Văn hóa nghệ thuật

“Nặn” lại hồn gốm thủ công Phù Lãng

Hải An
Âm nhạc
08:00 | 13/08/2024
Baovannghe.vn - Chấn hưng hay “nặn” lại hồn gốm thủ công Việt Nam vì thế mà không dễ nhưng một tầm nhìn mới đang mở ra tại làng gốm Phù Lãng (Bắc Ninh).
aa

Sau 7 thế kỷ phát triển rực rỡ, nghề gốm thủ công của Việt Nam không còn giữ được vị thế của mình. Làng nghề mai một, kỹ thuật thất truyền; lò gốm thì lạnh, sản phẩm gốm hàng loạt giá rẻ chất lượng thấp lại “nóng”. Chấn hưng hay “nặn” lại hồn gốm thủ công Việt Nam vì thế mà không dễ nhưng một tầm nhìn mới đang mở ra tại làng gốm Phù Lãng (Bắc Ninh).

1.

Phù Lãng (Quế Võ, Bắc Ninh) nằm bên bờ sông Cầu, nơi vẫn giữ được cảnh quan của làng quê Bắc Bộ, vẫn duy trì cách thức làm gốm bằng nung đốt lò củi thủ công đã 700 năm. Chum vại, tiểu sành, chậu trồng cây cảnh là mặt hàng quen thuộc của làng gốm Phù Lãng được nhiều người biết đến. Tuy nhiên những sản phẩm này có kích thước to, nặng, đòi hỏi một lượng lớn nguyên vật liệu (đất, củi) để làm ra. Bỏ công bỏ của vào gốm là vậy nhưng giá bán thành phẩm lại không cao, nguồn nhân lực trẻ gắn bó với nghề cứ ngày một giảm sút. Những điều này đặt ra câu hỏi về tính bền vững, lâu dài trong phát triển làng nghề gốm Phù Lãng.

Khi Dự án phát triển nghề làm gốm tại xã Phù Lãng, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh do JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) và làng Toho thuộc tỉnh Fukuoka Nhật Bản tài trợ từ 2021 đã tạo ra những tác động cho làng nghề. Mới đây, dự án này đã ra mắt triển lãm trưng bày các sản phẩm gốm của 14 học viên trẻ xuất sắc tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (từ 26.6-2.7.2024) và tại làng nghề Phù Lãng (19.7-21.7.2024). Sự đón nhận từ triển lãm lần này ở Hà Nội, và trước đó ở Trung tâm Akihabara, Tokyo (cuối tháng 4.2024) là minh chứng cho việc chấn hưng các làng gốm thủ công, mà Phù Lãng là một ví dụ.

“Nặn” lại hồn gốm thủ công Phù Lãng
Một số sản phẩm của “Gốm Huân” trong triển lãm “Thủy cung gốm Phù Lãng”. Ảnh: Hải An

Việc tạo ra diện mạo mới cho gốm Phù Lãng từ các sản phẩm gốm thủ công kích thước nhỏ có giá trị kinh tế cao là một hướng đi hợp lý, giúp tận dụng được ưu thế của làng nghề (từ nguyên liệu, màu men tự nhiên, vuốt tay và nung đốt thủ công). Bên cạnh đó, hướng đi này còn giúp đa dạng hóa được sản phẩm làng nghề, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Cách làm này tiết kiệm nguồn nguyên liệu đất sử dụng; cũng như gia tăng giá trị cho sản phẩm gốm, bằng cách chú trọng đến tính công năng và thẩm mỹ (mà vẫn giữ được quy trình làm thủ công, bảo đảm an toàn sức khỏe người sử dụng). Điều này còn khuyến khích thế hệ trẻ duy trì tình yêu với nghề gốm, trân trọng từng sản phẩm chính mình làm ra.

Khác với gốm Thổ Hà dùng nguyên liệu là đất sét xanh, gốm Bát Tràng dùng nguyên liệu đất sét trắng, gốm Phù Lãng có đặc trưng được làm từ đất đỏ hồng lấy từ Bắc Giang. Trong khi tài nguyên đất không phải là vô tận, nguồn “đất tốt” ngày càng ít đi, nhiệm vụ của người làm gốm là có ý thức tiết kiệm, giữ gìn nguồn nguyên liệu ngay từ bây giờ, không chỉ cho thế hệ mình mà cho cả những thế hệ làm nghề kế tiếp.

Họa sĩ Lê Thiết Cương từng chia sẻ trên báo chí cách đây chưa lâu, “nguyên nhân nội tại khiến các làng nghề thủ công truyền thống của Việt Nam chết dần là do không có mẫu mã thiết kế phù hợp”. Tuy nhiên, nếu khắc phục được tình trạng này, thì việc đảm bảo nguồn nguyên liệu lâu dài cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng để duy trì sức sống của làng nghề.

2.

