(Tác phẩm đoạt Giải Nhất cuộc thi viết CHÂN DUNG CUỘC SỐNG - Tạp chí Nhà văn & Cuộc sống)
Gọi ông là “ẩn số văn chương” không chỉ bởi văn ông lạ mà cả con người ông cũng rất lạ. Ngô-Phan-Lưu; cái tên ấy, không biết vô tình hay hữu ý, được ghép bằng ba cái họ vô cùng phổ biến trong cộng đồng người Việt.
Vậy nên “không đụng hàng” là cái chắc. Người ông tướng tá nhỏ thó, lưng tôm, đi đứng lật đật. Tuổi sớm 60 (ấy là khi tôi mới quen ông) nhưng tóc còn đen hin (đen mun), nhanh nhẹn hoạt bát như thanh niên mới lớn! Chưa hết; sau này, khi ông bắt đầu để râu, tôi mới phát hiện ra râu ông đẹp cực kì. Một bộ râu Tây đúng kiểu Hemingway (thua chút cái... quai nón!), có điều bạc trắng! Tóc đen không sợi bạc, râu bạc không sợi đen, hai cái “cãi nhau” khiến gương mặt ông nhìn vừa trẻ vừa già; mới trông cứ tưởng chừng như nhân vật... Khô Vinh Đại Sư trong Lục Mạch Thần Kiếm của nhà văn Kim Dung xuất hiện! Gốc gác trí thức (từng là sinh viên khoa Triết, Đại học Văn khoa Sài Gòn); năm 1968 bị tổng động viên vô trường Võ bị Thủ Đức trở thành sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng Hòa cho tới tận năm 1975 mới giải ngũ. Vậy nhưng trông cái cốt cách tổng hợp từ A tới Z (đi, đứng, nằm, ngôi...) của Ngô Phan Lưu không có chút gì “lính tráng”. Trí thức càng không. À, quên; “tàn dư trí thức” duy nhất rớt rơi là cặp kính cận dày đun, lấp loáng che đôi mắt cũng hết sức “dị nhân”: Nó sáng quắc; nhìn ai cứ như... xuyên thấu tim gan người đó! Không “văn cốt” cũng không “võ cốt”, nhìn qua tổng thể lúc này, ai cũng nhận ra nhà văn Ngô Phan Lưu chỉ mang một cốt cách duy nhất: Nông-dân-cốt!
Cái cốt cách nông dân ấy ở ông nó “rặt rỉ” tới mức hóa vào máu thịt, tan trong lời nói, chảy vào văn chương; tới mức nhìn đâu cũng thấy, nghe đâu cũng thấy, đọc đâu cũng thấy; đã “dính” vào ông tới mức khi ông bỏ quê về phố sống, khi ông “đậu Trạng Nguyên” cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ năm 2006-2007, bỏ nghề cày ruộng để chính thức chuyển sang cày... văn, hồn cốt nông dân vẫn cứ lẽo đẽo đeo bám theo ông để - thi thoảng gặp - dù ông có com lê, cà vạt giày tây thì nhìn ông vẫn cứ “nông dân rặt rỉ”, vẫn “quê quê” chứ không thể nào “sang” như người phố thị! Chọc ông về điều đó; ông ha hả: Thì... tạo sinh ra ở nông thôn, mẹ tạo là nông dân... Ấy là ông đang nhại câu mở đầu làm cái “sa pổ” (chapeau) cho truyện ngắn Những bài học nông thôn của Nguyễn Huy Thiệp! Quên nói; ông là nông dân nhưng lại rất “chảnh” trong vụ đọc. Đọc toàn sách “nặng kí” (nhiều cuốn đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng!) của các triết gia Đông Tây Kim Cổ. Kinh Phật, Nietzsche, Krisnamurti, Lão, Khổng, Albert Camus, Apollinaire và vân vân. Dễ hiểu, với văn chương “nhẹ kí” đương nhiên ông không mặn mà.
