Văn hóa nghệ thuật

Ngắm hội họa mùa xuân dưới lăng kính “môi trường quyết định luận”

Tèo Phạm
Mỹ thuật
06:00 | 06/02/2025
Baovannghe.vn - Mỗi vùng đất lại sinh ra những người nghệ sĩ mà không khí nơi ấy thấm vào phổi, nắng ăn vào da dẻ và tình yêu tràn ngập trong trái tim.
aa

Sự đa dạng của thổ nhưỡng, khí hậu Việt Nam làm cho tâm hồn người hoạ sĩ rung động không ngừng. Trong hội họa, các nghệ sĩ cũng biết cách thể hiện rung cảm ấy, đặc biệt là mùa xuân - mùa sum họp, của sự sinh sôi, của lễ hội và tiết trời dễ chịu.

Môi trường dẫn truyền, “quyết định” nghệ thuật

Môi trường quyết định luận (Environmental Determinism) là một học thuyết nghiên cứu cách mà môi trường tự nhiên, đặc biệt là các yếu tố địa lý và khí hậu, tác động đến sự phát triển của xã hội và các quốc gia. Thuyết này dựa trên giả thuyết rằng môi trường tự nhiên đóng vai trò quyết định trong sự phát triển của các xã hội. Theo đó, những yếu tố sinh thái, khí hậu và địa lý sẽ quyết định hình thức phát triển của văn hóa, các quyết định của các nhóm người. Học thuyết này cho rằng các yếu tố xã hội, văn hóa không có tác động đáng kể.

Mặc dù thuyết môi trường quyết định luận vẫn còn gây tranh cãi và mâu thuẫn với thuyết khả năng con người có thể thích ứng (possibilism), nhưng nếu xét ở góc độ nghệ thuật, ta lại thấy nó có sự hợp lý nhất định. Mỗi khu vực địa lý, mỗi vùng miền khác nhau sẽ sản sinh ra những nền văn hóa riêng biệt. Ngay cả trong một quốc gia, chúng ta cũng thấy những nền văn hóa địa phương khác nhau, phản ánh rõ nét đặc điểm địa lý của từng vùng. Thực tế, nghệ thuật chính là một phần của văn hóa, và/là tấm gương phản chiếu cuộc sống của con người ở mỗi khu vực.

Ánh sáng, một yếu tố không thể thiếu trong nghệ thuật thị giác, cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ khí hậu và địa lý. Nhiệt độ và độ ẩm ở mỗi khu vực sẽ tác động đến cách thức ánh sáng phản chiếu và dẫn truyền, từ đó ảnh hưởng đến việc chúng ta nhận diện màu sắc. Mỗi vùng đất lại sinh ra những người nghệ sĩ mà không khí nơi ấy thấm vào phổi, nắng ăn vào da dẻ và tình yêu tràn ngập trong trái tim. Và mỗi lần thiên nhiên trở mình, tâm hồn người nghệ sĩ lại có dịp đổi thay. Đôi khi cái chuyển mình ấy là cơn nóng bớt gắt gỏng từ hè sang thu, hay là hơi thở ấm áp của mùa xuân thổi vào một mùa đông lạnh căm.

Ngắm hội họa mùa xuân dưới lăng kính “môi trường quyết định luận”
Một phần tác phẩm Vườn Xuân Trung Nam Bắc của họa sĩ Nguyễn Gia Trí

Hội hoạ thế giới bắt trọn không khí mùa xuân

Trong 4 mùa - xuân thường là mùa khiến người nghệ sĩ có cảm hứng sáng tạo nhất. Tuy vậy, mùa xuân quá đẹp, đến mức thực sự khó có thể bắt trọn không khí ấy trong tay. Suốt chiều dài lịch sử, mùa xuân luôn được gắn với sự sinh sôi, niềm vui và hạnh phúc. Những phạm trù trừu tượng ấy không dễ diễn giải bằng lời, đôi khi chỉ cần một tác phẩm nghệ thuật lại có thể thay cho ngàn chữ phân tích. Mùa xuân ở mỗi vùng đất lại mang một sắc thái khác nhau, mỗi họa sĩ lại sẽ có cách thể hiện khác nhau.

