinh viên văn khoa ở đại học Kiev. Tôi thích những tác phẩm viết bằng ngôi thứ nhất. Tác giả phải nhìn cuộc đời và kể lại câu chuyện bằng chính đôi mắt của mình. Như một lời tâm tình, thế nó thật và ấm áp hơn”.

À thì ra anh ta đang nói về nhân xưng “tôi” mà nhà văn dùng khi kể chuyện trong tác phẩm của mình, Alex hoàn toàn đồng ý; cách hay nhất để kể là từ chính mình, chính mắt mình, phải ở tại chỗ, sống tại chỗ, chết tại chỗ, thực chứng, chứ đứng bên ngoài thuật lại ở ngôi thứ ba thì chỉ là từ xa nhìn vào một vở kịch. Nó vô can quá. Nhưng, tại sao lại có chuyện văn chương nơi cái chiến hào lầy lội, ướt át cuối thu chuyển đông của vùng Zaporizia(3) đẫm máu vào lúc này?

“Khà, khà..., vì ông đang tìm hiểu đó!”, bộ râu xồm cười nhăn nhở thấp thoáng một hàm răng trắng toát, đều đặn, dấu hiệu của một tân binh, chứ cựu binh đã dầm mình ở chốn địa ngục này dài ngày thì hàm răng đẹp đẽ ấy sẽ ố vàng bẩn thỉu. “Ông đang ngạc nhiên về chuyện văn chương ở đây?”. Tay này nhạy cảm thật, chả trách dân học văn khoa, Alex ngẫm. Bỗng hắn khoát vai kéo Alex chui ra khỏi chiến hào. Hai đứa mặc áo giáp, đội mũ sắt, lom khom chạy qua cánh rừng thưa tiến ra bìa rừng. Ngoài kia các cánh đồng lúa mì bao la trải suốt đến chân trời. Cái xứ sở toàn đồng bằng, như được lát gạch bởi những mảng ruộng rộng lớn, viền quanh là các hàng cây. Chỉ có nơi đó là chốn ẩn nấp và giấu binh lực khí tài của cả đội quân. Quang cảnh làm nhớ đến đại ngàn Trường Sơn của xứ mình. Alex bật cười, nếu xứ mình chỉ có mấy hàng cây và vài cánh rừng thưa thế này thì bom Mỹ đâu có chịu thua. Do địa hình nên bản chất các cuộc chiến luôn khác nhau.

Ở bãi cất cánh cách xa hầm chỉ huy và trú ẩn của đơn vị, người quân nhân bắt đầu khởi động chiếc UAV-FPV(4) cất cánh sau khi đeo cặp mắt kính thực tế ảo to đùng vào mắt mình. Tay cầm bộ điều khiển, anh lính cười nói: “Cất cánh nhé...”. Thế là Alex thấy mình bay lên, cả bầu trời và đồng bằng phì nhiêu của đất nước có cái tên như của một người đẹp xuất hiện trong tầm mắt. Alex thấy mình bay lượn như cánh chim trên vùng trời. Hơi bị ngộp và thoáng chóng mặt. Khi lên đến cao độ 300 m, rải rác đằng kia là vài ngọn đồi nhỏ chen với vài vạt rừng lớn hơn một chút nằm xa xa. Rồi anh thấy mình tiến dần về phía đông đến gần vùng trận địa Rabotyne, mệnh danh chiếc cối xay thịt với cả chục ngàn chiến binh của hai bên đã bỏ mạng trong cuộc phản công quyết chiến của người Ukraine vài tháng qua. Bên dưới, dường như chẳng còn gì ngoài một tấm thảm đan bằng những hố bom và đạn pháo chi chít dày đặct như một tấm lưới của địa ngục. Xứ mình hồi đó cũng chịu những cuộc ném bom rải thảm, nhưng Alex chưa thấy một tấm thảm bom khủng khiếp như thế hằn lên đất đai. Có thể ở mình không có đủ đồng bằng để cái chết thể hiện dung nhan “bệnh đậu mùa” của nó.