Nhờ ông đọc, góp ý giùm tác phẩm; ông miễn cưỡng liếc sơ; sau đó phán một từ “được á” (kiểu cho xong chuyện) nghe rất... chán mứa! Lúc đầu, thái độ thờ ơ của ông khi nhờ đọc văn khiến tôi rất giận; nhưng sau này thì hiểu: Nó cũng thuộc một trong nghìn lẻ kiểu tính khí “dị nhân” của ông mà tôi phải chịu đựng nếu còn muốn chơi chung! Không mặn mà mấy với văn chương “quốc nội”; thế nhưng ông lại đặc biệt mê Nguyễn Huy Thiệp. Thuở “tiềm long” (rồng ở ẩn, tức chưa nổi tiếng), ông đã từng lặn lội một mình một ngựa làm chuyến “Bắc hành” tìm ra tận nhà riêng thăm Nguyễn Huy Thiệp. Cuộc hội kiến với nhà văn Việt khiến ông khâm phục chắc chắn là không uổng phí - cho dù để trang trải lộ phí tàu xe “lão nông” chắc đã phải... bán không ít lúa (thóc) ở nhà! Nói thêm: Một trong những bài học vỡ lòng cho nghiệp văn tôi học được ở ông là: Nhà văn không phải viết bằng tay mà bằng... chân!
Người đã đọc văn Ngô Phan Lưu - cho dù thích hay không thích - chắc chắn đều phải thừa nhận rằng, văn ông “hổng giống ai”. Ông không thuộc top nhà văn tiếng tăm lẫy lừng hoặc có sách bán chạy như tôm tươi, nhưng cái chất độc đáo trong văn ông thì dứt khoát “đặc sản”. Đọc lên là biết ngay đích thị: “made in Ngô Phan Lưu”! Mà lạ; giọng văn ấy cứ “quê quê” chứ không sang trọng. Có điều, lần theo những bước chân quê kệch ấy, chốc chốc người đọc lại bị lóa mắt bởi thứ ánh sáng bùng lên như chớp lóe trí tuệ qua những cách nói năng lạ lùng, so sánh quái dị; và còn nữa; còn cả sự hoạt kê dí dỏm rất thông minh khi cần thiết khiến người đọc lắm phen “điên cái đầu” nhưng (kì lạ chưa!) vẫn thấy... thích! “Điên đầu” vì nghĩ mãi không ra thâm ý ông nhà văn “dị nhân” kia muốn nói; nhưng thích bởi cái “thần” của văn; bởi cái ý nhị, duyên dáng mặn mà lấp ló đằng sau cách nói rất kiệm lời kia. Đọc xong hỏi hay không; ừ, hay; có điều hỏi hay chỗ nào là... ú ớ!
Số độc giả đọc truyện Ngô Phan Lưu kiểu ấy tôi tin chắc rằng không ít! Khổ nỗi, Ngô Phan Lưu chưa bao giờ chịu mở miệng giải thích hoặc phẩm bình gì về nội dung những đứa con tinh thần do ông “đẻ”. Có hỏi, ông chỉ yên lặng mỉm cười; nụ cười khó hiểu của con Sphinx (Nhân sự). Người khác bình truyện ông xong, hỏi trúng ý không, ông cũng chỉ cười. Truyện ông lên báo bị “đánh” ông cũng im lặng không một tiếng thanh minh, kệ cho mọi chuyện tự “chìm xuồng”. Tôi hỏi: Họ “chụp nữ anh đủ thứ tội tào lao, sao anh không cãi? Ông đáp thản nhiên: Chủ không biết văn chương là cái mê cung sao? Mở miệng cãi vã, thanh minh là lập tức “sa lầy” vô chính cái thanh minh của anh, không rút nổi chân ra, càng khốn...
