Vào những ngày cuối thu 1974, đơn vị tôi nhận lệnh đi về vùng sâu Hương Trà điều nghiên, lên sơ đồ tác chiến, đánh chiếm chi khu Hương Cần. Vùng giáp ranh Phong Quảng, Hương Trà tôi đã trụ bám nhiều năm, từ khi còn là anh lính hạ sĩ cho đến khi là cán bộ trung đội, đại đội...
Đã nhiều phen nằm hầm bí mật dưới vùng lõm cùng đám biệt động, du kích huyện, xã. Căn cứ Từ Hạ, Hòn Vượn, Chóp Nón, Am Cây Sen đã nhiều lần bò vào, tổ chức cho đơn vị đánh tập kích. Còn chi khu Hương Cần chỉ là một căn cứ nhỏ, do lính Bảo an, Dân vệ chốt giữ, nhưng nằm ở vùng sâu sát sông Bồ, cách Huế 14 km, nhưng đi lại khó khăn, phải vượt qua nhiều chốt chặn trên tuyến, quốc lộ 1. Muốn về Hương Cần, tổ trinh sát phải vượt qua chi khu Hương Trà, nơi có quân chủ lực của địch chốt giữ, có lô cốt, hoả lực phòng thủ. Đã nhiều lần tiểu đoàn tôi đánh vào chi khu Hương Trà bằng hoả lực... qua cả cứ điểm là Chi khu Hương Trà. Sau cả tuần cùng với tổ trinh sát biệt động của anh Có (tên thật là anh H.Ngọc, sau này là Phó Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế) nằm hầm bí mật và bò vào chi khu, chúng tôi cũng có được sơ đồ tác chiến đánh chi khu Hương Cần.
Bất ngờ, tôi nhận lệnh bàn giao đơn vị về tiểu đoàn bộ. Lại vượt sang bắc sông Bồ trong một đêm mưa rét, trên chiếc phao bó gọn áo quần, súng đạn ngay dưới chốt địch ở đồi Không tên. Sáng hôm sau, tiểu đoàn trưởng Ngợi và chính trị viên Thị mời tôi lên làm viêc. Hai người nói ngắn gọn: "Cụ (cậu) phải về nắm C1, đại đội chủ công của tiểu đoàn". "Lý do?”. Tôi hỏi lại. "Cậu H. cáo bệnh không chịu đi chiến dịch... Còn cậu Tế, đại đội phó đi điều nghiên chi khu Thành Trung chưa về. Nghe huyện báo lên anh Tế cũng hi sinh rồi, bị địch phục kích ở làng Hiền Lương...".
Vậy là tôi về C1. Ở đấy chỉ còn anh chính trị viên tên Th. một cán bộ đưa quân mới vào chưa từng kinh qua trận mạc, văn hoá lớp 7, làm phó chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp, đảng viên, tổng động viên, học lớp quân chính 6 tháng thành anh cán bộ đưa quân, kẹt lại trong chiến trường. Chả sao cả! Bom đạn sẽ dạy cho người lính biết đánh giặc... Tôi chỉ có đủ vài ngày để nắm đơn vị, thuộc tên cán bộ, chiến sĩ, bổ xung súng đạn.
Giờ G xuống đồng bằng, tôi đã biết...
Vào những ngày đầu tháng Ba 1975 ấy, Mặt trận Tây Nguyên đã mở... Buôn Mê Thuột đã nổ súng. Tiểu đoàn của tôi nằm trong đội hình trung đoàn 4, ngoài KX còn có K13, K15, các tiểu đoàn trực thuộc... Trong thế ta, địch cài giăng lược, các đơn vị bộ binh sư 324, 325 chốt giữ phía tây đường 1, đối diện với quân Dù, Thuỷ quân lục chiến, sư 1 của địch chốt ngang bình độ 28, chốt Hòn Vượn, Động Ông Do, 367... Kéo tới bờ sông Ô Lâu. Đâu đâu cũng thấy cờ địch, chốt địch...
Trung đoàn 4 của tôi được giao nhiệm vụ: phải vượt qua phòng tuyến quân địch, lọt về vùng sâu Phong Quảng đánh địch, thu hút địch để các sư chủ lực phá vỡ phòng tuyến địch ở phía tây. Buổi sáng 9/3, cả đại đội tập trung truy điệu anh Tế và mấy anh trinh sát hi sinh ở Hiền Lương. Bốn giờ chiều cả cánh quân phía bắc đã có mặt ở bìa rừng chờ đêm xuống luồn qua các chốt địch lọt về đồng bằng. Cánh quân đông có đến hơn hai trăm người, trong đội hình về đồng bằng đêm nay cùng chúng tôi còn có cả Ban chỉ huy cụm, chỉ huy tiểu đoàn. Đại đội tôi có trinh sát đẫn đường đi đầu mở đường. Hơn 6 tiếng luồn lách qua các chốt địch. Băng qua các đồi tranh, lội suối... Có lúc ngồi chờ cả nửa giờ chờ cho pháo sáng tắt, đoàn quân rồng rắn mới đi tiếp. Thỉnh thoảng từng loạt pháo ở trận địa pháo Từ Hạ bắn lên ngả đường tuyến, dốc Đức Mẹ...
Quá nửa đêm chúng tôi đã vượt qua quốc lộ 1. Áo mưa trải ngang qua đường để xoá dấu chân... Đi thêm vài trăm mét tôi bắt gặp con đường sắt chạy về ga Hiền Sĩ, tôi cho đơn vị dừng lại nghỉ sau khi cho hai tổ chốt chặn hai đầu.
Từ những ngày còn ở Hương Trà, tôi có thói quen mỗi lần về làng đi ngang qua đường sắt, nếu không có địch, bao giờ tôi cũng dừng lại vài phút. Tôi áp tai vào thanh ray lạnh buốt để trong giây lát trở về với vùng quê xa xôi xứ Bắc... Như thể con tầu trong trí tượng đưa tôi về ga Nam Định. Đi vài cây số nữa qua con phà Tân Đệ đã là quê hương tôi. Vào một ngày hè chúng tôi ra đi từ đấy. Những thằng bạn học với tôi: Thắng, Nam, Tý bep, Nghi, Nuôi, Thành, Chiến... đã một đi không về. Sơn mão bị thương, Tùng, Cường, Thịnh sốt rét... Còn đây nữa, những anh lính trẻ quê ớ Hà Tĩnh về đơn vị sau chiến dịch Nam Lào, lính trẻ Hà Nội, Vĩnh Phú, nhiều người gắn bó với con đường sắt xuyên Việt. Rất nhiều người lính trẻ đã hi sinh trên giải đồi trọc Hương Trà, Phong Điền, trên các làng mạc vùng ven đô Huế. Con đường sắt xuyên Việt gắn kết trái tim họ với quê hương. Trong trận chiến ngày mai biết ai còn ai mất?
Chúng tôi còn đi thêm 5 tiếng nữa mới đến được Triều Dương. Một cánh rừng phi lao cao quá đầu người để trú lại qua đêm. Để không bị lộ cả cánh quân nằm im, trú lại trong những hố cát núp dưới cánh rừng dương cao quá đầu người, không gây ra tiếng động, không khói. Bộ đội ăn lương khô, uống nước lạnh. Cả ngày máy bay trinh sát OV10 nghiêng ngó soi mói. Ơn trời, địch không phát hiện ra Việt cộng đang ém quân giữa đồng bằng... Phá Tam Giang gần lắm rồi, lắng tai nghe thấy cả tiếng sóng biển. Các căn cứ địch ở chợ Sịa, Hương Điền, Hiền Sĩ lâu lâu lại nổ súng. Như thể đã phát hiện ra Việt cộng có dấu hiệu tấn công, các căn cứ pháo binh liên tục bắn pháo lên rừng. Từng đợt máy bay A37 lên ném bom đường tuyến...
Chúng tôi nằm náu mình trong bãi cát Triều Dương nghe đài biết tin ta đã đánh chiếm giải phóng Buôn Mê Thuột... Niềm vui hiện trong khoé mắt những anh lính dính lem cát bụi. Quân địch dưới đồng bằng vẫn không phát hiện ra đã có bộ đội lọt về vùng sâu khuấy đảo, đánh sau lưng chúng.
Đêm mồng mười rạng ngày mười một, chúng tôi xuất kích. Các cánh quân xé nhỏ đi về các hướng đã phân công. Đại đội tôi bám theo các làng biển dọc phá Tam Giang. Đi gần hết đêm, tổ du kích đẫn đường mới phát hiện bị lạc... Bốn giờ sáng, sau khi hội ý với cụm trưởng tôi quyết định cho đại đội đánh chiếm làng Phú Lương B, lấy chỗ trú quân, mai đánh chống càn. Chỉ vài loạt AK và bắn trái B40, đám lính Bảo An, Dân vệ đã bỏ chạy về Sịa... Không có thời gian nghỉ ngơi, các trung đội theo các hướng chia nhau đào hầm. Tôi biết chắc trận đánh tập kích vào làng đã bị lộ, mai sớm địch sẽ càn... Đã thấy những máy bay trinh sát đêm của địch từ Huế bay ra quần đảo trên trời và thả pháo sáng. Từng chùm pháo sáng bung trên bầu trời Phú Lương soi rõ từng mái nhà, bờ tre đống rạ... Người dân đã biết có bộ đội về làng, ắt mai có đánh nhau to. Họ lục tục thu dọn tư trang, lặng lẽ dời nhà khi trời còn tối. Đường, B trưởng B3 hỏi tôi: "Có cho họ đi không anh?". Đã có kinh nghiệm đánh chống càn từ Mậu Thân 68, rồi 1973 đi về Phong Quảng đánh giành dân, giành đất cắm cờ, tôi bảo Đường: "Để họ đi... Mai bom pháo phá nát làng thêm thương vong". Trong ánh trăng hạ tuần, tôi nhìn thấy từng toán dân mặc đồ trắng men theo các bờ ruộng lúa, bờ mương đi ra ngả sông Bồ...
