Văn hóa nghệ thuật

Nghệ thuật Múa dân gian - chảy mãi mạch nguồn văn hóa Việt

Dương Nguyễn
Văn hóa nghệ thuật
15:40 | 17/07/2024
Múa dân gian, hình thức nghệ thuật được phát triển, lưu truyền qua nhiều thế hệ người Việt, phản ánh văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán cộng đồng 54 dân tộc.
aa

Ở mỗi vùng miền đất nước, mỗi dân tộc đều có những điệu múa dân gian mang đặc trưng, ý nghĩa riêng, tất cả cùng hòa quyện tạo nên bản sắc, tâm hồn Việt Nam.

Múa dân gian - đa dạng và phong phú

Trong suốt chiều dài lịch sử, các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam luôn có sự giao lưu văn hóa, tôn vinh vẻ đẹp văn hóa. Các nét đẹp văn hóa được hình thành và phát triển dựa trên đặc điểm của từng dân tộc, điều kiện lịch sử, điều kiện tự nhiên, môi trường cư trú, các thiết chế, chuẩn mực xã hội khi giao lưu giữa các nền văn hoá với nhau.

Các tộc người Việt lưu truyền tinh hoa văn hóa qua từng thế hệ, đời trước gìn giữ và trao truyền lại đời sau, thể hiện sự kế thừa, tôn trọng những giá trị cộng đồng và gia đình. Những đặc điểm nguồn cội đó đã hình thành nên nền văn hóa Việt Nam lâu đời, giàu bản sắc. Khởi nguồn từ 54 nền văn hóa, hợp thành nền văn hóa Việt Nam, mỗi dân tộc có một bản sắc riêng cùng hòa quyện, tạo nên sự đa dạng, phong phú của nền văn hóa Việt Nam.

Từ xa xưa, múa dân gian đã không ngừng phát triển, từ điệu thức đơn giản đến phức tạp, từ quy mô ở một vùng mở rộng ra nhiều khu vực, phát triển với nhiều hình thức khác nhau trên khắp đất nước, trở thành một thành tố làm nên bản sắc văn hóa dân tộc. Nhìn nhận về văn hóa dân gian, các nhà nghiên cứu văn hóa có quan điểm, múa dân gian có 3 nhóm nội dung chính: Cầu thần linh hoặc chào hỏi; sản xuất hoặc chiến đấu chống thiên tai, ngoại xâm; thể hiện tình yêu lao động, sản xuất.

Trong không gian văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc, chủ nhân của nghệ thuật xòe Thái là cộng đồng người Thái trắng và Thái đen tại các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình và khu vực miền Tây Thanh Hóa, Nghệ An. Từ năm 1945 trở về trước, người Thái trắng gọi các hình thức múa hát của mình là xe (tiếng Thái nghĩa là múa), người Thái đen gọi là mố. Hiện nay, rất ít người gọi theo cách phát âm cổ này, mà thường gọi là xòe Thái theo cách gọi thông thường.

Xòe Thái - nhịp cầu văn hóa kết nối tình đoàn kết các dân tộc vùng Tây Bắc.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, xòe Thái được các cộng đồng người Thái gọi theo nhiều cách khác nhau: Xe, xé, xóe, xòe, múa xòe, múa Then, mố... Người Thái có trên 36 điệu xòe khởi nguồn từ 6 điệu xòe cổ, đó là “Khắm khăn mơi lẩu”; “Phá xí”; “Nhôm khăn”; “Đổn hôn”; “Khắm khen”; Ỏm lọm tốp mư”.

Trong đó, điệu xòe cơ bản nhất là “Khắm khăn mơi lẩu” biểu đạt văn hóa ứng xử, giao tiếp của người Thái. Điệu xòe “Khắm khen” nghĩa là nắm tay cùng xòe, thể hiện sự gắn kết cộng đồng, nắm chặt tay nhau cùng chung sức vượt qua khó khăn. Điệu “Phá xí” thể hiện tình đoàn kết, keo sơn, mỗi người dù đi xa bốn phương trời, vẫn tìm đến nhau, giúp đỡ nhau. Điệu xòe “Nhôm khăn” ca ngợi thành quả lao động sáng tạo của người dân. Điệu xòe “Đổn hôn” ẩn chứa quan niệm sâu xa, đó là sự tiến lùi theo quy luật cuộc sống, làm chủ được bản thân để có được thành quả như mong muốn. Điệu xòe “Ỏm lọp tốp mư” thể hiện khát vong chung tay xây dựng bản mường ngày càng giàu mạnh, chung tay chinh phục thiên nhiên và chống lại kẻ thù… Các điệu xòe thể hiện sinh động nghệ thuật dân vũ người Thái, đồng thời phản ánh quan niệm sống, cách nghĩ, nếp sinh hoạt lâu đời của người Thái.

Không gian thực hành múa dân gian rộng lớn, gần gũi, nơi để mọi người quây quần, đoàn kết nhau, không phân biệt độ tuổi, tầng lớp, giới tính. Nổi bật như: Điệu xòe chiêng dân tộc Tày, múa Tân Tung Da Dá dân tộc Cơ Tu, múa cờ lau hội Hoa Lư, múa bài bông...

Nhiều điệu múa đã lưu truyền hàng ngàn năm như: Múa Xuân Phả, xứ Thanh, xuất hiện thời nhà Đinh (968 - 980), gồm 5 điệu trò dân gian mang hình tượng "Ngũ quốc lân bang đồ tiến cống" Hoàng đế nước Việt xưa. Xuân Phả in đậm dấu ấn nghệ thuật diễn xướng cung đình và dân gian Việt Nam, đậm tính ước lệ đồng thời cũng rất huyền bí, lộng lẫy, phản ánh quan niệm thẩm mỹ của dân tộc và những người dân nơi điệu múa sinh ra.

Múa rối cạn Tế Tiêu có từ thế kỷ 15, các tiết mục rối do chính người nông dân dàn dựng, nghệ sỹ rối là nông dân, tạo tác con rối cũng là người nông dân. Bối cảnh trò rối là làng quê Việt Nam gắn liền với nền văn minh lúa nước.

Đặc biệt, những điệu múa xuất hiện trong nghi lễ thờ cúng thần Phật, thánh Tản Viên, đạo Mẫu hay phong tục thờ cúng Hùng Vương. Nổi bật trong không gian văn hóa tín ngưỡng, phản ánh đậm nét lịch sử chống ngoại xâm của người Việt có hát múa Ải Lao (hội Gióng) - “kịch trường dân gian” là một bảo tàng sống về hệ tư tưởng, đạo lý, triết học, lưu giữ nhiều lớp văn hóa - tín ngưỡng, in đậm bản sắc văn hóa Việt.

Nghệ sĩ nhân dân Ứng Duy Thịnh đã nhận xét: Các điệu múa cổ mang ý nghĩa giáo dục con người vươn tới cái đẹp, cái thiện. Việc bảo tồn và phát huy múa cổ không chỉ là nhằm bảo tồn nghệ thuật múa dân gian, mà còn có ý nghĩa tích cực đối với con người trong đời sống đương đại.

Điệu xoan đất Tổ, khởi nguồn từ phong tục thờ cúng Hùng Vương, tổ tiên của người Việt.

Bảo tồn và lan tỏa múa dân gian

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập thế giới hiện nay, bản sắc văn hóa dân tộc ví như một ký hiệu để phân biệt lẫn nhau; đồng thời mang ý nghĩa chống lại sự “hòa tan” khi giao thoa với các nền văn hóa lớn khác trên thế giới. Bởi vậy, bản sắc văn hóa là niềm kiêu hãnh mỗi quốc gia, cần được giữ gìn và tiếp nối của các thế hệ.

Múa dân gian Việt là một phần quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể, thể hiện bản sắc, truyền thống của dân tộc Việt Nam. Việc lưu giữ và lan tỏa múa dân gian có thể được thực hiện qua nhiều cách sau: Nghiên cứu và tư liệu hóa, ghi lại các điệu múa, trang phục, nhạc cụ và các câu chuyện liên quan bằng văn bản, hình ảnh và video. Tìm kiếm và lưu giữ các tài liệu lịch sử, sách báo, và các công trình nghiên cứu về múa dân gian. Số hóa các tài liệu và video về múa dân gian để bảo quản và dễ dàng truy cập. Phát triển các ứng dụng di động và trang web để giới thiệu và giáo dục về múa dân gian. Tổ chức và tham gia các chương trình giao lưu văn hóa với các nước khác để giới thiệu múa dân gian. Tham gia các dự án quốc tế về bảo tồn di sản văn hóa.

Trong công tác giáo dục, đào tạo, tổ chức các lớp học và buổi workshop về múa dân gian cho các lứa tuổi khác nhau. Đưa múa dân gian vào chương trình giảng dạy tại các trường học. Qua truyền dạy múa dân gian, các thế hệ trẻ có cơ hội học hỏi, hiểu biết sâu sắc hơn về văn hóa truyền thống, từ đó nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa và lòng yêu nước.

Trong biểu diễn và quảng bá, tham gia và tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa để biểu diễn múa dân gian; sử dụng truyền hình, radio, báo chí và mạng xã hội để quảng bá múa dân gian. Trong công tác bảo tồn, cần hỗ trợ các nghệ nhân múa dân gian và tạo điều kiện để họ truyền dạy kỹ năng cho thế hệ sau. Cung cấp hỗ trợ tài chính và cơ hội biểu diễn cho các nghệ nhân và nhóm múa dân gian.

Việc bảo tồn múa dân gian không chỉ giữ nguyên các điệu múa cổ truyền mà còn khuyến khích sự sáng tạo, phát triển thêm những hình thức nghệ thuật mới dựa trên nền tảng truyền thống. Điều này giúp nghệ thuật múa dân gian luôn tươi mới và phù hợp với thời đại.

Múa dân gian có thể trở thành sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước. Các chương trình biểu diễn múa dân gian tại các lễ hội, sự kiện văn hóa sẽ làm phong phú thêm trải nghiệm du lịch. Việc bảo tồn và phát triển múa dân gian tạo ra cơ hội việc làm cho các nghệ nhân, nhạc công, và các nhà tổ chức sự kiện văn hóa. Đồng thời, tạo ra nguồn thu nhập cho cộng đồng thông qua các hoạt động du lịch văn hóa.

Bảo tồn, lan tỏa múa dân gian là việc làm mang ý nghĩa sâu sắc đối với việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc ta. Nó không chỉ giúp bảo tồn những giá trị truyền thống quý báu mà còn góp phần phát triển văn hóa, kinh tế và xã hội. Đặc biệt là ý nghĩa giúp cộng đồng tự hào về văn hóa của mình và gắn kết hơn với cội nguồn. Điều này đòi hỏi sự chung tay của các cơ quan văn hóa, cộng đồng và mỗi cá nhân yêu thích nghệ thuật truyền thống.

-------------

*Tên bài viết do Văn nghệ đặt

--------------

Có thể bạn quan tâm:

Đưa múa bát thành "thương hiệu văn hóa" Múa Việt “Bình dân” hay “Hàn lâm?” Liveshow “Mùa thu vàng” Tổ chức “Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024” Biểu diễn tác phẩm múa đương đại 'Phản chiếu'
dangcongsan.vn
Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Baovannghe.vn - Nhà văn Nguyễn Chí Trung trưởng thành từ thiếu sinh quân. Đi lính từ bé và làm cán bộ đại đội từ trẻ - ngày nền nông nghiệp của ta xứng danh với cái tên “nghèo nàn và lạc hậu” thì ông hòa nhập vào lớp thanh niên “vượt lên hàng đầu, vượt là vượt như tên bay”...