Hành trình đến với văn chương của Ngô Phan Lưu cũng thuộc loại rất quái lạ. Nó không hề suôn sẻ như nhiều văn tài đặt bút xuống lần đầu đã lập tức viết “ra văn”. Nghe những bạn văn cùng thời với ông kể: Ông đọc sớm và đọc rất nhiều, viết muộn và viết rất ít. Chuyện “viết muộn và viết ít” thì tôi có biết. Trong khi các văn, thi sĩ đồng hương (còn nhỏ tuổi hơn ông) như Đoàn Việt Hùng, Hoàng Đình Huy Quan... đã từ lâu xuất hiện, “hô hét” trên văn đàn thì Ngô Phan Lưu vẫn còn là một “ẩn số” vô danh, chưa ai đủ trí tưởng tượng để hình dung đến một ngày ông sẽ thành... nhà văn. Mà thực; văn chương người ta đến cái tuổi sớm sém (chữ thường dùng của ông) sáu mươi là tuổi bắt đầu “lão lai tài tận”, bút lực xuống dốc thì - với ông - đây mới là lúc chính thức bắt đầu! Quên nói; cái hành trình kia còn “lạ kiểu” hơn một bực khi ta biết trước lúc thực sự thành công trên văn nghiệp, Ngô Phan Lưu đã từng có một “khởi nghiệp” ê chề với... thơ! Gọi “ê chề” không chỉ bởi cái tập thơ đầu tay ấy nó thất bại về nghệ thật (không nghiêm trọng!); cái nghiêm trọng nhất là ông đã phải... bán một con bò để in thơ! Thời buổi cơm cao gạo kém; con bò là tài sản không hề nhỏ đối với anh nông dân nghèo Ngô Phan Lưu. Sau này, câu chuyện “bán bò in thơ” đã thành một giai thoại bi hài được truyền tụng dài hơi trong giới văn nghệ sĩ Phú Yên. Người yếu bóng vía đụng phải cú sốc ấy chắc có khi đã... hết hồn quay lưng với văn chương. Nhưng Ngô Phan Lưu thì không. Thất bại cùng thơ ông chuyển viết... văn. Âm thầm viết. Âm thầm chép tay đem gửi báo. Báo không in, ông đem đọc bạn bè nghe. Bạn nghe chắp hít, vỗ tay khen, trả nhuận bút bằng... rượu để. Rượu đong chai nhựa, mua nơi cái quán cóc lợp tranh đầu ngõ. Anh em bày ra sân, khề khà chén chú chén anh nơi chiếc bàn con bằng khối đá granite tự nhiên xù xì nguyên tảng đặt trong sân, dưới gốc me già. Mỗi nhắm chẳng có gì ngoài cóc ổi hoặc vài ba thứ thức ăn thừa sót lại từ bữa cơm. Uống cho đến lúc say mèm lăn ra sân ngủ - để đến sáng tỉnh mộng văn chương vẫn phải vác cày ra đồng bì bõm tiếp cuộc mưu sinh. Vậy nhưng ông vẫn không “nhụt chí anh hùng”; rảnh ra lại cặm cụi ngồi viết...
Tôi đã được đọc truyện ngắn thứ hai của Ngô Phan Lưu, truyện Bà Thánh của hai người, ngay nơi cái bàn nhậu đá nguyên khối xù xì dưới gốc cây me già trong sân (truyện thứ nhất tôi đọc là Láng giềng, in và được giải cuộc thi trên báo Tài hoa trẻ khoảng năm 2000. Viết “thâm hậu”, chắc tay nhưng chưa lạ!). Câu (đúng hơn, đoạn văn) đầu tiên mở truyện đã làm tôi... choáng! Chín giờ sáng. Không mặt trời. Đường xương sống thị xã Thiên Di đẹp như một hoa hậu mù! “Đẹp như hoa hậu mù”, cái kiểu so sánh lần đầu tiên trong đời đọc, viết văn tôi gặp! Nó ấn tượng tới mức khiến tôi thuộc ngay lập tức - cho dù sau này khi đưa in sách, không biết ông hay biên tập viên đã đem sửa thành “mĩ nữ mù” thay vì “hoa hậu”!
