Một câu chuyện như thế nào mới là câu chuyện của Trung Quốc?
Hiện nay rất nhiều tác phẩm nghệ thuật, bao gồm cả các tác phẩm văn học, có khá nhiều sự thể hiện của văn hóa Trung Quốc. Nhưng đó đều là những cái có từ đời Minh, Thanh trở về sau này, trong khi thời kỳ Minh, Thanh lại là thời kỳ suy bại của xã hội Trung Quốc, chứ không phải thời kỳ lớn mạnh và hưng thịnh của xã hội Trung Quốc.
Những cái như quyền cước, đèn lồng, múa sư tử, ăn sủi cảo, múa rối bóng... chỉ là một số nhân tố trong văn hóa Trung Quốc, chỉ là những thứ nông, mỏng, vụn vặt, bề ngoài. Nhân tố không phải là điển hình, văn hóa Trung Quốc nhất định phải tìm đến được cái tinh túy, cái căn bản của văn hóa Trung Quốc.
Tỷ như, lịch mặt trăng và sự hình thành nên âm dương ngũ hành trong văn hóa Trung Quốc, là cách nhìn của dân tộc Trung Hoa đối với vũ trụ tự nhiên, đối với sự sống. Những cách nhìn này đã hình thành nên phương thức tư duy của dân tộc Trung Hoa thế nào, và quan điểm triết học của nó ra sao? Ví dụ như Nho giáo, Thích (Phật) giáo, Đạo giáo của Trung Quốc, Đạo thì nói về thiên nhân hợp nhất, Thích thì nói về sự chuyển hóa của tâm, Nho thì nói về tu dưỡng đối với bản thân và trung dung trong việc xử thế. Ba tôn giáo này đã ảnh hưởng đến sự cấu thành và vận hành xã hội của Trung Quốc như thế nào?
Tỷ như, trừ Nho, Thích, Đạo ra, trong dân gian Trung Quốc lại cũng đồng thời cho rằng vạn vật hữu linh, và kính sợ trời. Những cái điển hình, những cái hạt nhân này trong văn hóa Trung Quốc, mới hình thành nên tư duy và tính cách của người Trung Quốc. Nó trọng chỉnh thể, trọng hỗn độn, trọng tượng hình, trọng đạo đức, trọng quan hệ, trọng trật tự. Đi sâu vào tìm hiểu những cái này, mới có thể nhìn rõ được xã hội Trung Quốc, mới có thể hiểu được rất nhiều sự tình phát sinh ra trong xã hội ấy.
Lối tư duy, tính cách, tôn giáo và triết học ấy của người Trung Quốc, đã tiến lên một bước ảnh hưởng và đi liền với thẩm mỹ của người Trung Quốc, hình thành nên một đặc điểm riêng của nó, khác hẳn so với phương Tây. Từ lâu tôi đã từng nói, sáng tác của chúng ta, ở cảnh giới của tác phẩm phải học tập của phương Tây, ở tầm nhìn của tác phẩm phải nhìn rõ được cái chủ lưu của toàn nhân loại, nhưng ở hình thức biểu hiện của tác phẩm lại bắt buộc phải là thứ của dân tộc Trung Hoa.
Tôi xin lấy một ví dụ, khi chúng ta chưa đi máy bay, chúng ta cho rằng trời có râm có tạnh, trăng có khuyết có tròn, mây có tan có tụ. Nhưng khi chúng ta đi máy bay rồi, mới phát hiện ra rằng phía trên những tầng mây đều là ánh nắng mặt trời, xuyên qua bất cứ một đám mây nào, bất kể đám mây ấy có gây ra mưa rào hay mưa đá hay sấm chớp... thì khi xuyên qua rồi, cũng đều là ánh mặt trời. Giả như coi ánh mặt trời ấy là điểm chung của cả nhân loại, thì tác phẩm của chúng ta nhất định phải xuyên qua những đám mây ấy để đến được tận nơi có ánh mặt trời. Và đồng thời, chúng ta đều tồn tại dưới một đám mây nào đó, dẫu cho đám mây ấy đang đổ mưa, hay sa băng đá, chúng ta cũng không cần phải từ dưới đám mây này, chạy sang dưới một đám mây khác, mà hãy từ dưới đám mây ấy nỗ lực xuyên qua nó để đến nơi có ánh mặt trời.
Đám mây ấy là môi trường sống của chúng ta, xuyên qua nó, lại là hình thức thể hiện của chúng ta. Để xuyên qua tầng mây của mình, tôi cũng đã từng đem hý kịch của chúng ta so sánh với kịch nói của phương Tây, đem tranh thủy mặc của chúng ta so sánh với tranh sơn dầu của phương Tây, đem Trung y của chúng ta so sánh với Tây y. Hý kịch thì tả ý (ước lệ) nhiều hơn, còn kịch nói thì tả thực nhiều hơn. Tranh thủy mặc thì đường nét nhiều hơn, tranh sơn dầu thì mảng miếng nhiều hơn. Trung y thì tổng hợp là nhiều hơn, còn Tây y thì phân tích lại nhiều hơn. Tôi nói những điều này, đại khái ý là: trong khi đọc và hiểu những câu chuyện của Trung Quốc, không những phải nhìn thấy câu chuyện ấy có ly kỳ không, có náo nhiệt không, có tuyệt vời không, mà quan trọng hơn phải xem câu chuyện ấy được kể thế nào, xem tư duy, phương pháp, ngôn ngữ của nó có phải là kiểu Trung Quốc hay không.
Châu Hải Đường dịch
(Theo Tinh tuyển Tản văn Trung Quốc 2020)
------------
Bài viết cùng chuyên mục: