Nắng chiều mùa hạ đã dịu lại, không còn gay gắt. Tôi theo lối tắt lên đồi Chà Rang đi dạo lang thang. Cũng đã gần bốn chục năm rồi tôi mới được thảnh thơi đi dạo ở ngọn đồi mà hồi còn nhỏ ngày nào cũng cùng bạn bè ở làng Lâm Bình lùa bò lên chăn thả và chia phe đánh trận giả la ré khản cổ. Từ làng Sơn Khê vẳng lại tiếng “bui bui… bầm bầm”. Những thanh âm trầm buồn ấy báo cho tôi biết có ai đó vừa từ giã cõi đời. Tôi nén tiếng thở dài, tựa lưng vào tảng đá có hình dáng y hệt con cóc khổng lồ, nghĩ ngợi lan man. “Ủa, chú mày ở phố về quê khi nào? Mà tại sao lại ở đây?”. Ông bác họ tôi đi cắt lá độn chuồng trâu, trông thấy tôi, cười hỏi. Tôi bảo lên đồi Chà Rang xem có còn nhiều sim như hồi xưa không. Rồi tôi hỏi ông bác họ: “Ở làng Sơn Khê có ai vừa qua đời mà người ta đánh chiêng đánh trống bui bầm vậy bác?”. “Lão Đoàng “Khe Dốc” chứ ai! Lão ấy mới mất tối hôm qua. Cũng thuộc hàng thượng thọ, trên tám mươi…”. Tôi không hỏi gì thêm, chỉ im lặng thở dài.
Minh hoạ Trần Ngọc Quỳ |
Một thời xa ngái chợt ùa về trong tôi. Hồi đó, là mùa hè 1965. Lúc bấy giờ tôi chỉ là cậu bé lên bảy. Ông Đoàng hay đến nhà tôi. Đi lính nghĩa quân, mỗi lần xong phiên gác ở cái bót sát bờ rào ấp chiến lược đầu xóm Chùa, ông thường rủ rê những người mặc quần áo sáu túi xanh màu ô liu tấp vào nhà dân đánh bài. Tôi không biết những quân bài cơ rô chuồn bích có gì hấp dẫn mà ông cùng đám bạn lính của ông chơi hết ngày dài lại đến đêm thâu. Nhiều lúc ông chơi bài bỏ cả ăn trưa ăn tối. Nhà tôi có bộ phản ngựa làm bằng gỗ mít. Ông Đoàng rất thích nằm ngủ ở bộ phản ấy. Thấy tên ông viết có rê (g) anh trai tôi thắc mắc. Mẹ tôi cười bảo: “Ổng có họ tên đầy đủ là Văn Hùng Đoàn. Do học hành lỗ mỗ, viết sai chính tả, thành ra cái tên ấy mới có thêm chữ rê như thế!”. Mùa thu 1965. Quê tôi đồng khởi. Ấp chiến lược làm bằng tre gai bị đốt cháy tanh bành. Đám dân vệ và đám lính nghĩa quân bỏ chạy sạch sành sanh. Ông Đoàng thì không. Ông ở lại xóm Chùa. Trút bỏ bộ đồ sáu túi xanh mầu ô liu, ông mặc bộ đồ vải ta mầu xám mốc, mang dép cao su, tham gia du kích đánh giặc giữ làng. Ba tôi bảo: “Ông Đoàng giác ngộ cách mạng, rời bỏ hàng ngũ địch quay về với nhân dân. Ông ấy là hạt nhân của Đội du kích Lâm Bình”. Mẹ tôi bĩu môi: “Lão ấy thua bạc bỏ của chạy lấy người. Cách mạng cách miếc gì lão”. Tôi nghe để mà nghe. Bởi hồi đó tôi còn quá nhỏ đâu đã biết gì!