Các kiến thức về kỹ thuật trong làm đất, tạo hình sản phẩm, làm men, làm lò nung, nung đốt theo phương pháp Nhật Bản được các chuyên gia, nghệ nhân Nhật Bản truyền dạy cho phép học viên ứng dụng để sản phẩm làm ra đạt hiệu quả cao. Càng khoa học, cẩn thận trong từng khâu, thì kết quả thu được càng đúng với kỳ vọng, và càng tránh những sai sót gây lãng phí nguyên liệu. Trân trọng nguồn nguyên vật liệu - rèn luyện tay nghề kỹ thuật cao là hai bước song hành bổ trợ lẫn nhau để làm ra sản phẩm gốm chất lượng.

Tất cả các kiến thức truyền dạy từ chuyên gia được học viên tiếp thu, học tập rất nhanh, sản phẩm làm ra cũng đạt tiêu chuẩn với nguyên vật liệu và nhân lực địa phương. Tuy nhiên, thay vì mang tinh thần gốm Phù Lãng nói riêng, tinh thần gốm Việt nói chung, sản phẩm lại mang tinh thần gốm Nhật là vấn đề cần phải lưu tâm. Tất nhiên không thể tạo ra ngay một diện mạo mới đặc trưng rõ nét, mà cần sàng lọc và thời gian. Tư duy làm kinh tế cần đi đôi với tầm nhìn về văn hóa thì việc học hỏi mới thực sự có giá trị.

Theo Bùi Văn Huân (tốt nghiệp chuyên ngành Gốm, khoa Mỹ thuật Truyền thống, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp và chủ thương hiệu “Gốm Huân” ở Phù Lãng), khóa học là một cách gián tiếp để tìm về những kỹ thuật làm gốm của người Việt đã thất truyền trong thời kỳ gốm Việt phát triển phồn thịnh trước đây như thời Lý, Trần, Lê. Cũng theo Huân, các cụ ngày xưa làm gốm rất giỏi, điều kiện học hỏi giao lưu không nhiều nhưng đã có thể làm ra những sản phẩm gốm vừa đẹp vừa có kỹ thuật cao mà lại rất đặc trưng, thế giới phải công nhận. Sự tinh tế từ kiểu dáng, tỉ lệ, sắc độ men cùng với công năng tốt đã được khẳng định; nhiều hiện vật gốm Việt được trưng bày ở các bảo tàng trên thế giới.

“Các cụ phải làm và cảm nhận rất nhiều. Nếu thiên về kỹ thuật cao, một người làm gốm lâu năm có thể đạt được, nhưng để sản phẩm gốm làm ra đạt đến độ tinh tế, hài hòa thì cần đến sự rung cảm. Phải là kết hợp cả bàn tay và tâm hồn. Chất đất, màu men, lò đốt là điều kiện tốt nhưng nếu không nhận ra và nắm bắt tinh túy thì sẽ không đẩy lên được thành phong cách đặc trưng của cả một giai đoạn lịch sử hàng mấy trăm năm. Cho nên dám khẳng định gốm Việt là sự khéo léo, là thẩm mỹ tinh tế của người Việt chứ không phải là sự ăn may, bỗng dưng có được.”

“Triển lãm trưng bày là kết quả của khoá học do các nghệ nhân, chuyên gia Nhật Bản truyền đạt kỹ thuật, cho nên có hơi hướng phong cách gốm Nhật là không tránh khỏi” - Huân cho biết. “Sau khi học hỏi thêm các kỹ thuật thật tốt, tương lai mọi người mới có thể vận dụng, từng bước tạo ra sản phẩm có dấu ấn riêng mang đặc trưng tinh thần, văn hóa Việt.”

“Người Nhật có điểm hay là họ làm việc rất khoa học và biết nâng tầm văn hóa, cái gì cũng có thể trở thành đạo. Trong khi người Việt Nam thông minh, khéo léo nhưng lại chưa làm được như họ.” Không chỉ riêng về gốm, nhiều nghề thủ công khác của Việt Nam cần nhận thức đúng hướng để phát huy, lấy lại vị thế của mình, tạo ra vùng cá tính mọi người có thể nhìn thấy.

Hải An | Báo Văn nghệ

---------

Bài viết cùng chuyên mục:

Đời sống nghệ thuật: Khi nhà phê bình cô đơn, chực chờ “chạy làng” Để “Cây Tình Thương” tỏa bóng, vươn cành trong đời sống xã hội Đồng vọng: những thanh âm đời sống Đọc sách và sách dành cho trẻ em - những vấn đề đặt ra trong đời sống sáng tác Đọc truyện: Đêm định mệnh. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Việt Hòa
Dấu mốc trên hành trình tiểu thuyết

Dấu mốc trên hành trình tiểu thuyết

Baovanghe.vn - Tấn kịch ở Hạ Lỗi là tiểu thuyết thứ 6 trên hành trình tiểu thuyết của Nguyễn Nhuận Hồng Phương. Thiên truyện bắt đầu bằng cuộc hồi hương nhọc nhằn và bất đắc dĩ của thông phán Trịnh Huệ và cậu con trai Trịnh Hạ mới 7 tuổi đầu của ông.
Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Baovannghe.vn - Tối ngày 19.9.2024 Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức lễ trao Tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT năm 2023, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội)
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.