Diễn đàn lý luận

Người viết thơ trẻ hôm nay với việc định hình phong cách

Lý luận phê bình
08:50 | 22/04/2023
Cách đây hơn 70 năm, sự xuất hiện ồ ạt của thế hệ các nhà thơ trẻ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và sau đó là lớp nhà thơ trưởng thành trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ đã tạo một tiếng vang lớn trên văn đàn. Chiến tranh qua đi, đất nước thanh bình và trên đà phát triển, những tưởng giới trẻ (với vô vàn những sự lựa chọn tốt nhất) sẽ không còn tha thiết với thơ ca nữa, những tưởng cái thời mà các nhà thơ “xung phong” trên mặt trận văn nghệ để “dàn hàng gánh đất nước trên vai” (Bằng Việt) sẽ vĩnh viễn nằm lại quá khứ cùng khói lửa chiến chinh…
aa

MỘT CÁI NHÌN CHUNG

Cách đây hơn 70 năm, sự xuất hiện ồ ạt của thế hệ các nhà thơ trẻ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và sau đó là lớp nhà thơ trưởng thành trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ đã tạo một tiếng vang lớn trên văn đàn. Chiến tranh qua đi, đất nước thanh bình và trên đà phát triển, những tưởng giới trẻ (với vô vàn những sự lựa chọn tốt nhất) sẽ không còn tha thiết với thơ ca nữa, những tưởng cái thời mà các nhà thơ “xung phong” trên mặt trận văn nghệ để “dàn hàng gánh đất nước trên vai” (Bằng Việt) sẽ vĩnh viễn nằm lại quá khứ cùng khói lửa chiến chinh… Nhưng không, vào thế kỷ XXI, một lần nữa sự góp mặt của những người viết thơ (đặc biệt là người viết trẻ) đã góp phần khuấy động nền văn học Việt Nam, làm sống dậy cái không khí thơ của những năm 1945-1975. Bên cạnh những nhà thơ nổi tiếng, vốn đã để lại dấu ấn trên thi đàn, những người viết thơ trẻ hôm nay cũng đang nhiệt huyết và nỗ lực trong việc định hình phong cách sáng tác, hứa hẹn sẽ có những bước đi thật chắc chắn và lâu dài trên con đường thơ ca đã chọn.

Tọa đàm văn học tại Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần X (Đà Nẵng tháng 6/2022)

Văn học bao giờ cũng là mảnh đất hấp dẫn con người. “Nhà văn”, “nhà thơ” - những danh xưng ấy thời đại nào trở nên cao quý. Đến với thơ ca, nhiều người viết trẻ có tình yêu thực sự và khát vọng chân chính không đặt nặng vấn đề danh xưng, với họ, là thi sĩ hay là gì cũng không quan trọng. Họ chỉ cần miệt mài sáng tạo, từng ngày từng giờ đi tìm phong cách và khẳng định bản ngã, điều đó cần thiết hơn nhiều. Cứ như thế, một lớp người viết thơ trẻ đã bước vào mảnh đất văn chương đương đại, trải nghiệm thơ và và cất cao tiếng nói từ trong sâu thẳm tâm hồn mình. Trong Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần X diễn ra tại Đà Nẵng (tháng 6/2022), trong 119 đại biểu được bầu chọn là cây bút trẻ, đã có 46 người thuộc chuyên ngành thơ. Họ có tác phẩm được đăng đàn từ lâu, trên các tờ báo, tạp chí văn nghệ từ Trung ương đến địa phương, thậm chí nhiều tác giả có thơ in thành sách (in chung hoặc in riêng), đoạt nhiều giải thưởng trong sáng tác. Mặc dù là cây bút trẻ, song đọc thơ của những người viết này, ta dễ dàng bắt gặp sự đa dạng trong phong cách sáng tác của họ. Thái độ nghiêm túc trong sáng tạo nghệ thuật và sự chăm chỉ như “con ong biến trăm hoa thành một mật” (Chế Lan Viên) của người viết trẻ đã đem lại những thành quả đáng kể.

SỰ ĐA DẠNG TRONG

PHONG CÁCH SÁNG TÁC

Phong cách - ấy là “dạng vân chữ” của từng nhà thơ (theo cách gọi của nhà thơ Lê Đạt), hiểu nôm na là chất riêng, màu sắc riêng của mỗi tác giả, không lặp lại với bất kỳ ai, cũng không trộn lẫn khiến người viết trở nên mờ nhoè giữa khu rừng văn nghệ. Quá trình hình thành phong cách diễn ra khá lâu dài, không phải một ngày một bữa, có khi kéo dài đến cuối cuộc đời người cầm bút. Để có được phong cách riêng, đòi hỏi người viết phải đọc nhiều, trải nghiệm nhiều, tích luỹ vốn sống, tri thức, nghiêm túc và nỗ lực hết mình trong sáng tạo nghệ thuật.

Nói tất cả những người viết thơ trẻ trong thời đại hôm nay đều có phong cách riêng, hoặc 46 người trẻ chuyên ngành thơ tham gia Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần X là 46 màu sắc nghệ thuật khác nhau, chắc chắn là thiển cận. Bởi thời đại nào cũng thế, có vàng thì cũng có cát, còn tất cả đều lấp lánh sắc vàng là điều khó có thể xảy ra. Giữa bối cảnh “nhà thơ” mọc lên như nấm sau mưa, có vẻ như danh xưng “nhà thơ” ngày càng hấp dẫn hơn đối với một số người, chất lượng tác phẩm đi ngược lại với sự ca tụng, tâng bốc trên các diễn đàn hay các phương tiện truyền thông, vẫn có những người âm thầm tự mình mài ngọc thô để trở thành ngọc sáng. Vì suy cho cùng, cái để người viết trụ được trên mảnh đất văn chương vẫn là tác phẩm và ẩn sâu trong đó là phong cách riêng của họ mà thôi.

Như một bức tranh được ghép nối từ nhiều mảng màu, mỗi một người viết trẻ xuất hiện là một gam màu khác nhau khiến cho diện mạo văn học nói chung và thơ ca nói riêng trở nên phong phú, độc đáo hơn. Trong lãnh địa thơ ca của những người viết trẻ hôm nay, có những người viết định hình phong cách mộc mạc, đậm đà yếu tố dân gian, cũng có người viết chuộng phong cách hiện đại, thậm chí là bứt phá, nổi loạn, trong thơ có vô vàn những ẩn dụ, có sự sắp xếp bằng phẳng cũng có sự xáo trộn ngổn ngang. Một dòng thơ mang vẻ đẹp “chân quê” mà cội nguồn sâu xa là ca dao, dân ca ra đời từ thuở ban đầu của đất nước, sau được nối tiếp bởi Nguyễn Bính, Huy Cận, Tố Hữu… và mạch nguồn ấy cứ chảy hoài đến tận ngày hôm nay. Giữa thời buổi hội nhập văn hoá, trong thơ ca, các tác giả nhiệt tình đưa thơ vào quỹ đạo chung của văn học nhân loại; lại có những người viết lặng lẽ tìm về thửa ruộng, nếp nhà, bến nước, con đò, cây đa, đình làng, về cách nói bóng gió, tình tứ như lối hò đối đáp, hò mái đẩy mái nhì, như câu hát huê tình của người lao động. Theo mạch nguồn này, người viết ưu ái cho thể thơ lục bát (truyền thống hoặc biến thể) hơn những thể thơ hiện đại khác. Có thể tìm gặp điều đó trong thơ của Huỳnh Ngọc Tuyết Cương, Nguyễn Đức Hưng, Lê Đình Tiến… - đều là những đại biểu xuất sắc của Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc năm ngoái. Dù viết về đề tài nào và lựa chọn thể thơ nào, Huỳnh Ngọc Tuyết Cương (Đồng Nai) cũng chú trọng đến vần, nhịp trong thơ, khác với sự phá vỡ đặc trưng vần điệu của số đông những người viết thơ trẻ. Thơ anh đậm đà màu sắc dân gian, nhẹ nhàng đi vào lòng người bởi những hình ảnh thân quen và giọng điệu trữ tình đằm thắm: “Tôi về lỡ nhịp trăng rằm/ Tháng tư mắc võng ve nằm hát rong/ Nhà cao điểm bức tranh đồng/ Hương cơm ủ bởi tấm lòng mưa sa/ Đường giờ nhựa ấm câu ca/ Gió rong chơi vẫn thiết tha cánh diều” (Điền dã). Nguyễn Đức Hưng (Kon Tum) cũng tâm đắc với thể thơ lục bát. Thơ anh cũng nhẹ nhàng như lời ru, êm đềm như cổ tích, khơi nhắc những tình cảm đẹp đẽ, trong sáng và sâu nặng về quê hương, gia đình, về những người thân thuộc: “Lũ về bạc trắng mái đầu/ Mắt người đỏ đáu u sầu xót xa/ Nước mưa nước mắt nhạt nhoà/ Nhìn bao công của trôi ra muôn trùng/ Người không bạc bẽo với rừng/ Rừng cao suối thẳm không ngừng chở che/ Lũ đi lắng nhịp tim nghe/ Quê hương là Mẹ chở che một đời” (Lũ về)…

Nhiều người viết trẻ đã tạo nên tính thẩm mỹ cho thơ từ sự xáo trộn có dụng ý trong cấu trúc, hình tượng thơ ẩn dụ sáng tạo, tứ thơ “lạ hoá”, khác hẳn với lối viết truyền thống. Những trăn trở của người cầm bút về giá trị của chữ nghĩa đã được Lưu Minh Hải (Quảng Bình) gói ghém trong hình thức thơ tự do, với lối vắt dòng bất ngờ, độc đáo, hình ảnh táo bạo mà có sức gợi sâu xa: “Thỉnh thoảng ngủ mê/ Tiếng kinh cầu vọng ra từ sách/ Từ lũ chữ bị cầm tù/ Chen chúc/ Rũ rượi/ Trong đáy vali buồn!”, “Gõ phím mấy dòng/ Chữ bay lả tả/ Chẳng thành thơ/ Vì đời có bao giờ như thơ!” (Thương hồn chữ). Chọn lối viết hiện đại, phóng khoáng, thơ Vàng A Giang (Lào Cai) là những câu từ tung bay giữa không gian núi rừng Tây Bắc mênh mông bạt ngàn, thấm đẫm sắc màu của văn hoá dân tộc, mang yếu tố phong tục cao: “Khau Vai rạc buồn như bờ rào đá rêu phong/ Em không đến/ Nỗi buồn theo hết bốn mùa đá xám/ Em không đến/ Uống bát rượu suông cũng say/ Thắng cố sôi nhung nhớ/ như lòng này em mong” (Chiều đứng bóng Khau Vai). Thiên nhiên, con người và đặc trưng văn hoá của vùng núi rừng Tây Bắc trù phú đã nhuốm vào thơ của Vàng A Giang, Lâu Văn Mua (Thanh Hoá), trở thành nét riêng cuốn hút độc giả. Nhắc đến người viết trẻ hôm nay, chắc chắn không thể bỏ qua tên tuổi của Trần Đức Tín (Cà Mau) - một “nhà thơ” thực sự với sức sáng tạo dồi dào trên từng trang viết. Thơ Trần Đức Tín mở ra không gian văn hoá của một vùng sông nước Tây Nam Bộ, không gian của thị thành nơi nhà thơ dấn thân trải nghiệm, đồng thời ẩn chứa bên trong hiện thực nóng rát đang diễn ra trong thời đại mà anh sống, cùng những thông điệp tuy đơn giản nhưng vô cùng sâu sắc. Đó là khát vọng tìm về quê hương dù ngoài kia có lắm điều cao sang mời gọi: “Bằng cách này hay cách khác/ hoa vẫn nở trong lòng đường/ bằng cách này hay cách khác/ tôi vẫn nở về quê hương” (Ngồi xuống mà nghĩ); đó là muôn vàn khuôn mặt giữa trần đời: “Quanh tôi nhiều tượng/ đâu đâu cũng tượng/ lồi lõm/ sao không ai nặn nước mắt/ nước mắt mang hình nhau thai” (Tượng); hay đó là cuộc đời không đẹp như mơ: “Ngọn lửa đỏ bấc đêm đông/ âm ỉ tộc người lam lũ/ ngọn lửa cháy lan cánh diều da vàng/ nóng ran chiếc nôi ta/ du mục” (Giấc mơ có đốm)…