*
Khi miền Nam hoàn toàn được giải phóng, ông Đoàng trở về làng như một người hùng. Suốt bao năm bom rơi đạn nổ ùng oàng chẳng làm sứt mẻ của ông một cái lông chân. Ngược lại, Đội du kích Lâm Bình với hơn sáu mươi tay súng cứ rơi rụng dần theo thời gian, cuối cùng số người sống sót cho đến ngày hòa bình không đủ đếm trên mười đầu ngón tay. Lúc bấy giờ ba tôi đã qua đời được mấy năm. Đến thăm nhà tôi, ông bảo thời chiến tranh ba tôi là cơ sở cách mạng của Đội du kích Lâm Bình. Mẹ tôi ngớ người. Anh em tôi tròn mắt ngạc nhiên. Ông cười: “Cách mạng miền Nam ai làm nấy biết. Chị và các cháu không rõ là lẽ đương nhiên”. Trò chuyện với mẹ tôi, ông Đoàng cho hay, giờ đây Mỹ đã cút, ngụy đã nhào, tất cả cùng chung tay góp sức xây dựng cuộc sống mới dưới bầu trời cách mạng. Thiên đường xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc nhất định sẽ mau chóng tỏa lan khắp miền Nam. Lúc đó, mọi người làm việc tùy theo sức lực, hưởng thụ tùy theo nhu cầu. Các nhà máy, xí nghiệp với tập thể là những người ưu việt sẽ tạo ra của cải vật chất cao như núi, cá nhân tha hồ tiêu xài tuỳ thích. Ông Đoàng không phải là người hoạt khẩu, nói chuyện không hấp dẫn nhưng sự hiểu biết về chủ nghĩa xã hội, sự chân thành khi truyền đạt những điều tốt đẹp về cuộc sống mới trong tương lai không xa khiến cả nhà tôi ngồi há hốc mồm lắng nghe như nuốt từng lời.
Hồi mới giải phóng, làng Sơn Khê thiếu cán bộ cốt cán ở cơ sở trầm trọng. Trong chiến tranh, người tham gia kháng chiến không nhiều, lại hy sinh gần hết, khi đất nước hòa bình, kiếm người làm lãnh đạo ở cơ sở không ra. Ông Đoàng được cấp trên điều chuyển về quê công tác. Lên huyện họp hành, từ làng Sơn Khê ông băng qua cánh đồng rộng đến làng Lâm Bình rồi theo đường cái quan cuốc bộ tới nơi cần tới. Mỗi lần đi họp hành về, ông thường ghé nhà tôi thăm chơi, cơm nước, nghỉ ngơi. Cho đến bây giờ đã hơn bốn mươi năm trôi qua nhưng tôi vẫn còn nhớ như in hình dáng ông thuở ấy. Cao to lực lưỡng. Đầu tóc húi cua. Nón cối bộ đội cũ kỹ. Quần kaki mầu cứt ngựa. Áo vải katê xanh da trời cắt may ngắn tay. Dép cao su đế đúc. Đặc biệt là chiếc xắt cốt đeo chéo qua vai kè kè bên hông. Không rõ bên trong chiếc xắt cốt ấy đựng những gì nhưng lúc nào cũng căng phồng. Đó là vật bất ly thân của ông. Ăn cơm, ông cởi treo lên cột nhà hoặc đầu phên. Nằm ngủ trưa, ông kê lên đầu thay gối. Ông Đoàng vui tính, hay cười. Thấy hai đứa em tôi kẻ ô trên nền đất chơi cờ gánh trước sân, ông bảo: “Cờ bạc là bác thằng Bần, cửa nhà bán hết ra thân ăn mày. Đấy là một trong bốn thứ thuộc tứ đổ tường, các cháu không nên tập tành cờ bạc khi còn nhỏ, nguy hại lắm đó!”.
Ở chơi nhà tôi, ông Đoàng hay kể chuyện đánh nhau trong chiến tranh.
Anh em tôi cũng khoái đề tài hấp dẫn ấy. Có lần tôi bạo miệng hỏi ông:
- Trong chiến tranh, bác bao phen đối đầu với Mỹ với ngụy nhưng không hề hấn gì. Phải chăng, bác có bùa hộ mệnh?
- Nện nhau bằng súng đạn, thằng nào liều mạng thằng đó sống - ông cười - Chẳng có bùa chú gì cả!
Và để chứng minh điều mình nói là hoàn toàn chân thực, ông kể cho anh em tôi nghe chuyện bắn cháy máy bay Mỹ ở cánh đồng hoang. Hôm đó, Mỹ bất ngờ đổ quân ở nổng Chà Là. Ông và hai đồng đội lội bì bõm dưới mương bắt cá ở cánh đồng hoang cạnh nổng Chà Là, không sao thoát sang mé đồi bên kia được. Bí quá hóa liều. Ba người ôm súng lợi dụng gió thổi men theo bờ thửa bò ra giữa đồng giấu mình trong cỏ ống xanh tốt bời bời. Cánh đồng hoang trống huơ trống hoác. Bọn Mỹ đinh ninh “Vici” không dại gì ở đó nên vãi đạn chỗ khác. Càn quét khắp nơi, tới ngày thứ ba chúng thu quân. Những chiếc máy bay lên thẳng từ nổng Chà Là xẹt ngang qua cánh đồng hoang, mất hút về phía chân trời. Đợi chiếc máy bay cuối cùng trờ tới, ba người đồng loạt nổ súng. Ngọn lửa bùng lên bao trùm chiếc máy bay khiến nó chúi đầu xuống mé đồi bên kia. Ba người nhanh chóng vận động lên nổng Chà Là. Và đúng lúc đó, bọn chúng gọi pháo nã mé đồi bên kia như giã gạo chày ba. Ông cười. “Thực ra, bác và đồng đội cũng chẳng gan dạ gì! Bị đói, bị làm mồi cho muỗi mòng ở giữa đồng hoang nên ức quá bắn hú họa cho bõ ghét, nào ngờ…”, ông bảo, “Dạo đó, Đội du kích Lâm Bình được cấp trên biểu dương khen ngợi dũng cảm mưu trí bắn cháy máy bay chở quân của Mỹ. Riêng ba người trực tiếp nổ súng được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt máy bay, oai phết!”.
“Đoàn kết, chung tay góp sức xây dựng cuộc sống mới dưới bầu trời cách mạng” là câu khẩu hiệu được người dân quê tôi triệt để thực hiện hồi mới giải phóng. Ông Đoàng ngày đêm bận rộn với công việc chung. Giúp dân ở các khu dồn, khu định cư trở về quê hương bản quán dựng tạm nhà cửa, ổn định nơi ăn chốn ở. Tập hợp, chỉ huy đám lính nghĩa quân tháo gỡ bom mìn ở các đồn bót. Vận động nam nữ thanh niên ra quân tấn công đồng cỏ, trả lại mầu xanh cho lúa ngô khoai sắn. Xây dựng lực lượng nòng cốt, thành lập các hội đoàn thể thanh niên, phụ nữ, nông dân, thiếu niên nhi đồng… Lúc bấy giờ cuộc sống vô vàn khó khăn. Ông động viên quần chúng nhân dân: “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Mỗi lần đi họp hành trên huyện, ghé nhà tôi thăm chơi, ông cười bảo với mẹ tôi: “Chị thấy cuộc sống mới dưới bầu trời cách mạng rộn ràng sôi động tươi vui quá, đúng không? Đấy chỉ là khúc dạo đầu mà thôi! Khi thiên đường xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc lan tỏa về, quê mình lúc nào cũng như ngày hội”. Anh trai tôi tò mò hỏi ông: “Bác đã ra miền Bắc tham quan lần nào chưa?”. Ông thật thà bảo: “Cả đời bác chỉ quanh quẩn ở làng Sơn Khê và làng Lâm Bình, thỉnh thoảng mới đeo xắt cốt lên huyện họp hành. Có điều, bác may mắn được nghe cấp trên kể về thiên đường xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc tuyệt vời lắm, dẫu có nằm mơ cũng không bao giờ nhìn thấy…”.
