Sáng tác

Ngôi nhà của cỏ

Nhụy Nguyên
Tản văn 15:11 | 19/01/2025
Baovannghe.vn - Nắng đã lên trong khu vườn hoang dại. Lâu lắm rồi, khi tôi chưa tới ẩn dật nơi đây, khu vườn đã vắng bàn tay của nội. Ngày trước, dường như nội chỉ dành thời gian cho cây quả trong vườn. Nào chanh, khế, các loại rau, từng luống một rạch ròi tăm tắp, xanh tươi mởn.
aa

Tôi cứ mường tượng đến cái buổi ông Hoan trầm mặc ngồi trông ra tấm lưng còng của nội cúi nhặt cỏ hoang một cách nhẫn nại ngoài vườn, tiếc nuối cho ngày phải ra đi mà viết nên câu thơ bỏng cháy tình người: Chị Tư heo hút một mình(*). Nếu được phép tâm sự một điều gì về người đã khuất, tôi sẽ nói: Khoảng thời gian ông Hoan ở lại ngôi nhà của chị Tư mình, là giờ phút ông nặng lòng về những người ruột thịt nhất.

Nội kể hồi trước đói kém nhưng ông Hoan chỉ lo làm thơ. Đến khi đủ một tập lại kèo nèo bằng được tiền nội để in. In ra... lỗ. Phần nội, vẫn lặng lẽ chăm bón cho rau quả tốt tươi, sáng sáng âm thầm gồng gánh ra chợ đổi lấy từng đồng. Thế mà nay cỏ mọc khắp vườn, chỉ duy nhất một lối mòn nhỏ chưa đầy nửa thước là chỗ còn lại dành cho đất thở mỗi đêm. Hơn thế, từ khi nội cùng gia đình chú thím chuyển tới khu tập thể của cơ quan chung sống, khu vườn trở thành bãi rác của hàng xóm lân cận. Nhìn những đống rác chất ngất, tôi chỉ biết cúi xin trời đất phút mặc niệm dành cho bao công sức của nội. Tôi nhớ lần nào qua thăm, nội cũng vồn vã hỏi tôi những gì còn lại: từ cây khế mà ngày nào lũ trẻ quanh xóm cũng đến xin về nấu canh, cho tới cây cau trước cửa sổ nhìn ra; chẳng mùa nào tôi không tự nhủ: sao không hái cho nội ăn trầu? Thương nhất là cây chanh còi cọc, gắng sống giữa um tùm cỏ dại và trước sự thờ ơ đến héo hắt của tôi...

Ngôi nhà của cỏ
Ảnh minh họa. Nguồn pixabay

Ngôi nhà thì ảm đạm bội phần. Tất cả rui mè bị mối mọt ăn quá nửa, lại phải gánh hai lớp ngói nan nặng khôn kể. Và nếu không có gian bếp nối liền, thì bức tường hồi của căn nhà đã đổ ập từ lâu. Ngày tính xuống ngụ nơi đây, tôi xách cây rựa còn phát quang suốt buổi ròng mới chui được vào trong ngôi nhà ngổn ngang tồn cũ và vật dụng gia đình đã hàng chục năm là chốn sinh sôi của lũ chuột, của rắn rết này. Ba tôi thì ngạc nhiên cực độ trước khu vườn cỏ ngút ngàn. Cỏ ơi là cỏ. Cỏ còn mọc ở những điểm nối những tấm đoanh ghép thành khoảnh sân nhỏ chạy theo chiều dọc ngôi nhà như chính nó đâm lủng những tấm đoanh để chứng tỏ độ trơ lì của mình. Từ ngoài hai cánh cổng sắt hoen gỉ tới hiên nhà chỉ trong vòng hai chục bước chân thong dong, cỏ hai bên cũng khỏa lấp lối mòn. Đêm đầu tiên tôi ngủ lại ngôi nhà tĩnh mịch giữa hoang vu vời vợi, cái cảm giác rùng rợn kéo dài mãi cho tới một đêm tình nhân già cỗi đến thăm mà chẳng gặp... Năm cơn lũ 99 điên cuồng ập vào nhà, tôi thả đời cho số phận ở lại mà không hay, có cả những linh hồn vẫn sống qua tháng ngày nhọc nhằn cùng tôi. Tôi cảm giác như ngôi nhà đang chịu đựng nỗi đau của tri ân gửi gắm...

