Đất Phú Yên có người trai trẻ tin yêu mãnh liệt vào cách mạng. Khi tuổi đời còn rất trẻ, mới bước vào tuổi 17, chàng trai trẻ đó đã rời mái nhà của ba má và gia đình, thoát ly đi theo cách mạng. Anh đứng vào hàng ngũ bộ đội Việt Minh, cầm súng trực tiếp đánh đuổi thực dân Pháp. Người trai trẻ đó là Lê Viết Thuận. Ba má sinh anh vào ngày 3/2/1933. Sự ngẫu nhiên về thời gian tự nhiên, anh sinh vào ngày Đảng Cộng sản Việt Nam sinh nhật lần thứ ba.
Quê quán của Lê Viết Thuận là Ngân Sơn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Lê Viết Thuận được ba má cho đi học từ nhỏ. Anh học giỏi, trở thành người có học vấn và sớm giác ngộ cách mạng. Anh yêu văn chương. Tuổi 13, anh được biết tới bài thơ Gió Tuy Hòa của nhà thơ, chiến sĩ Trần Mai Ninh. Bài thơ nổi tiếng sáng tác vào năm 1946 về vùng đất Tuy Hòa, Phú Yên. Dòng thơ sôi sục cách mạng:
Nhà văn Mai Phương |
Cái gió Tuy Hòa
Cái gió chuyên cần
và phóng túng
Gió đi ngang, đi dọc
Gió trở lại, lưng chừng
Gió nghĩ
Gió cười
Gió reo lên lồng lộng...
Những dòng thơ cách mạng ấy đã neo vào tâm hồn của thiếu niên Lê Viết Thuận. Năm 17 tuổi, vào năm 1950, người thanh niên trẻ tuổi vừa cầm súng đánh giặc, vừa tập cầm bút viết báo và làm thơ. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Lê Viết Thuận tập kết ra miền Bắc. Tuổi trẻ với bầu máu nóng, anh phục viên sang Bộ Công nghiệp nặng đi xây dựng các khu công nghiệp, góp phần lao động của mình để tạo dựng nên nền công nghiệp xã hội chủ nghĩa. Nhưng, thơ ca vẫn xâm chiếm tâm hồn Lê Viết Thuận. Thời kỳ ấy trên miền Bắc rất ít người sáng tác thơ. Vì vậy, những bài thơ sáng tác đầu tay của Lê Viết Thuận đã được nhà thơ Xuân Diệu xem rất kỹ. Nhà thơ lớn có nhiều lời khen cho nhiều tứ thơ độc đáo, nhiều câu thơ, đoạn thơ và một số bài thơ do Lê Viết Thuận sáng tác, và khuyên Lê Viết Thuận chuyên tâm, trở thành người sáng tác thơ chuyên nghiệp… Từ đó, trên một số tờ báo Trung ương xuất hiện tên tác giả thơ Mai Phương!
Từ Bộ công nghiệp nặng, Mai Phương một mực xin về miền Nam cầm súng trực tiếp chiến đấu, góp phần giải phóng quê hương, trong đó có nỗi niềm về thăm ba má. Nhưng, lãnh đạo Bộ công nghiệp nặng nói với Mai Phương rằng: Xây dựng miền Bắc vững mạnh cũng là một mặt trận. Năm 1958, Bộ công nghiệp nặng phân công Mai Phương về vùng than Hồng Quảng (Sau này là vùng than Quảng Ninh). Trong một lần về thăm vùng than, Bác Hồ căn dặn công nhân và cán bộ ngành than: “Sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc!”. Mai Phương cùng các cán bộ miền Nam trên đất Mỏ, như anh Trương Quang Đẩu (Thân sinh nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa) và bao đồng đội khác đã yên tâm ở lại vùng mỏ. Tại đây, nhà thơ Mai Phương lăn lộn khắp vùng than với cương vị là nhà báo của Đài phát thanh khu Hồng Quảng, sau này là Đài phát thanh truyền hình Quảng Ninh. Anh viết báo và làm thơ. Nhưng vì cuộc sống sinh nhai nên anh viết báo nhiều hơn. Đến khi bước qua tuổi 60 anh mới rảnh rang, chuyên tâm sáng tác thơ; và sáng tác văn xuôi. Nhưng cả nước biết đến Mai Phương là ở lĩnh vực thơ. Mai Phương được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam với tư cách là nhà thơ. Nhà thơ nói với bạn bè rằng: “Mình thực hiện lời khuyên của nhà thơ Xuân Diều hơi trễ!”
