Sáng tác

Nẻo đời. Truyện ngắn của Đỗ Trọng Đạt

Đỗ Trọng Đạt
Truyện
15:49 | 19/12/2024
Baovannghe.vn - Tôi vừa loay hoay dựng cái xe đạp vào mép tường vừa phải để mắt tới con chó vàng chực xồ ra sủa ầm ĩ. Đang ngơ ngác đi tìm thuê nhà, tôi được một bà chỉ vào ngõ này. "Cháu vào nhà đi." Ông chủ nhà chừng bốn mươi tuổi, người gầy, cao, mặt nhỏ, cái miệng đã bị khuyết vài chiếc răng. Trước khi bước vào trong nhà tôi phải đi qua một khu vườn rộng, cây cối xanh tốt, không khí mát dịu tạo cho tôi cảm giác thanh thản.
aa

Ông chủ nhà nhển cổ, hướng về phía nhà bếp bảo: "Em pha cho anh ấm trà." Bà vợ người nhỏ đanh, cái mũi khoằm khoằm, miệng hơi xếch, đã có mấy vết nhăn viền quanh như cái dấu ngoặc. Mới nhìn thì như đang cười mỉa, nhưng nhìn kĩ lại tưởng đang mếu.

- Tao tên Tự, vợ là Niêm. Từ nay cứ gọi anh chị cho tiện.

- Dạ! - Tôi đáp.

Điều đầu tiên mà tôi cảm nhận là một không khí yên bình. Đã hơn tuần nay phải long dong tìm nhà tìm cửa, chẳng có xó xỉnh nào là không rúc vào, có lẽ - đây là chỗ lí tưởng để tôi có thể tập trung học hành.

Anh Tự có hai thằng con, đứa lớn học lớp tám, đứa bé chừng bốn tuổi. Thằng anh người gầy, mắt to, hiền như con gái, nó có vẻ ít nói, mặt lúc nào cũng thìu thịu. Đứa nhỏ nom giống bố. Khôn như ranh. Hôm đầu nó đã quấn lấy tôi ríu rít chuyện. Cái miệng chưa tròn tiếng vừa nói vừa hớp không khí như sợ người khác nói hết. "Em gái Dũng xinh lắm... cả mẹ nữa... Dũng còn được đi chơi bên ngoại." Nó ngửa mặt, từng viền gân cộm lên trên chiếc cổ gầy ngẳng. Tôi hỏi: "Thế em đâu, Dũng không biết bế em à..." Mắt thằng bé mở to, cái miệng ngừng lại rồi buông một câu lọt thỏm "Chết rồi!" Tôi nhìn thằng Hưng vẫn đôi mắt buồn buồn, vẫn vẻ mặt thìu thịu sau cùng chưa kịp hỏi câu nào nó đã lôi thằng em ra đầu ngõ chơi.

Ngôi nhà cấp bốn được ngăn ra. Vợ chồng anh Tự ở hai gian chính, tôi thuê gian buồng. Cửa đi lại giữa hai phòng được ngăn bằng một tấm cót ép, nếu bên này nói to thì bên kia cũng nghe rõ. Tính anh sởi lởi, biết nói chuyện. Trong khi nói, câu nào anh cũng bắt đầu bằng một điệp khúc muôn thuở "Sách Tàu nó dạy..." Mới nghe thì có vẻ buồn cười, nhưng rồi cũng thành quen. Cái gì anh cũng vận vào sách Tàu. Vợ anh ít nói, thường chỉ ngồi nghe. Thi thoảng anh Tự trêu vợ, lúc ấy cái miệng quàu quạu mới khẽ nhích lên, đôi mắt hấp háy phụ họa. Gia đình anh thuộc loại nghèo, trong nhà không có vật gì giá trị ngoài một chiếc tủ cũ đựng quần áo, một chiếc ti vi. Mấy cái thúng đã bị bật cạp vứt bừa trên chiếc xe cải tiến dựng ở đầu nhà, đó là phương tiện để anh làm ăn. Hàng ngày có việc gì thì người ta đến gọi, toàn người quanh xóm. Anh làm đủ thứ, khi thì đội cát, xe gạch, có khi vét kênh moi cống... Chị Niêm lo việc đồng áng, anh có bốn sào ruộng, rỗi rãi thì ra đồng kiếm con cua con ốc rồi hái nắm rau. Buổi sáng dắt chiếc xe thồ buộc hai cái thùng lủng liểng sau gác ba ga để xin nước gạo về nuôi lợn.