Sự xuất hiện của những “bóng hồng” đã thổi vào thi đàn đương đại một làn gió mới, với những cây bút như Trần Thị Hằng (Hà Nội), Lữ Hồng (Gia Lai), Lê Tuyết Lan (Bình Dương), Phùng Thị Hương Ly (Bắc Kạn), Lữ Mai (Hà Nội), Mai Diệp Văn (Phú Thọ), Nguyễn Hải Yến (Phú Thọ)… Thơ nữ thường dịu dàng, tinh khôi và quyến rũ, hoặc có táo bạo đến đâu thì tận sâu trong thế giới thi ca vẫn lấp lánh vẻ đẹp nữ tính, phản ánh những khao khát rất đỗi thường tình của người phụ nữ. Thơ của “cô gái Pleiku” Lữ Hồng (Gia Lai) chẳng những gợi ra vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước, con người mà còn ẩn chứa niềm khát khao mãnh liệt của người con gái phố núi, mạnh mẽ bản lĩnh: “Người đã hẹn đi về phía núi/ Để thấy hàng thông châm lá vào chiều/ Khi nỗi nhớ gối lên hoàng hôn ngủ/ Ta hiện sinh thành ngọn đá chờ trông” (Đá núi); hoang dại và bí ẩn: “Bây giờ ta còn ta/ Kiêu hãnh và cô đơn/ Như một căn nhà không cần treo số/ Ôi ngọn nến nào ở lại/ Cho ta đốt mùa đông, mùa đông/ Và những mùa đông” (Đêm ở núi); dịu dàng và ao ước những che chở, yêu thương: “Đã hẹn thề rồi mà thời gian đâu giữ mình xanh như cỏ/ Để đêm rằm ta đỏ mắt ngùi trông” (Một mùa xuân nữa lại rời đi nhân lúc ta nằm ngủ). Đến với thơ từ khi mới chập chững cầm bút, đến thời điểm hiện tại, Lữ Mai (Hà Nội) đã là một thi sĩ gắn liền với thể loại trường ca, với hình tượng người lính. Thơ chị là một tứ thơ đẹp, duyên dáng, nữ tính, được đánh giá cao cả về phương diện nghệ thuật lẫn nội dung. Đọc thơ chị, ta nhận ra tấm lòng của người phụ nữ gắn bó với thiên nhiên, đất nước, đặc biệt là lịch sử hào hùng của dân tộc: “Cuối cùng/ mưa ấm đất và hoa xoan phủ nhận/ cách lụi tàn nền nã nhất trần gian” (Chuyến khởi hành tưởng tượng), “tận cùng quyết tử là gì/ là thành thực trao đi một giấc mơ/ vui buồn chẳng rõ/ để tự hoà mình trong dải lụa lân tinh” (Ngang qua bình minh). Âm hưởng hào hùng, hồn thiêng sông núi trở thành điểm độc đáo trong thơ (nhất là trường ca) Lữ Mai. Nếu thơ Lữ Hồng như bản tình ca phố núi Pleiku với đôi mắt Biển Hồ trong biếc, thơ Lữ Mai như tiếng chim sơn ca vút lên từ phố Nhà Binh, tiếng Tổ quốc vọng về từ sông biển… thì thơ Lê Tuyết Lan (Bình Dương) lại đậm màu sắc Tây Nam bộ vì chị vốn gắn bó với mảnh đất bên dòng sông Tiền phù sa. Nhưng cái dân dã, miền Tây sông nước ấy không được gói trong hình thức của thơ lục bát truyền thống như những điệu hò, điệu hát sinh thành trên đất này, mà trong tứ thơ lạ, như thể Lê Tuyết Lan nói cho cạn cùng tâm sự của lòng mình: “Tôi vẫn là đứa trẻ con chưa nguôi mộng nhân gian/ Lấy sức xanh bẻ cong ánh nắng của ngày chếch chao/ Vẫn hay ru mình bằng tiếng ca dao từ lâu ướp thấm nỗi buồn/ Để thèm một lần như cánh chuồn cất tiếng gọi mưa tuôn” (Đứa trẻ tôi)…

Như vậy, có thể thấy, việc định hình phong cách là điều vô cùng nhọc nhằn, vất vả và thách thức người viết, đặc biệt là người viết trẻ. Hành trình nào cũng đòi hỏi sự nỗ lực tột cùng, niềm đam mê, tình yêu và khát vọng dấn thân, không dễ dàng thoả hiệp với những gì mình đang có. Và hành trình đi tìm phong cách riêng của người viết cũng như thế! Với sự hy sinh, hết mình vì nghệ thuật, chắc chắn rằng người viết trẻ sẽ đi được đến cái đích cuối cùng mà họ theo đuổi, đi cùng văn chương một con đường dài và in được “vân chữ” của mình trên văn đàn, trong trái tim của người yêu văn chương Việt.

Phạm Khánh Duy

Nguồn Văn nghệ số 16/2023


Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Baovannghe.vn - Tối ngày 19.9.2024 Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức lễ trao Tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT năm 2023, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội)
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.