Gật đầu, ra hiệu cho tôi đi theo, tới phòng mình, anh mới nhẹ nhàng nói: "Cô có thể giúp tôi tô màu những tấm bản đồ này được không?" Tôi nhìn đống bản đồ, cắn môi không trả lời. Như bắt được ý chấp thuận của tôi, anh lấy bút chì màu và đánh dấu các màu trên tấm bản đồ trên bàn. "Đây là tấm mẫu, cô có thể căn cứ vào đó để tô màu cho chính xác." Tôi cắm mặt vào tấm bản đồ. Chăm chú nhìn theo, anh hướng dẫn cho tôi cách tô màu sao cho thật đều và chính xác. Tôi bực tức vô cớ với bản thân mình vì cái trò như trẻ con đi mẫu giáo này.
Hết giờ, anh chìa tay: "Tôi là Sa Tô. Còn cô?" Tôi nói tên mình. Anh đánh vần mãi không được, đề nghị tôi viết ra giấy bằng kí tự La tinh. Anh viết, đây là tên tôi, viết bằng chữ Nhật, như thế này, đọc bằng phiên âm La tinh là thế này... Tôi gật gù hiểu ra. Vốn có chút ít chữ Hán trong người, tôi viết: đây là tên tôi, viết chữ Hán là thế này, chữ La tinh là thế này, phát âm là thế này. Sa Tô kinh ngạc và thích thú khi đọc được tên tôi bằng tiếng Hán, và dịch đúng nghĩa sang tiếng Anh. Tôi cũng hiểu và dịch đúng tên anh sang tiếng Anh. Anh nói: "Tôi rất lấy làm tiếc vì không đủ tiếng Anh. Tôi sẽ học thêm." Tôi tô màu cho Sa Tô hơn một tuần mới hết đống bản đồ anh vẽ mỗi khi đi khảo sát thực tế. Sau đó, chúng tôi được nghỉ một tuần để đoàn chuyên gia mang đề án di duyệt,
Tôi vừa đi học vừa đi làm. Là sinh viên năm thứ tư khoa Sử, nghèo, tôi phải tìm việc làm thêm. Công việc mà tôi có được cũng rất tình cờ. Trong hội diễn sinh viên năm ấy, tôi tham gia đội văn nghệ của trường. Kết thúc hội diễn, có một người tự giới thiệu là đội trưởng đội văn nghệ Công ty thoát nước của thành phố, anh ta mời tôi về tham gia vào đội văn nghệ của Công ty trong kì Hội diễn sắp tới. Tôi nhận lời. Sau hội diễn, với tấm huy chương Vàng lấp lánh, tôi nghiễm nhiên trở thành người của Công ty, không cần bằng cấp, chuyên môn gì. Công việc của chúng tôi, bảy người của đội văn nghệ là quét dọn văn phòng, đánh rửa ấm chén, ngồi tán gẫu và lĩnh lương. Thỉnh thoảng, ban giám đốc cho gọi chúng tôi lên biểu diễn vài bài truyền thống tự biên tự diễn để tiếp khách. Đội văn nghệ chúng tôi được sếp cưng chiều, bị nhiều người ganh ghét vì ngồi chơi xơi nước mà lĩnh lương, trợ cấp, quần áo bảo hộ lao động, tiền độc hại, tiền hao mòn xe cộ... như tất cả mọi người. Được nửa năm yên ấm, công việc nhàn hạ, tôi có thời gian đèn sách ngay tại cơ quan, tiền nong rủng roảng, khác hẳn với những khi lo sốt vó tiền đóng học và mua sách. Đổi lại, đời sống sinh viên của tôi bay vèo qua cửa sổ, thay vào đó là những câu chuyện nhăng nhít đàn bà ngồi lê đôi mách trong văn phòng công ty. Hết chuyện chị nhân viên kế toán lẳng lơ cặp bồ với trưởng phòng kế hoạch, chuyện bà phó phòng tổng hợp mê mẩn giám đốc bị ông này đuổi ra khỏi phòng giữa giờ nghỉ trưa khóc thút thít...