“Ông đang thấy chứ?”, Alex giật mình khi đang ngây ngất giữa bầu trời thì nghe giọng của người lính bông lơn vang ngay bên cạnh. Thì ra mình đang đứng mà cứ ngỡ đang bay, ảo và thật như trộn vào nhau trong loại kỹ thuật chiến tranh này. “Tôi đang Lottering...”, à hắn nói đến một kỹ thuật cho UAV đứng tại chỗ và nhìn chăm chăm vào một vị trí trên mặt đất. Đây là kỹ thuật đáng sợ của UAV hiện đại, nó lởn vởn tại một chỗ, đau đáu quan sát, rình rập và bổ nhào xuống tấn công đối phương như một con chim ưng cắt gió lao vào con thỏ đang co rúm bên dưới. Người lính trên chiến trường “siêu đương đại” của cuộc chiến thế kỷ này gọi chúng là những quả mìn gài trên không trung. Cứ ngỡ chỉ có mìn dưới đất, mìn dưới nước, nay người ta cài mìn ngay cả trên trời! UAV là một loại vũ khí thay đổi bản chất của chiến tranh và gắn thêm chữ “cổ điển” vào cho tất cả các cuộc chiến tranh trước nó.

“Tôi thấy cả một trận địa...”, Alex đáp câu hỏi.

“Không, tôi hỏi ông đang thấy bằng... mắt của ai?”. Tay này hỏi lạ, mình đang thấy bằng mắt mình chứ bằng gì? À, chết thật, mình đang ở dưới đất, mà lại như con chim ưng bay trên trời và thấy tận mắt một trận địa nằm cách mình... đến bốn cây số. Trời đất, mình hiểu rồi, Alex thốt lên.

“Đó, ông hiểu câu hỏi của tôi về viết văn ở “ngôi thứ nhất” chưa”, anh lính cười lớn, tiếp: “... nếu ông lái một UAV bình thường, hay gọi là flycam, cái camera đó ghi hình cảnh quan và chuyền về cho ông xem, nó như người kể chuyện ở “ngôi thứ ba”. Còn cái UAV có tính năng FPV, viết tắt của cụm từ “First Person View”, nghĩa là góc nhìn của ngôi thứ nhất. Nó chính là ông đang bay, đang lượn, đang rình kẻ thù dưới mặt đất, khi xác định được đối phương, đôi mắt của ông sẽ bấm nút, sẽ ném một quả lựu đạn xuống đầu chúng, hoặc nếu có tính năng “tự sát”, tức có mang một quả mìn lớn trên mình, thì nó sẽ lao vào hủy hoại một chiếc chiến xa của địch chẳng hạn”. Đây là vũ khí giết người từ xa nhưng bằng góc nhìn của chính người giết! Trời đất, văn chương và công cụ chiến tranh giống nhau thế đó. Như vậy là mình có thể ở cách kẻ thù nhiều ngàn mét và thấy rõ ánh mắt hốt hoảng của họ khi bấm nút... giết.

*

Bước xuống taxi, Alex kéo lê cái balô quân vụ trượt trên bãi cỏ trước nhà; chỉ hơn một tháng xa nhà mà cỏ đã mọc cao và rậm rạp thế này. Vậy là mất cái Chủ nhật tới cho việc cắt cỏ nữa rồi, Alex than thầm. Sống một mình với người mẹ đã tám mươi tuổi, cứ mỗi chuyến công tác xa chỉ lo cho mẹ ở nhà chứ làm gì còn chỗ để lo cho...cỏ. Cửa nhà không khóa và bên trong vang vọng tiếng đàm đạo của mẹ và khách.

“O nói với con đám giỗ phải làm đúng ngày âm, không có cái vụ kết hợp đến cuối tuần cho tiện...”, tiếng mẹ quát.

“Con cũng biết vậy, nhưng bà con họ hàng ai cũng đi làm, mình giỗ thứ năm, không ai đến dự được O ơi”, có tiếng quen quen đáp lại.

“Nè, nè, đứa mô không dự con nói O nghe. O kêu nó lên chửi cha nó đó. Con cháu mà ngày giỗ Ôn, giỗ Mụ nói rứa nghe được hỉ”, tiếng mẹ như gầm lên. Bà già tám mươi mà giọng còn khỏe thiệt. Đang mệt, tránh cái phòng khách, lách qua hành lang né về phòng luôn, bỗng có tiếng giật ngược của mẹ: “An hả, An về đó hả con?”. Quá oải, đưa tay gõ nhẹ lên cửa đáp lời xong tính chuồn vào phòng thì tiếng quát như gắt vang lên: “An... Alex, giờ con quên tên Việt rồi hả, phải gọi tên Tây con mới dạ hả!”. Rồi, mệt dữ rồi. Vội quay đầu ra phòng khách vừa đi, vừa nói chữa: “Dạ, tại con nghe mạ có khách nên tránh đó mà”.

“Khách mô mà khách...”, tiếng bà đáp và ở phòng khách chỉ có mình bà trước cái màn hình. À, thì ra bà đang gọi Video Call với Huế. Trên màn hình, chị Huệ người cháu gọi bà cô, người quản gia của bà tại ngôi nhà ở Huế, đưa tay chào: “An, em khỏe hỉ!”. Trời đất, “tổng tư lệnh” đang chỉ đạo chiến dịch giỗ quảy từ xa đây mà. Mẹ chỉ đạo chiến dịch này từ Houston đến tận Huế tức 13.876 cây số, chứ đâu chỉ bốn cây số như ở căn hầm mình vừa bay về.

Alex chợt giật mình nhận ra điều quá quen đâm ra không để ý. Cứ chín mười giờ đêm từng ngày là mẹ ngồi vào bàn, bật máy tính, lên sóng chỉ đạo. Mẹ “họp giao ban” sáng vì lúc này Huế đúng 8g sáng: “Huệ ơi, cái màn cửa kéo chưa kín tề, nắng dọi vô ban thờ Ôn tề...”. “Huệ ơi, mấy cái chậu bông chỗ cửa rào, O thấy héo queo tề, mi có tưới không rứa? Mùa hè xứ Huế mình nóng rát khô rứa bông hoa mô chịu nổi”. “ Huệ ơi, mưa lụt nước dâng mấp mé ngoài ngõ rồi đó, con ráng chú ý hỉ. Ngập vô nhà ông bà là chết tao đó...”. “Huệ ơi, sắp có bão rồi hỉ, coi chừng dây điện, cửa sổ, cây cối nghen. Dì gởi tiền về con biểu thằng Sáu thợ điện vô kiểm tra điện nghe. Nói hắn chỉnh lại cái camera sân sau hỉ, gió thổi lệch mất, dì không thấy cái nhà kho phía sau có đóng cửa chưa”. “ Huệ ơi, Tết tới rồi hỉ. Cái bàn thờ O thấy phủ bụi tề. Bộ lư đồng mờ rồi, con đi đánh lại cho sáng lên hỉ. Ngó tấm hình ba mạ O răng buồn thiu rứa? Hay là bụi làm mờ đi? Mi đừng làm ba mạ dì buồn. Cũng là Ôn, Mụ của mi đó. Thấy cái hình buồn rứa tao...tội quá...”...

Mấy năm trước, bà buộc Alex bỏ hai tuần phép bay về Huế gắn cả chục cái camera ở những góc mà bà chấm...tọa độ: cái nhìn thẳng bàn thờ, cái nhìn thẳng ra cửa chính, cái quan sát sân sau, cái quan sát sân trước, cái quan sát hàng rào, cái nhìn qua nhà hàng xóm thân quen...Alex tính biểu mẹ về thăm nhà luôn, ngồi đây ngó làm chi, chợt kịp ngậm miệng. Mười năm qua sức khỏe bà suy giảm nghiêm trọng không thể chịu nổi một chuyến bay xuyên lục địa.