Thằng Hưng thường học hành chểnh mảng. Anh Tự kể "Năm ngoái nếu không lên trường xin thì phải ngồi lại lớp bảy." Tôi bảo "Lúc rỗi cứ bảo nó sang em dạy kèm. "Thế là thi thoảng Hưng cũng ôm vở sang, nó len lén ngồi rồi rủ rỉ "Anh cứ kiểm tra. "Nó học vì sợ bố. Có hôm tôi phát bực vì cứ giảng mãi mà cái mặt nó vẫn nghệt ra, ngáp chán lại lắc đầu ngán ngẩm. Kiến thức từ lớp trước mà đến giờ nó vẫn cứ ngớ ra không hiểu gì. Tôi hỏi "Em học không cẩn thận thì thi thế nào được lên cấp ba. Còn vào đại học." Nó bảo: "Em đếch cần. Tiền đóng học còn phải xin mỏi mồm..." "Việc này đã có mẹ em lo!" "Đấy không phải mẹ em." Mặt thằng bé xịu xuống, mắt nó rơm rớm. Nó là đứa lì lợm. Có lần anh Tự cầm cái gậy to tướng doạ mà nó không mở miệng nói một câu, cứ đứng im chịu trận. Ngồi im một lát rồi nó kể: "Năm em lên hai thì mẹ bỏ đi Hồng Kông làm ăn. Ngoại kể là tại bố không chịu làm, cứ rượu chè nên mẹ chán. Mẹ em đẹp lắm - bà bảo thế..." Mới tí tuổi nó đã có cái giọng khinh bạc, những câu nói đầy vẻ bất cần. "Mấy năm sau bố cưới một người, đó là mẹ thằng Dũng. Năm ngoái mẹ nó bị tại nạn trong một chuyến về quê ở Hà Tây, một chiếc ô tô đã chèn làm cho gã xe ôm loạng choạng rồi lao xuống xệ đường, đứa em gái còn ẵm ngửa, mẹ nó vẫn ôm khư khư. Dạo ấy nó cứ khóc suốt ngày, bố phải nói dối là mẹ gửi em ở bà ngoại. Đến giờ thỉnh thoảng nó vẫn hỏi bà ngoại về đứa em. Bà nó lại thút thít nhìn lên bàn thờ..." "Thế còn mẹ Niêm." Tôi hỏi. "Mới về ở cùng bố được mấy tháng. Có bà ấy chúng em chỉ khổ thêm. Em sống với bố quen rồi. Bà ấy cứ ngắm ngắm lúc bố đi vắng là đánh chửi. Chỉ khổ thằng Dũng, chứ em thì đếch sợ." "Thì cũng phải thế mới dạy bảo được chúng mày, không rồi lại hư hỏng." Tôi trấn an nó. Hưng cãi "Có mà dạy khối, bà ấy tức vì hôm em mách với bố chuyện bà ấy cứ ăn cơm sáng xong lại lẻn ra hàng phở.. ." Tôi không nhịn được cười, vừa dúi vào trán nó vừa bảo "Bố ranh!"

Anh Tự bảo: "Chú ở với anh thì yên tâm, chẳng lo sợ mất mát gì đâu. Chứ cứ như nhà bên cạnh ấy, hôm trước có ba thằng sinh viên thuê, chẳng biết đêm ngủ thế nào, trộm nó khuân mất trắng ba cái xe đạp." Bao giờ nói xong một câu anh lại cười, tiếng cười vang mà rất đanh, giọng cười của anh pha chút tàn nhẫn, bất cần. Cái miệng trống hoắc do thiếu mấy chiếc răng cửa khiến cái cười càng dễ sợ nó như tiếng vọng từ một cái hang đen ngòm. Anh bảo: "Đó là vết tích của một thời bất khuất." Một hôm nhà anh có mấy người đến chơi. Người nào người nấy cứ lấm la lấm lét, tay nào cũng còm nhom như được lập từ những mẩu xương rời rạc.