Bài thơ để đời của nhà thơ Mai Phương là bài thơ Thế gian này chỉ có Bác mà thôi. Tác giả đọc bài thơ này trước công chúng, lần nào cũng nhiều độc giả ngấn nước mắt với niềm tự hào:
Con không nói được gì về Bác nữa đâu
Có bao điều về Người nhân loại trên hành tinh
đều nói hết
Con chỉ còn biết khóc
Khi thấy Bác mặc quần đùi hành quân
và vừa đi vừa phơi áo.
Thơ của Mai Phương như mầm xanh bật lên từ đất Mẹ rồi đâm hoa kết trái, dâng hiến cho đời. Nhà thơ là con người bao dung, thương yêu mọi người nên các bài thơ sáng tác cũng bao dung và sâu lắng yêu thương. Nhà thơ yêu thương con người nên “Khẩn cầu cho những chiếc môi hôn”. Trước tiên là tỏ lời với người vợ thương yêu của mình:
Nào em hỡi Trái đất nhiều biến loạn
Người với người toàn nói chuyện đạn bom
Hai chúng mình là chồng là vợ
Phải khẩn cầu cho những chiếc môi hôn…
Mai Phương rời mái nhà của ba má từ mảnh đất Tuy An đầy nắng và gió từ năm 1950 đến nay. Khoảng thời gian 69 năm xa mái nhà của mình là cả một đời người! Ngày Mai Phương lên ngàn tham gia cách mạng, người mẹ thân yêu chưa đến bốn chục tuổi Trời:
Ở vùng quê
Mẹ chỉ biết có cánh đồng
Và những lũy tre...
Càng không biết anh Bốn và con ra trận
Khẩu súng cao đến quá nửa đầu người”
Ngày mẹ về với Đất mẹ Tuy An thì đất nước còn chia cắt. Tình yêu nặng nợ vô cùng với ba má. Đến năm nhà thơ gần 70 tuổi vẫn đau đáu nhớ mẹ và ước sao:
Dù cho đến muôn nghìn điều ước
Tôi chỉ mong một ngày mẹ sống lại mà thôi!
Mai Phương là con người chỉ biết sống vì đất nước, vì quê hương, vì đồng đội, vì gia đình, vì những người yêu thơ. Còn bản thân mình thì sao? Nhà thơ nhủ với riêng mình:
Ôi, giả thử Trời cho ta trẻ lại
Thì tôi đây vẫn cứ phải là tôi
Thì vẫn vậy không có gì ngần ngại
Vẫn yêu người như yêu chính mình thôi.
Vì sao nhà thơ Mai Phương giầu niềm tin yêu mãnh liệt như vậy? Nhà thơ bộc bạch:
Nếu có chết ngay bây giờ không tiếc
Bởi vì tôi đã sống quá nhiều rồi
Tôi đã sống và tin yêu mãnh liệt ...
Nhà thơ Mai Phương viết những câu thơ này vào năm 2009. Nhưng, tháng 7 năm 2019, nhà thơ Mai Phương, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Ninh lâm bệnh nặng. Nằm trên giường bệnh tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, nhà thơ chỉ một mực muốn gặp anh em trong Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Ninh, những người đồng hành văn học trên vùng đất mỏ. Mỗi lần có người đến thăm, nhà thơ tuy rất yếu, tay nắm tay không chắc, nhưng ai cũng cảm nhận được từ cái nắm tay của ông một tình cảm chân tình với sự “Tin yêu mãnh liệt”.
Báo Văn nghệ