Hồi ấy, khi cuộc sống của mọi người mọi nhà tạm ổn định, cái ăn cái mặc không còn là nỗi lo canh cánh bên lòng, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp được triển khai thực hiện ở quê tôi. Ông Đoàng mừng vui đến mức nói cười luôn miệng. Ông bảo với mẹ tôi: “Thiên đường xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc sau bao năm chờ đợi, cuối cùng rồi cũng sẽ lan tỏa đến quê mình. Lúc đó, có kẻng báo đi làm, có kẻng báo nghỉ trưa, sướng nhé!”. Rồi ông nói như hát: “Dân có ruộng dập dìu hợp tác/ Lúa mượt đồng, ấm áp làng quê/ Chiêm mùa, cờ đỏ ven đê/ Sớm trưa tiếng trống đi về nông thôn”. Anh trai tôi và tôi không có diễm phúc được chứng kiến viễn cảnh huy hoàng đó. Chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra. Hai anh em tôi cùng với bao trai làng cầm súng lên đường bảo vệ Tổ quốc.
*
Năm 1985. Rời nước bạn Campuchia, tôi hồi hương sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế cao cả. Mô hình xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc lan tỏa đến quê tôi với kết quả không như mong đợi. Các hợp tác xã nông nghiệp làm ăn ngày càng lụn bại, rệu rã. Phương thức khoán mới vẫn chưa mang lại luồng sinh khí mới. Ông bác họ tôi chua chát bảo: “Ối dào! Hợp tác hợp te, không có miếng vải mà che cái l…”. Còn mẹ tôi thở hắt ra: “Làm chung ăn chạ nên chả ai có trách nhiệm với ruộng đồng, năng suất lúa đạt quá thấp, ngày công lao động chưa được vài lạng thóc lép. Tôi hỏi: “Bác Đoàng thỉnh thoảng có ghé nhà mình thăm chơi như mọi khi không mẹ?”. Nhả miếng trầu đang bỏm bẻm nhai ra cầm tay, mẹ tôi cười: “Lão ấy đâu có dám vác mặt đến đây nữa! Lão nói xạo quá. Thiên đường xã hội chủ nghĩa chả lẽ lại te tua thế này à?. Thấy tôi im lặng, mẹ tôi nói thêm: “Mà lão ấy không còn làm việc ở làng Sơn Khê. Nghe đâu lão ấy bây giờ làm Bí thư Chi bộ kiêm Chủ tịch xã Kỳ Tân, bận rộn suốt ngày, còn hơn cả hồi mới giải phóng”.
Lông bông một thời gian rồi tôi cũng xin được việc làm tại Phòng Văn hóa - thông tin huyện, đảm trách mảng tuyên truyền cổ động trực quan. Không ngờ nghề kẻ vẽ pa nô áp phích, treo dán khẩu hiệu, khuân vác máy móc, loa phóng thanh… phục vụ các sự kiện chính trị quan trọng, các dịp lễ lạt của địa phương khiến tôi thường xuyên có mặt ở cơ sở. Hẳn nhiên, xã Kỳ Tân là nơi chốn tôi ăn dầm nằm dề ở đấy. Và hẳn nhiên, ông Đoàng với tôi gặp nhau hoài. Ông không gọi tôi bằng cháu mà trịnh trọng gọi bằng “đồng chí”. Ông không nhắc đến thiên đường xã hội chủ nghĩa nữa. Ông bảo, hợp tác xã đang dần tan rã vì hai nguyên nhân chính. Một do khách quan. Và một do chủ quan. Đồng đất quê mình hầu hết là ruộng bậc thang, mùa nắng hạn không có nước tưới, cây lúa cấy xuống còi cọc như cây tăm hương. Xã viên hợp tác xã chưa mặn mà với việc làm ăn tập thể, thành ra mọi thứ cứ ông chẳng bà chuộc. “Tôi trăn trở nghĩ suy nát óc mới tìm ra hai nguyên nhân cơ bản đó”, ông nói, “Vấn đề đã được làm sáng tỏ, vì thế khắc phục không khó. Sắp tới đây, tôi sẽ họp bàn với chi bộ, với cán bộ quân dân chính, liều mạng mở hướng đi mới. Đồng chí cố gắng giúp địa phương. Bởi khâu tuyên truyền cổ động cực kỳ quan trọng”. Tôi tò mò hỏi về hướng đi mới, ông cười phẩy tay: “Nay mai, đồng chí sẽ biết ngay thôi mà!”.
Quả thật, tôi không phải chờ đợi lâu.
Sau Tết Nguyên đán Bính Dần - 1986, xã Kỳ Tân rầm rộ tổ chức lễ khởi công xây dựng công trình thủy lợi Khe Dốc tại làng Sơn Khê.
Làm nghề tuyên truyền cổ động trực quan nên tôi cùng đồng nghiệp có mặt ở đấy trước mấy ngày. Cánh đồng ruộng cạn dưới chân Khe Dốc rộng khoảng chục héc ta là địa điểm tổ chức lễ khởi công. Đông đảo nhân dân các làng Sơn Khê, Tân Thượng, Phú Gia, Đại Đồng, Thanh Lâm, An Lạc, Yên Hương… tập trung đứng ngay hàng thẳng lối theo đội hình. Lãnh đạo huyện, lãnh đạo các cơ quan ban ngành của huyện và các xã phụ cận cũng về dự lễ khởi công, an tọa nơi dãy bàn ghế kê phía trước khán đài. Băng rôn khẩu hiệu rợp trời. Cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới. Tôi cùng đồng nghiệp kiểm tra lại lần cuối dây nhợ, máy móc, micro… Tất cả đều vận hành tốt. Đúng tám giờ sáng, khi mặt trời vừa mới nhô lên bên sườn dãy Thạch Động Sơn, lễ khởi công xây dựng công trình thủy lợi Khe Dốc chính thức bắt đầu. Gã Trưởng ban Văn hóa - xã hội Kỳ Tân dẫn chương trình. Sau khi khái quát mục đích ý nghĩa công trình, giới thiệu các vị lãnh đạo, các vị đại biểu khách mời, gã trịnh trọng đọc: “Tiếp tục chương trình, kính mời đồng chí Văn Thùng Hàng, á quên, kính mời đồng chí Văn Đùng Đoàng, í lộn, kính mời đồng chí Văn… Văn Hùng Đoàng - Bí thư Chi bộ kiêm Chủ tịch xã Kỳ Tân, lên đọc diễn văn khai mạc. Xin trân trọng kính mời đồng chí…”. Không khí trang nghiêm bất chợt bị phá vỡ bởi tiếng cười hậc hậc khậc khậc do cố kìm nén trong cổ họng cứ vang lên từ đám đông. Những người an tọa ở những hàng ghế kê trước khán đài cũng lấy tay che miệng cười ha há…
Gã Trưởng ban Văn hóa - xã hội Kỳ Tân lui về phía sau cánh gà, mặt xanh như đít nhái, toàn thân run lẩy bẩy như lên cơn sốt. Ông Đoàng chẳng mấy quan tâm đến “sự cố” ấy, bước lên bục diễn giả toét miệng cười: “Tôi là Văn Hùng Đoàng. Cái tên khi đọc lên lưỡi phải uốn éo, miệng phải méo lại. Vì thế, nhiều người cứ gọi tôi là Văn Thùng Hàng, Văn Đùng Đoàng. Dù Văn gì đi nữa thì tôi vẫn là tôi!”