Mà nói chi cho dông dài, ngay tại Houston này, Mạ cũng không bao giờ rời khỏi nhà, nhiều lắm là lê bước ra cái sân sau chăm sóc dàn bầu, dàn bí của mình. Trái bí nào lớn bà nâng niu, nựng nịu như em bé, rồi bà gọi điện kêu hết con cháu sống quanh vùng, mà đứa gần nhất cách nhà... mười cây số: “Mi đến lấy bí về ăn nè, quả sạch tao trồng đó, giống từ Huế mang qua, ăn mát tốt lắm con”. Đứa nào nhận cuộc gọi mà chậm qua là chết với “Tổng tư lệnh” ngay. “Răng không qua con hỉ. Hay bọn mi ăn đồ Mỹ quen rồi chê cây trái quê hương, bọn mi chui từ cái lỗ mô ra mà rứa hỉ...”. Sau cùng, khi “lính tráng” đã quá ngán ăn “bí quê hương” mà phải chạy xe cả chục cây số như thế, bà đành chịu nhưng không bó tay. Lại ra lệnh cho Alex cắt quả bí đem vô nhà và xử lý theo chỉ đạo của bà. Cái cảnh mẹ nâng niu từng trái bí sau vườn đã khiến Alex thán phục Trịnh Công Sơn khi ông viết bài nhạc bài Người mẹ Ô Lý: Một sớm lên đường/ Mẹ ra sau vườn/ Hỏi thăm trái bí/ Trên giàn còn xanh... Một thân bé nhỏ/ Mẹ ôm trái bí/ Đi về chợ xa. Mẹ nhớ mái nhà/ Hàng cau sau hè/ Còn riêng trái bí/ Nhớ giàn đầy hoa. Ông Sơn tả sao giống y như mạ mình.

Trời đất, một mẫu nghiên cứu ngay trước mặt mà cứ tìm đâu xa vời, Alex chợt nhận ra. Làm việc cho phòng nghiên cứu du hành không gian của công ty thám hiểm vũ trụ tư nhân SpaceX do ông tỷ phú kỳ quái Elon Musk lập ra, tiến sĩ Alex Phạm được giao tìm hiểu cách con người sống xa địa cầu nhiều năm sẽ có những chuyển biến tâm lý gì và làm sao để họ chấp nhận cách “tồn tại một nơi mà vẫn như sống ở một nơi khác”. Một chuyến đi đến sao Hỏa rồi trở về sẽ kéo dài nhiều năm và nhà du hành đó phải sống giữa một cái hộp đi về phía vô định với chỉ một kết nối từ xa với xã hội loài người. Nói một cách ngắn gọn, họ “tồn tại trong cái hộp”, còn sống với ý nghĩa cộng đồng, giao kết thì “ở nơi khác”, tức với Trái đất.

Cuộc nghiên cứu Alex tiến hành bắt đầu từ các mẫu loại công việc của những người “sống ở nơi này” nhưng làm công việc ở nơi xa xăm. Mẫu đầu tiên là tại Hoa Kỳ. Khi bước vào phòng lái hiện đại của các “phi công” lái các loại UAV khủng gọi là Reaper hay Predator B của không quân Mỹ tại căn cứ chỉ huy bay tọa lạc trong thung lũng Antelope, Bắc California, Alex đã giật bắn mình. Trong một căn phòng hành quân hiện đại điều hòa nhiệt độ mát lạnh, cả một rừng màn hình đa góc nhìn, đa chiều kích với các phương tiện truyền thông, điều khiển chớp sáng lập lòe. Hai phi công trẻ ngồi êm ấm trong chiếc ghế da đang cho cất cánh một chiếc UAV Reaper lớn như một chiếc máy bay nhỏ tại một căn cứ mật nằm ở Quatar với phi vụ thám sát đoàn di chuyển bất thường trên sa mạc Syria. Trời đất, khoảng cách 12.400 cây số từ California đến Syria mà viên phi công cầm cần lái điều khiển như đang ở trên buồng lái của chiếc phi cơ ấy. Họ bay lượn, quan sát, báo cáo; ở tầm cao 7 cây số, họ có đủ loại ống kính với khả năng quan sát vật thế nhỏ vài centimét dưới mặt đất... May hôm đó chỉ là một phi vụ thám sát, lệnh tấn công bị hủy bỏ và Alex hú hồn khi tránh phải xem cảnh bốn quả tên lửa không đối đất mệnh danh “Lửa Địa Ngục” (AGM-144 Hellfire) khai hỏa để hủy diệt đoàn người bên dưới. Với kỹ thuật “Nhiệm vụ phân chia từ xa” của loại chiến dịch này, chiếc UAV được nhóm kỹ thuật cho cất cánh và thu hồi tại căn cứ ở Quatar, nhưng lái, quan sát và tấn công sẽ do căn cứ tại Mỹ quyết định thông qua một kỹ thuật gọi là “Liên kết ngoài tầm nhìn”. Hai viên pilot trẻ hoàn thành “Phi vụ bay hai giờ” vui vẻ bắt tay Alex rồi rời khỏi phòng chỉ huy. Họ nhảy lên chiếc Tesla mới cóng phóng vội về phố cho buổi liên hoan chiều thứ bảy ở Los Angeles hoa lệ. Họ sống ở đây, nhưng giết ở ngoài kia. Mọi chết chóc đều “ngoài tầm nhìn”...

