Từ những cuộc thi hoa hậu, các sự kiện thể thao cho tới những tiêu điểm chính trị như lễ tang cựu giáo hoàng Benedict tại Vatican…, Quỷ Cốc Tử chính là một trong số ít nhiếp ảnh gia, phóng viên ảnh Việt Nam có thể ghi lại những khoảnh khắc quan trọng này.
|
Quỷ Cốc Tử - Ngô Trần Hải An, một nhiếp ảnh gia Việt Nam thuộc thế hệ 8x sinh ra tại Bảo Lộc, Lâm Đồng, hiện đang công tác tại Tạp chí Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh. Cơ duyên bước tới nhiếp ảnh đối với anh cũng rất tình cờ khi năm đó, sau khi biết mình không đỗ đại học, anh quyết định rời quê tới ở nhờ nhà một người thân, cốt cũng chỉ là để trốn tránh việc gặp gỡ những ai có thể vô tình động chạm vào nỗi đau đầu đời này. Đó là chuỗi ngày được anh mô tả là “thật tồi tệ” và chỉ muốn “lang thang một mình, chỉ dám gặp những người xa lạ không biết tôi là ai”. Vậy nhưng dường như đó lại là tín hiệu của cuộc sống đưa Hải An đến với con đường “xê dịch”. Những tháng ngày rong ruổi ấy dần hình thành nhiều ý tưởng mới trong tâm trí chàng sinh viên “hụt” năm đó khiến anh bất chợt nhận ra niềm đam mê đang từng ngày lớn dần trong mình, đó là “khám phá” và “nhiếp ảnh”.
Hải An kể rằng năm 2001, ở tuổi 20, song song với việc học, anh đã có chuyến phượt xuyên Việt đầu tiên trong đời và chỉ 9 năm sau đó, chàng trai đã tự lập kỷ lục cho riêng mình khi chạm tới 4 cực 1 đỉnh nằm trên dải đất hình chữ S, đặt chân đến Trường Sa và đi các đảo tiền tiêu, khám phá dọc tuyến biên giới Việt – Trung, Việt – Cam, có mặt tại những mốc giới quan trọng như: Mốc 17 (sông Đà) thuộc địa phận tỉnh Lai Châu, mốc 97 (2) (Lào Cai), mốc 79 cao nhất Đông Dương ở Lai Châu, mốc 42 Pu Si Lung (Lai Châu)- nóc nhà biên giới Việt Trung… Trong những chuyến hành trình dài và đáng nhớ, chiếc máy ảnh như người bạn thân thiết nhất bên anh. Cuộc đời là những chuyến đi và chính Hải An cũng không nhớ mình đã đi bao nhiêu nơi hay từng thực hiện bao nhiêu bộ ảnh. Chỉ biết rằng dù ở nơi biên giới xa xôi hay tận vùng hải đảo vời vợi sóng dữ, chỉ cần chinh phục thành công những khoảnh khắc một đi không trở lại ấy, thì anh cảm thấy mình được tận hưởng niềm sung sướng, niềm tự hào dân tộc.
Nhờ miệt mài khám phá, Hải An phát hiện ra rất nhiều vẻ đẹp của cảnh vật non nước Việt Nam mà không phải ai cũng dễ dàng tìm thấy. Chẳng hạn như trong một bộ ảnh anh từng thực hiện với chủ đề “Những cung đường biển đẹp của Việt Nam”, nhiếp ảnh gia này đã ròng rã chụp từ Vũng Tàu ngược ra tới tận Vịnh Cát Bà (Hải Phòng) và ghi lại những hình ảnh diệu kỳ mà thiên nhiên tạo ra. Đó là một cung đường biển hình vầng trăng ở miền Trung, hay là dáng hình chú vịt khổng lồ khi nhìn từ trên cao xuống của một bãi biển, bãi cát nào đó trên dải đất Việt Nam.
Trải qua 24 năm gắn bó với nghiệp cầm máy và những cung đường, Hải An nhận ra niềm yêu thích nhất của anh còn là khám phá những khoảnh khắc, những góc nhìn đời thường về cuộc sống mưu sinh của con người bình dị. Một lần khi thực hiện bộ hình “Đời Thương Hồ Trên Đất Phương Nam”, Hải An đã phải dành nhiều thời gian để theo chân những người dân Chợ Lách ở Bến Tre, cùng quan sát nếp sống sinh hoạt của họ để từ đó tìm cách kể những câu chuyện xúc động bằng hình ảnh gửi gắm tới công chúng. Cũng vì lẽ đó, những tác phẩm mà nhiếp ảnh gia này tạo nên thường để lại nhiều dư vị trong lòng người xem với một sự kết nối, gắn bó sâu sắc. “Thứ khiến tôi yêu thích nhất trong những bức ảnh của mình luôn là những tình cảm, cảm xúc ẩn chứa trong đó”, Hải An chia sẻ. Anh cũng cho rằng những sản phẩm nhiếp ảnh mình làm ra không hoàn hảo nếu xét theo khía cạnh kỹ thuật và thừa nhận trình độ “có thể còn thua kém rất nhiều người”, nhưng điều đó không phải là vấn đề quá to lớn trong thế giới nhiếp ảnh của Hải An. Theo anh, khi nhìn ngắm một bức ảnh đẹp, có thể chúng ta sẽ yêu thích và cũng khó có thể nhớ ra tác giả là ai. Nhưng khi thưởng thức tấm hình ngập tràn cảm xúc, tình thương, người xem sẽ như tìm thấy bản thân mình đâu đó trong chính khoảnh khắc này. Đây cũng là điều luôn trăn trở trong tâm trí nhiếp ảnh gia, thôi thúc anh tìm tòi ý tưởng và đam mê nhất với những chủ đề ảnh về đời thường, về phong tục văn hoá con người bốn phương. Đặc biệt khi thực hiện bộ ảnh chân dung các dân tộc ở Tây Bắc, anh được học hỏi sự khác biệt, được làm quen với đồng bào dân tộc như Tày, Nùng, Thái, Dao, Mông…
Theo Ngô Trần Hải An, với những chuyến đi như vậy, điều đắt giá nhất anh nhận về không chỉ là những bộ ảnh đẹp, mà còn là trải nghiệm, là những câu chuyện, bài học cuộc sống khiến mình trở nên điềm tĩnh, trưởng thành và biết cách tận hưởng cuộc sống chất lượng hơn. “Nhớ lại những chuyến đi đầu tiên, khi đó tôi thường có khuynh hướng đi để chụp nhiều hơn. Đúng ra là nhiều khi mình đi chỉ vì muốn có ảnh đẹp về khoe với mọi người. Nhưng đi nhiều, được gặp gỡ vô số con người với những cá tính khác nhau, đồng thời cũng phải đương đầu không ít sự cố bất ngờ xảy đến, tôi càng thấy sự hiểu biết của mình là chỉ là hạn hẹp. Dần dần tôi học cách điều chỉnh bản thân, ít thể hiện, thay vào đó là tìm ra sự tự tin ở chính mình”, nhiếp ảnh gia bộc bạch.
Để thoả mãn niềm đam mê này, Hải An tiết lộ mình cũng rất mạnh tay đầu tư cả về thời gian, tài chính lẫn tâm sức. Một tác phẩm như ý chỉ mất vài giây nhấn nút “đăng” là có thể thể chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, nhưng để làm ra tấm hình này có khi nhiếp ảnh gia phải mất tới gần một tuần “mai phục” bấm máy. Anh đã trải qua điều này khi thực hiện bộ ảnh ghi lại những khoảnh khắc của cá voi ở biển Vĩnh Lợi (Bình Định). Trong suốt sự nghiệp “xê dịch” để thỏa mãn đam mê, Hải An cũng từng tự bỏ tiền túi cho chuyến tác nghiệp tại World Cup 2022 ở Qatar hay lễ tang của cựu giáo hoàng Benedict tại Toà thánh Vatican và cả những sự kiện âm nhạc đình đám như Britain Got Talent... “Tôi rất thích việc mình được có mặt trong những sự kiện trọng đại của thế giới nên luôn sẵn sàng đầu tư để đi. Rất nhiều chuyến đi tốn kém chi phí đầu tư cho trang thiết bị, máy móc, nhưng tôi cho rằng mọi thứ đều rất xứng đáng”, anh tâm sự. Đối với Hải An, khám phá thế giới là để học cách trưởng thành, yêu thương và chia sẻ hạnh phúc.
Nhiếp ảnh gia cũng chia sẻ cách mình tư duy để ra quyết định trong cuộc sống, theo đó trước khi làm bất cứ việc gì, anh cũng sẽ cân nhắc hai điều: “Thứ nhất, đó phải là niềm đam mê thực sự của mình, vì nếu không đam mê, chắc chắn mình sẽ không thể theo con đường này dài lâu. Thứ hai, một khi đã xác định rõ niềm đam mê của mình, hãy nỗ lực đầu tư bởi nếu không có sự đầu tư, sẽ khó có thể tìm thấy thành công”. Vì lẽ đó, anh luôn động viên, khuyến khích các bạn trẻ mong muốn theo nghề nhiếp ảnh, phóng viên ảnh hãy luôn mở rộng tâm trí, học hỏi các bậc tiền bối nhưng vẫn phải lưu tâm để tìm ra con đường riêng cho chính bản thân, cốt sao “hoà nhập chứ không hoà tan”.
“Thay vì tự ti, hãy tìm sự tự tin của bản thân để tìm ra hướng đi cho chính mình. Hãy luôn tự trang bị kiến thức, chủ động theo dõi các nhà báo, nhiếp ảnh gia nổi tiếng thế giới và cập nhật tin tức để bắt kịp xu hướng toàn cầu. Trong nghề báo, hãy luôn xem trọng tính công bằng, khách quan, đa chiều. Tôi cho rằng khi mình có đam mê, có tri thức, mình sẽ tự biết cách cân bằng những yếu tố đó để tạo ra sự khác biệt trong con đường mình lựa chọn theo đuổi”, nhiếp ảnh gia Ngô Trần Hải An tâm sự.