Mùa thu. Tôi đang chuẩn bị một khảo luận cho kì tốt nghiệp năm tới. Tập đoàn nghiên cứu khoa học Jaica Study Steam xuất hiện như là cơn mưa rào xuống cái nền đất nền khô rang sau "mùa hè nghiệt ngã" của chúng tôi. Hàng chục tỷ đồng được rót xuống cho việc sửa sang, tu bổ nội thất và thiết bị văn phòng công ty. Đội văn nghệ của chúng tôi đã được nhận nhiệm vụ mới, chuẩn bị thành lập đội lễ tân phục vụ riêng cho chuyên gia.
Mỗi sáng, tôi đến công ty vào lúc sáu rưỡi, quét sạch các phòng, các cầu thang rồi xách lũ phích xuống nhà bếp lấy nước sôi sẵn sàng phục vụ. Đúng giờ hơn cả đồng hồ, bảy giờ mười lăm phút họ cũng xuất hiện. Bao giờ cũng vậy, họ đi ngang qua bàn lễ tân của chúng tôi. Khi thì cà phê, khi thì một Lipton, lúc khác lại trà xanh hay La Vie... tuỳ theo cảm hứng mỗi ngày. Lúc đầu chúng tôi xúm lại một đám, sau thấy mất thời gian đợi chờ phục vụ, chúng tôi phân công nhau, chỉ để mỗi người trực một ngày sau khi làm công việc trực nhật. Mỗi người trực nhật và làm toàn bộ công việc một ngày. Mỗi ngày trực, tôi thường mang sách vở đến ngồi đọc, hoặc viết lách ngay trên bàn pha nước. Chúng tôi được cắt lương lên ban dự án mới, tám mươi đô la một tháng. Điều này khiến cho mặt chị em còn lại trong công ty vác lên trời mỗi khi ra vào chúng tôi chào hỏi, đi khỏi cổng gáy tôi bỏng rát cái nguýt dài của chị em các phòng ban khác. Tôi được cô lập trong cái thế giới mà chính tôi cũng chẳng muốn tiếp xúc với ai. Khi đề án đã được thông qua, toàn bộ những nhân viên đối tác với đoàn chuyên gia được triệu tập. Ông Bí thư Đảng ủy chủ trì cuộc họp. Sau khi động viên, biểu dương các anh chị em đã hoàn thành tốt công tác được giao trong giai đoạn vừa qua, gọi là giai đoạn một. Ông Bí thư nhắc nhở tất cả chúng tôi phải vô cùng đề cao cảnh giác: "Tuyệt đối không tiết lộ bí mật cơ quan, bí mật quốc gia..."
Tôi thấy căng thẳng trong mỗi lần đối mặt với Sa Tô hay bất cứ ai trong đoàn chuyên gia. Ngay cả những giờ nghỉ trưa, thay vì trò chuyện, chúng tôi chỉ đi qua đi lại nhìn nhau thăm dò. Cuối cùng, như không chịu được sự im lặng vô lí ấy, Sa Tô bắt chuyện với tôi. Anh cầm trên tay cuốn sách tự học tiếng Nhật bằng tiếng Anh và đưa cho tôi: "Cô là người rất thông minh. Tôi tin chắc cô sẽ nói tiếng Nhật trước khi tôi biết nói tiếng Việt." Sa Tô ngỏ ý muốn tôi giúp anh tô và đánh dấu những tấm bản đồ theo khu vực mà anh đã khảo sát, thăm dò. Tôi nói với anh là tôi sẽ photocopy một bản để nộp lại cho cơ quan. Anh đồng ý, cười và nói: "Giá trị của tấm bản đồ chính là ở những màu sắc mà cô vừa tô vào, không có nó, tấm bản đồ chẳng có ý nghĩa gì hết!"