Tay có cái đầu trọc lóc, lồi lên mấy cái sẹo bằng bàn tay lên tiếng: "Đây là cuộc sống của mày à!" "Nó giờ đã thành ông chủ." Gà mắt xếch lè nhè. "Ông chủ của con vợ gầy đét." Một gã khác cười, mấy cái sẹo đùm lại. Anh Tự bảo "Giờ tao còn vợ con!" Gà mắt xếch bảo: "Thằng này chờn rồi. Đời nó đã dạy mày sống lương thiện à. Có tiền, tao cũng sống lương thiện. Nó vả cho mày mấy cái vào mặt rồi nó bắt mày đi hầu thiên hạ và mày chịu.. ." "Bõ bèn gì. Vợ tao bỏ, mặc xác. Bố mẹ lìa, chả sao. Đi tù, nó đánh cho mềm củ luộc, vẫn sống. Chó thật...!” Gã mặt sẹo vừa nói vừa nhổ bãi nước bọt xuống nền nhà. "Chiến hữu với nhau, anh em đến thì tôi mừng. Nhưng thôi, đủ rồi. Tao không muốn vợ con cằn nhằn. Chúng mày tìm nơi khác. Dạo này bọn công an phường làm ác lắm, ở đây không tiện." - Anh Tự nói giọng cứ đều đều mà quả quyết. Mắt anh sáng lên, mày cau lại.

Anh Tự trước kia thuộc loại chơi bài. Anh không nghề nghiệp, phải kiếm sống bằng nghề bốc vác ở cảng. Cuộc sống dao búa đã dạy anh phải biết cái mà anh hay gọi là "Nghệ thuật sống". Anh bảo "Sống ở nơi mà sự tàn nhẫn làm chúa tể thì đừng đem đạo đức của mày ra làm cứu cánh. Đạo đức chỉ là nô lệ. Chúng sẽ bóc hết của mày đến khi trơ xương, và dĩ nhiên nó sẽ vứt trả mày cái gọi là đạo đức như vứt lại chiếc quần lót sau khi mày bị lột truồng.” "Đó là bạn của anh?" Tôi hỏi. “Cùng hội với nhau sau khi vỡ lở bạn nó sống vất vưởng, trộm cắp qua ngày. Nghiện ngập hết, vợ con thì không có. Đời tao may mắn là sau ngần ấy những chuyện tai tiếng, mất mát còn được hai đứa con. Khi chúng lớn tao sẽ bán đất, cho mỗi thằng một dinh cơ." Nhà anh có tới hơn sào đất, dạo thành phố có cơn sốt, mỗi mét vuông giá tới sáu chỉ vàng. Anh lại kể "Mấy thằng đến nhờ tao làm "tiền trạm". Đêm chúng sẽ "hoạt động" ở vùng này. Chúng tính gửi vào đây để chờ tiêu thụ. Me kiếp, bọn nó cùng đường rồi, giờ dây vào là mình chết..."

Dạo này công việc ít, anh Tự nằm dài cả ngày. Sau khi hút xong mồi thuốc lào anh chửi "Mẹ kiếp! Thiên hạ dạo này chết hết hay sao mà đợi dài có không đứa nào gọi nhỉ!" Chửi chán anh lại nằm. Chị Niêm đi lấy nước gạo về, đặt phịch cái thùng xuống đất, lẳng cái xe vào xó nhà. Chị lẩm bẩm: “Người với chả ngợm. Trưa trật không biết vác cái xác dậy mà nấu cơm." Anh Tự kéo chăn kín đầu. Chị gọi toáng "Thằng Dũng đâu...!" Một lúc thấy thằng bé thập thò ở mép cửa, mặt lấm lem, áo quần bết đầy cát. Kể cũng lạ từ sáng đến giờ nó cứ chơi một mình ở đầu ngõ hết bốc cát lại xếp gạch mà không biết chán. Chị lôi nó xềnh xệch ra áng nước. Dúi tay nó xuống cái chậu, một tay chị túm lấy gáy tay kia chà cái khăn lên mặt. Thằng bé hụ hị quay ngang quay ngửa. Thế là: "Đét! Đét!" Hai bên má hằn đỏ mấy vết tay. Thằng bé ngửa cổ hét: "Mẹ ơi!" Nó gào to khiến chị Niêm cũng lúng túng. Nó khóc lâu lắm mà mỗi bận khóc thì không ai dỗ được. Một lúc nhà bên cạnh có tiếng lục đục rồi một tiếng người vọng sang: "Trời ơi là trời! Con rắn độc lại cắn cháu bà. Tao đã bảo rồi, rước thứ rác rưởi ấy về là tan nát cái nhà này..." Chị Niêm dỏng cổ sang: "Vâng! Con bà tài, bà có tiền thì đi rước lấy người tài người giỏi." Bà lại hét to hơn "Ôi làng nước ơi! Tự ơi! Mày chết rồi à! Bà sẽ tống cổ tất. Cút mẹ mày đi!" Tiếng người lớn chửi, tiếng trẻ con khóc ầm ĩ lên một hồi. Trong nhà, anh Tự vẫn đắp chăn kín đầu. Thằng Hưng đi học về. Mặt lầm lì. Nó vứt cái cặp vào xó nhà, kéo đứa em mặt còn đầy mũi dãi và nước mắt sang bên bà nội...

