Tiểu thuyết về đề tài người lính trong thời kháng chiến chống Mỹ này từng được trao giải thưởng văn học của Bộ Quốc phòng năm 1993, được xuất bản lần đầu năm 1994 và sau đó được tái bản nhiều lần.
Một số tác phẩm có giá trị vượt thời gian của cố nhà văn Văn Lê |
Hơn 10 năm trước, đạo diễn Việt Linh từng chuyển thể tiểu thuyết này thành kịch bản phim điện ảnh nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành vì nhiều lý do. Đạo diễn Việt Linh tâm tình, chị rất ấn tượng và tâm đắc cuốn tiểu thuyết này. Sau 3 chương trình kịch đọc
Thiên Thiên
(dựa theo truyện ngắn
Hạnh phúc là cùng
của tác giả Vũ Hồi Nguyên và
Xoa
của Tăng Song Nam),
Visa
(Hải Miên) và
Diễn viên hạng ba
(nhà văn Lý Lan), chị và ê kíp sân khấu Hồng Hạc đã dành trọn 2 tháng để chuyển thể Nếu anh còn được sống sang hình thức kịch đọc.
Trong tiểu thuyết Nếu anh còn được sống, người lính bị thương nặng và hôn mê sâu, sống giữa 2 thế giới: cõi người và cõi chết. Chiến tranh, tinh thần dân tộc và thân phận con người, số phận của người lính trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã được nhìn thấy từ giữa 2 thế giới ấy. Bên dòng sông Nhược Thủy, có những linh hồn lang thang gặp nhau. Họ đã ngã xuống vì độc lập, tự do cho dân tộc nhưng ở cõi khác, họ luôn tưởng nhớ về gia đình, quê hương và đồng đội. Bi thương mà đẹp đẽ, cảm động và nhân văn là những cảm xúc đọng lại khi đọc Nếu anh còn được sống.
Nhà văn Văn Lê (1949-2020) cũng là một người lính đã vào chiến trường từ tuổi đôi mươi, từng trực tiếp tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968. Ông đã viết rất nhiều về đồng đội và kể chuyện mình trong thời chiến. Tất cả sáng tác của ông gồm thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, ghi chép… đều có tầm vóc lớn lao về dân tộc, về tâm hồn Việt.
Gần nửa thế kỷ cầm bút, nhà văn Văn Lê viết nhiều tác phẩm về chiến tranh và lịch sử có giá trị: Những ngày không yên tĩnh, Chuyện một người du kích, Khoảng rừng có những ngôi sao, Đồng dao thời chiến tranh, Thần thuyết của người Chim, Cống nhân, Mùa hè giá buốt… “Bằng cách nào, với sự chịu đựng và vươn lên như thế nào mà dân tộc ta đã tồn tại và tồn tại một cách kiêu hãnh?” là câu hỏi luôn ám ảnh và thôi thúc nhà văn đi tìm sự lý giải cho những vấn đề có tính lịch sử. Và ông đã trả lời nó bằng những tiểu thuyết đồ sộ Thần thuyết của người Chim dày hơn 600 trang với bối cảnh lịch sử là thời đại Hùng Vương, tiểu thuyết Cống nhân với bối cảnh là triều đại nhà Trần và Phượng Hoàng viết về một chiến dịch của quân đội Mỹ bắt đầu từ năm Mậu Thân 1968…
Dù là đề tài, giai đoạn hay bối cảnh nào, tác phẩm của ông vẫn luôn là những câu chuyện đọng lại rất sâu trong lòng người đọc và nhân vật của ông đều luôn hướng về Tổ quốc và nguồn cội. “Phẩm hạnh của dân tộc” chính là sự lý giải của nhà văn cho tất cả cuộc chiến thắng trước mọi kẻ thù trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Tưởng nhớ ông là nhớ đến những trang viết giàu lòng trắc ẩn, thấm đẫm tinh thần tự tôn dân tộc.
*Tên bài viết do baovannghe.vn đặt
------------------
Bài viết cùng chuyên mục: