Diễn đàn lý luận

Người đàn bà mất ngủ

Tác phẩm và dư luận
07:47 | 27/09/2021
Tôi không bỏ công tìm hiểu những tiểu xảo hình thức của tập thơ mà viết về những ý tưởng ẩn chứa trong những bài thơ của Hạnh, viết theo cảm thụ riêng của mình như một bài tùy bút.
aa

Tôi không bỏ công tìm hiểu những tiểu xảo hình thức của tập thơ mà viết về những ý tưởng ẩn chứa trong những bài thơ của Hạnh, viết theo cảm thụ riêng của mình như một bài tùy bút.

Trong tập bản thảo Hạnh gửi cho tôi mười lăm năm trước, tôi xin được trình ra đây một vài bài để người đọc có thêm hình dung về sáng tác thơ buổi đầu của Hạnh.

Bài Những tờ lịch của em, viết năm 2001, lúc Hạnh 14 tuổi:

Những tờ lịch trên tường em không bao giờ

dám bỏ,

Em cất vào ngăn kéo những ngày tháng đã mất

Rồi anh đến

Anh xé nát từng tờ

Em tuyệt vọng thấy tháng ngày chảy máu

Nhưng em không muốn rời xa anh không muốn

chạm tay vào đổ vỡ

Hạnh phúc bình yên như biển lặng gió về đêm

Như từng khoảnh khắc

Người sẽ chết

Sẽ đi qua đời như chưa từng sống

Em đã nhìn thấy tháng năm để sợ hãi trước mình

Trước anh

Và tình yêu là thẳm sâu cay đắng…

Mười bốn tuổi mà đã có những cảm nhận về thân phận đàn bà và tình yêu như vây, rất lạ! Với cách viết mở dần theo tâm trạng suy tư rất riêng, bài thơ hé lộ một hứa hẹn trên con đường đến với thơ ca của Hạnh.

Bài Phúc phận, viết 5-1-2003, lúc Hạnh 16 tuổi:

Hồn làm phúc để tội thơ

Đưa tay nâng dậy nào ngờ ngã đau

Đắng cay bầm dập miếng trầu

Ngày xưa hỏi đến mai sau ngậm ngùi

Nhớ khôn nguôi một cõi người

Dò sông tìm ngọc dò đời tìm duyên

Yêu từ bi oán yêu lên

Yêu từ phúc phận, yêu liền thương đau

Cửa đóng then có cài đâu

Có mong trải chiếu cho nhau thì vào

Cô bé 16 tuổi đã dự cảm đến với thơ là một “phúc phận”, nhưng “hồn làm phúc để tội thơ”, và tự than – ai là người chia sẻ niềm riêng ấy! “Cửa đóng then có cài đâu/ Có mong trải chiếu cho nhau thì vào”, những câu thơ được viết theo thể lục bát quen thuộc chứa đầy nỗi niềm thân phận làm ta chạnh lòng.

Năm 2017, Di chữ - tập thơ đầu tay của Hạnh đã gây chú ý rộng rãi. Hạnh viết lời tựa:

“Ta đi giặt áo thơ

Mặc mới một mùa chữ”

Và “tôi đã trở lại với thơ, như một định mệnh, sau nhiều năm tháng buông bỏ, bởi mặc cảm thi sĩ là kẻ thường chung sống với những gãy đổ”. Hạnh nói rành rõ nhận thức về thơ, sống chết với thơ, phải đổi mới cho thơ. Thơ Hạnh đã nâng lên tầm triết lý.

Bài Trong nỗi đau rùng rợn, từ hiện tượng “con sâu bò trên cánh huệ”, bài thơ đặt ra câu hỏi: “phải chăng sự trong sáng không thể nào bao bọc”, và “em lặng thinh/ bấm một cung đàn”, rồi “sự buốt lạnh từ cánh huệ truyền sang/ nhuộm trắng mái tóc/ em thay nước của bình hoa/ những con sâu không biến mất”, viết đến thế thì ma quái, rợn người. Cuối bài thơ “hoa huệ trắng vẫn là hoa huệ trắng… hương thơm không làm quên lãng/ những con sâu trên cánh hoa”. Đấy là một triết lý.

Đúng là một cây bút trẻ, rất trẻ, đầy hứa hẹn.

Bốn năm sau, năm 2021, Văn học vết thâm - tập thơ thứ hai mở ra một lối thơ cách tân đặc sắc trong hàng ngũ thơ trẻ hiện nay.

Bài Những nguyên âm sấm rền:

“tôi thả cho cánh tay của mình trôi đi, kìa nó đang bơi qua sông Hồng duỗi dài trên dòng Trường Giang rồi lại đùa vui với đám rêu dưới lòng Seine nó sẽ gõ nhịp ngón tay trong quán cà phê Adagio và hẳn nhiên sẽ hứng những giọt nước mưa trên cầu Mirabeau trần truồng không đeo bất cứ loại trang sức nào và im lặng lau bụi cho những cuốn sách sẽ lượm hài cốt Hải Tử trên đường ray hoặc viết thư tình cho Từ Chí Ma chẳng hạn à và nó sẽ quay lại với thân thể tôi trước lúc trời sáng chứ không phải trước mười hai giờ đồng hồ Lọ Lem điểm miễn là có tiếng gà gáy”

Bài thơ mang sắc thái siêu thực và quái dị nhưng không làm ta ngại ngần mà kéo ta qua nhiều không gian, cuối cùng “cánh tay” vẫn trở về với thân thể của chính mình. Bài thơ mở ra nhiều liên tưởng, nhiều cánh cửa thật sự sáng sủa, lan tràn tiếng gà gọi nắng ban mai.

Vậy là thơ Hạnh tiến triển từ cá nhân đến cuộc đời, từ quê hương đất nước ra thế giới và nhân loại, từ truyền thống đến hiện đại và luôn giữ vững “thơ là tự sự của/về thân phận con người”. Hình thức thơ thay đổi từ thơ vần quen thuộc đến thơ văn xuôi, chữ nối nhau không chấm câu, không viết hoa đầu dòng, xếp chữ theo hình vẽ…vv tạo ra một ấn tượng mới mẻ và cá tính.

***

Người đàn bà mất ngủ ấy tự nhận là người cầm bút: “bầu ngực ở Zen/ đôi mắt Bréton/ rốn của mặt trăng”, là “người nữ huyền thoại”, “linh nghiệm”, “không gương mặt”, “không hiện diện”, là “người nữ Đan Thiềm/ mất ngủ đêm đêm”. Vậy là nàng mắc bệnh Đan Thiềm – nhân vật trong vở Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng. Đó phải chăng là căn bệnh yêu trọng cái đẹp của kẻ giai nhân tài tử. Cầm bút chính là để khai phóng, bảo vệ cái đẹp trong đời sống và nghệ thuật. Bài thơ ẩn giấu nỗi lo về cái đẹp bị khuất lấp trong tình trạng thế giới “mê sảng”.

Người đàn bà ấy cởi mở những vẻ đẹp của mình, vẽ ra niềm tin về sự bất tử của cái đẹp, rồi nàng tự vấn “Hồn ơi, em gầy quá!” và tự nhủ chỉ còn cách tựa vào chính mình thôi. Thế là “từ ngữ nằm trong vỏ kén/ cựa quậy”, “những từ/ nở thành bươm bướm”. Thơ – những bài thơ sinh ra trong giấc mộng (Trang tử) và nàng “hát/ những ngọn đồi”, “tắm nước ca dao/ thân thể thơm mát”, “lấy thịt da/ đắp vào lỗ thủng trang trắng”. Nàng tìm đến với thơ, một cõi bao bọc đời sống, hơi thở của mình.

Người đàn bà ấy mất ngủ còn bởi “những điều nhảm nhí” và bao nhiêu cái xấu, cái ác ngoài đời vây bủa muốn xóa “gương mặt chữ” của nàng. Nhưng trong sự bất ổn ấy, nàng vẫn tìm ra đường về. “Mẹ vẫn mở to hai hố mắt/ mở mãi/ tìm tôi trong đêm/ và tôi/ nhảy qua hai hố sâu đó/ để tìm đường về nhà”. Chính từ dằng dặc những đêm mất ngủ ấy đã khiến nàng có những bài thơ quái lạ, dụ dỗ ta và làm ta mất ngủ theo.

Hãy thử đọc một vài bài như thế.

Bài Đàn bà là một lối thơ xếp chữ đọc từ trên xuống, từ phải qua trái, như bài thơ treo lên theo kiểu câu đối: “ Ở đây cát bụi đàn bà/ Ở đây sương khói trồi ra máu đào/ Chảy từ ngực lép thân đau/ Bàn tay bấu nát thanh tao trên người/ Đêm qua ân ái giữa trời/ Mà nghe chim nhỏ hót lời biệt ly/ Đêm qua hồn vía ra đi/ Bao nhiêu cái chết đầm đìa trên môi”.