Không ai vẽ nhiều tranh mùa xuân như Claude Monet. Ông miệt mài với cảnh sắc mùa xuân đến độ bất kỳ góc nhỏ nào của ngôi nhà và khu vườn đáng yêu của gia đình ông tại Giverny cũng đi vào tranh. Monet vẽ tác phẩm Mùa xuân (1872) hiện trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Walters. Monet vẽ người vợ đầu Camille ngồi đọc sách bên dưới những cây hoa tử đinh hương tại Argenteuil. Với bút pháp uyển chuyển của trường phái ấn tượng, ông đã miêu tả hình dáng người vợ của mình nhẹ nhàng và thật bình yên. Từng giọt nắng trong vắt xuyên qua kẽ lá khẽ rơi lên váy cô, khiến cho ta có thể cảm nhận được mùa xuân thật ấm áp và trong lành.

Với Van Gogh, những cây ăn quả lúc đương hoa vào mùa xuân có ý nghĩa đặc biệt, hình thức của chúng cuốn hút ông. Hơn nữa, với ông việc ra hoa sau thời tiết khắc nghiệt của chúng còn tượng trưng cho sự tái sinh. Với tinh thần lạc quan, Van Gogh đã miệt mài vẽ lại vẻ đẹp của những cây đào, mận đang nở hoa trong khu vườn xuân ở Arles. Trong một thời gian ngắn, ông hoàn thành 14 tác phẩm, Flowering peach trees (1888) là một trong số đó. Ở loạt tranh này, Van Gogh sử dụng ánh sáng mặt trời, màu sắc tươi tắn để làm mờ, đơn giản các chi tiết thể hiện. Đó là điều ông học được từ các tác phẩm tranh khắc gỗ Nhật Bản.

Ở Nhật Bản, khi Anh Đào nở hoa là mùa xuân đến, và dân gian nước này đều nô nức đi ngắm hoa trong một lễ hội dài tới ba tháng. Điều ấy được thấy rất rõ qua bức tranh Hanami của họa sĩ hoàng gia Yoshu Chikanobu triều Minh Trị thế kỷ 19. Trong tác phẩm của ông, các quý nhân trong những tà áo rực thắm, kéo nhau rời cung để tới vui chơi bên những gốc cây Anh Đào nở đầy hoa phiêu bồng. Dọc theo bờ sông có vô số cây như vậy với những tốp người tụ tập, đùa nghịch say mê tạo nên sự rạo rực, nhất là khi ở Nhật Bản mùa đông rất dài và lạnh, tuyết thường rơi dày vài chục phân.

Muôn sắc xuân trong hội hoạ Việt

Jean Tardieu luôn nói về ảnh hưởng khí hậu miền Bắc Việt Nam đến tâm trạng viễn khách phương Tây: “Chưa bao giờ tôi cảm thấy tính khí thất thường như từ khi đến định cư một thời gian ở Hà Nội. Điều này chắc do khí hậu... Người ta cảm thấy mình chỉ là một con rối nối bởi hàng ngàn sợi dây vô hình với ý muốn của mây mù, mặt trời, gió và giờ phút: Ý nghĩa đổi màu, tính nhạy cảm tăng giảm trong cùng một thời gian với một cơn dông tiến đến gần, nổ ra và tan đi. Vui buồn phấn khởi rồi lại xỉu ngay, khắc khoải hay bình thản đều do thời tiết.” Những lời mô tả ấy cũng đủ cho ta thấy sự đa dạng của khí hậu đất Việt, không những vậy, nó còn làm cho tâm hồn người nghệ sĩ rung động không ngừng. Trong hội họa, các họa sĩ cũng biết cách để thể hiện rung cảm ấy, đặc biệt là mùa xuân - mùa đặc biệt với sự sum họp, của sự sinh sôi, của lễ hội và tiết trời dễ chịu.

Nhắc tới mùa xuân thì không thể bỏ qua họa sĩ Nguyễn Gia Trí, rất nhiều kiệt tác của ông xoay quanh thiên nhiên và con người vào thời điểm này trong năm, ông cho rằng: “Đứng trước thiên nhiên và con người, phải xua đuổi mọi lý thuyết, giao cảm trực tiếp với con người và thiên nhiên mình vẽ. Tính dân tộc không phải là lý thuyết, định kiến, nó từ tình cảm và cuộc sống của mỗi người, mỗi dân tộc tạo nên.”

Tác phẩm về mùa xuân tiêu biểu nhất của ông chính là Vườn Xuân Trung Nam Bắc. Không cần phải nói quá nhiều về tác phẩm này nữa khi nó được mệnh danh là bảo vật quốc gia. Bức tranh thể hiện không khí ngày xuân và hình ảnh các thiếu nữ ba miền Trung, Nam, Bắc trong trang phục truyền thống đi dự hội xuân, chùa chiền, cây cối xung quanh. Ta có thể cảm nhận được không khí ngày Tết truyền thống Việt Nam ngay từ cái nhìn đầu tiên, màu sắc đỏ quen thuộc của sơn mài cũng chính là màu đỏ đặc trưng của những ngày xuân.

Tác phẩm được sáng tác vào giai đoạn đất nước còn chìm trong khói lửa đạn bom, bức tranh là lời cầu nguyện thống nhất và hạnh phúc cho quê hương. Bức tranh có kích thước 540cm x 200cm được tổng hợp từ thành tựu trong nửa thế kỷ tìm tòi sáng tạo về nghệ thuật sơn mài. Đây là tác phẩm có thời gian làm lâu nhất, tâm huyết nhất được ứng dụng trong nghệ thuật nhiều nhất, tác phẩm cuối cùng của cuộc đời họa sĩ. Ông luôn tâm niệm, không chỉ riêng trong hội họa mà hầu hết các ngành nghệ thuật khác tính dân tộc là cảm xúc thực tế của người nghệ sĩ trước xã hội, trước sự việc quanh mình. “Tôi cảm thấy thế nào thì tôi diễn tả cảm xúc đó thế ấy, bởi vì tôi là người Việt Nam mang dòng máu Việt Nam, nên cảm xúc càng chân thành thì tác phẩm càng gần bản sắc dân tộc.”

Chợ hoa ngày Tết (1970-1980) là tác phẩm vẽ lụa của Lương Xuân Nhị gắn liền hình ảnh quen thuộc xưa - nay mỗi độ xuân về. Những cành đào tươi non được người quê chăm chút nở đúng mùa xuân ấm áp. Năm cô gái Hà Nội trong tà áo dài thấp thoáng trong phiên chợ hoa. Bảng màu xanh cốm hoe vàng trên tà áo thiếu nữ tác giả tạm cất đi, ngày xuân cô gái mặc áo hoa trên nền xanh, vàng cam, hồng rực rỡ. Hình ảnh cô gái cúi sát ngắm hoa, nhóm ba cô túm tụm trước những cảnh hoa trong tay người quê chất phác.

Dù qua bao nhiêu mùa xuân nữa, trên bất kì mảnh đất nào, mùa xuân vẫn đẹp như vậy. Kể cả có bao nhiêu thời kì, bao nhiêu trường phái, bao nhiêu ý niệm mới, thì mùa xuân vẫn mãi là cảm hứng vô tận cho những tâm hồn nhạy cảm được rung động. Và rồi nghệ thuật sẽ tiếp tục sinh sôi như chưa bao giờ có một mùa đông nào từng đi qua.

Tháng Ba - Thơ Thy Nguyên

Tháng Ba - Thơ Thy Nguyên

Baovannghe.vn- Mưa bụi rắc. Mùa xuân còn ngỏ/ Vai anh gầy. Vuông ý nghĩ em
Hòa nhạc rock trống Taiko cùng ban nhạc Nhật Bản Bati-Holic

Hòa nhạc rock trống Taiko cùng ban nhạc Nhật Bản Bati-Holic

Baovannghe.vn - Hòa nhạc rock trống Taiko Bati-Holic sẽ diễn ra tại Nhà hát Tuổi Trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, vào 19h30 ngày 22/3, và tại Nhà hát Bến Thành, số 6 Mạc Đĩnh Chi, Quận 1, TP Hồ Chí Minh vào 19h30 ngày 26/3.
Lớn lên từ Ví Giặm - Thơ Nguyễn Doãn Việt

Lớn lên từ Ví Giặm - Thơ Nguyễn Doãn Việt

Baovannghe.vn- Mẹ nghén thai con/ Câu ví ru từ trong trứng nước
Độc đáo lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội năm 2025

Độc đáo lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội năm 2025

Baovannghe.vn - Với thông điệp “Hà Nội - Đến để yêu”, điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”, lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội năm 2025 sẽ được diễn ra từ ngày 11 - 13/4.
Văn học nghệ thuật Công an Nhân dân 50 năm sau ngày thống nhất đất nước

Văn học nghệ thuật Công an Nhân dân 50 năm sau ngày thống nhất đất nước

Baovannghe.vn - Ngày 18/3, tại Hà Nội, Bộ Công an phối hợp với Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng kết thành tựu và những vấn đề đặt ra trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật CAND trong 50 năm sau ngày thống nhất đất nước”.