Chưa hết, theo sau cái chapeau “gây sốc” ấy là hàng loạt những hình ảnh, đối thoại, ví von - cái chua chát trào lộng, cái thấm đẫm hoạt kê, cái lung linh suy tưởng triết lí hoặc hòa quyện 3 in 1 theo một cung cách rất... Ngô Phan Lưu. Cái cung cách làm “lạ hóa” từ người, vật, đến sự việc khiến độc giả tỉnh ngủ vì... lạ; nhưng không chỉ để hiếu kì đi xem sự lạ. Cái “ghê” ở đây là đằng sau mỗi sự lạ đều ẩn tàng - hoặc hiệu ứng nghệ thuật, hoặc lung linh suy tưởng. Không phải suy tưởng kiểu “triết lí vụn” (để) màu mè làm dáng. Nó (đôi lúc) thực sự là những giọt nước “chứa bí mật của cả đại dương”. Ông khách nhìn ra cái thành phố chúng ta đang sống là “thành phố chết”; ghê; nhưng anh phu xích lô (Nguyễn Văn) Bé Mọn thấy được nghĩa trang là “thành phố sống” thì còn ghê hơn gấp bội! Các “ý tưởng nền” ấy giống như bệ phóng để nhà văn tha hồ tung ra chuỗi những suy tưởng“hệ quả” độc đáo về thân phận nhân sinh - thứ thân phận nhiều mong manh, bất trắc, cay đắng, trớ trêu (không riêng với người nghèo khó) nhưng vẫn lấp lánh đâu đây chút ánh sáng cứu rỗi cuối đường hầm! Cái nhân văn đến rớt nước mắt của truyện thì khỏi phải bàn; bởi bất cứ độc giả nào cũng có thể nhận dạng ra. Thực tình, có thể tôi chủ quan; nhưng sau khi đọc lại gần hết cái di sản văn chương (khá ít!) của cố nhà văn Ngô Phan Lưu, tôi vẫn cứ muốn khẳng định: Bà Thánh của hai người là một trong những truyện ngắn hay nhất của ông - mặc dù nó chưa hề đoạt giải văn chương và (hình như) cũng chưa in báo!
Còn nhớ; sau khi đọc xong “Bà Thánh.” và thêm vài truyện ngắn khác, tôi đã buột miệng nói ra cái ý ít nhiều võ đoán (có nguy cơ gây “mích lòng” không ít những vị tiền bối cũng như văn hữu cùng thời nơi đất Phú Yên!): Sau này, nếu văn xuôi Phú Yên còn đọng lại gì thì đó chính là... anh (tức Ngô Phan Lưu)! Ý chủ quan; nhưng nó chứng tỏ một điều: Cái thằng tôi đã hoàn toàn “tâm phục khẩu phục” trước văn ông. Tôi, tên cầm bút trẻ mới vào nghề nhưng cũng đã có chút tiếng tăm trong giới văn nghệ địa phương. Và - nói nhỏ nghe - không phải không có vài phần kiêu ngạo!
Giống Nguyễn Huy Thiệp, văn Ngô Phan Lưu không phải loại văn dễ đọc. Đọc lớt phớt kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, tìm cái vui vui lạ lạ (văn ông rất đậm chất hoạt kê) để... cười chơi thì không tính. Nhưng nếu đọc bằng tâm thế nghiêm túc - quyết đào cho ra “châu báu” ẩn tàng đằng sau câu chữ - thì đúng là một cuộc lao động (nhiều lúc) “khổ sai” thật sự. Ngô Phan Lưu không chỉ viết ít mà viết rất chậm. Có lần ông tâm sự: “Đời tao, kính nể nhất là mấy cha viết được truyện dài, tiểu thuyết. Viết cái gì mà ra cả ngàn trang dữ bay? Quá tài!”. Thì họ viết lâu mà anh. Ngày mươi trang “Thiên địa ơi, mày tưởng ngày “đẻ” ra mươi trang viết dễ lắm sao?”. Vậy chớ bình quân mỗi ngày anh Ba (Ngô Phan Lưu thứ Ba. Người Nam xưng hô thân mật thường gọi thứ, không gọi tên) viết được mấy trang? Ông giơ lên một ngón tay trỏ, nhưng sau đó... gập đôi: Nửa trang, không hơn!
Tôi biết là ông nói thật.
Văn chắt lọc, viết kĩ lưỡng vậy nên độ nén trong văn bản Ngô Phan Lưu nhiều chỗ phải dùng từ: Khủng khiếp! Một kiểu văn mang tham vọng dùng ngôn ngữ ít nhất để nói được nhiều nhất (kiệm lời đến mức thông thái - ý của nhà văn Dạ Ngân; hay cực bạn - chữ dùng của nhà văn Lê Hoài Lương); và, thành công! Không tin, ta thử đọc lại đoạn văn “chapeau” mở truyện Bà Thánh của hai người đã trích ở trên; hoặc cũng có thể tìm bất cứ đâu trong kho truyện ngắn của Ngô Phan Lưu; chẳng hạn truyện Sự việc trong vài phút:
“Chị Viên từ chợ về, về đến góc nào, bỗng chị nghe tiếng roi đánh. Chị nhìn qua nào. Chị khựng lại.
Bên kia rào, chồng chị đang quất túi bụi vào con bò Bĩnh. (...)
Tiếng roi mây anh Phách đánh bò, cử tới tấp vang lên, làm cho buổi sáng bỗng dưng yên tĩnh lạ kì. Nếu không có những tiếng roi ấy, buổi sáng không yên tĩnh đến thế. Buổi sáng yên tĩnh vì buổi sáng đã nín thở. Chị nhận ra, buổi sáng giống mình, cũng khựng lại và chôn chân tại chỗ....
Đoạn văn chưa đến 100 từ; nhưng “độ nén” thông tin đúng đáng nể! Vậy nên, truyện Ngô Phan Lưu viết thường rất ngắn (nếu đem... đếm chữ!) nhưng thực ra không hề ngắn. Vậy nên đọc truyện Ngô Phan Lưu bao giờ cũng phải đọc chậm, rất chậm. Chậm như cái tốc độ của người viết thì may ra mới “thấm” được văn ông. Mà cũng chỉ thấm được phần nào thôi; bởi văn ông là kiểu văn nhiều tầng nghĩa. Hiểu, tâm đắc được tầng nào là phụ thuộc vào sở tri, vào trực giác (và cả chút... nhân duyên!) của người đó. Đương nhiên, đây có thể cũng là ý chủ quan của tôi. Lấy mình suy người. Có thể sai. Vậy nhưng; thực tế những bài nhận định về văn ông - cả kinh viện lẫn “lãng tử” - tôi đọc đều thấy... không sai. Có điều chúng (cơ bản) là những hướng khai thác khác nhau. Và nếu bảo, văn chương Ngô Phan Lưu chỉ có chừng ấy thôi (mặc dù chừng ấy cũng đã ghê!), thì hình như chưa phải!
Ngày ông còn sống, có lần anh em trò chuyện, tôi bảo, sau này nếu có điều kiện, em sẽ viết một bài “Thi pháp truyện ngắn Ngô Phan Lưu”! Ông nhìn nhìn tôi xong bảo, thì mày viết đi! Cái giọng “ba phải”; không ra ủng hộ cũng không ra cản đường! Định bụng sẽ viết thật. Vậy nhưng sau này khi “già” đi, hiểu văn Ngô Phan Lưu hơn, tôi mới biết đó là một ý định... ngông cuồng. “Thi pháp”; cái ấy nên dành cho những nhà lí luận phê bình kinh viện; chưa kể văn Ngô Phan Lưu là thứ văn đã tiến gần tới cái “Không” siêu việt và phi lí tính của Đạo gia; hoặc - còn “khó chịu” hơn - gần tới cái Bát Nhã (Prajna) của nhà Phật! Những cảnh giới vô ngôn mà cái hữu ngôn diễn tả - vô hình trung - luôn rơi vào thảm trạng “ngón tay chỉ trăng”, không bao giờ là mặt trăng đích thực bởi luôn có ngón tay xen vào!
Biết vậy; nhưng dù gì cũng đã lỡ làm “ngón tay chỉ trăng”. Thôi thì mạo muội xin góp thêm một “ngón” cho rộng đường dư luận hơn về cái “ẩn số văn chương” có tên gọi Ngô Phan Lưu. Nhà văn Lê Hoài Lương đã rất tinh ý khi nhận ra cái khuynh hướng rốt ráo, tận cùng trong văn ông. Trí thức (gốc) nông dân; những tưởng chữ nghĩa sẽ vĩnh viễn mang ông xa khỏi lũy tre làng. Vậy nhưng lẩn quẩn vòng đời đuổi xô cuối cùng ông lại trở về... làm ruộng. Sống “ba cùng” với những kiếp nông dân lam lũ, với người mẹ, người vợ nông dân mà ông yêu thương hết mực, đương nhiên không thể nói ông không yêu thương con người, cụ thể là người nông dân.
Đó là Ngô Phan Lưu ngoài đời; còn Ngô Phan Lưu trong văn? Ông đưa những “người bạn nông dân” thân thiết máu thịt (trong đó có người nhà ông, có bản thân ông, tất nhiên!) của ông lên... “bàn mổ”! Ông “mổ xẻ” những tầng sâu góc khuất (nhất là các “góc tối”) bằng một kiểu mổ xẻ rốt ráo, nghiêm minh không khoan nhượng! Bước vào văn, ông thay lốt thành vị quan tòa mặt sắt giống hệt... Bao Thanh Thiên, thản nhiên lục lọi và trưng ra tất tật mọi bằng chứng - không chỉ sự phi luân, độc ác giấu mặt (Xoa tay và cười; Các em còn lại, mai nhé!) mà còn thói “đội trên đạp dưới”, làm dữ với kẻ yếu nhưng hèn đớn, khiếp nhược trước kẻ mạnh (Giải thoát), lòng ghét ghen ti tiện vô cớ (Chiếc ngạnh cá), thói quen sống trong mông muội, ù lì lười suy nghĩ cùng tâm lí bầy đàn (Người không giăng câu Kiểu; Làng quê thì mênh mông). Mà chưa hết; ông còn dám “to gan” đụng tới những tín niệm, truyền thống xưa nay được xem là “của quí”, thậm chí thiêng liêng “bất khả xâm phạm” trong vô thức cộng đồng (Con lươn chép miệng, Cả hai đều vâng lời). Bức tranh vân cẩu muôn mặt trong cái Làng quê mênh mông mà ông tỉ mỉ vẽ ra thật khiến cho ta phải vừa khóc vừa cười. Vậy nhưng đằng sau dư vị khóc cười lại chính là cái... rùng mình ớn lạnh! “Phanh phui” người nông dân (và con người nói chung) không phải để “bêu xấu” mà chính là để nhận diện; trung thực nhận diện. Nỗ lực này, theo tôi, văn chương Việt đương đại đã có một cây bút khá thành công: Nguyễn Huy Thiệp. Và giờ tới Ngô Phan Lưu! Giờ thì tôi hiểu tại sao Ngô Phan Lưu thuở “hàn vi” lại khăn gói lặn lội ra Bắc tìm Nguyễn Huy Thiệp. Đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu...
Đụng tới thứ đề tài nhạy cảm, thậm chí “cấm kị”, này không chỉ đòi hỏi văn tài mà còn phải có cái Tâm lương thiện (để bút không bị “lệch đường”); đặc biệt cái Hạnh “vô úy” (không sợ) để đối mặt, chịu đựng cùng dư luận. “Búa rìu” đáng sợ nhất không đến từ cơ quan kiểm duyệt; nó đến từ chính cái cộng đồng (thân yêu) mà nhà văn dám “to gan” phanh phui! Vậy nhưng, run thì đừng viết. Đã viết thì đừng run. Sinh thời, Ngô Phan Lưu đã từng trả lời phỏng vấn: Tôi viết không để “chìu” bất cứ ai... Phải rồi; nói năng ông có thể “chìu” người đối thoại (Ngô Phan Lưu khá hiền trong giao tế); nhưng đã đặt bút xuống là KHÔNG! May cho ông (và cũng - có thể - may cho văn chương Việt), văn Ngô Phan Lưu có cái đặc thù “độ lặn” ý tưởng rất sâu. “Độ lặn” ấy không chỉ làm văn ông hấp dẫn hơn mà - vô hình trung - còn có công dụng như “tấm giáp”chở che cho tác giả khỏi những soi mói ấu trĩ, thô thiển và không thiện ý! Có một điều rất lạ, Ngô Phan Lưu trong văn rất dũng nhưng Ngô Phan Lưu ngoài đời lại rất... nhát! Ngoài đời ông sợ đủ thứ: Sợ chết, sợ tai nạn giao thông và cả sợ... ma! Ngồi sau xe máy cho tôi chở đi, ông cứ luôn miệng càm ràm - nào là tôi ưa chạy nhanh, cua gấp; nào là mải lo nói chuyện không chú tâm nhìn đường... “Ràm” đến mức tôi phát bực, dừng xe. Anh lái đi, em ngồi sau cho... “Nói ghét”, tưởng ông không dám bởi chiếc xe wave vừa nặng vừa cao; ai ngờ ông... đón ngay tay lái, leo lên ngồi suýt... hỏng chân mà vẫn cứ chở tôi, mặt mày yên tâm rạng rỡ! Thông kim bác cổ, khá am tường giáo lí nhà Phật, vậy nhưng nói chuyện với ông đừng ai đem bàn chuyện... chết chóc. Ông nhất định sẽ giãy nảy, bịt tai, bỏ đi chỗ khác nếu cần! “Món” thứ ba mà ông cũng cực kì sợ hãi chính là... ma. Năm 2012 tôi với ông đi trại viết chung. Ban Giám đốc xếp hai anh em cùng ở một phòng. Lần đầu tiên tôi phát hiện ra: Ông không dám... ngủ đêm (trong phòng) một mình nếu không có tôi cùng ngủ! Trại viết mở tại resort Sao Việt gần nhà nên tôi thỉnh thoảng bỏ trại chạy về lo việc. Kết quả: Đêm nào tôi về ông cũng về. Tôi ra ông lại lẽo đẽo theo ra...
Giờ thì nhà văn đã rời cõi tạm. Thần Chết cuối cùng rồi cũng đón ông đi chẳng màng chuyện ông sợ hay không sợ. Tình cờ hay thật sự “nhân duyên” mà hai nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - Ngô Phan Lưu không hẹn lại “ra đi” cùng một năm 2021; cách nhau vẻn vẹn... 40 ngày; cho dù tuổi tác hai ông chênh nhau tới 7 tuổi! Xin thắp nén hương lòng trước anh linh của Hai Vì Sao Khuê Trên Văn Đàn Việt. Về phía Anh Ba Lưu - người bạn vong niên - nếu có linh thiêng xin anh xem đây như bài viết “trả nợ lòng”. Món nợ tôi từng hứa với anh. Tiếc là anh ra đi...
Đất Phú - những ngày giãn cách
Y Nguyên
Nguồn Văn nghệ số 34/2023