Bài Bẻ xương sườn, một lối thơ xếp câu nằm trên một dòng ngang, bốn cụm từ nối vào nhau, chữ thu nhỏ dần. bên cạnh vẽ hình con cá nằm trên đĩa, những thìa, dao, móng chĩa vào nó. Bài thơ là ẩn dụ về thân phận những người phụ nữ bị coi như một trò chơi, trò ăn nhậu: “Nàng đã chuồi khỏi/ thân thể anh/ như một con cá/ đào ngũ khỏi chiếc đĩa”.

Bài Diễn ngôn vạch trần lối sống giả, nói giả, bẻm mép:

“Tôi thả xuống đại dương cái lưỡi của anh

Nó vẫn sống và bơi được”

Bài thơ có tiêu đề là một Hán tự: (mục=mắt)

“Tôi nhìn thấy anh chui qua

những song sắt

chậm rãi

ôm tôi

hôn

nhấc một mùa đông vào miệng tôi lạnh cóng và

những chiếc răng của tôi tan ra như những bông tuyết”

Bài thơ gợi ra bao nhiêu liên tưởng tình yêu, hạnh phúc và nỗi đau.

Thơ Hạnh có rất nhiều bài buộc mắt ta phải găm vào chữ, miệng phải đọc lên, trán phải nhăn lại suy ngẫm… hiểu… không hiểu được… chỉ còn có thể cảm nhận. Rất nhiều từ, cụm từ, hình ảnh quái lạ làm ta cau mày, càng nghĩ càng rơi vào bí mật, khiến ta nhập đồng, ấn tượng không dứt ra được.

Hầu hết thơ trong tập Văn học vết thâm là những bài thơ như thế. Bài Viếng Tử Hạ:

“...Những câu thơ – muốn – quẳng – đi – không – được – ôi!

Kiếpthơtriềnmiên”

Lý Hạ là một nhà thơ thiên tài đời Đường được mệnh danh “quỷ thi”. Ông mất lúc còn rất trẻ, 26 tuổi. Thúy Hạnh chia sẻ với Lý Hạ, tỏ lòng thương tiếc cho một biệt tài, cho “kiếp thơ triền miên”. Bài thơ là một tiếng thở dài.

Người đàn bà mất ngủ còn mang dằng dặc một nỗi buồn tình yêu, tình yêu ở cái thời “mê sảng”, cái thời nhan nhản những cuộc tình “yêu nhau bằng mắt”, “yêu nhau bằng tóc”, “yêu nhau như bụi yêu dấu chân như lông ngỗng yêu vết máu”, nghĩa là yêu thân xác, thấp hèn, mưu đồ... Trong thực trạng như thế, nàng lại mắc bệnh Đan Thiềm, thì ôi, gỡ sao được mối sầu.

Thế là phải chấp nhận “sách phủ lên anh/ tấm chăn chữ/ bụi phủ lên anh/ phù phiếm thở/ em phủ lên anh/ một đoạn trường trăng/ trăng phủ thân anh/ mười lăm năm”. Một nỗi đau thầm, trong sạch, cao khiết bao trùm, thấm đẫm qua mỗi câu thơ: “Căn phòng trăng non/ mưa rụng đầy tháng tám”, nhưng dẫu “chết một mùa xuân/ chết một hồn nhiên/ chết một em-anh”, vẫn không chết tình yêu và khát vọng: “vẫn còn khóc trên những trang giấy trắng... dù linh hồn anh như ngói vỡ như bức tường loét lở/ vẫn còn một góc riêng cho em ngồi thở/ sau một nghìn cây số buồn đau”.

Xuyên suốt tập thơ, thấy như vừa là nỗi riêng của cá nhân, vừa mở ra nhiều liên tưởng về đời sống thiên nhiên, con người. Văn học vết thâm mới nghe tưởng là tập sách lý luận phê bình, mở ra và đọc thì đây là một tập thơ mang đậm tính nhân văn. Siêu thực mà rất hiện thực. Vừa gần trước mắt mà lại rất huyền ảo, vừa truyền thống vừa hiện đại, vừa ra đi vừa trở về, cách tân mà vẫn giữ gốc của “Cây đời”.

Tháng 7-2021

Nguồn Văn nghệ số 39/2021


Dấu mốc trên hành trình tiểu thuyết

Dấu mốc trên hành trình tiểu thuyết

Baovanghe.vn - Tấn kịch ở Hạ Lỗi là tiểu thuyết thứ 6 trên hành trình tiểu thuyết của Nguyễn Nhuận Hồng Phương. Thiên truyện bắt đầu bằng cuộc hồi hương nhọc nhằn và bất đắc dĩ của thông phán Trịnh Huệ và cậu con trai Trịnh Hạ mới 7 tuổi đầu của ông.
Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Baovannghe.vn - Tối ngày 19.9.2024 Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức lễ trao Tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT năm 2023, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội)
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.