“Cháu liều thật, một mình bám trụ dưới ấy năm này qua năm khác. Bà nhớ...” - Nội tôi cười, hàm răng đen nhoáng. Bao giờ tôi cũng thấy nội cười như thế; và lần đầu tiên tôi thấy người tuôn rơi nước mắt khi cười - là nội. Những buổi sáng ngồi ở cửa sổ nhìn ra khu vườn đầy bướm, tôi không nỡ nhổ cỏ dại theo lời đề nghị của chú. Lại thương nội đến thắt tim! Cuộc đời nội để lại dấu ấn trên mỗi tấc đất khu vườn này. Quãng đường tôi đạp xe từ nhà tới cái khu tập thể tồi tàn có từ trước giải phóng của chú thím, nay như dài vô cùng tận. Thế rồi một chiều, cũng trên quãng đường ngắn ấy, tôi tới bên nội và nhận ra điều khác lạ. Sự minh mẫn tuyệt vời của nội đã khiến tôi liên tưởng tới ngọn đèn sắp tắt. Như ngôi sao băng gieo mình vào khoảng lặng...

Ước mong được về thăm lại khu vườn cũ đã vĩnh viễn theo nội về bên kia thế giới!

Còn giờ đây, ngày ngày quanh ngôi nhà xưa, muôn loài hoa dại vẫn hồn nhiên đua nở như chưa từng có nỗi buồn nào vãi xuống đất vườn mênh mông. Có điều chim chóc đang thưa dần tiếng hót bởi lũ trẻ làng vẫn lén vào vườn đặt bẫy mỗi lần tôi đi vắng. Để rồi đêm qua một con rắn độc địa đã theo dấu mò vào nằm chễm chện ở góc nhà trống hoác mà vẫn an toàn... Tôi không khỏi băn khoăn: mình có nên cải tạo lại khu vườn để loài rắn tìm nơi khác trú ngụ, hay mặc cho vô vàn ngọn cỏ cứ đến tiết lại trồi lên? Biết mấy là thương khu vườn của nội; nơi có ngôi nhà ông Hoan từng ghé chân, không lâu song cũng đủ để nhà thơ cô đặc thứ tình cảm ruột rà mang vào trong hạt sương, trong đá...

---------------

(*) Những dòng in nghiêng là thơ Chế Lan Viên

Văn nghệ, số 25/2012
10 tác phẩm xuất sắc vào chung khảo “Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn” 2025

10 tác phẩm xuất sắc vào chung khảo “Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn” 2025

Baovannghe.vn - Ngày 15/5, báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) chính thức công bố 10 tác phẩm xuất sắc lọt vào chung khảo Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 6-2025. Trong đó, có 1 tập truyện tranh, 1 tuyển tập nhạc, 1 bộ tranh, 2 tập thơ cùng 6 tác phẩm văn xuôi.
Tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Baovannghe.vn - Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ 16-19/5/2025, thành phố Hà Nội tổ chức triển lãm, biểu diễn nghệ thuật và nhiều hoạt động VH- NT ý nghĩa bày tỏ lòng tri ân, kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất
Lời niệm - Thơ Mai Quỳnh Nam

Lời niệm - Thơ Mai Quỳnh Nam

Baovannghe.vn- Nước thánh không rũ sạch bụi trần/ vẫn là nước thánh
Dạ Đàm tùy lục - Tráng Tử

Dạ Đàm tùy lục - Tráng Tử

Sau Liêu Trai chí dị của Bồ Tùng Linh, ở Trung Quốc giai đoạn cuối thời Minh, đầu thời Thanh đã hình thành một phong trào sáng tác tiểu thuyết mạnh mẽ và rộng khắp, trong vô số tác phẩm thời kỳ đó, Dạ Đàm tùy lục của Hòa Bang Ngạch có thể nói là tác phẩm xuất sắc và nổi bật nhất. Trong Dạ Đàm tùy lục tác giả lại dùng một nét bút lạnh lẽo đen tối để miêu tả thế giới hồ ly ma quỷ. Thế giới ấy cũng đen tối xấu xa như thế giới con người.
Cảm quan tỉnh lẻ trong kịch Chekhov

Cảm quan tỉnh lẻ trong kịch Chekhov

Trong nền văn học Nga hiện đại, Anton Chekhov hiện lên như một nhà viết kịch có khả năng chuyển hóa cái tầm thường và lặp lại thành chất liệu nghệ thuật. Không chọn những biến cố kịch tính hay bi hùng, kịch của Chekhov lặng lẽ khắc họa đời sống trì trệ của tầng lớp trí thức và tiểu quý tộc nơi tỉnh lẻ Nga cuối thế kỷ 19. Từ những điền trang bức bối, những giấc mơ Moskva bất thành, cho tới sự im lặng của tiếng rìu đốn cây trong Vườn anh đào, Chekhov kiến tạo nên một mỹ học phi hành động, nơi nhân vật không ngừng giằng xé nội tâm nhưng bất lực trong hành động. Bài viết này đề xuất tiếp cận “cảm quan tỉnh lẻ” trong kịch Chekhov như một hình thức tri nhận văn hóa, đồng thời khảo sát các biểu tượng không gian, âm thanh, và cấu trúc kịch phản-kịch như chiến lược nghệ thuật đặc trưng trong kịch của ông.