Năm 2024, tổng số tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc do Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) thu là trên 393 tỷ đồng, tăng 14,2% so với năm 2023.
Con số trên được Nghệ sỹ ưu tú, nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn, Tổng giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thông tin tại Lễ tổng kết hoạt động năm 2024, diễn ra ngày 8/1 tại Hà Nội.
Đáng chú ý, trong tổng số trên 393 tỷ đồng tiền bản quyền thu được năm 2024, số tiền bản quyền thu được trên nền tảng số, qua các websites, ứng dụng nhạc đạt trên 305 tỷ đồng (chiếm 78%).
Cũng trong năm 2024, Trung tâm đã thực hiện chi trả bản quyền đến các chủ sở hữu quyền tác giả với số tiền là gần 257 tỷ đồng. Dự kiến trong tháng 1/2025, Trung tâm sẽ chi trả khoảng 94 tỷ đồng tiền bản quyền của quý IV/2024 đến các tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả.
Trong tổng số trên 393 tỷ đồng tiền bản quyền thu được năm 2024, số tiền bản quyền thu được trên nền tảng số, qua các websites, ứng dụng nhạc đạt trên 305 tỷ đồng. Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Ngoài ra, triển khai kế hoạch năm 2025, nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn cho biết, Trung tâm tiếp tục tập trung cho hoạt động cấp phép sử dụng âm nhạc, duy trì và tăng nguồn thu nhập từ tiền bản quyền cho tác giả thành viên, tăng cường đối soát, xử lý dữ liệu để phân phối, chi trả tiền bản quyền đến các tác giả, chủ sở hữu.
Đồng thời, tích cực hơn nữa trong việc rà soát, khảo sát thị trường sử dụng âm nhạc, xử lý vi phạm về quyền tác giả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả thành viên; chú trọng đến công tác chăm sóc, phát triển hội viên, giải quyết khiếu nại, hỗ trợ tư vấn pháp lý cho các tác giả thành viên, tổ chức hòa giải khi có tranh chấp và kiến nghị của các tác giả thành viên…
Như vậy có thể thấy, nhờ những nỗ lực của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thời gian qua, quyền lợi của rất nhiều tác giả đã được bảo vệ, các tác giả có thêm niềm tin không chỉ đối với hoạt động của trung tâm, mà còn có niềm tin vào sự nghiệp sáng tác của mình. Điều này đã truyền cảm hứng cho toàn xã hội, đặc biệt là trong việc phát triển một nền âm nhạc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hướng ra thế giới chuyên nghiệp hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn chia sẻ, năm 2024, Trung tâm thường xuyên gặp khó khăn trong việc cấp phép sử dụng quyền, bảo vệ quyền ở lĩnh vực biểu diễn, do tình trạng xâm phạm quyền ở lĩnh vực tổ chức biểu diễn vẫn diễn ra phức tạp, bao gồm các show trong nước và các show quốc tế. Nhiều đơn vị còn thiếu ý thức tự giác, tự nguyện thực hiện nghĩa vụ trả tiền bản quyền, tìm mọi cách gây khó khăn, né tránh thực hiện nghĩa vụ. Hiện nay, hàng loạt chương trình vi phạm bản quyền đang trong quá trình xử lý xâm phạm theo thủ tục tố tụng.
Bên cạnh đó, đối với các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ nhà hàng, càphê, khách sạn (sử dụng nhạc nền), hiện còn rất nhiều đơn vị vẫn né tránh thực hiện nghĩa vụ trả tiền sử dụng quyền tác giả. Lĩnh vực truyền hình trả tiền còn nhiều đơn vị đang trì hoãn việc thực hiện…
Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường sử dụng âm nhạc thực tế và các quy định về mặt quy hoạch quản lý quyền tác giả chưa được triệt để, Trung tâm đang đối mặt với nhiều xung đột quyền phát sinh từ các đơn vị khác. Điều này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động và tiến độ công việc của Trung tâm mà còn gây xáo trộn, phiền toái, rắc rối cho người sử dụng. Hậu quả lớn hơn là gây thiệt hại nghiêm trọng đối với các tác giả, khi nhiều người do thiếu cẩn trọng đã làm mất đi vĩnh viễn các quyền, lợi ích chính đáng, đánh mất tài sản quý giá là kết tinh của lao động sáng tạo - những tác phẩm âm nhạc, đứa con tinh thần của chính họ.
Để làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ bản quyền tác giả, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh khảo sát, thu thập tài liệu, chứng cứ, về vi phạm bản quyền một cách toàn diện. Đây là bước chuẩn bị quan trọng mang tính pháp lý để Trung tâm có thể bảo vệ bản quyền tác giả một cách triệt để nhất, và có thể khởi kiện ra tòa (nếu có) ở các lĩnh vực sử dụng như: quyền biểu diễn, quyền sao chép.
Được biết, đến nay, bộ phận pháp chế hai miền Bắc- Nam đã thực hiện tổng số 79 vụ kiện xâm phạm quyền tác giả, tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, tranh chấp hợp đồng; hiện đã giải quyết xong 34 vụ, còn lại đang trong quá trình giải quyết; ngoài ra còn nhiều vụ việc và hàng trăm link trực tuyến (sao chép tác phẩm) hiện đang thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý vi phạm.
Như vậy, để chấm dứt nạn ăp cắp bản quyền, ngoài nỗ lực của trung tâm thôi chưa đủ, giải pháp lâu dài vẫn cần có một hệ thống quản lý bản quyền toàn diện, kết hợp giữa các chính sách pháp lý, công nghệ, và sự hợp tác quốc tế. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường các biện pháp giám sát và xử lý vi phạm, đồng thời các nền tảng thương mại điện tử cũng cần phải áp dụng các công cụ và công nghệ hiện đại để giám sát và ngăn chặn hành vi xâm phạm. Ngoài ra, các hệ thống nhận dạng nội dung, theo dõi bản quyền tự động và công cụ nhận diện hình ảnh là những giải pháp công nghệ hữu ích giúp phát hiện và ngừng các hành vi xâm phạm ngay từ khi chúng xuất hiện. Việc xây dựng các chính sách bảo vệ bản quyền rõ ràng và công khai trên các nền tảng thương mại điện tử cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng niềm tin của người dùng và các tác giả. Đây chính là những giải pháp đồng bộ để công tác thực thi quyền tác giả được hiệu quả.