. Ông lại toét miệng cười rồi e hèm dọn giọng đọc diễn văn khai mạc lễ khởi công xây dựng công trình thủy lợi Khe Dốc. Ông cắm cúi đọc một lèo là xong. Tiếp theo, lãnh đạo huyện phát biểu ý kiến chỉ đạo, đại diện nhân dân xã Kỳ Tân đọc quyết tâm thư chung sức đồng lòng xây dựng đập thủy lợi hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Cuối cùng là ba hồi trống lệnh vang lên bùm bùm. Đám đông túa ra với quang gánh, dao rựa cuốc xẻng xà beng… nối bước nhau tiến lên Khe Dốc. Họ tạo thành đoàn người dài dằng dặc vừa đi vừa nói cười rôm rả. Gã Trưởng ban Văn hóa - xã hội Kỳ Tân cầm micro hát chay bài hát “Con kênh ta đào” của nhạc sĩ Phạm Tuyên bằng giọng ồ ề khê nồng mùi rượu sắn: “Con kênh ta đào chưa có nước chảy qua/ Chỉ có nắng mùa hè nóng bỏng/ Mồ hôi muối lưng áo em bạc trắng/ Con kênh bây giờ chưa là con kênh xanh…”. Đội thanh niên xung kích cũng hòa nhịp theo: “Con kênh ta đào có em mà có anh/ Đông vui quá có rất nhiều đồng đội/ Ngày mai đây vào mùa gặt mới/ Em soi khuôn mặt hồng xuống dòng kênh xanh…”.
Không rành về việc xây dựng hồ đập thủy lợi nhưng tôi thấy chủ trương của xã Kỳ Tân hoàn toàn dựa theo cảm tính của ông Đoàng. Điều đáng sợ luôn là ông quá tự tin, nhiệt tình và... dũng cảm nữa!
Thời gian được tăng cường giúp địa phương trong công tác tuyên truyền cổ động trực quan càng khiến tôi thêm tự tin khẳng định rằng, nhận xét của mình là chân xác.
Rất đường đột bất ngờ, dãy Thạch Động Sơn - núi Hang Đá, chìa ra hai nhánh theo hình chữ V đâm thẳng xuống làng Sơn Khê với độ dốc khá lớn. Nhánh bên tả gọi là núi Gắm. Nhánh bên hữu gọi là núi Gấc. Dưới chân núi Gắm và núi Gấc là cánh đồng ruộng cạn khoảng chục héc ta và làng Sơn Khê với cả trăm nóc nhà nằm rải rác ven đồi. Ông Đoàng thấy núi Gắm và núi Gấc có chỗ thu hẹp lại như thắt nút cổ chai nên quyết định đắp đất chắn ngang xây đập thủy lợi. Không thăm dò địa chất. Không khảo sát địa hình địa vật. Cũng chẳng có hồ sơ thiết kế. Cứ tùy theo địa thế mà đào đắp. Ông Đoàng bảo với tôi: “Con suối Khe Dốc bị chặn lại tích nước, ước tính không dưới vài chục triệu mét khối. Với nguồn nước đó, mùa nắng hạn không những cung cấp cho đồng cạn dưới kia, mà còn thừa nước tưới cho đồng Cây Da, đồng Hố Trảu, đồng Gò Găng ở làng An Lạc, Thanh Lâm và Tân Thượng”. Tôi dè dặt trao đổi với ông về những suy nghĩ của mình. Ông vỗ vai tôi: “Này cháu, à quên, đồng chí! Mắc chi lại đi lo cho bò trắng răng? Hai mái núi dồn nước xuống suối Khe Dốc nhiều quá thì đã có đập tràn xả lũ. Nguy cơ vỡ đập sẽ không bao giờ xảy ra”. Tôi im lặng. “Đắp đập bổi, người ta dùng cọc tre, cành lá mà ngăn được dòng nước xiết dẫn thủy nhập điền. Người ta làm tạm bợ sơ sài nhưng nó vẫn chắc khừ”. Ông cười đầy lạc quan.
Xã Kỳ Tân trở thành lá cờ đầu của phong trào đắp đập xây hồ thủy lợi. Bởi sau khi dự lễ khởi công xây dựng công trình thủy lợi Khe Dốc, lãnh đạo huyện phát động phong trào đắp đập xây hồ ở khắp các xã. Chỉ trong một thời gian ngắn, toàn huyện có gần năm mươi hồ đập được khởi công. Có địa phương cùng một lúc làm ba hồ đập. Thị trấn Kỳ Bình cũng rầm rộ ra quân xây hồ Thơ ở làng Lâm Bình quê tôi. Cứ nơi nào có địa hình “sủng sủng ổ gà, sa sa bụng nhện, ba bên bốn bề núi non bao bọc”, nơi đó là địa điểm xây hồ đắp đập thủy lợi. Đội 202 đảm nhận khâu kỹ thuật đầm nện đất, tính toán khối lượng công việc hoàn thành quy ra ngày công lao động để sau này hợp tác xã nông nghiệp chi trả thóc lúa cho xã viên. Mọi chuyện do xã tự quyết, huyện chỉ hỗ trợ địa phương bằng cách mua nợ xi măng, sắt thép làm cống xả, xây đập tràn. Tôi vẫn còn nhớ, lúc bấy giờ cả vùng trung du nhấp nhô gò đồi là công trường thủy lợi với cơ man hồ đập lớn nhỏ được xây dựng. Ở đâu cũng tưng bừng khí thế lao động hăng say. Ở đâu cũng giăng đầy khẩu hiệu: “Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”. Ở đâu cũng rộn ràng tiếng hát lời ca: Con kênh ta đào, Gửi nắng cho em, Trên công trường rộn tiếng ca… Ông Đoàng trở thành “người hùng” của quê tôi trong thời bình. Bởi ông là người “phát kiến và triển khai thực hiện hướng đi mới” để rồi cả huyện học tập noi theo. Ông nheo mắt bảo với tôi: “Ở đời, nhiều lúc cần phải liều mạng mới thay đổi được tình thế. Có đúng vậy không, đồng chí?”.
Tập trung huy động nhân lực vật lực cho công trình trọng điểm, sau gần hai năm xây dựng, đập Khe Dốc đã cơ bản hoàn thành. Thân đê đắp bằng đất sét nện cao mười lăm mét, dài ngót nghét bảy mươi mét, gắn chặt với hai vai núi mỏng lét. Chân đê rộng chín mét, mặt đê rộng ba mét. Cống xả, đập tràn do những người thợ hồ có tay nghề cao ở địa phương thi công theo sự hướng dẫn giám sát trực tiếp của ông Đoàng. Phần việc còn lại là đào đắp hệ thống kênh mương dẫn nước về các cánh đồng Cây Da, Hố Trảu, Gò Găng… Những trận mưa dạo đầu của mùa mưa năm ấy giúp đập Khe Dốc nhanh chóng tích đầy nước. Ông Đoàng dẫn tôi lên đỉnh Thạch Động Sơn để nhìn ngắm toàn cảnh đập thủy lợi. Tôi nói: “Trông giống hệt chiếc gương trời khổng lồ ở lưng chừng núi”. Ông Đoàng hỏi: “Đồng chí coi kỹ nó còn giống cái gì nữa?”. Tôi chưa kịp phát hiện nó còn giống cái gì thì ông Đoàng cười thành tiếng: “Năm ngách nước ăn sâu vào núi ngó nó y chang bàn tay xòe vẫy chào trời xanh”. Tôi không khỏi ngỡ ngàng ngạc nhiên với phát hiện thú vị của ông. Tin đập Khe Dốc tích nước đẹp như tranh vẽ nhanh chóng lan ra khắp nơi. Lãnh đạo huyện, lãnh đạo các cơ quan ban ngành của huyện, lãnh đạo các xã… kéo về làng Sơn Khê tham quan chiêm ngưỡng đập Khe Dốc. Ông Đoàng sướng rơn người, nói cười luôn miệng. Ai cũng thúc giục ông làm lễ khánh thành thật hoành tráng và tổ chức liên hoan một bữa ra trò. Ông bảo: “Tích nước xem sao rồi phải xả. Qua hai mươi ba tháng mười âm lịch mới tích nước lại. Ra giêng, trời hanh hao nắng ráo, lúc đó tổ chức lễ khánh thành mới hợp tình hợp lý”.