*

Mạ lại lên cơn sốt, đường huyết cũng tăng vọt, đầu óc mạ mơ mơ màng màng. Robert, tay tiến sĩ y khoa cùng làm trong chương trình vũ trụ với Alex đến tận nhà thăm khám giúp và nói nhỏ: “Mum rất không ổn...Bắt đầu cho một kết thúc đấy...Bạn phải theo dõi thật kỷ nhé!”. Vội xin hai tuần “home working”(5) để vừa ở nhà hoàn thành cái nghiên cứu, vừa chăm mạ. Nhìn mạ nằm thiêm thiếp, Alex cũng chìm sâu vào suy tư: người ta có bao nhiêu cách để “tồn tại ở đây và sống ở kia”. Anh chàng pilot ở căn cứ thung lũng là mẫu của mô thức “Sống ở đây và giết ở kia”. Mô thức này không dùng được vì chàng pilot sau khi “bay” đã tự do chạy về cộng đồng thật của mình để vui vẻ. Họ không cô độc.

Người lính Ukraine ở mặt trận Robotyne là mẫu của mô thức “Sống ở đó và giết cạnh đó”. Cái tầm điều khiển của chiếc UAV góc nhìn thứ nhất ấy chỉ mươi cây số, nên anh phải ở cạnh chiến địa. Cập nhật mới nhất từ chiến trường buộc Alex phải thêm vào một kết luận cho mẫu thức Ukraine: “Sống ở đó, giết cạnh đó và...bị giết ở đó”. Thông tin nhận được cho biết người Nga có chiến thuật chống UAV mới; họ cho một UAV từ trên cao theo dõi cái UAV - góc nhìn ngôi thứ nhất của anh lính, rồi bám theo nó trên đường về; khi anh lính chạy ra bìa rừng chỗ Alex đã từng đứng để thu hồi chiếc UAV thì chiếc UAV theo dõi của Nga báo định vị để pháo binh bắn cấp tập vào nơi ẩn nấp tiểu đội điều khiển UAV của Ukraine. Anh lính bị giết khi trên tay còn ôm con chim sắt yêu quý của mình. Mẫu này không chấp nhận được vì cách xa nhưng họ không ở đủ xa để cảm được sự cô độc. Họ vẫn có thể thò tay đến giết nhau dù không gặp...

Không, mẫu của mình cho chuyến hành trình không gian phải là loại chống lại một sát nhân khác: sự cô độc tuyệt đối giữa vũ trụ, Alex kết luận.

“An ơi, kêu con Huệ vô mẹ biểu”, có tiếng mạ rên trên chiếc giường kê ngay phòng khách để mình tiện vừa làm, vừa chăm mạ.

“Mạ, nói cái chi?”, sà xuống cạnh mẹ, Alex hỏi.

“Kêu con Huệ vô mạ hỏi coi ngày mô giỗ ba mi”.

...

“Ủa, răng mi im lặng rứa...”, bà lại thì thào

...

“Hắn trốn mạ rồi hả, rứa kêu xích lô đưa mạ đến nhà O Tám chỗ cầu Gia Hội đó, mạ nhờ O Tám lo, khỏi cần cái con Huệ ni nữa...”

