Ngày đó, ngôi làng nào cũng được nuôi, cũng lớn lên bằng cây và đất. Đất ủ hồn trên lá, đọng thành sương mai. Cây xuyên rễ quanh làng, bọc người hiền hậu.
Cát là tên làng tôi. Đất làng tôi trắng cát. Trưa gió những ngày nhàn, cát dựng hình nhân bay tới nhà nhà dỗ dành giấc mệt, dọa nạt trẻ con. Tối mưa ngày đông, cát kết bè đảng đánh bẫy người câu đêm. Tôi không thích cát. Cát ngăn tôi ra khỏi làng, cát vùi tôi dưới vũng trì trệ. Đôi lúc cát đẩy tôi bay lên, lại mắc ngọn tre. Cát thua tre.
Tôi cũng không thích tre. Chúng lạnh lùng, kiêu ngạo trên cao, đêm khuya kẽo kẹt tiếng ma dọa người. Làng tôi toàn người bóng vía yếu, lũ tre càng được thể kêu ca.
Tình yêu làng tôi dành hết cho xoan. Loài cây độc từ lá đến quả nhưng tâm tính lành như đất. Xoan dễ mọc, mọc khắp nơi, trổ hoa sau nhà rụng lá đường đi. Mùa đói tháng Ba, những bông xoan trắng tím theo gió bay khắp làng, mùi ngai ngái nằng nặng. Ở quê, cái gì cũng ngai ngái nằng nặng. Lọ mắm tép mẹ ủ, chú trâu mùa đông lười tắm, bụi hương nhu trước hiên, áo cánh mẹ nhuộm đặc mồ hôi. Mùi người quê, hương hoa xoan hăng hắc hay hương nhài dịu êm là mùi của trời của đất. Hoa nhài mẹ phơi khô, ướp trà cho cha. Lá xoan mẹ mang ủ buồng chuối tiêu chuối ngự chín nẫu bóng làng. Hoa xoan, mẹ chẳng cần hái. Gió xuân rung cây rụng hoa, gió xuân thổi cánh bay bay khắp làng mời gọi bọ rình đội đất chui lên. Thứ bọ thân múp, cánh mềm, nướng thơm mùi quê giúp đám thanh niên qua cơn đói. Mẹ bảo thượng đế nở hoa xoan vào mùa đói, gọi bọ rình tháng Ba để giúp chúng ta, những con người tội nghiệp. Mẹ bảo xoan như linh hồn của làng, cay hắc nhưng dịu dàng, thanh tao mà ám tối. Hồn làng tựa hồn người quê, hiền khô chân chất rồi bất ngờ vùng dậy hú lên hoang dại đêm đông nào buốt bức.
Tranh của paul cezanne |
Đầu tiên mẹ hạ xoan trên cái đuôi con thú làng người ta vừa chặt ra, quẳng vào đời chúng tôi. Sau phát cây, cào gai, nhổ cỏ, lượm xương, sau hàng thúng mồ hôi sợ hãi mồ hôi quyết tâm mẹ đổ xuống, mảnh đất hiên ngang nhô ra. Không vuông thành sắc cạnh, không màu mỡ tươi xanh, lồi lõm chênh vênh trên triền dốc lở mòn từ bao cơn hồng thủy làng, nhưng nó kiêu hãnh như tóc mẹ đen nhánh, như vai mẹ to ngang thách thức gian nan.
Tổng cộng mẹ đốn xuống mười một cây xoan lấy gỗ dựng nhà. Những thân cây trưởng thành, thẳng đứng đổ gục dưới tay người đàn bà hãy còn trẻ nhưng lớp màng thương tổn cứng hơn sắt. Lớp màng ủy mị thời thiếu nữ giờ đây phủ đắp bao nhiêu lớp yêu thương lớp đau khổ, thành chai dày như da lòng bàn tay. Anh em họ hàng cưa giúp mẹ những cây to, sau này xẻ năm xẻ bảy thành thanh xà, ván ép tường, đòn mái. Cây hạ tới đâu, tóc mẹ rụng đến đấy, dệt nên tấm mạng che hờ đôi mắt rười rượi trên gương mặt ánh lửa.