Ý định của ông Đoàng đã không trở thành hiện thực. Mùa mưa năm ấy lụt lớn. Mưa tầm tã xối xả suốt ba ngày ba đêm. Cống xả tháo van. Đập tràn rộng mở. Nước từ ba bên bốn bề dồn xuống, thoát không kịp nên lòng đập nước cứ duềnh lên. Đến sáng ngày thứ ba, dân làng Sơn Khê nghe ầm một tiếng âm âm như sấm đất, nhìn ra cánh đồng cạn phía trước, mọi người thấy nước đục ngầu dâng cao. “Vỡ đập Khe Dốc rồi!”. “Bà con ơi! Vỡ đập Khe Dốc rồi… Chạy mau…”. Những tiếng kêu la thất thanh vang lên trong màn mưa trắng xóa đất trời. Người dân có nhà cửa ven cánh đồng cạn vội vàng dắt díu nhau lánh nạn ở những nhà cao hơn. Cơn lụt lội đi qua, cả khu vực rộng lớn dưới chân Khe Dốc bị tàn phá tan hoang. Con đê dài gắn chặt vào hai vai núi bị nước xé toang, mất dạng. Cánh đồng cạn hóa thành sân bóng đá khổng lồ được san lấp bằng đất sét. Ông Đoàng đứng chết lặng trước cảnh tượng hãi hùng rùng rợn. Ông khóc không thành tiếng. Lãnh đạo huyện đến tận nơi mục sở thị chỉ biết thở dài. Tác hại của việc làm thủy lợi dựa theo cảm tính chủ quan đã gây ra hậu quả khôn lường. Huyện đã phải nhận lãnh quả đắng khi các công trình thủy lợi ở khắp nơi lần lượt bục vỡ, chỉ còn lại mươi hồ đập mà thôi.
Trôi theo con nước đầy vơi nhưng công trình thủy lợi nối hai bờ núi Gắm và núi Gấc vẫn gắn liền với tên tuổi người đứng đầu xã Kỳ Tân: Ông Đoàng “Khe Dốc”! Và cái tên ấy trở thành “chết danh” đối với ông.
*
Lông bông làm gã nhân viên quèn kẻ vẽ pa nô, áp phích, treo dán khẩu hiệu tuyên truyền cổ động trực quan một thời gian dài rồi tôi chuyển sang làm báo. Lúc bấy giờ cơ chế bao cấp đã… hết thời, đất nước đổi mới, mở cửa. Tôi rời quê ra phố thị công tác. Ngoảnh đi ngoảnh lại đã mấy chục năm trôi qua. Và bây giờ về thăm quê, nghe ông bác họ cho biết ông Đoàng “Khe Dốc” đã qua đời, tôi thẫn thờ nhớ người của một thời… Tối hôm ấy, cậu em tôi bảo: “Đêm nay trời có trăng, em sang làng Sơn Khê viếng hương ông Đoàng “Khe Dốc”. Anh có đi không?”. Tôi nói: “Sao lại không? Ông ấy là chỗ thân tình với gia đình mình từ thời chiến tranh…”. Em tôi thở dài nói thêm: "Dù sao, ông ấy cũng là một người tốt. Nghe nói, trước khi chết ông ấy có than thở rằng "Giá như mình được "hy sinh" trong thời chiến thì tốt biết bao!".
----------
Bài viết cùng chuyên mục: