Diễn đàn lý luận

Người lính trong trường ca Thu Bồn và Thanh Thảo

Lý luận phê bình
07:52 | 19/05/2023
Đã là một cuộc chiến tranh, tất nhiên nhân vật trung tâm phải là người lính. Tuy nhiên, các thế hệ anh hùng ca và trường ca trước đó ít tập trung phản ánh tập thể “quần chúng lính” mà tập trung ở những nhân vật cá nhân anh hùng. Đều xuất thân từ lính nên các tác giả trường ca sau 1975 đều đã phản ánh rất thành công đời sống, tâm tư, tình cảm, tư tưởng của người lính trong và sau chiến tranh
aa

Đã là một cuộc chiến tranh, tất nhiên nhân vật trung tâm phải là người lính. Tuy nhiên, các thế hệ anh hùng ca và trường ca trước đó ít tập trung phản ánh tập thể “quần chúng lính” mà tập trung ở những nhân vật cá nhân anh hùng. Đều xuất thân từ lính nên các tác giả trường ca sau 1975 đều đã phản ánh rất thành công đời sống, tâm tư, tình cảm, tư tưởng của người lính trong và sau chiến tranh.

Tuy nhiên, không phản ánh đơn giản bằng những khoảnh khắc xúc cảm như hình ảnh người lính trong thơ; trường ca, với lợi thế của yếu tố tự sự và độ dài cho phép, đã phản ánh người lính ở nhiều góc độ khác nhau, đặc biệt là chất bi ca trong từng số phận cụ thể nhằm làm toát lên cái tinh thần chính mang tính sử thi bi hùng. Thu Bồn và Thanh Thảo là hai nhà thơ thế hệ thơ chống Mỹ viết nhiều trường ca nhất trong thơ ca Việt Nam (Thu Bồn 8 trường ca, và Thanh Thảo 14 trường ca). Bằng thế mạnh của nội dung cốt truyện, Thu Bồn, trong Bài ca chim chơ rao đã miêu tả những bi thương mà người chiến sĩ gánh chịu trong cuộc đấu tranh một mất một còn với kẻ thù:

Tên quan hét lính dùng búa sắt/ Đập gãy mấy chiếc răng còn lại của Rin/ Rin đứng lên mấy lần ngã xuống/ Tên quan đắc chí trễ môi cười/ Bỗng Rin chồm lên chiếc ghế/ Nhổ vào ảnh Diệm bãi máu tươi (Bài ca chim chơ rao - Thu Bồn).

Rõ ràng nếu đặt đoạn thơ này vào một bài thơ trữ tình thì nhất định sẽ không đủ dung lượng để Thu Bồn thể hiện hết những cực hình tra tấn mà kẻ thù mang đến. Toàn bộ trường ca kể lại rất nhiều những trường đoạn bi thương của những người dân miền núi trong vòng vây trói buộc của phong kiến, thực dân, đặc biệt là mối bi tình của Y Rin và Mai Sao. Hoàn cảnh đẩy xô cùng với sự giác ngộ, họ đã trở thành hai người chiến sĩ, chiến đấu ngoan cường và cùng gặp nhau trong nhà tù thực dân, đế quốc. Hoàn cảnh hội ngộ khá bi thương trong mối nghi ngờ của Rin đối với Sao, nhưng cũng là một khúc tình ca tráng lệ: “Giữa tàn phá âm u bừng cháy/ Tình yêu vẫn nở giữa thương đau” (Bài ca chim chơ rao - Thu Bồn). Trường đoạn cao trào của trường ca chính là giờ phút hai chiến sĩ Hùng, Rin bước ra pháp trường; giờ phút kẻ thù đốt lên ngọn lửa thiêu cũng là lúc hai ngọn lửa thiêng anh hùng rực cháy, soi sáng cả một vùng rừng núi Tây Nguyên, soi sáng cả một miền Nam đang chiến đấu. Người nữ chiến sĩ trong Chim vàng chốt lửa được Thu Bồn chắt chiu dồn hết cả tình thương yêu xây dựng nên như một đóa hoa tươi trong bầu trời đạn lửa. Cái đẹp của phái yếu xưa nay vốn lạ xa với chốn ba quân, vậy mà trước sự kêu đòi của lịch sử, sự tàn bạo của quân thù, đôi bàn tay nhỏ nhắn yêu thương đã “vẫy” nên tín hiệu và làm ra “sấm chớp”; đôi hàm răng trắng nõn tiếng cười trở thành chìa khóa khai thông những cơn bão dữ, đôi làn môi chín mọng yêu thương giờ cũng đang “tóe máu” giữa chiến trường:

Hàm răng đẹp xinh em cắn từng chốt bão/ máu tóe làn môi/ bàn tay em tung sấm chớp xuống chân đồi (Chim vàng chốt lửa - Thu Bồn).

Thơ Thu Bồn vốn rậm rạp, vạm vỡ như những cánh rừng già đại ngàn; vốn dữ dội, trào tuôn như dòng thác xiết; nên bi ca của Thu Bồn cũng đầy âm vang sử thi như thể hùng ca. Nước mắt, máu, mồ hôi hòa lẫn tiếng cười kiêu ngạo làm nên một “cõi Thu Bồn”. Cuộc chiến càng dữ dội, ác liệt, trường ca Thu Bồn càng tạo nên những phức điệu đầy bi tráng. Đứng giữa đồi núi đất badan lộng gió hòa bình, cô gái Tây Nguyên ngậm ngùi nhớ lại:

Chúng tôi chôn anh/ không có chiếu có giường/ chỗ anh nằm rơi một giọt sương/ một bông hoa nở muộn/ chảy qua mộ anh có bài ca sông Đuống/ giải khát nghìn đời cho tuổi trẻ chúng tôi (Badan khát – Thu Bồn).

Chỗ nằm cuối cùng của người lính âm thầm và có phần âm u, lạnh lẽo “không chiếu, không giường”, nhưng có “một giọt suơng” rơi nhẹ xuống, “một bông hoa” dù “nở muộn”, một bài ca “sông Đuống” quê hương vọng đến... đã xua tan cái bi ca âm u, “giải khát” nỗi đau nghìn đời cho muôn thế hệ. Ngày mới lên đường đánh Pháp, Hữu Loan vì giữa bước đường hành quân mà nhớ thương những nỗi đau tư riêng nên bị cho là “tội lỗi”, giờ thì Thu Bồn tung ngập cả nỗi nhớ thương, trằn trọc, suy tư vào ngay từng trận đánh để biến nhớ thương thành sức mạnh dội lửa căm hờn xuống đầu giặc. “Trận nhớ” càng dài thì “trận đánh” càng dữ dội, đánh cho “đỡ mỏi nỗi nhớ em”:

Chỉ có trận đánh là nơi tôi được nghỉ ngơi cho đỡ mỏi nỗi nhớ em, trận nhớ dài lê thê qua sa mạc có cây xương rồng tôi trồng trong ký ức (Người vắt sữa bầu trời – Thu Bồn).

Trong cuộc chiến tranh giúp nhân dân Campuchia diệt trừ bọn diệt chủng, người lính tình nguyện Việt Nam cũng được Thu Bồn khắc họa khá đầy đủ trong một tầm nhìn rộng lớn mang tầm quốc tế; nhưng, dù đã làm nên thắng lợi huy hoàng, giải thoát cả một dân tộc khổ đau, Thu Bồn vẫn không “lớn tiếng” ngợi ca vinh quang, mà tự giấu cái vinh quang ngay chính trong lòng những câu chữ bi thương: tấm vải trắng tinh gói tròn giấc ngủ/ đưa anh về đất mẹ bình yên/ anh gối đầu lên Châu Đốc Tân Biên/ sông Vàm Cỏ quanh năm xanh mát (Campuchia hi vọng – Thu Bồn).

Vượt lên cái “cũ mèm” của những “tráng ca” về người lính thường gặp, Thanh Thảo đã tìm nẻo đi riêng cho thơ mình bằng cách nói thật hết, phơi trần hết những “cái - trần - trụi - lính” từ hành động đến nghĩ suy: “thế hệ chúng tôi không chỉ sống bằng kỉ niệm/ không dựa dẫm những hào quang có sẵn” (Một người lính nói về thế hệ mình – Thanh Thảo). Cần lưu ý, đây là những câu thơ Thanh Thảo viết vào thời điểm năm 1972. Và cứ thế, dù trải qua hoạn nạn văn chương ban đầu, ông vẫn đi trọn và làm trọn những bài thơ, những trường ca “kiểu lính”. Những số phận bi hùng được Thanh Thảo khắc họa khá đa dạng. Từ những người “nghĩa quân Cần Giuộc” thời kỳ đầu chống Pháp: “họ lấm láp sình lầy bước vào thơ Đồ Chiểu” (Những nghĩa sĩ Cần Giuộc – Thanh Thảo). Chính sự hi sinh cao cả của những “chiến hữu” mình mà cụ Đồ đã “nhìn thấy đường đi ngòi bút mình” để tạc hình ảnh người lính vô danh vào một áng văn chương bất hủ. Đó còn là những người du kích Ba Tơ dám làm cuộc quật cường ngay trong nhà tù an trí. Họ vô danh, tuổi tên chỉ được đánh bằng số áo: “bầu trời rách tả tơi chiếc áo độc nhất/ chiếc áo in số tù dính chặt vào da” (Bùng nổ của mùa xuân – Thanh Thảo). Từ trong bóng tối bi thương của nhà tù thực dân, họ âm thầm nhóm lửa. Và ngày 11/3/1945, kiếp nổ đã châm ngòi, từ tù nhân họ trở thành người lính vùng lên với sức mạnh căm thù bao nhiêu năm ngục tù tăm tối. Tập trung cao nhất vẫn là những người lính Trường Sơn đánh Mỹ. Cũng là cuộc chia tay như bao cuộc chia tay để những đứa con thân yêu lên đường vào Nam đánh giặc, nhưng gắn cuộc chia tay cụ thể ở cái đêm cuối cùng của tình mẹ con; gắn tuổi trẻ với cuộc đời, gắn cuộc đời với chiếc áo mẹ trao cho, khiến những dòng chia tay này chứa bên trong một sức mạnh nghệ thuật ghê gớm. Từ chuyện cỏn con của “chiếc áo” hôm người lính chia tay, Thanh Thảo đã khái quát được bản chất ác liệt, bi tráng của một giai đoạn lịch sử lớn, chứa chất bên trong cả âm vang của một thời đại lớn bằng câu thơ khái quát đến nao lòng: “những năm - một chiếc áo có thể sống lâu hơn một cuộc đời”. Cuộc đời “chiếc áo” vốn đã quá “ngắn” theo cái nhịp thơ hối hả: “dính chặt vào thân - bạc màu - ngắn nhanh - rồi rách”, vậy mà “sống lâu hơn một cuộc đời” của người mặc nó thì rõ ràng Thanh Thảo đã lột tả hết được sức khốc liệt của một cuộc chiến tranh mang tầm thời đại. Họ đã ra đi, chiến đấu “không tiếc đời mình” điều này thật dễ tìm gặp trong trường ca và thơ chống Mỹ nói chung, nhưng cái cách nói “không tiếc” của Thanh Thảo vẫn cứ lạ lẫm mà sâu sắc:

chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/(nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc)/ nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc/ cỏ sắc mà ấm quá phải không em? (Những người đi tới biển – Thanh Thảo).

Đó là anh Sáu Như “người xã đội trưởng không bằng cấp/ ngay tên mình anh viết cũng chẳng xuôi”, là anh Tư Tròn “có thể bất thần leo tuốt ngọn trâm/ mắt bao hết cuộc càn của giặc”, là anh Ba Tốt - người thương binh “dấu chân gỗ tròn hằn trên đất phù sa/ những con dấu lặng”, là Tám Hùng “màu mắt đen dồn hết cho ánh sáng”, còn là... “bao nhiêu các anh các chị”- “những người tôi quen biết/ những người tôi chưa một lần gặp mặt/ mỗi cuộc đời như quyển sách mở ra/ không tài nào ta đọc xong trang chót” (Những người đi tới biển – Thanh Thảo)... Miêu tả sự hi sinh âm thầm của người lính bằng hình ảnh những “chiếc võng mục” khiến ta vừa cảm thấy rờn rợn vừa thấm thía đến bề sâu tận cùng của ý nghĩa hi sinh: “những chiếc võng mục giữa rừng nguyên thủy/ còn ôm bạn ta cơn sốt rét cuối cùng” (Những người đi tới biển – Thanh Thảo). Và đây là một người lính điên trên Trường Sơn năm ấy. Dám đưa vào trường ca “sử thi anh hùng” tâm trạng một người lính bị tâm thần để tìm cho ra chân lý mang tính triết luận giản đơn về lính, chứng tỏ bản lĩnh sử thi Thanh Thảo:

Đi dọc Trường Sơn gặp nhiều người bị tâm thần,... Những người tốt, dù lúc bị điên, hoàn toàn không làm chủ được mình, vẫn còn những biểu hiện của lòng tốt. Nó là cái gì sâu xa, dai dẳng hơn ta tưởng (Khối vuông rubich – Thanh Thảo). Cứ thế cái “bi”, cái “hùng” đầy chất lính cứ đan xen, quyện chặt lấy nhau trong suốt trường ca Thanh Thảo.

Người lính sau chiến tranh trở về với đời sống hòa bình vẫn chưa thật sự được nghỉ ngơi đúng nghĩa, họ lại tiếp tục lên đường đến những vùng đất hoang vu khai phá để dựng xây đất nước. Ở đó họ lại tiếp tục viết những trang sử mới:

1976 - đứa bé ra đời/ trong tiếng nổ phá mìn/ hàng sư đoàn đi vỡ đất/ cờ đuôi nheo đánh dấu lại những cánh đồng (Badan khát – Thu Bồn).

Tuy nhiên, cuộc sống khó khăn đang đặt ra những vấn đề mới buộc người lính phải trăn trở nghĩ suy. Vui với niềm vui hồi sinh, xây dựng đó, nhưng hình như niềm vui chưa trọn, vẫn nghe trong thơ thoảng đôi chút ngậm ngùi: “Con trở lại túp lều xưa của mẹ qua bao năm cỏ dại mọc đầy” (Người vắt sữa bầu trời – Thu Bồn). Họ lặng người đi khi hay tin vết thương thời chiến đã hành hạ và nhẫn tâm hạ sát đồng đội mình ngay giữa thời bình: “Anh không về để kịp ngắm em lần cuối, lời trối trăn em gửi lại cỏ cây” (Người vắt sữa bầu trời – Thu Bồn). Trường ca viết về thời bình đã giảm nhiều chất sử thi hùng tráng, nhưng lại trăn trở lo toan những vấn đề to tát của giai đoạn lịch sử mới bằng những chiêm nghiệm sâu sắc và bình tĩnh hơn. Đó là đời thường của những đồng đội thương binh đem sức lực còn lại của mình góp phần mang lại cho đời niềm vui cùng những ước mơ:

Người bạn tôi đã mất một cánh tay/ vùi trong lòng địa đạo/ mà địa đạo cũng không tìm thấy nữa/ đã mười năm.../ anh bây giờ thành một giáo viên/ lên lớp cho các em về quả đất tròn/ quả đất không phút giây ngừng nghỉ (Trẻ con ở Sơn Mỹ - Thanh Thảo).