Mẹ luôn thắp hương cắm cạnh cây xoan mình sắp hạ, lầm rầm khấn vái trước khi vung tay chém xuống nhát dao nhát búa đầu tiên. Tôi lớn lên, rồi tận sau này, tôi già đi, mẹ vẫn nói đi nói lại cây cũng có linh hồn như con người. Nhiều lần tôi định hỏi mẹ biết vậy sao còn giết cây còn làm linh hồn cây đau, nhưng câu hỏi luôn được dè xuống dưới lưỡi, nhường chỗ cho lời yêu thương im lặng. Để minh chứng cho linh hồn xoan, khi tôi hơi lớn, biết mạng vai áo rách sau khi mạng thương tổn tâm hồn, mẹ kể tôi nghe chuyện năm xưa.
Ngày hạ cây xoan thứ bảy, trời lâm râm mưa, gió lè rè rê quanh làng. Thứ thời tiết không mấy phổ biến trong mùa nắng lửa, gió Lào, bão lốc. Nhìn chiếc vung trời xám tối úp lấy làng, mẹ mân mê vành nón. Mưa nhỏ mát trời dễ làm. Bà ngoại đang à ơi đưa võng chăm lo lũ trẻ. Mùa mưa sắp qua, đầu năm cưới vợ cuối năm dựng nhà. Cuối năm đang lừng lững đến bất chấp lúa nếp chết, lá dong còng queo héo. Mẹ quả quyết đội nón lên đầu, cánh tay cầm dao cầm rìu cứng hơn tay Nữ Oa. Mẹ đi, cứ thế mẹ đi.
Giữa đường mẹ gặp nhà vua. Người mặc áo tang, đội khăn xô, da vàng vọt, mắt quầng thâm, quỳ xuống ngáng đường.
“Xin đừng giết vợ tôi lần nữa.”
Mưa thưa dần, kéo tấm mạng nước giãn rộng, lộ đôi mắt vua u hoài, thống thiết. Mẹ gỡ bàn tay người đàn ông đang níu chân mình.
“Tôi phải đi, tranh thủ mát trời. Nắng lên là thở hồng hộc, bao giờ xong được nhà.”
“Chị dựng nhà mình nhưng giết vợ tôi. Xin chị. Vua đang van chị.”
Mưa ngừng hẳn, nhường cho nước mắt vua rơi. Lạnh lùng, mẹ giằng chân khỏi tay vua.
“Chả có vua nào cả. Chồng tôi mới là vua, con tôi mới là vua.”
Vua đứng lên, nhếch nhếch môi, cười cười.
“Chị biết mình là ai không?”
Mẹ kéo quai nón chặt hơn.
“Cần gì biết. Ma còn lẫn lộn giữa hồn mình hồn quỷ chả là người trần.”
Dây thần kinh số bảy giật giật miệng vua.
“Chị biết vợ tôi là ai không?”
“Tấm chứ gì? Ác như Cám.”
Mẹ vòng qua vua. Vua đuổi theo.
“Xin đừng, xin chị đừng. Tôi vẫn chờ nàng sống lại.”
“Vợ vua ngụ cây anh đào cơ mà.”
“Anh đào chỉ là cổ tích. Vợ tôi ở trong thân xoan chị định chặt sáng nay.”
“Vớ vẩn. Sáng sớm đã gặp ma.”
Mưa hết giọt. Trời ráo hẳn. Mẹ dụi mắt bước đều.
Gần trưa, nắng gắt lên cáu giận, cán rìu cán dao bị bỏng mà cây xoan vẫn trơ trơ. Mọi nhát chém vào thân đều rơi hẫng xuống như chém vào ma. Mẹ vừa lầm rầm chửi vua vừa chạy ra hàng xén mua bó nhang, tiện thể mượn cây kéo cắt lọn tóc sau gáy. Gáy mẹ còng xuống tiễn đưa tóc.
Đốt lọn tóc, mẹ vãi tro quanh gốc xoan như thầy pháp rắc muối tạo vòng tròn thiêng. Xong, mẹ thắp nhang. Khói nhang hiền, lờ nhờ, luẩn quẩn, không mạnh mẽ, hừng hực như khói tóc mẹ. Khói thế khó bay tới thiên đường. Mẹ đâu cần xa thế, mẹ khấn ma dưới âm phủ. Kỳ thực mẹ khấn gì, nguyện gì chả ai biết. Chỉ thấy mắt mẹ nhìn cây xoan qua hai con ngươi thăm thẳm những thầm thì.
Hết tuần nhang, mẹ cầm búa vung lên. Chim chóc, hoa cỏ, thậm chí cả bầu trời cũng im sầm chờ đợi. Lưỡi búa rơi xuống thân cây dịu dàng như điệu ca dao mẹ ngân mỗi đêm mưa, chém phập cổ tích. Cây xoan đổ xuống sau mười lần mẹ à ơi. Nhưng vua không đổ, Tấm không chết. Họ sẽ quay lại lắp khung cửi giữa ngôi nhà, hàng đêm kẽo kẹt dệt tấm hoang mang.
Mẹ tôi biết rất ít chữ. Không thể đọc văn bản nhưng bằng cách nào đó, mẹ luôn hiểu thấu hồn chữ. Những khi mẹ hát ru, những vỏ ngôn từ lướt lướt qua miệng, kéo theo một đoàn tàu cảm xúc âm ỉ âm ỉ tứa xuyến xao.
Tối ấy, chị tôi đọc vanh vách sự tích con rồng cháu tiên lúc mẹ vừa âu yếm xoa đầu tôi đang ngọ nguậy dưới làn da bụng vừa khuấy cám lợn. Mẹ ngừng tay, vén tóc lên mây, ngó đầu qua mái trời.
“Con ơi, trứng trời mà con đọc, mẹ nghe ra tiếng cạc cạc của vịt con mới nở.”
Tất nhiên, chị tôi chả hiểu mẹ nói gì, nhưng Âu Cơ nghe thấy. Đêm đó bà về dương gian, dắt tay mẹ đến cây xoan thứ mười một, cây chơ vơ cuối mỏm làng, cây cuối cùng mẹ sẽ hạ ngày mai.
“Ta giấu năm mươi quả trứng trong thân cây. Nếu ngươi chặt, trứng chưa đủ ngày, sẽ nở bầy quái thú.”
Trăng run run liếm khóe môi mẹ, khóe môi cong như lưỡi câu liêm.
“Chả nở gì đâu. Trứng ung rồi. Thể nào người ta cũng tranh nhau bốc. Cái ung tiên rồng nó cũng khác.”
Bị bất ngờ, Âu Cơ chết trân ý nghĩ sau gáy, trên dây áo yếm. Vài ánh lân tinh lảng vảng xa xa đánh hơi ra sấm sét, vội chúi mình bay khỏi triền dốc. Dấu vết khu rừng huyền bí chỉ còn vài ba bụi dại đìu hiu dưới ánh trăng lạnh. Mẹ phát quang cây cỏ, phát quang truyền thuyết, phát quang nỗi sợ, biến cái đuôi con thú bị nguyền rủa thành đất có chủ dưới bầu trời hoang. Bà tổ Âu Cơ bất bình trước quang đãng, tổn thương, giận dữ.
“Láo xược! Ngươi có biết tất cả sinh linh tội nghiệp bị các ngươi tùng xẻo từ trong bụng đều được ta gom nhặt, đúc thành trứng chôn dưới gốc cây? Đàn bà các ngươi ngày nay chỉ là lũ ích kỷ, dâm loàn, tráo trở!”
Ánh trăng chếch xuống bụng mẹ, chiếu thẳng vào đôi mắt thai nhi qua làn da rạn mỏng. Bị chói, tôi lồng lộn xoay mình, tung cú sút. Không phải cú sút vào mẹ, cú sút dành cho Âu Cơ, cho trăng, cho áp đặt. Mẹ cười, bằng cả môi và mắt.
“Bà nên yên nghỉ trong hang của mình, hoặc bay ra đảo tìm ông. Chỗ này giờ là của chúng tôi, của hiện thực. Trứng ung, trứng hóa thạch, trẻ con sẽ tưng hứng làm đồ chơi vui vẻ.”
Giọng mẹ dịu dàng. Tôi mút tay, nằm yên giữa dịu dàng.
Thức giấc, mẹ nghe chích chòe chảnh chọe cãi nhau giữa nhờ nhờ bóng tối. Ngạc nhiên, mẹ vén ban mai ngước lên không trung hãy còn mờ mịt. Không thấy chim chích chòe, chỉ vài lá na khô bỏ cành trôi ngang quá khứ.
Bà ngoại đến, xoa xoa bụng nhăn nheo.
“Bụng dưới mẹ cứ nhâm nhẩm cả đêm, như đau đẻ ấy, gà gáy thì hết. Hệt lúc chuẩn bị đẻ mày. Cứ như chửa ma.”
Mẹ gại gại dao vào thân na già, cười mỉm.
“Hôm nay bà tráng trứng gà cho các cháu ăn thoải mái nhé. Sắp ung đến nơi. Con chắc về muộn.”
Các anh chị tôi từ trong nhà nhảy ào ra như bầy khỉ đánh hơi được mùi chuối chín.
