Như thường lệ, khi hữu sự ông Vương lên tịnh xá Padme Asram thăm tịnh nhân Bất Vô. Theo thói quen, ông ra ngoài vườn sau ngồi dưới gốc cây sala. Ngồi chờ chừng năm phút, có gì động đậy dưới bụi cây bạc hà. Con rùa đen bóng có ánh tím như một viên đá Onyx cắn nhẹ vào gấu quần ông. Ông vuốt đầu nó, lấy trong túi ra một quả xoài keo chín. Ông đang nhìn con rùa ăn xoài, thì cô Bất Vô bảo, đưa ấm đây. Ông thò tay vào túi xách, lấy ấm đưa cho cô. Cô cho trà nhài vào ấm rồi châm nước nóng từ bình thủy. Cô đưa ấm cho ông, miệng bảo, phi tưởng phi phi tưởng à.
Minh hoạ Đỗ Dũng |
Ông Vương nhận được tin nhắn trên facebook. Nhiều tin chúc mừng và lời đề nghị. Ông sờ vào cái ấm quả vả thấy bớt nóng. Ông đưa vòi ấm vào miệng tu. Ông có thói quen uống trà từ vòi ấm như thế từ lúc còn trẻ. Cái ấm bằng sứ gan gà thường thế thôi nhưng nó có lịch sử thăng trầm, cái quý là nó theo ông từ lúc mới học uống trà, qua bao biến thiên lịch sử đến tuổi đã xế chiều. Cách ông uống trà từ vòi làm bao nhiêu người lạ thắc mắc. Ông không bao giờ giải thích, người quen bảo đấy là một thái độ hiện sinh.
Ông nhìn hai con chim, một bằng vàng, một bằng bạc đuổi nhau liên tục. Bông hoa bằng vàng đính những viên đá quý nhiều màu cứ nở ra rồi khép lại theo chu kì một tiếng. Kim đồng hồ nhích từng giây, luôn chỉ vào điểm Now. Tất cả nằm trong chiếc lồng chim bằng vàng có nhiều hoa văn cổ kim, cầu kì nhưng trang nhã. Tác phẩm này do tự tay ông chế tác, vừa đoạt giải đặc biệt ở một cuộc thi kim hoàn quốc tế. Báo chí thông tấn đưa tin, tạp chí kim hoàn khen ngợi, thậm chí một số tạp chí triết học có bài viết review.
Facebook từ cô Kim Tomboy ở Mỹ nhấp nháy, anh nhất định để cho em, bảo tàng kim hoàn tư nhân của em phải có nó, nó là vưu vật, bao nhiêu cũng được. Anh Tùng đại gia nhắn, ông hoàng kia thấy nó thì mê tít, bảo sẵn sàng đổi nửa mỏ ngọc lục bảo. Con trai và con dâu ông trong bữa cơm thì bảo, ba nhất định giữ cho cháu đích tôn. Riêng bà Vân, vợ ông chả nói gì.
Người ta hay gọi ông là Vương tiên sinh. Ông họ Vương. Mấy bạn hàn lâm của ông qua cơn biến thiên của lịch sử, cay đắng bảo rằng, vương hoàng thất thế cũng đi ăn mày tất. Ông chưa phải đi ăn mày, nhưng từ một học giả lừng danh, thành anh bán hàng lạc xong, thằng ve chai, rồi làm thợ kim hoàn. Giờ người ta gọi ông là nghệ nhân tài hoa. Cái tên mĩ miều ở chót lưỡi đầu môi, nhưng bản chất đâu thay đổi, danh khả danh phi thường danh.
Ông lấy bằng thạc sĩ ở Pháp, ngành triết học, chuyên về triết học hiện sinh. Khi về nước, ông chuyên giảng về đạo gia, hai đại diện là Lão Tử và Trang Tử. Ông tiên phong đạo cốt, tính tình điềm đạm, bải bui. Ông để tóc quá ót, quần loe, đeo kính cận gọng đồi mồi, áo sát người ngực lép. Ông giảng triết không khô khan, mà có văn có hoa. Course ông dạy sinh viên khoa khác đến nghe chật ních, những trí thức yêu thích sự khôn ngoan đến dự thính ngồi đầy cả hành lang. Nhập môn ông đều nói, triết học là cầm cây búa chẻ sợi tóc làm tư, triết gia là người yêu thích sự khôn ngoan, tức chưa khôn ngoan nhé. Ông dịch câu nói thành tiếng Anh, nói bằng giọng mũi kiểu Pháp, thính giả người Việt và ngoại quốc cười lăn lộn.
Trong đám fan của ông có cô Vân hiện sinh, cô Kim Tomboy, cô Bất Vô. Cô Vân học văn khoa, tóc dài sợi nhỏ bay bay, luôn mặc áo dài cotton có in hoa nhỏ, đeo ngọc bích ở tai, ở tay, ở cổ, đi đứng khoan thai, tiếng ngọc leng keng. Nhà cô Vân bán vàng ở ngoài mặt phố. Cô Kim Tomboy cắt tóc ngắn, áo phông bó sát ghi chữ “everything will be ok”, quần loe quá cỡ, đeo thắt lưng to bản, bông tai kim loại tròn to, mười bốn vòng siemen bằng thủy tinh sặc sỡ mua của mấy người Chà. Ban ngày cô học kinh tế, tối cuối tuần hát kích động nhạc ở sân khấu ngoài trời. Cô Bất Vô lớn tuổi nhất, đã đi làm ở bộ ngoại giao. Cô Bất Vô da ngăm bánh mật, mặt dài, mắt đẹp như mắt bò cái. Cô có cha là thương nhân buôn vải người Ấn, theo đạo Bà la môn, hay đi chùa Bà gần chợ Bến Thành.
Họ thích những buổi trà chiều. Khi thành phố vừa dịu nắng, mọi người bắt đầu lấy lại năng lượng sau cái nắng oi làm cơ thể kiệt sức. Họ không uống trà mà chọn một quán snack bar. Quán vắng chỉ lác đác vài anh lính G.Is trắng, đen, nâu, mấy công chức trốn việc, phóng viên nước ngoài đưa tin chiến tranh không có gì làm. Họ gọi món quen thuộc Saigon Tea, giá đắt tiền, pha chế giản dị bằng cách nhỏ mấy giọt whisky vào trà đá. Mấy cô tiếp viên quần áo thiếu vải, uể oải, mắt thâm mệt mỏi luôn hỏi cô Kim, một không, một double nhé, tức là gấp đôi lượng whisky. Một không cho cô Bất Vô. Một double cho cô Kim. Những câu chuyện của anh lính G.Is là buồn đời, phả khói thuốc Kent mua từ cửa hàng PX, ôm cô tiếp viên khóc nức nở như trẻ con, chắc từ hậu quả của cơn sảng thuốc. Ba người nói chuyện âm nhạc, văn chương, phản chiến, Lão Tử, Hegel, Krisnamurti, Jean Paul Sartre, Albert Camus, nem Thủ Đức, chè Nhà Bè.
Hết buổi trà chiều, họ đi bộ từ ngã tư quốc tế lên chợ Cũ để kiếm sách như thường lệ. Qua cửa hàng ăn, đám lính mặc áo hoa rừng đang uống bia lạnh với rùa luộc chấm muối chanh. Một thằng nhỏ phụ bếp mang con rùa cho khách xem, bảo hiếm lắm, ngon đấy. Thằng nhỏ mang con rùa từ rìa đường vào bếp, luýnh quýnh thế nào đụng phải cô Bất Vô, con rùa văng vào người ông Vương, cắn chặt lấy gấu quần, gỡ thế nào cũng không buông ra. Mấy anh lính cười hô hô, bảo rùa cắn rồi, đợi khi nào trời nổ sấm.
Vương tiên sinh được mời đi giảng khắp nơi, không khí học thuật khi đó rất sôi nổi. Ở chiến trường là súng đạn, mũ sắt, giày đinh, păng-sô cơm sấy, thây người, máu me, chửi thề. Ở thành phố là các vị cổ đức, Khổng, Lão, Trang, Cồ Đàm, Nietzsche, Sigmund Freud, Carl Jung... Ở chiến hào là chân bị què, vuốt mặt be bét máu, lặng lẽ bấm cò. Ở giảng đường cao giọng nói cây súng là phức cảm của dương vật.