Các tác giả trường ca đều là “những người trong cuộc bi hùng”, với tư cách và trách nhiệm một người lính làm thơ, giữa thời bình, họ cũng bắt đầu xác định cho thơ mình những nhiệm vụ mới để kịp thời bắt nhịp với bao lo toan, vật vã thời bình:

ta lột hết những ngữ ngôn bóng bẩy, những áo xống triều thần trong những tụng ca, khám sức khỏe toàn năng cho những bài thơ mới, những bài thơ trẻ trung cởi áo trước mặt trời làm nghĩa vụ công dân (Người vắt sữa bầu trời – Thu Bồn).

Không còn chấp nhận sự xuôi chiều do chung một dòng lý tưởng của thơ ca thời chiến, những người lính làm thơ lao vào một khám phá mới để theo kịp nhu cầu phản ánh cuộc sống thời bình đa chiều kích và cũng để nhìn lại cái đã qua bằng cái nhìn sâu xa hơn:

Câu thơ hay không phải mục đích bài thơ, như một năm sống không phải mục đích cả đời người... Cảm giác về cái đẹp thường gắn liền với cảm giác nuối tiếc, nó hướng ta nhìn lại cái đã qua bằng cái nhìn sâu xa hơn (Khối vuông rubich – Thanh Thảo). Chỉ cần nhìn thoáng qua hình thức thể hiện của hai đoạn thơ trên, ta đã thấy cái chất thơ lính thời bình cũng đã có rất nhiều chuyển đổi.

Như vậy, người lính hiện lên trong trường ca Thu Bồn và Thanh Thảo với rất nhiều số phận khác nhau. Tuy nhiên, người lính trong trường ca Thu Bồn dù đã được miêu tả đúng bản chất hơn, đúng chất lính hơn với tất cả tính cách bi hùng của từng số phận so với thơ ca trước đó. Mặc dù vậy, người lính trong trường ca Thu Bồn vẫn chuẩn mực và lý tưởng hơn. Còn lính trong trường ca Thanh Thảo, chất lý tưởng lại được thể hiện một cách trần trụi, có “tính cách đặc trưng thế hệ” với độ lắng của những suy nghĩ, trở trăn; không mang những nét tính cách chung chung về hình tượng người chiến sĩ cách mạng ta thường gặp trong thơ.

Mai Bá Ấn

Nguồn Văn nghệ số 20/2023


Chàm. Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân

Chàm. Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân

Baovannghe.vn - Gần đây, người ta lấy thuốc hậu sản cho phụ nữ rất nhiều. Ngoạn thấy bố gọi chứng trầm cảm sau sinh là hậu sản. Bố nói, tất cả những căn bệnh của phụ nữ sau sinh đều nguy hiểm đối với không chỉ người mẹ, đứa con mà còn đối với cả cuộc hôn nhân.
Đá chín - Truyện ngắn dự thi của Phan Đình Minh

Đá chín - Truyện ngắn dự thi của Phan Đình Minh

Baovannghe.vn - Định mệnh không phải thứ Thượng đế trao sẵn mà tiềm ẩn từ khối óc và bàn tay chăm chỉ. Điều công chính, rành rọt là Rũng Xầu muốn tận hưởng đủ đầy thành quả giấc mơ Đá chín một cách hiện hữu thì gã phải trung thực trên mọi chặng đường đời có vay có trả.
Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2025

Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2025

Baovannghe.vn- Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo quy chế tuyển sinh đại học thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non.
Bản tin Văn nghệ ngày 24/11/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 24/11/2024

Baovannghe.vn - Di sản Tư liệu của UNESCO “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế”
Dốc mây. Truyện ngắn của Lê Hà Ngân

Dốc mây. Truyện ngắn của Lê Hà Ngân

Baovannghe.vn - Nghe con trai khuyên nhủ bà thấy yên tâm ngồi dậy ăn cơm cùng thằng con. Thằng bé buồn buồn gắp thức ăn cho mẹ, nhưng lại quay đi gạt nước mắt