Bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”, sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt 1 đã được dạy học trong thời gian vừa qua. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ sự đổi mới cũng có những thắc mắc, thậm chí phản ứng gay gắt về chính sự đổi mới đó. Để rộng đường dư luận, trong những ngày đầu tiên của năm học mới, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Bùi Mạnh Hùng – Tổng chủ biên SGK Tiếng Việt – Ngữ văn, xung quanh sách Tiếng Việt 1.
PGS-TS Bùi Mạnh Hùng
* Thưa PGS-TS Bùi Mạnh Hùng, SGK Tiếng Việt 1 được coi là cuốn sách khởi đầu cho hành trình tiếp cận, lĩnh hội và làm chủ tiếng Việt của mỗi học sinh, nhóm biên soạn đã có sự chuẩn bị như thế nào?
– SGK mỗi môn học ở mỗi lớp đều có vai trò riêng của nó, nhưng xét về nhiều mặt thì SGK Tiếng Việt lớp 1 có vai trò đặc biệt, bởi vì, đúng như chị nói, đó là “cuốn sách khởi đầu cho hành trình tiếp cận, lĩnh hội và làm chủ tiếng Việt của mỗi học sinh”.
Bản thân tôi đã có nhiều năm nghiên cứu về chương trình và SGK dạy học ngôn ngữ và văn học tại Hoa Kỳ, Hàn Quốc và nhiều nước phát triển khác. Trước khi biên soạn SGK Tiếng Việt 1, chúng tôi đã phân tích kĩ SGK Tiếng Việt 1 qua nhiều giai đoạn, kể cả SGK Tiếng Việt 1 của miền Nam Việt Nam trước năm 1975 được biên soạn với sự hỗ trợ của các chuyên gia giáo dục của Hoa Kỳ. Đồng thời, chúng tôi cũng tiếp cận với thực tế dạy học Tiếng Việt lớp 1 ở nhiều địa phương để hiểu rõ mọi người đang chờ đợi gì ở SGK Tiếng Việt 1 mới. Nhờ đó, SGK Tiếng Việt 1, bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” (gọi tắt là “Kết nối”) thể hiện rõ đặc điểm của một bộ SGK dạy tiếng hiện đại và phù hợp với thực tiễn dạy học ở Việt Nam.
* Sách Tiếng Việt 1 được thiết kế nhằm phát huy tối đa kỹ năng đọc, viết, nghe và nói. Tuy nhiên muốn thành thục các kỹ năng này, phải có sự tương tác trực tiếp của giáo viên với học sinh. Vậy trong hoàn cảnh phải dạy và học trực tuyến như hiện nay, nhóm biên soạn đã lường trước được tình huống này để thiết kế phù hợp chưa?
– Khi biên soạn thì chúng tôi không thể hình dung có tình huống như hiện nay. Tuy nhiên, chúng tôi có chủ trương SGK Tiếng Việt 1 mới phải tạo điều kiện cho học sinh tự học và phụ huynh có thể giúp con mình học. Cách thiết kế các câu lệnh tường minh ngay từ những trang sách đầu tiên giúp phụ huynh và học sinh thích ứng với điều kiện dạy học mới. Việc dạy học trực tuyến chủ yếu ảnh hưởng đến hoạt động luyện viết, còn đối với hoạt động luyện đọc thì nhờ công nghệ hiện đại và sự sáng tạo của các thầy cô, hạn chế đó vẫn có thể khắc phục được đáng kể. SGK Tiếng Việt 1, bộ “Kết nối” còn có bản điện tử có các ứng dụng hỗ trợ để học sinh có thể tiếp tục luyện đọc và viết với sự hỗ trợ của phụ huynh.
Tiến sĩ giáo dục – nhà thơ Nguyễn Thụy Anh, tác giả bài thơ “Tia nắng đi đâu”, trang 124 sách Tiếng Việt 1: “Khi biết bài thơ của mình được chọn đưa vào SGK lớp Một, cảm xúc đầu tiên của tôi là rất hạnh phúc. Sau đó là hồi hộp: Tôi đọc đi đọc lại bài thơ được chọn, giở trang SGK để… ngắm minh hoạ và đọc các câu hỏi đi kèm bài thơ, hình dung ra các bước tổ chức việc học mà SGK đề xuất, tưởng tượng xem các bé lớp Một sẽ đón nhận bài thơ thế nào. Tôi bồi hồi nghĩ về sự đồng hành của một tác giả với học trò trong những năm tháng ấu thơ – mỗi thế hệ học trò chúng tôi đều có được sự đồng hành kiên nhẫn, âm thầm ấy. Những câu thơ, đoạn văn đầu đời thường đọng lại “như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu” theo cách nói của nhà thơ Bằng Việt, mang lại cho các em những rung động nho nhỏ đầu tiên với thiên nhiên, con người hoặc với vẻ đẹp của tiếng mẹ đẻ. Những bài học luân lý, bài học làm người sẽ đến với các em nhẹ nhõm, kín đáo hơn , ẩn sau sự rung động ấy.
* Tiếp nối dòng chảy của những bài học ngôn ngữ đầu tiên, học sinh sẽ được định hướng như thế nào khi lên các lớp trên để vừa giữ gìn được vẻ đẹp truyền thống, vừa hòa nhập được với xu thế phát triển của thế giới?
– Với SGK “Kết nối”, định hướng giữ gìn vẻ đẹp truyền thống và hòa nhập với thế giới được thể hiện qua hệ thống chủ đề và ngữ liệu trong các bài học. Chẳng hạn, ở trung học cơ sở, trong khi chú trọng giúp học sinh đọc hiểu văn bản theo mô hình thể loại, SGK Ngữ văn 6 đặt tên các bài học theo hệ thống chủ đề để hướng đến giáo dục các giá trị sống, trong đó có những nội dung truyền thống như tình cảm bạn bè, tình yêu gia đình, tình yêu đất nước và những nội dung mới mẻ, hiện đại như tôn trọng sự khác biệt, ý thức về môi trường. Trong khuôn khổ các bài học như vậy, ngữ liệu trong SGK mới không chỉ gồm sáng tác kinh điển, những giá trị đã được khẳng định qua thời gian, mà còn phải có những tác phẩm khơi gợi cho học sinh suy nghĩ về cuộc sống của chính các em, giúp kích hoạt những trao đổi, tranh luận để các em từng bước có được những trải nghiệm tươi mới và trưởng thành.
* Khi sách Tiếng Việt 1 ra đời, có nhiều ý kiến trái chiều nhau, trong đó có cả phản ứng tiêu cực khi nhận xét và so sánh với các bộ sách cũ, bản thân ông cũng như nhóm biên soạn đã gặp những khó khăn gì? Nhóm biên soạn đã vượt qua bằng cách nào?
– Chúng tôi luôn trân trọng lắng nghe các ý kiến góp ý, kể cả những ý kiến trái chiều. Dĩ nhiên, chúng tôi phải kiên nhẫn và có sức chịu áp lực để lắng nghe chỉ trích (nếu có). Việc nhiều người hay hoài niệm và so sánh SGK mới với SGK cũ với ý tiếc nuối những gì đã qua là hiện tượng rất dễ hiểu. Tuổi thơ mỗi người đi qua đều gắn với những trang sách đầu đời. Đó là một phần của kí ức, nó bao giờ cũng đẹp. Nhiều phụ huynh, độc giả lớn tuổi thường nhắc lại những bài ca dao, bài thơ, bài văn trong trẻo, đẹp đẽ thời mình còn đi học. Tôi xin được chia sẻ, hầu hết những sáng tác hay, còn phù hợp với học sinh thì đều đã và sẽ đưa vào SGK mới. Tuy nhiên, học sinh ngày nay còn cần phải được tiếp cận với những sáng tác mới, mang hơi thở của cuộc sống đương đại. Sự thành công của công cuộc đổi mới giáo dục tùy thuộc rất nhiều vào mức độ cởi mở và thấu hiểu của xã hội. Thiếu đi điều kiện quan trọng đó, cái mới dễ bị cái cũ lấn át và mọi thứ có thể lại trở về như cũ.
* Ông có thể chia sẻ điều mong muốn nhất của mình đối với các bậc phụ huynh và học sinh trong những ngày đầu tiên của năm học 2021 – 2022.
– Chúng ta đang sống trong những ngày đại dịch Covid-19 mà tính mạng của bất kì ai cũng có thể bị đe dọa, nhưng tinh thần lạc quan và mối quan tâm đến việc học của con cái sẽ giúp mỗi bậc phụ huynh có niềm vui và động lực cùng con bước vào năm học mới. Xin chúc tất cả quý thầy cô giáo, quý phụ huynh và các em học sinh vượt qua mọi khó khăn để có một năm học thành công!
* Xin trân trọng cảm ơn PSG-TS Bùi Mạnh Hùng!
PHONG LAN thực hiện
Nguồn Vanvn.vn