Tôi nhìn qua cửa sổ xuống sân. Anh đi đi lại lại bên gốc cây cơm nguội vàng rực dưới nắng chiều. Tuy là chủ nhật, văn phòng chẳng có ai nhưng chúng tôi vẫn phải thận trọng. Một tháng sau khi cùng làm việc chung, anh khẩn khoản với tôi một cuộc gặp mặt bên ngoài công ty. Có vẻ như gian tà, nhưng tôi chỉ hứa sẽ đưa anh đi ăn bánh cuốn Hà Nội. Khi đã sánh vai nhau trên hè phố, Sa Tô mới ngỏ ý muốn mời tôi ăn tối tại khách sạn Queen. Tôi giận điên người, hoá ra ông nghĩ tôi là hạng gì chứ. Chẳng nói chẳng rằng, tôi lắc đầu bước đi thẳng. Sa Tô lẽo đẽo đứng sau giải thích lặp bắp: "Tôi nghe Uchida nói, ở đấy nhiều món ăn Nhật hấp dẫn." Tôi ngồi phịch xuống một chiếc ghế mây của hàng cà phê vỉa hè, Sa Tô ngồi xuống theo nhìn tôi thăm dò. Tôi quay sang nhìn anh bật cười vì cái cơn tự ái vớ vẩn của mình. Sa Tô rất dịu dàng. Anh hơn tôi mười lăm tuổi, ít nói, vẻ mặt lạnh lùng nhưng ánh mắt lúc nào cũng ấm áp. Mỗi khi có chuyện gì vui cười, mắt anh lấp lánh dưới hàng mi dày "một mí rưỡi". Anh nói chuyện về công việc của mình, tôi thao thao vô cái đề tài luận văn sắp tới. "Tình hình tiêm chủng miền Bắc Việt Nam trước 1945 à?" Anh thích thú hỏi lại. Tôi giải thích cho anh lí do việc làm thêm tại công ty của tôi.
Ảnh minh họa pinterest |
Một tuần sau, ban giám đốc gọi tôi lên tra hỏi trước khi quyết định chuyển hẳn tôi sang làm đối tác ban điều tra kinh tế xã hội. Tôi phải trình bày rõ quan hệ với Sa Tô. Tôi chẳng biết phải trình bày điều gì nhưng cũng viết giấy cam đoan không vi phạm nội qui của ban dự án. Suốt ba tháng trời, tôi cùng Sa Tô lang trang khắp các quận huyện nội ngoại thành để thực hiện cuộc phỏng vấn, điều tra khả năng kinh tế, trình độ học vấn và điều kiện sinh hoạt gia đình của thành phố. Công trình khoa học của chúng tôi dày hơn 500 trang. Một công trình mà theo tôi không theo dõi bám sát mới thật là tai hại. Nhưng chúng tôi làm việc vô cùng thoải mái, không ai hạch họe gì như khi tô màu bản đồ cả.
Với vốn tiếng Hán bập bõm và tiếng Anh bì bọp, tôi và Sa Tô cũng nói chuyện được với nhau một cách ngô ngọng "như hai võ sĩ su mô thăm dò nhau", Sa Tô cười ngất khi nghe tôi nói vậy. Anh quay lại bảo "Cô không giống Su mô, cô giống búp bê vải." Sa Tô cho tôi biết, hầu hết thành viên ngoài bốn mươi của đoàn chuyên gia này đều độc thân chưa vợ. Vì ở Nhật, muốn lấy vợ phải chịu quá nhiều thứ thuế má nặng nề, nhà cửa lại vô cùng khó khăn. Nhưng anh là người đã có gia đình. Sau này, khi đã thân thiện hơn, anh nói, muốn gần tôi vì tôi có đôi mắt đẹp, vì tôi không nhổ kẹo cao su sau khi ăn xong mà gói vào vỏ giấy bạc của nó. Và lí do chính là vì tôi có nét gì đó giống với người con gái đầu tiên anh đã từng yêu điên cuồng khi còn trẻ. Một cái gì đó, không phải toát lên từ hình thức. Tôi căm ghét những người đàn ông suốt đời chỉ đi tìm một người trong tất cả mọi người! Nhưng khi hiểu ra được rằng đó là suy nghĩ của một người đàn ông tử tế, tôi lại muốn chính mình là cái người duy nhất kia.
Công trình đang dang dở thì ban dự án xảy ra một sự cố nghiêm trọng. Chẳng là, trong đội văn nghệ của chúng tôi có một đứa con gái tên là Đào, rất xinh. Đào là sinh viên năm cuối của một trường trung cấp nghệ thuật. Cũng như tôi, Đào phải đi làm cho công ty này vì nó cần tiền để sống cũng như cần một chỗ nương náu tại Hà Nội, nó quyết định lấy ông thầy giáo già dạy xướng âm hơn nó hai chục tuổi. Ông này, theo lời Đào kể thì đã cầu hôn nó trong khi thọc lưỡi vào tai nó trong giờ phụ đạo hoà thanh. Hôm Đào cưới, mặc dù nội qui của công ty đã qui định, chúng tôi không giấu được những đối tác của mình về chuyện Đào lên xe hoa. Đoàn đối tác không những không giận vì không được mời, họ rất tò mò muốn biết một đám cưới Việt Nam, sau khi khách khứa đã ăn uống xong xuôi, một chiếc Toyota mười hai chỗ đỗ xịch trước cổng khách sạn. Một hộp tặng phẩm rất to. Sau này chúng tôi được biết đó là một chiếc nồi cơm điện. Sau tuần trăng mật, Đào đến cơ quan để nhận một quyết định buộc thôi việc, cho dù các chuyên gia đã hết lời xin lỗi và đảm bảo. Từ đó, không khí làm việc của chúng tôi trầm hẳn xuống.
Sa Tô hầu như không bao giờ nói chuyện với tôi trước mặt các nhân viên Việt Nam nữa. Anh viết cho tôi những dòng nguệch ngoạc bằng bút chì. Tôi đã bắt đầu nói được chút ít tiếng Nhật. Ra khỏi thành phố, đi điều tra các số liệu, chúng tôi tha hồ chuyện trò nhăng nhít, trên trời dưới biển. Một lần, trong cái nắng quái buổi chiều trên đê sông Hồng, anh đăm đăm nhìn tôi và hát: "Mắt nâu. Mùa thu có đôi cánh màu nâu." Hình như điều này tôi đã nghe được ở đâu đó. Một mùa thu dang đôi cánh mỏng như một con thiêu thân bay lượn trên nền trời be nhạt. Bóng dáng của một con diều ven đê làm Sa Tô nhớ nhà. Anh kể về quê hương anh, một nơi có rất nhiều tuyết và hay động đất. Người yêu đầu tiên của anh cũng chết vì động đất. Mỗi khi có người chết vì động đất, anh lại thấy cuộc đời vô nghĩa đến khủng khiếp.
Giáng Sinh năm đó, anh về Nhật cùng gia đình đi Tokyo đón mừng năm mới. Hai tuần sau khi Sa Tô đi, tôi nhận được một tấm postcard có hình núi Phú Sĩ. Đằng sau, anh viết: "Mùa đông năm nay lạnh hơn những năm trước, mọi người chẳng ai muốn ra đường đón năm mới cả. Tôi nghĩ chắc Việt Nam cũng sẽ lạnh hơn, em nên giữ gìn sức khoẻ, mặc áo ấm khi ra đường. Chúc em một năm mới may mắn và hạnh phúc. Chúc cho đề tài tiêm chủng thành hiện thực. Tôi sẽ học thêm tiếng Anh để khi trở lại nói chuyện với nhau không phải giấy bút nữa. Mùa thu mang đôi cánh màu nâu của tôi!" Cái postcard không phong bì theo địa chỉ của công ty nên đến tay tôi, nó đã có đến năm bảy bàn tay đưa lên xem. Chị Thanh, một goá phụ trẻ cùng ban với tôi bảo: "Mấy con mẹ ở phòng tài vụ đấy, tiếng Anh thì không biết"... Tôi nhận thêm một bức thư vào hai tuần sau đó. Lần này thì phong bì và tem nghiêm chỉnh. Sa Tô báo cho tôi tin anh sẽ sang Việt Nam muộn hơn vài tháng. Anh vui mừng báo cho tôi tin anh sẽ theo học một khoá đào tạo ngắn hạn cấp tốc tiếng Việt vì dự án sẽ còn kéo dài mười hai năm. Khi trở lại Việt Nam, chắc chắn tôi sẽ trở thành cô giáo của anh...
Tôi nhận được lá thư thứ ba của Sa Tô, lá thư mà như chị Thanh cùng ban nói "giá trị bằng một cái nồi cơm điện". Sau lá thư đó, tôi lên đường theo bước chân của cái Đào. Chẳng có ai bảo lãnh cho tôi cả, vì tôi nghỉ việc không ồn ào như cái Đào. Lí do của tôi chính đáng hơn "Công ty không có chế độ vừa đi làm vừa đi học." Nếu có, thì đối tượng ấy cũng không phải là tôi. Chị Thanh bảo "Chết chưa. Ai bảo ranh con, mắt thì ướt, còn khổ." Tôi nói trong nước mắt "Nhưng có phải tại em đâu. Em biết làm thế nào bây giờ?" "Tại mày. Có tí chữ Hán, chữ Anh nào để cho bọn nó biết hết. An phận làm cán bộ tạp vụ thì không!" Chị Thanh mắng yêu tôi. Tôi biết, chị yêu quý tôi như một đứa con bướng bỉnh lì lợm. Trong khi đó chị có vẻ như ghét tất cả mọi người xung quanh và chỉ yêu công việc. Câu cuối cùng mà chị nói khi tôi ra đi: "Thôi, cố mà học hành cho tử tế. Quan trọng là mình còn nhìn nổi mặt mình trong gương. Chẳng thay đổi được gì đâu nhưng mà vẫn cần phải sống!"
Từ đó đến nay, đã tám năm trôi qua. Tôi đã không được duyệt cái đề cương tiêm chủng cho luận văn tốt nghiệp. "Một đề tài ngớ ngẩn" thầy giáo tôi nói vậy và giao cho tôi một đề tài khác. Tốt nghiệp loại trung bình với cái luận văn nhạt nhẽo chẳng chút hứng thú nào, tôi vào làm tại một trung tâm nuôi ong. Ong cũng cần có lịch sử chứ sao! Lịch sử truyền thống của ngành, ngành nào chẳng có một quyển kỉ yếu như vậy. Viết xong quyển kỉ yếu về ngành nuôi ong, công trình khoa học thứ ba trong đời, sau cuốn điều tra khảo sát dạo nào và luận văn tốt nghiệp, tôi trịnh trọng đặt tên cho công trình của mình là "Mùa thu cánh nâu". Vì cái tên ấy mà cuốn kỉ yếu cũng bán được vài cuốn khi bày trên hiệu sách nhân dân các tỉnh. Hội văn học nghệ thuật của tỉnh có nông trường ong lớn nhất cả nước đã kết nạp tôi làm hội viên. Trong một thoáng nhớ tới Sa Tô khi tôi say sưa nói về để tài tiêm chủng năm nào... tôi đã đặt tên cho cuốn sách của mình như một kỉ niệm về anh.
Hôm qua, chính là hôm qua. Trong khi đang tức điên người vì bạn trai của mình lảm nhảm tên người yêu cũ của anh ta giữa ngã tư đèn đỏ, tôi nhìn thấy Sa Tô trong chiếc xe taxi sân bay chạy qua mặt. Anh đã giật mình quay lại nhìn tôi như thể không còn tin vào mắt mình nữa. Tôi buột miệng nói khẽ "Mùa thu cánh nâu!" Ở đời, có những điều mà ta mong đợi, đến và đi, ngang qua mặt ta như vậy đấy! Trên xe, một phụ nữ Nhật cùng cậu con trai mắt "một mí rưỡi" ngơ ngác ngoái lại theo cha.
10-8-98