Trứng! Được ăn trứng! Mẹ muôn năm!
Ừ, trứng muôn năm. Mẹ bập nhát rìu vào cây xoan thứ mười một, phớt lờ Âu Cơ cùng bọc trứng huyền thoại. Từng mảng máu tung ra, loang tràn, bốc thứ mùi khủng khiếp. Máu xoan thối như nước trứng ung, nước tử thi phân hủy. Máu dây tay mẹ, dây áo quần, dây niềm tin sắt đá trên đôi vai ngang. Mặc máu chảy, thân xoan vẫn sừng sững ngang ngược.
Lưng mẹ thốn đau đầu canh bốn. Tôi bất an vùng vẫy như con cá mắc cạn trong bọc ối giờ đã chan hòa máu xoan. Bọc ối thơm tho dịu ngọt yêu thương giờ hôi thối không chịu nổi. Mỗi cơn hắt hơi của tôi là một lần lưng mẹ căng lên sụn xuống. Bà lật đật chạy sang, thắp đèn, lật đật ra cửa kêu người giúp. Mẹ thều thào giữ lại.
“Không chảy máu, chắc chỉ tại cháu giận dỗi vùng vằng thôi mẹ.”
Mẹ ơi, con đâu giận mẹ. Con cáu kẻ đã tưới máu bẩn vào hồ nước mẫu tử mẹ mất bao công sức ngăn dòng xây đập cho con. Mẹ ơi, dù kẻ đó là ai, mẹ đừng nản chí.
Mẹ nào biết kẻ đó là ai. Mẹ thiếp đi. Những cánh linh hồn vẫy nhẹ thầm thì thầm thì rồi bay đi. Lạc Long Quân phi xuống từ lưng rồng, hà hơi vào hai cánh tay mẹ. Đám hơi đục như sương mù tháng Hai, vơ vất mùi cành mục nứt khe chồi mới. Ngài bé tý tẹo, còn chưa cao bằng cái chân bàn thờ. Trong quầng sáng xanh hắt ra từ đôi mắt rồng, thân hình mẹ dập dềnh dập dềnh lúc nâu lúc tím. Hồn mẹ thoát ra, bay qua khe gỗ rồi bay về, náu yên nơi góc ban thờ trước khi thở dài nhập vào đôi vai ngang nửa bướng bỉnh nửa yếu mềm.
Đám hơi mù của ông tổ rồng tiên từ từ trộn hòa sương sớm rồi rã giọt trước nắng mai. Cơn đau ban đêm dứt khỏi mẹ tựa phép màu. Lúc mẹ thức giấc, căn nhà sáng trưng, rộn ràng nắng. Cứ như thể việc thân xoan chảy máu hôm qua, việc đau quặn bụng tối qua, việc bóng ma hà hơi vào người mình chỉ là tưởng tượng, những tưởng tượng trong quá khứ xa xôi của một kiếp khác.
Kiếp nào đó mùa xuân đã phủ khắp làng một sớm cuối thu. Mùa xuân láng tươi xanh lên máu. Mùa xuân bật chồi biếc từ nứt toác hủy diệt.
Mẹ đứng nhìn cây xoan thứ mười một đang rung rinh cành thách thức, nhìn mầm phôi mơn mởn trên vết chém đã tứa máu trưa qua, lòng bùng lên lửa giận. Gỡ chiếc kim băng khỏi vạt áo cánh, mẹ chần chừ vài giây trước khi bặm môi quả quyết chọc đầu kim nhọn vào ngón tay. Máu nở ra, rơi độp lên chồi non. Tiếng độp to hơn sấm. Bầy chim gõ kiến cõng đám kiến càng bay tán loạn. Mẹ cúi xuống, vung rìu, bổ xoan, bổ Lạc Long Quân, bổ trứng ung, bổ đám hơi mù mịt tù hãm ngăn đường mình.
Xoan rung, giật, lắc rồi ngã phịch, nằm sõng soài như tử sĩ thua trận.
Có máu tươi, mẹ hạ xoan dễ hơn cắt lúa. Xoan ăn máu, máu hiến tế tổ tông hay máu bù đắp cho những linh hồn oan khuất? Mẹ không băn khoăn.
Mẹ ngửa mặt nhìn mênh mang, thầm cảm ơn bề trên. Đất đã sạch, gỗ sắp đủ, tre đang ngâm, cọ sẽ quặc. Ngôi nhà hiện ra sừng sững trước mắt mẹ, giữa thinh không.
Nguồn Văn nghệ số 9/2022