Tiên sinh giảng ở Đài Loan, mọi người rất tán dương, khen ngợi ông là chuyên gia hàng đầu về Lão Tử. Ông bảo đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh là câu đầu, nhưng phủ nhận toàn bộ nội dung sau, đạo vốn bất khả thuyết, thuyết đạo thành phi đạo, đạo là tâm truyền tâm, bất đắc dĩ trả phí vượt biên ở Hàm Cốc quan mà viết năm nghìn chữ. Bậc thánh nhân ít viết sách. Ngôn từ là ngón tay chỉ trăng, chấp vào ngón tay là không đúng ý cổ nhân, ý tại ngôn ngoại.
Cô Kim Tomboy có tình ý với thầy Vương. Cô Kim giới thiệu mấy anh họ áo nhiều bông mai cho cô Vân. Cô Vân lắc vòng ngọc, bảo mấy anh ấy cocky lắm, thở dài, thời gì toàn Từ Hải với Thúy Kiều, khi có điều kiện là hạt giống libido nảy mầm như nấm sau mưa. Cô Kim bảo mai hậu mấy ảnh lên tướng, làm bà tướng, nhất đĩ nhì sư tam cha tứ tướng, hàng tứ bảo thiên hạ.
Biết cô Vân yêu thầy Vương thì cô Kim nhường liền. Ba mẹ thầy Vương biết cô là con cháu tiểu thư Hàng Bạc di cư thì ưng ngay. Cô Vân hiện sinh thành Vương phu nhân.
Ngày đứt phim, thầy Vương đang giảng bên Đài Loan. Lúc này cô Vân vừa có thai một tháng. Thầy không trốn lại mà tìm mọi cách quay về. Khi cầm ấm trà quả vả gan gà trở về, thầy thấy cô Vân bình yên vô sự ngồi đan vớ trẻ con. Cô Vân bảo, em, cô Bất Vô và gia đình Kim chạy ra bến Bạch Đằng, mỗi người xách một can nước, riêng cô Bất Vô ôm con rùa đen, mọi người xô nhau lên tàu, nhiều người té sông. Em chả biết mình đang làm gì, miệng khô đắng thèm đá me, em trao can nhựa nước cho Kim rồi lặng lẽ đi về.
Bao vàng bạc tự nguyện đưa cho người ta cả. Nhà Vân chuyển qua bán thuốc lào và bột sắn dây. Em trai Vân được vào làm ở công ty xuất nhập khẩu vàng bạc đá quý. Vân làm thủ thư ở thư viện.
Thầy Vương mất dạy, thầy hay nói đùa thế. Người ta sống sao mình sống vậy. Hai vợ chồng một đứa con trai nhỏ lo gì.
Thầy Vương giờ bán sách chợ trời. Sách mấy năm gom góp, sách của bạn bè thành hàng hóa. Những Zarathustra đã nói như thế, Kant, David Hume, Trang Tử, Khổng Tử... vô vi đứng đường cho người ta lựa chọn. Khách hàng có anh Tùng bắc, cán bộ giảng dạy ở trường đại học hay ghé mua. Anh ngạc nhiên bảo, ở đây họ nghiên cứu Mark à. Sao tôi đọc Đạo đức kinh mãi mà không hiểu gì, học giả Nguyễn Hiến Lê giải thích tôi càng rối thêm. Thầy Vương bảo, học tư tưởng phải đồng tâm với người viết, biết cách họ suy nghĩ thế nào sẽ thông. Đừng dựa vào ngôn ngữ, vì ngôn ngữ 2500 năm thành tử ngữ. Cái chính là biết được bí mật của sự tồn tại. Anh Tùng hỏi bí mật gì, thầy Vương bảo bí mật thì không ai biết, đã biết sao còn là bí mật.
Họ thành hai người bạn thân. Ngồi ở vỉa hè uống cà phê đá, hút thuốc Sông Cầu, anh Tùng hỏi một vấn đề chưa biết, rồi đắc ý khi nghe thầy Vương giải thích.