Đúng như dự đoán, 7 giờ sáng ba chiếc HUIA đã sà thấp bắn rốc két và đạn 40 ly như vãi thóc vào từng ngôi nhà, bụi tre làng Phú Lương... Ngay loạt rốc két thứ hai mũi chính diện của tôi đã mất 5 người. Cậu liên lạc của tôi tên Công, quê ở Hạ Hòa, Phú Thọ, y tá Nhiếp hy sinh cùng khẩu đội cối. Du kích địa phương mất vài người... Tám giờ một tiểu đoàn quân địch cùng một đại đội thuỷ quân lục chiến có xe tăng tấn công vào Phú Lương... Pháo, cối 81ly bắn như giã giò vào tuyến chốt của Đại đội 1. Chờ cho các xe tăng địch chỉ còn cách một bờ tre nơi có tuyến chốt, chúng tôi mới nổ súng. Ba khẩu B40 và khẩu B41, khẩu trung liên cùng nhả đạn. Tiếng AK đanh gọn. Từ chỗ tôi chỉ huy khẩu cối 60 cũng bắn vào đám lính địch bám sau xe tăng. Hai chiếc xe M113 dính đạn bốc cháy... Chỉ khi ấy, địch mới chịu rút ra xa kéo theo hàng chục xác chết, bị thương...
Hai giờ chiều địch mở đợt tấn công thứ hai, lại bị chúng tôi bẻ gẫy. Từ lúc ấy, địch chỉ còn bắn pháo và hoả lực vào làng...
5 giờ chiều, quân địch rút hết về Sịa. Chúng tôi thu gom tử sĩ và chôn cất anh em ở khu nghĩa địa của làng… Trong buổi chiều chạng vạng, nhìn 11 xác tử sĩ, có năm người của đại đội tôi: Công liên lạc, Can, Nhiếp y tá quê Quảng Ninh, mấy người ở trinh sát, du kích địa phương... Nằm một dãy dài bên bờ sông Kiến Giang mà thương. Họ mong ngày về giải phóng Huế, được nhìn sông Hương, núi Ngự... Có ai ngờ?...
Không ai nghĩ rằng chỉ 15 ngày sau Cố đô Huế giải phóng.
Phía ngoài Quảng Trị và dọc theo tuyến quốc lộ 1, súng vẫn nổ, từng quầng lửa vẫn loé sáng, khói bụi mù trời. Tôi biết các đơn vị của Sư đoàn 325, 324 vẫn vây ép phá vỡ tuyến phòng thủ kiên cố của địch trải dài từ bờ nam Thạch Hãn tới đèo Hải vân...
Đêm xuống, cánh quân của tôi về lại bãi cát Triều Dương... Ngày 11/3, đại đội của tôi về chốt giữ làng Cao Ban, Sơn Tùng... Thêm một ngày đánh chống càn với lính của sư đoàn 1 của địch. Thêm một tổ của Trực bị mất liên lạc sau khi bị quân địch chiếm chốt. Cả đại đội rút về làng Hiền Lương... Nửa đêm, tổ của Trực tìm về đơn vị. Hoá ra, Trực đã không chết. Khi địch tràn lên, cả tổ bị đánh bật dạt xuống mương nước... Địch xông lên định bắt sống nhưng cả tổ đã thoát...
Cũng ngày hôm ấy trên bãi cát Triều Dương đã diễn ra trận đánh lớn của K13 với địch... Hai tiểu đoàn lính dù, có xe tăng yểm trợ càn vào triệt phá Triều Dương. Một ngày đánh chống càn trên cát chỉ có những bụi dương cao lúp xúp... bom đạn, và những đợt xung phong phản kích. Máu thẫm đỏ mặt cát… Cho đến ngày 18/3, khi có lệnh rút lên rừng cánh quân đi với tôi quân số hao hụt non nửa.
Ngày 23/3 đơn vị tôi về lại đồng bằng, các chốt địch đã thông thoáng... Phòng tuyến Thạch Hãn vỡ. Các sư đoàn chủ lực của địch như bầy ong vỡ tổ kéo nhau bỏ chạy về Huế, ra cửa Thuận An tranh cướp tầu chạy ra biển, vào Đà Nẵng... Chúng tôi đi giữa các làng quê vắng bóng địch chống cự. Đi đến đâu cũng găp từng toán dân di tản, chạy vô Huế, Đà nẵng, nay tìm đường về quê... Từng toán lính đủ các sắc lính ra hàng... Súng đạn, quân trang, đồ đạc của dân, của lính, xe hon đa, xe đạp vất đầy dọc đường... Trưa ngày 26/3, đại đội của tôi đã ở Ngã ba Sình, nghe tin Huế giải phóng...
Đứng trên con thuyền của một người dân trên đường vào Huế, cờ giải phóng, cờ đỏ sao vàng rợp đỏ trên các con thuyền, trên các nhà dân ở chợ Bao Vinh, Gia Hội, tôi đã tự hỏi: ngày Giải phóng là đây ư?...
Phía xa kia, phía Đà Nẵng, súng vẫn nổ...
Nguồn Văn nghệ số 3+4+5/2020