So với các địa phương trong cả nước thì tỉnh Quảng Trị có một hệ thống di tích chiến tranh cách mạng rất đồ sộ và độc đáo. Qua kiểm kê sơ bộ, toàn tỉnh có 518 di tích lịch sử, trong đó có 469 di tích lịch sử chiến tranh cách mạng. Ngoài ra, toàn tỉnh có 72 nghĩa trang liệt sĩ với gần 6 vạn phần mộ liệt sĩ là những người đã chiến đấu, hy sinh và mãi mãi yên nghỉ trên mảnh đất này. Do vậy, tỉnh Quảng Trị là địa phương có nhiều tiềm năng trong việc phát triển loại hình du lịch về nguồn, du lịch hoài niệm thăm lại chiến trường xưa và đồng đội.
Gần 20 năm trước đã có một hội thảo cấp quốc gia tổ chức tại Quảng Trị với các bộ, ngành hữu quan như: Bộ Quốc phòng, Tổng cục Du lịch, Hội Cựu chiến binh và các công ty du lịch hàng đầu trong nước… để bàn về việc xây dựng và phát triển tiềm năng du lịch hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội. Đồng thời tỉnh Quảng Trị đã có Nghị quyết về phát triển du lịch với mục tiêu: “Phát huy mạnh mẽ các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch của địa phương, kết hợp việc hoàn thiện các sản phẩm du lịch với phát triển cơ sở vật chất theo quy hoạch, nâng cao hiệu quả kinh doanh nhằm tạo điều kiện để phát triển du lịch, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng”. Từ đó đến nay, các ngành hữu quan đã xây dựng và thực hiện các đề án phát triển du lịch đạt được một số thành quả nhất định. Nhiều địa danh-di tích lịch sử kháng chiến cứu nước ở Quảng Trị mỗi khi nhắc đến là trào lên niềm xúc động tự hào: Khu Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; chiến khu Ba Lòng; Địa đạo Vịnh Mốc; đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn và Đường 9; Thành cổ Quảng Trị; nhà tù Lao Bảo… cùng những địa danh như Khe Sanh, Đường 9 v.v… Đó là những địa chỉ hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Có thể nói Du lịch hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội ở Quảng Trị đã trở thành một điểm đến đầy ấn tượng với giá trị riêng biệt.
Du khách trở lại chiến trường xưa, không loại trừ phía nào, bên hồi cố ký ức đau thương, bên dựng dậy khí phách, thắp nén hương cho người nằm xuống, lòng khấn nguyện thế giới hòa bình, nhân loại hạnh phúc và thiết tha tình yêu cuộc sống… Nét đẹp văn hóa truyền thống và nhu cầu đời sống tinh thần không chỉ cho riêng ai. Ngày nay, ai cũng tâm niệm khép lại quá khứ, hướng đến tương lai. Nhưng đấy là quá khứ nặng nỗi oan trái thù hận; còn một quá khứ mất mát đau thương lẫn ý chí bất khuất, tự hào Việt Nam thì mãi trường tồn giữa lòng dân tộc, khi mà thế giới hôm nay vẫn còn những biến cố cần đến những giá trị thức tỉnh loài người. Và du lịch tâm linh - hoài niệm không chỉ khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc mà còn thấu cảm nỗi đau chiến tranh để dựng dậy khát vọng hòa bình. Đó cũng là cách “chống lại sự quên lãng”, giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” đối với thế hệ sinh ra sau chiến tranh.
Khó có thể thống kê được hết bao nhiêu lượt khách du lịch hoài niệm – tâm linh đã đến Quảng Trị trong nhiều chục năm qua. Những cuộc trở về “chiến trường xưa” có tổ chức và cũng có những cuộc lặng lẽ “độc hành” như là sự trở về chính mình, trở về với đồng đội, tìm tới sự giao cảm âm dương cách biệt và tạo động lực sống khỏe, sống có ích, truyền hơi thở sống tích cực đến các thế hệ con cháu. Ở đấy, ta bắt gặp tiếng cười hòa trong nước mắt. Tiếc thay, chúng ta chưa kết nối “đồng hành” để ghi lại những khoảnh khắc đẹp và xúc động ấy. Thực tế, từ khi triển khai đến nay, Chương trình du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội” đã phát huy được ý nghĩa và giá trị lịch sử, tuy nhiên vẫn còn rất khiêm tốn bởi qua thực tiễn đã bộc lộ một số hạn chế như: đặc thù của di tích chiến tranh phần lớn là phế tích do chịu tác động của tự nhiên nên dễ xuống cấp, hư hại nhưng việc bảo tồn, trùng tu đòi hỏi nhiều kinh phí. Cơ sở vật chất ngành du lịch mặc dù có tăng cường đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách. Cách thức tổ chức khai thác sản phẩm du lịch còn lúng túng, chưa phát huy hiệu quả. Nguồn nhân lực còn hạn chế. Công tác tuyên truyền cho loại hình du lịch mới này tới nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức và thiếu bài bản.
Các doanh nghiệp lữ hành còn thiếu năng động trong việc thiết kế tour du lịch hoài niệm hấp dẫn, có hiệu quả. Việc kết nối mở rộng tour hay liên kết phối hợp với các tỉnh, thành khác vẫn chưa tốt…
Giữa những chiều hướng du lịch mang tính hưởng thụ của khách có điều kiện tài chính, nhất là với lớp trẻ bây giờ, thường nhìn ngắm đến nơi thư giãn cao cấp, xả stress sau nhiều áp lực cuộc sống và công việc, thì khuynh hướng du lịch hoài niệm – tâm linh cần có cơ chế đủ mạnh, đủ sức hấp dẫn để kéo mọi tầng lớp, mọi thế hệ dự phần cuộc du lịch vào thế giới sử thi “một đi không trở lại” này. Hiện thực bên ngoài và “hiện thực bên trong” (Paul Eluar) cần được tỏa sáng và lưu giữ, qua thực hiện các tour có hướng dẫn viên giỏi khoa học lịch sử, sự hiểu biết thực tế sâu rộng cùng các ngoại ngữ cơ bản (tiếng Anh, Trung, Nhật, Hàn, Lào, Thái, Campuchia…) để đón khách nước ngoài và qua các hình thức khác như: sách, tờ rơi, bản đồ, vật lưu niệm, truyền thông báo chí, truyền hình, phim ảnh… kể cả những dịch vụ đi kèm như ăn nghỉ đều phải mang dấu ấn đặc sắc một vùng đất. Vì thế, cần có chiến lược khả thi, chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, đạt chuẩn quốc gia và quốc tế; phát triển du lịch bền vững dựa vào quy trình khai thác các giá trị, tránh các tác động tiêu cực làm mai một, biến dạng, thương mại hóa…
Bất cứ một hình thức du lịch nào, nếu hoạt động “đơn thương độc mã” lâu dần dễ nảy sinh nhàm chán do sự lặp lại làm giảm sinh khí nên sự đổi mới hình thức nội dung không kém phần quan trọng, nhất là các lễ hội lịch sử cách mạng- văn hóa truyền thống cần thường xuyên tìm tới những ý tưởng mới, thông điệp mới nhằm tạo ra những món ăn tinh thần mới, hấp dẫn du khách. Tất cả đó là nhịp cầu nối dài, mở rộng và đẩy nhanh “con tàu cao tốc” du lịch, đáp ứng yêu cầu hợp tác toàn diện các lĩnh vực mà các quốc gia và các tỉnh, thành phố cùng quan tâm. Muốn thế, phải tạo cơ chế giúp nhân dân đồng hành làm tour du lịch. Ngày một ngày hai khó thực hiện cùng lúc, nhưng chỉ chờ trông vào ngoại lực xem như đòn bẩy thì quả thật xa vời. Phải tạo các dự án đủ sức thuyết phục, phải vẫy gọi các doanh nhân tâm huyết, thiết tha làm du lịch vào cuộc và mở những “đường băng thông thoáng” để gieo hy vọng tươi sáng, người ta mới dám đầu tư cho phát triển. Muốn thế, phải dọn đường bằng những phương thức quảng bá thường xuyên, quảng bá liên tục trên nhiều kênh thông tin đa phương tiện. Phải xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo cho việc ăn nghỉ, đi lại và các nhu cầu trải nghiệm, mua sắm, thưởng thức… của nhiều loại đối tượng du khách. Đồng thời phải phấn đấu để không ngừng chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa ngành công nghiệp không khói này. Đặc biết, phát triển du lịch phải tạo điều kiện bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa – lịch sử.
Tính từ năm 2003 là năm Du lịch Quốc gia, đến nay đã 20 năm. Nhiều tỉnh và thành phố trong cả nước đã đẩy nhanh hoạt động du lịch và có nhiều thành công, mang tới những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, chúng ta còn cần phải xúc tiến mạnh hơn nữa, sáng tạo nhiều hơn nữa mới đuổi kịp đà phát triển du lịch một số nước bạn. Tất nhiên, phát triển du lịch trên cơ sở giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa – lịch sử, nhất là lịch sử cách mạng. Riêng với Quảng Trị, hoạt động du lịch hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội đã khởi hành gần 20 năm và cũng đã đạt được một số thành quả nhất định. Nhưng con đường du lịch Quảng Trị còn lô xô, gập ghềnh; còn muôn nẻo khó khăn cần đến sự chung tay tháo gỡ của các cấp, các ngành và nhân dân sở tại. Làm được điều đó, du lịch Quảng Trị mới mong vượt vũ môn, đi lên cùng sự phát triển du lịch của cả nước.
Nhà thơ Võ Văn Luyến
Nguồn Văn nghệ số 23/2023