Bán hết sách, thầy Vương ở nhà chơi. Em trai cô Vân, cậu Sơn thấy anh rể thất nghiệp thì chỉ kế làm ăn. Trong xưởng chế tác kim hoàn của cậu Sơn có nhiều heo. Heo là vàng cám bay ra từ chế tác vàng bạc, đậu trên sàn, trên tường. Người mua heo trải chiếu hứng bụi vàng bạc, đến định kì lấy chiếu về, còn lấy giẻ lau chùi khắp nơi, đem đi đốt thành tro, dùng axit và hóa chất khác chiết lấy kim loại, phân kim. Từ đống rác thu được những cục vàng, bạc lấp lánh.
Thầy Vương học nghề của bạn, lại mua sách hóa học nghiên cứu thêm. Nghề chẳng phụ người, cũng khá hơn nhiều nghề khác.
Được mấy năm, thầy Vương nếm mùi cần lao, người gầy rộc đi, khó thở. Đi khám bệnh bị thủng mũi và viêm phổi cấp. Hơi axit ăn mòn cơ thể thầy. Thầy buộc lòng phải bỏ nghề.
Thấy trong xóm nhiều người làm thợ bạc cũng có ăn. Thợ Hà Nội, thợ Thái Bình, thợ gốc Hoa, thợ lai Miên, gốc Ấn luôn tay xì lửa, đập búa. Từ những miếng kim loại, hiện lên chim chóc, hoa lá, thần Phật, bồ tát, chúa Giêsu, bất động Minh Vương, thập giá... Thầy học nghề rất nhanh. Đầu tiên là sửa đồ, sau là chế tác những thứ đơn giản.
Thầy vừa dũa một cái kiềng vàng bông mai cho một quý bà. Bả bảo nhất sinh đê thủ bái mai hoa. Từ tuyết sương mà bừng lên tinh khôi, kiên cường bất diệt. Mà năm bông nhé, ngũ phúc lâm môn. Thầy thầm nghĩ, ngũ dục thế gian sắc danh tài thụy thực thì sao. Bả a lên một tiếng, sáu bông nhé, sáu là lục là lộc, ai chả thích lộc. Thầy nhìn những bụi vàng bay ra lơ lửng, lục trần, sắc thanh hương vị xúc pháp. Quý bà vẫn vân vi, hay tám nhỉ, tám là phát, phát thì sinh sôi nảy nở. Thầy trầm ngâm, bảy thì tái ông thất mã cũng hay. Quý bà ô lên, chín là cửu, trường cửu còn gì hay bằng, bảy tám là thất bát, chốt chín. Thầy mở kính cận lau, bảo tôi làm hẳn mười bông hoa mai vàng rời ra, hôm nào thích cầu gì, xỏ vào đeo đúng từng nấy bông. Bả gật gù khen là cao kiến.
Thầy nghĩ thầm, tồn tại tự nó không có nghĩa cũng không vô nghĩa, con người nghĩ ra thôi. Ở đời con người chấp tướng. Thầy vừa xi một cây thánh giá bạc có hình chúa Giêsu chịu nạn từ xám xịt thành bạch kim lấp lánh, vừa nghĩ con người tự treo lên thập giá, thì còn cầu xin ai, chỉ tự mình thấu triệt lí lẽ thì tự gỡ xuống thôi, mà có thánh giá nào đâu, hiểu biết thì mọi ràng buộc biến mất như mộng như huyễn.
Thầy khá đông khách. Vì hàng làm đẹp. Vàng bạc đúng cân, đúng tuổi. Hay thầy có vía tốt, lây cái tiên phong đạo cốt mà người ta đeo trang sức được may.
Nhưng có khi vừa làm nghề vừa chảy nước mắt. Ấy là làm cái kiềng bằng sắt cho đứa con trai thầy. Cái thằng nó lớn trong xóm lao động nhộn nhạo, hay giao du với đám nghiện. Cô Vân sợ con nghiện ngập thì khổ, cô kiếm mua bằng được cái cùm của người tử tù, rồi bảo thầy Vương rèn thành cái kiềng tay có hai chữ Hán, Minh Tâm. Minh Tâm là tên nó, tên người là tiếng gọi dịu dàng nhất, cũng như một kẻ thái nhân cách bị gọi tên thì trở về tự tánh trong sáng. Cũng kĩ thuật đó, người có gì ám muội hay giấu giếm hay dùng bí danh hoặc tên giả. Khi dùng tên giả, họ như biến thành một nhân cách khác.