Nẻo đời - Truyện ngắn của Đỗ Trọng Đạt
Ảnh minh họa. Nguồn pinterest.com

Chị Niêm quê ở Bình Đà, sau lệnh cấm pháo chị theo người làng ra Hà Nội làm ăn. Tầm tuổi chị ở quê như thế là ít có cơ hội lấy chồng. Các anh chị thì đã yên bề. Chị bảo: "Một thân một mình sống thế nào chả được. Đi cho biết..." Nhưng rồi chị gặp anh Tự. Và thế là chị lấy chồng. Anh em họ hàng ai cũng mừng. Có người còn bảo: "Số con này thế mà sướng. Khối đứa tháo vát bằng mấy còn ế chỏng chơ chả ma nào dòm. Đằng này lại ở Hà Nội hẳn hoi...".

Mấy hôm liền anh Tự vắng nhà, có hôm đến khuya mới về lại sặc sụa mùi rượu. Chị Niêm hậm hực hết mắng chó lại chửi con. Có lần đợi mãi không thấy chồng về, chị ngồi một mình ri rỉ khóc: "Cái đồ dặt dẹo... Có mấy đồng bạc lại đem nướng vào cờ bạc. Mà có phải tiền nó làm ra đâu. Mấy triệu đồng bồi thường tai nạn mẹ nó để lại cho con giờ "nướng" hết. Rồi chúng nó thì vạ đường vạ xá... Cướp cả miếng cơm của con..." Hai thằng bé kéo nhau sang bà nội. Tôi định nói vài câu an ủi, nhưng lại thôi. Đành ngồi im nghe chị kể lể. "Dành dụm mãi được ít tiền đưa cho nó để về quê ngoại ăn giỗ. Bảo nó, nó cứ trơ ra... Cái đồ bất nhân... Giờ lại phá hết..." Lúc ấy anh Tự về, mặt đỏ gay. Anh bước vào nhà, hút mồi thuốc lào, tợp một ngụm nước. Rồi anh chỉ vào mặt chị vào bảo: "Mày nói gì... Giỗ à, mặc mẹ mày... Tưởng mày tử tế ông còn về... Ông thì đái từ đây về đất nhà quê nhà mày... Mày bảo với chúng nó rằng mày ăn ở không ra gì nên bố đếch cần... Mày phải nói đúng như thế... Đừng có bảo tao bận... Cút mẹ mày đi một mình..." Chị Niêm khóc to hơn, nhưng chị chỉ khóc thôi mà không nói gì. Anh Tự cũng không còn cớ để sừng sổ thêm. Sáng hôm sau chị về quê một mình... Nhưng đến gần trưa anh Tự mượn đâu dược chiếc xe máy, anh mặc thật diện, đi giày đen bóng. Anh gọi: "Dũng đâu!" Thằng bé chạy ra, xúng xính khoe chiếc áo mới. Hai bố con hớn hở đưa nhau đi. Hôm sau lại thấy vợ chồng anh trở về vui vẻ. Chị Niêm cầm mấy quả cam chạy sang biếu mẹ chồng.

Đã đến ngày tôi phải trả tiền nhà. Đợi mãi mà không thấy tiền gửi ra. Một hôm tôi nhận được lá thư. Me viết: "Thuấn con! Mấy ngày nay mẹ ốm quá, không đi làm được. Tiền thuốc thang còn phải mượn, các em mày cũng chưa có tiền học phí. Mẹ mượn nóng dì Ba được bảy chục. Con nói khéo với người ta cho khất ít bữa. Cố mà học, đừng lo nghĩ nhiều. Chỉ mấy ngày nữa bố mày vay ít tiền ngân hàng rồi gửi cho..."

Tôi sang nói với anh chị: "Tháng này cho em chậm thêm ít hôm. Đang chờ tiền nhà." Anh Tự rít xong mỗi thuốc lào, bảo: "Thật ra ở đâu cũng thế, tiền nong là phải đưa từ đầu tháng. Hôm nay đã mười ba. Không phải anh chị kinh doanh nhưng cũng phải lấy tiền quà cho các cháu..." Tôi chẳng biết nói thế nào. Ba ngày sau anh gọi tôi sang uống nước. Anh bảo: "Thuấn này. Anh chị cũng chẳng khá giả gì. Tiền học hành thì bố mẹ em phải lo. Chấp nhận cho con ăn học phải chịu tốn kém..." Cái giọng bạc bạc của anh như ném vào mặt tôi một cục uất nghẹn, nó cứ ứ lên đầy cuống họng, trực trào ra đằng mắt. Trước khi tôi về phòng, anh còn nói với theo: "Nếu chú không đáp ứng được cho anh chị thì anh chị phải tính cho người khác thuê..." Hôm sau thấy có hai vợ chồng ở quê ra đây bán thịt lợn hỏi anh thuê nhà. Ba trăm rưỡi một tháng - gấp đôi số tiền tôi thuê. Tôi đành sang nói khéo: "Anh chị cho em chuẩn bị ít ngày để tìm nhà khác..."

Thằng Hưng hỏi: "Anh định đi thuê chỗ khác?" Đôi mắt buồn nhướng lên. Thằng Dũng lăn vào lòng tôi ngủ từ lúc nào. Nó lại hỏi: "Bố em cho người khác ở à?" Tôi bảo: "Có mấy người bạn rủ anh ra ở cùng. Anh sẽ đến chơi, phải học cố lên sắp thi học kỳ rồi..." Nó ngồi im, cái mặt thìu thịu cứ gầm xuống. Tôi cũng chẳng thiết ở đây nữa, nhiều lúc muốn vỡ đầu, chỉ tiếc cho nó, dạo này nó học có vẻ khá hơn.

Tôi hì hục nhét mấy quyển sách vào hòm. Hành trang của một thằng sinh viên: vài bộ quần áo, một cái xô, chăn màn thì túm vào chiếc áo mưa. Chỉ vẻn vẹn một chuyến xe đạp. Anh Tự bảo vợ "Sắp tới xây thêm ba gian. Mỗi gian giá ít cũng ba trăm. Vậy là mỗi tháng hơn triệu bạc. "Bu mày" chỉ việc đi mua bia cho "bố nó"..." Chị Niêm dúi vào trán chồng "Người với chả ngợm..."

Tiếng anh cười cứ váng váng bên tai cho đến khi tôi dắt xe đi qua cái lối nhỏ có những ngôi nhà cao ngất chen chúc nhau, trên kia bầu trời cao vời vợi chỉ còn lộ cái vệt trắng như một dải khăn.

Văn nghệ Trẻ, số 17/1997
Nước mắt của dòng sông. Truyện ngắn của Kiều Xuân Quỳnh

Nước mắt của dòng sông. Truyện ngắn của Kiều Xuân Quỳnh

Baovannghe.vn - Lan cùng những người đồng nghiệp đang vận chuyển đá kè đập thì từ phía chân núi có tiếng nổ lớn. Sau này Lan được một chị kể lại rằng: Công cùng chuyên gia đi vào lòng núi đặt mìn. Sau khi giăng dây, kích nổ mà trái mìn im bặt. Hai người ngỡ rằng có sự cố. Họ cùng đi vào vùng nguy hiểm xem xét, cũng vừa khi trái mìn phát nổ… Thân xác của Công tan vào đá núi, linh hồn nằm lại với dòng sông.
Tình yêu có theo ta lớn lên. Tản văn của Tạ Hà Như Bình

Tình yêu có theo ta lớn lên. Tản văn của Tạ Hà Như Bình

Baovannghe.vn - Tôi thường chơi với đám trẻ con trong xóm để nuôi dưỡng tâm hồn mình. Bởi ở thế giới người lớn, chúng ta thừa sự thông minh để suy diễn, để ganh ghét mà thiếu sự vô tư để cảm thông yêu thương. Và những tâm hồn trẻ thơ thì luôn đủ thánh thiện để bảo vệ tình yêu.
Nữ giới trong điện ảnh: Đánh son bao nhiêu, đánh nhau bấy nhiêu

Nữ giới trong điện ảnh: Đánh son bao nhiêu, đánh nhau bấy nhiêu

Baovannghe.vn - Nối dài tinh thần từ thời đại phim chiến tranh và phim hậu chiến, nữ giới vẫn là hình tượng khơi gợi nhiều cảm hứng, nắm giữ vai trò chủ đạo trong các sáng tác của điện ảnh Việt Nam.
Đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm

Đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm

Baovannghe.vn - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Đừng khóc - Thơ Lệ Hằng

Đừng khóc - Thơ Lệ Hằng

Baovannghe.vn- Ngày tháng năm…/ Đôi mắt bầu trời mở ra