Mẹ không có mê sảng, Alex biết. Bà có chút ít sa sút trí tuệ thôi, nhưng chút sa sút không tạo ra sự nhầm lẫn này. Cơn sốt kịch phát làm bà thức dậy này chỉ là một cơn giật mình từ một giấc ngủ mông lung, còn sự thật là từ hai mươi năm qua khi đưa mạ qua đây đoàn tụ để mình gần mạ thì bà đã mang cả xứ Huế theo. Bà không thích đi đâu cả: shopping, du lịch, đi ăn ngoài... Ép nài lắm thì bà lên xe đến trước quán ăn rồi nói: cho tao tờ báo tao ngồi đây đọc, tụi bây vô ăn đi. Bà chỉ thích ăn những món đạm bạc quê nhà, ở trong bốn bức tường ngôi nhà kiểu Mỹ bà liền ngụy trang nó bằng giàn bầu bí để Huế hóa không gian. Từng ngày bà gọi video call để điểm danh từng con người ở xóm cũ, hỏi han thời tiết, chuyện xóm làng, chuyện thị phi, chuyện rì rầm...Và quan trọng nhất là với mười cái camera bao bọc mọi ngóc ngách ngôi nhà nơi cố quận, bà như sống tại đó từng ngày dù đang tồn tại trên quê nhà của người khác.

Bà vừa thức dậy ở Huế dù đang ở Texas. Không phải là viễn mộng, bà đã ảo hóa nơi này để sống gần như thực ở nơi kia. Bà là mẫu thức mình phải đưa vào kết luận cho cuộc du hành cô độc của con người giữa vũ trụ thẳm sâu.


1. Bãi đáp phi cơ theo thuật ngữ quân sự

2. Trận địa giao tranh ác liệt giữa Nga và Ukraine

3. Tỉnh nơi có trận địa Robotyne

4. UAV (Unmanned Aerial Vehicle), viết tắt của “Thiết bị bay không người lái” được dùng như một loại vũ khí trong chiến tranh

5. Làm việc ở nhà

Hai mươi bảy tháng Chạp

Tết Giáp Thìn

Viết & Đọc - Chuyên đề mùa xuân 2024

Hải âu lạc lõng - Truyện ngắn của Đào Quốc Minh Rừng tối - Truyện ngắn của Châu Sa Đêm chiến tranh - Truyện ngắn của Nguyễn Minh Ngọc Người bào chế thuốc giảm đau - Truyện ngắn của nhà văn Trang Thế Hy Đò ơi - Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Quang Lập
Chàm. Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân

Chàm. Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân

Baovannghe.vn - Gần đây, người ta lấy thuốc hậu sản cho phụ nữ rất nhiều. Ngoạn thấy bố gọi chứng trầm cảm sau sinh là hậu sản. Bố nói, tất cả những căn bệnh của phụ nữ sau sinh đều nguy hiểm đối với không chỉ người mẹ, đứa con mà còn đối với cả cuộc hôn nhân.
Đá chín - Truyện ngắn dự thi của Phan Đình Minh

Đá chín - Truyện ngắn dự thi của Phan Đình Minh

Baovannghe.vn - Định mệnh không phải thứ Thượng đế trao sẵn mà tiềm ẩn từ khối óc và bàn tay chăm chỉ. Điều công chính, rành rọt là Rũng Xầu muốn tận hưởng đủ đầy thành quả giấc mơ Đá chín một cách hiện hữu thì gã phải trung thực trên mọi chặng đường đời có vay có trả.
Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2025

Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2025

Baovannghe.vn- Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo quy chế tuyển sinh đại học thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non.
Bản tin Văn nghệ ngày 24/11/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 24/11/2024

Baovannghe.vn - Di sản Tư liệu của UNESCO “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế”
Dốc mây. Truyện ngắn của Lê Hà Ngân

Dốc mây. Truyện ngắn của Lê Hà Ngân

Baovannghe.vn - Nghe con trai khuyên nhủ bà thấy yên tâm ngồi dậy ăn cơm cùng thằng con. Thằng bé buồn buồn gắp thức ăn cho mẹ, nhưng lại quay đi gạt nước mắt