Cậu Sơn, làm ở công ty vàng bạc xuất khẩu, bán riêng cho mấy doanh nhân ngoại quốc phía Bắc mấy trăm lượng vàng, cả vàng công ty lẫn của riêng. Người ta lừa không trả tiền, bị tù tội, phải bồi thường thân bại danh liệt. Ra tù thành nửa tỉnh nửa mê. Cô Vân kiếm chỗ người ta đúc chuông chùa, thỉnh lấy đồng thừa ở diềm chuông, về nhà pha thêm với bạc, làm thành cái kiềng tay có chạm bảy bông sen, tượng trưng cho bảy vía, ngõ hầu cho cậu đeo mà hoàn hồn.
Thầy cứ làm nghề, nghĩ về giải mã biểu tượng của Carl Jung mà cười buồn. Cuộc đời mà lí trí quá thành càn tuệ, vô cảm, mà tha thiết cuộc sống, yêu thương quá thì thành si mê. Duy lí sao cho hợp lí, ngay từ duy lí bắt đầu từ ratio tức là tỉ lệ, phải dùng đúng sao cân bằng giữa tình cảm và lí trí.
Nhật nguyệt vẫn luân phiên mà soi sáng thế gian. Cuộc sống có thay đổi nếu nhìn những tiện nghi vật chất bên ngoài, nhưng nhìn sâu thẳm vào bản chất con người vẫn thế. Con người như con lắc, lúc bên trái, lúc bên phải, không bao giờ ở điểm cân bằng, do biến thiên cuộc sống lúc duy lí lúc duy cảm thái quá.
Thầy nghĩ, nếu cảm xúc là con voi, thì lí trí là người cưỡi voi. Cười cho các triết gia, các nhà tâm lí học lắm lời khi họ nói ra bản chất con người, lột trần con người ra không hề nể nang. Nhiều khi muốn phủ nhận họ, nhưng nghĩ lại họ vẫn đúng. Có người còn cương quyết, những thí nghiệm tâm lí với chuột đều đúng với con người. Nhiều người bảo bị xúc phạm, lí luận bảo người không phải chuột.
Thầy vẫn mải miết làm chiếc lồng chim vàng. Những viên đá quý thầy gom góp được, tự tay mài, đánh bóng để nạm trang trí. Chiếc lồng chim có những nan như phạm võng, hai con chim vàng bạc ngày đêm cứ đuổi nhau. Bông hoa vàng vô thường vẫn nở vẫn tàn. Thời gian vẫn trôi, để lại dấu vết trên gương mặt người. Có thật có thời gian không, hay quá khứ chỉ là kí ức, tương lai là tưởng tượng. Chiếc đồng hồ, luôn chỉ Now, bây giờ.
Thầy đưa cái vòi ấm trà lên miệng, giật mình vì bỏng môi. Cô Vân lên than phiền, cái thằng tay to vào chọn mấy charm bạc mà nó cuỗm đi mấy cái. Thằng nói được tiếng Nga, hay dẫn mấy khách Liên Xô vào các cửa hàng kim hoàn ăn hoa hồng ấy. Mà kể gì nó, mấy đứa hay chạy xe sport giật dây chuyền của khách, rồi bán rẻ cho mấy cửa hàng kia. Vật chất không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi, chỉ từ người này sang người khác. Hôm nay ngọc ở trong ta, đến mai mất ngọc lại ra tay người.
Con nhỏ chuyên cặp bồ với mấy ông Tây, dù quyến người ta mua vàng cho, tí quay lại bán lỗ mười phần trăm, nó thành con dâu thầy Vương. Thằng Minh Tâm không học hành nổi, làm kim hoàn không có hoa tay, nên nó chọn nghề cưa và khoan vòng cẩm thạch. Hai vợ chồng thầy Vương phản đối không xong, đồng ý không đặng, nhưng cũng phải chấp nhận. Con cái là của tự nhiên, thông qua mình mà sinh ra. Hạnh phúc của nó là của nó, tai họa của nó mới là của mình. Thằng Minh Tâm lấy vợ thì chí thú mài cẩm thạch, không đi vũ trường nhảy nhót, đua xe nữa, mới một năm đã có con. Thầy Vương nghĩ, thoạt nhìn, đời sống tha nhân như là của người khác, nhưng nhìn kĩ, nó cũng là cuộc sống của mình, kiếp trước kiếp sau cùng đồng hiện ở thực tại, đó là tồn tại bất nhị chăng.
Cô Kim ở Mỹ, làm nail một thời gian thì giàu, chuyển sang kinh doanh vàng bạc đá quý, mở bảo tàng kim hoàn tư nhân. Cô điện thoại cho cô Vân nhất định mua bằng được chiếc lồng chim vàng để trưng bày. Anh Tùng từ giảng viên, qua làm ngoại giao, rồi thành doanh nhân kinh doanh gỗ giàu có ở châu Phi. Anh bảo đá quý, kim cương bên này thiếu gì. Nhưng dân chúng vẫn nghèo khổ, đằng sau vẻ lấp lánh của món trang sức triệu đô đắt tiền tại cửa hàng sang trọng ở Paris là nô lệ lao động ở mỏ kim cương, ngọc lục bảo, tranh chấp bằng súng đạn liên miên.
Anh Tùng bảo có việc nhờ thầy giúp gấp. Chả là ở Angola anh có nhận gán nợ của một doanh nhân Hoa Kiều một miếng đất, ở trên đó đã có sẵn một ngôi chùa mới xây. Điều đó làm anh suy nghĩ, có phải đó là kì duyên. Có gì đó trong vũ trụ này mà anh không biết chăng. Một trí thức như anh, gánh nặng nhất là tri thức. Anh mua nhiều kinh sách, gặp gỡ nhiều đạo sư ở khắp thế giới, nhưng anh vẫn nghi nghi hoặc hoặc, lòng không lúc nào được yên. Hạnh nguyện là muốn tìm ai nhờ trụ trì chùa và dạy đạo. Thầy Vương nói, để hỏi cô Bất Vô, rồi cho facebook của cô ấy.
Thầy Vương uống đến ấm trà thứ tư, tư lự. Bông hoa vàng vẫn nở rồi khép trong chiếc lồng chim. Lão Tử nói vì có quý nên có tiện, xiển dương cái quý khiến người ta tranh đoạt. Nếu nhìn tất cả vạn vật là đồng, mọi người vô vi, yên vui thái bình. Nhưng người ta hình dáng khác nhau, trí tuệ khác nhau, vô thức con người ai cũng muốn mình hơn người, bằng cách nâng mình lên hoặc đạp người khác xuống.
Thầy Vương mơ màng, khò lửa thật mạnh, cho lửa lên 1200 độ, rồi phun vào cái lồng chim vàng. Chiếc lồng nhão ra, nan lồng co giãn. Hai con chim chao đảo, rồi dừng lại. Bông hoa vàng khép lại rồi xẹp xuống vĩnh viễn. Đồng hồ dừng lại ở điểm Now. Trong chớp mắt, cái lồng vàng lấp lánh sinh động chỉ còn là đống sắt nóng hổi và những viên đá xám ngoét lổn nhổn trong tro bụi.
Thầy Vương thì thầm, nhận thức là một quá trình phủ nhận.
Vương tiên sinh chợt tỉnh, khi thằng cháu đích tôn gọi ông ơi.
Hóa ra là một cơn mộng huyễn.
Tác phẩm kim hoàn vẫn đặt trong tủ ngay ngắn. Hai con chim vàng bạc vẫn đuổi nhau, hoa vàng vô thường vẫn nở. Kim đồng hồ vẫn chỉ Now.
Ông bế thằng cháu xuống phố chơi. Nó bi bô, ông ơi ngoài kia bán hoa cúc màu lam, đẹp lắm, ông cho cháu đi xem nhé.
Facebook từ điện thoại báo cô Bất Vô nhắn tin, cô báo sẽ đi châu Phi, nếu người ta cho con rùa đi máy bay.
Vương tiên sinh im lặng, mắt nheo nheo nhìn những bông cúc màu xanh kì lạ.
Vũ Văn Song Toàn | Báo Văn nghệ
---------
Bài viết cùng chuyên mục: