Chiếc bát ăn cơm và đôi đũa tre thô mộc đã tạo nên nét duyên trong màn dân vũ độc đáo của người Tày Bắc Kạn. Múa bát đang dần trở nên một sức hút của vùng cao Bắc Kạn.
Từ chiếc bát ăn cơm đến đôi đũa tre thô mộc kết hợp mô phỏng việc dệt vải như câu chuyện kết nối lịch sử qua những sợi vải thời gian. Không ai biết, múa bát có tự bao giờ, nhưng múa bát đã gắn với người Tày Bắc Kạn đến nay.
Ở đâu có người Tày, ở đó có múa bát
Múa bát có từ lâu, nhưng dường như còn xa lạ. Từ nam ra bắc, dọc đường lãng du, tới miệt vườn là nhắc đến đờn ca tài tử, đến Hội An nghe hát bài chòi, ra đến Huế chẳng thể quên nghe ca Huế trên Hương Giang. Gần hơn chút nữa là hát chèo Bắc Bộ, quan họ Bắc Ninh, Bắc Giang. Gần hơn nữa là hát then rồi câu sli, lượn của người Tày vùng miền núi phía bắc. Giữa ngập tràn những di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh, công nhận ấy, du khách bỗng bất ngờ khi chứng kiến những màn múa bát, điệu múa bị lãng quên nay đã hồi sinh.
Tôi gặp Đào Thị Mai, cô gái nhỏ nhắn, xinh tươi, đang là Bí thư Chi đoàn thôn Cọn Poỏng, xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn. Ở vùng đất cách không xa hồ Ba Bể là mấy này, Mai như một bông hoa rừng khoe sắc với đam mê điệu múa bát truyền thống. Câu chuyện được khơi kể dạt dào như nguồn suối Nam Cường chảy quanh Cọn Poỏng. Từ bé Mai đã được thấy các bà, các mế múa bát, mê lắm. Mai đòi học và học không ngừng nên thuần thục, nhuần nhuyễn từ lúc nào không hay.
Cô Bí thư Chi đoàn đã hướng dẫn, biên đạo và trình diễn múa bát cùng hơn 50 người tại hội xuân xã Nam Cường năm 2024. Mai cũng truyền dạy, biên đạo, dàn dựng màn trình diễn múa bát với 200 người tham gia tại hội xuân An toàn khu (ATK) Chợ Đồn. Và Mai là một trong số 1.000 người đã tham gia màn trình diễn múa bát lớn nhất từ trước tới nay tại lễ khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch tỉnh Bắc Kạn năm 2024.
Một lớp sinh hoạt hè đặc biệt tại Trường THCS Hoàng Văn Thụ, thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn. Ngôi trường được đánh giá là có chất lượng đào tạo tốt nhất tỉnh Bắc Kạn ở bậc THCS. Nhưng giờ học hôm nay không phải là Toán, Văn, Anh... mà là múa bát.
Mai vừa cất giọng, vừa thị phạm những động tác múa bát: “Tiếp theo là động tác cuộn hoa, chúng ta sẽ cuộn bằng tay phải trước, tay trái giấu bát ra đằng sau…”. Các cán bộ, đoàn viên, thanh niên làm công tác tổ chức, phụ trách sinh hoạt hè trên địa bàn huyện đều tăm tắp theo Mai. Cô bé Hoàng Thị Ánh Trúc, mới học lớp 9, là một trong những học viên của lớp. Trúc chia sẻ, em là người dân tộc Tày ở xã Xuân Lạc, xã vùng cao, khó khăn nhất của huyện Chợ Đồn. “Học múa bát xong, về Xuân Lạc, em sẽ lại truyền dạy múa bát cho các bạn học sinh trong dịp hè này”.
Trình diễn múa bát tại lễ hội ở Bắc Kạn - Ảnh: Nông Vui |
Nhiều động tác trong nhiều tư thế nhưng đều toát lên ý nghĩa đong đầy, trao truyền, gửi gắm. Có lẽ vậy nên dạy múa bát cũng là trao truyền những giá trị văn hóa đặc sắc chưa được khai phá. Múa bát cổ yêu cầu khi trình diễn cần từ 6 đến 12 người và vừa múa vừa hát với số lượng các động tác không nhiều. Để tham gia được múa bát thì người diễn phải biết hát. Những người làm văn hóa ở Bắc Kạn và các nghệ nhân đã sáng tạo, phát triển thêm nhiều động tác mô phỏng sinh hoạt thường ngày, như: sàng gạo, giã gạo, gặt lúa… Việc trình diễn tăng thêm số lượng diễn viên và có thêm âm nhạc phụ trợ đã khiến múa bát tăng tính hấp dẫn đáng kể. Với sự sáng tạo, bồi đắp không ngừng ấy, múa bát đã hồi sinh, ở đâu có người Tày là ở đó có múa bát.
Giám đốc Ban quản lý Khu du lịch Ba Bể Hoàng Ngọc Thấm phấn khởi, giờ trong vùng hồ đã có 12 đội diễn viên quần chúng biểu diễn phục vụ du khách. Trong đó, múa bát là một trong những điệu dân vũ được du khách rất yêu thích và cùng tham gia. |
Tự hào nơi riêng có múa bát
So với hát then, hát sli, hát lượn có hầu khắp ở các tỉnh miền núi phía bắc, múa bát vẫn tồn tại nhưng lại được khai phóng, bật lên nhanh nhất trong một thời gian ngắn. Trong mùa hội xuân 2024, gần như tất cả các lễ hội vui xuân ở các huyện của tỉnh Bắc Kạn đều trình diễn múa bát với quy mô từ 50 đến 200 diễn viên quần chúng. Màn trình diễn với quy mô 1.000 diễn viên quần chúng trong lễ khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch tỉnh Bắc Kạn năm 2024 là màn dân vũ lớn nhất của Bắc Kạn từ trước tới nay. Với sự đặc sắc riêng có, những người làm văn hóa, du lịch của Bắc Kạn kỳ vọng múa bát có thể nổi danh và trở thành sản phẩm văn hóa gắn với du lịch đặc sắc. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Thị Dung, múa bát đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Xúc tiến du lịch Bắc Kạn Lâm Ngọc Du kể cho chúng tôi nghe về những lớp truyền dạy múa bát được mở ở các huyện, thành phố. Tham gia mỗi lớp học có khoảng 30 học viên. Các học viên được hướng dẫn, truyền dạy tổ hợp 28 động tác múa bát cơ bản. Những lớp truyền dạy này sẽ trở thành hạt nhân lan tỏa múa bát ra khắp cộng đồng. Ngoài mục tiêu bảo tồn, múa bát được kỳ vọng trở thành “căn cước văn hóa” của người Tày và là biểu tượng của Bắc Kạn gắn với mục tiêu đưa du lịch thành kinh tế mũi nhọn. Giám đốc Lâm Ngọc Du nhấn mạnh: “Phải làm sao để di sản văn hóa phi vật thể này “sống” trong cộng đồng và những nghệ nhân, người dân trình diễn có thể “sống được” bằng thu nhập từ trình diễn”.
Kết thúc việc đồng áng, tranh thủ tắm giặt, ăn vội bữa cơm chiều, cô thôn nữ Đồng Thị Hòa xúng xính trước gương, chỉnh đốn lại trang phục truyền thống của dân tộc Tày. Như mọi tối, hôm nay, đội văn nghệ của Hòa nhận trình diễn hát then và múa bát ở các homestay quanh hồ Ba Bể. Việc trình diễn mang lại thêm thu nhập cho Hòa và bạn bè trong bản.
Bóng chiều tà đã buông sắc trên mặt hồ Ba Bể. Trước bữa cơm với đặc sản OCOP và rượu men lá Bằng Phúc nức tiếng, du khách ở homesay háo hức chờ đợi màn trình diễn múa bát của những thôn nữ trong xã. Sân khấu hẹp nên màn trình diễn chỉ quy mô 8 người nhưng đủ khiến du khách bất ngờ. Ông chủ homestay Đổng Văn Hoán bảo, trước đây người dân trong bản thường trình diễn hát then với đàn tính cho du khách. Nhưng thời gian gần đây, bên cạnh hát then thì múa bát được đưa vào trình diễn. Hát then thì nhiều nơi có, nhưng múa bát thì chỉ riêng Bắc Kạn mới có, cho nên du khách rất thích thú.
Nhiều du khách đến Bắc Kạn đã đề nghị khách sạn, homestay tổ chức những màn trình diễn múa bát. Đó là tín hiệu vui với du lịch và với chính di sản múa bát. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng, từ những thành công ban đầu, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo, đầu tư để múa bát phát triển rộng hơn nữa trong thời gian tới.
Theo Tuấn Sơn, Nông Vui - Báo Thời Nay