Chuyên đề

Nguyễn Bình Phương: 'Mất lý tưởng sống thì bản năng ác dễ trỗi dậy'

Câu chuyện văn hoá
11:07 | 10/09/2023
Nguyễn Bình Phương, tác giả "Một ví dụ xoàng", cho rằng mất lý tưởng sống có thể là một trong những nguyên do khiến cái ác, lòng tham của cá nhân trỗi dậy.
aa

Nguyễn Bình Phương, tác giả "Một ví dụ xoàng", cho rằng mất lý tưởng sống có thể là một trong những nguyên do khiến cái ác, lòng tham của cá nhân trỗi dậy.

Trò chuyện với VnExpress, nhà văn Nguyễn Bình Phương - Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nói lên suy nghĩ dù cái xấu, ác tồn tại trong xã hội nhưng lòng tốt, người tốt vẫn chiếm đa số, bên cạnh những câu chuyện văn chương.

Nguyễn Bình Phương đã xuất bản một số tiểu thuyết: Vào Cõi, Những đứa trẻ chết già, Người đi vắng, Trí nhớ suy tàn, Thoạt Kỳ Thủy, Ngồi, Bả giời, Mình và họ, Kể xong rồi đi, Một ví dụ xoàng. Và các tập thơ: Lam chướng, Khách của trần gian, Xa thân, từ chết sang trời biếc, Buổi câu hờ hững, Xa xăm gõ cửa.

Nguyễn Bình Phương được nhiều người trong giới phê bình xác nhận vị trí là một trong số ít tác giả mở ra một lối đi mới của tiểu thuyết Việt Nam sau thời kỳ Văn học Đổi mới mà Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Lê Lựu.

Anh được đánh giá nằm trong số những nhà văn đương đại có sức viết tốt nhất hiện nay, cùng với hai tác giả nữ là Thuận, Nguyễn Ngọc Tư.

- Anh nghĩ sao trước hiện trạng văn chương đứng ngoài thời sự nóng bỏng của xã hội. Không mấy ai viết đề tài đương đại, thay vào đó đang có xu hướng tìm về các đề tài lịch sử?

- Bám sát theo hơi thở cuộc sống thì phải là nhà báo. Theo quan điểm của tôi, nhà văn phải có độ lùi để nghiền ngẫm hiện thực, hoặc vượt lên trước. Nhà văn vẫn có thể có cái sai nhịp hiện thực một chút.

Văn chương bí ẩn ở chỗ đó. Hỏi 100 nhà văn thì chắc cả 100 nhà văn đều muốn viết về vụ án này, vụ án kia, vì nó động trời quá. Vậy mà mấy ai viết đâu. Bằng cái vô thức, bản năng nghề nghiệp, nhà văn thấy cần phải lùi lại.

Nhưng không bám sát hiện thực hôm nay không có nghĩa văn chương bỏ sót vấn đề gì hết, đến đúng thời điểm nó sẽ xuất hiện. Đừng sợ văn học bỏ qua những sự kiện quan trọng. Đừng sợ Covid-19 đen tối cướp đi sinh mạng của nhiều người dần bị trôi tuột vào quá khứ, không ai nhớ tới nữa. Rồi sẽ có một lúc nhà văn viết về nó, khi họ chưng cất hiện thực ở một cấp độ khác, và bài học có thể lớn hơn.

Không nên đòi nhà văn phải ăn tươi nuốt sống hiện thực. Nhà văn không chỉ là thư ký của thời đại mà còn là ký ức của dân tộc. Tất nhiên, người tài, người có thể viết xuất sắc về hiện thực trước mắt mình thì vẫn có, như Vũ Trọng Phụng. Nhưng hiếm hoi lắm.

- Gần đây có nhận xét "đời sống văn chương trong nước buồn tẻ", quan điểm của anh thế nào?

- Đời sống văn chương không giống đời sống mạng xã hội. Tôi có cảm giác mạng xã hội khiến mọi người cứ nhảy cồ cồ lên. Đặc trưng của mạng đòi hỏi tốc độ nhanh, sôi động, vì vậy mà trở thành không khí chung của mọi người. Tôi biết có nhiều người, một ngày không cầm cái điện thoại thông minh lên là bứt rứt, hẫng hụt.

Văn chương thì không như vậy. Khi nhà văn chăm lên mạng hoạt động thì thời gian nhà văn ấy dành cho văn chương ít đi, độ ngẫm nghĩ ít đi. Với tôi, điều đáng ngại không phải là trí tuệ nhân tạo thay thế con người, mà chính là ở chỗ trí não con người đang bị "đồng hóa" để giống với trí tuệ nhân tạo. Cảm tưởng như con người ngày nay nạp nhiều thông tin. Vì nạp nhiều quá nên không xử lý kịp, không nghĩ lâu, đào sâu về thông tin đó.

Nguyễn Bình Phương sinh năm 1965, bắt đầu viết năm 1986, tốt nghiệp trường viết văn Nguyễn Du khóa IV, tiếp tục rèn luyện trong môi trường quân đội. Ảnh: Trần Đăng Khoa

- Đó có là lý do cho việc anh không tham gia mạng xã hội?

- Do tính cách tôi thôi. Tôi không thích. Hoặc cũng có thể do tôi yếu kém quá. Tôi không tham gia vào mạng xã hội như một sự tự nhiên, chứ tôi cũng chẳng có sự chuẩn bị chủ động để nghĩ là mình có tham gia hay không.

Trong tiểu luận Tìm thấy và đánh mất, tôi từng viết "đôi khi bạn phải cảnh giác lòng tốt của người chưa bao giờ xấu". Do đó, ý kiến của tôi về mạng xã hội ở trên có thể chỉ là sự cực đoan, một chiều của tôi. Nó có thể không trọn vẹn, không sâu. Vì phải tham gia vào mới thấy cái hay cái dở. Tôi chỉ đứng ngoài quan sát thì có thể chỉ là thiên kiến.

- Vậy anh có định tham gia không?

- Tôi chưa có nhu cầu. Đời sống của tôi, có công nghệ thông tin cũng tốt mà không có cũng chẳng sao. Mạng tiện ích nhưng đuổi theo nó rất mệt. Người ta bảo biết thêm cái gì là khổ cái đó, dằn vặt thêm cái đó. Mà biết nhiều quá, có khi lại không kịp dằn vặt nữa. Cũng lại dở.

- Anh nói không tham gia mạng xã hội vẫn thấy ổn. Vậy có thể hiểu là anh vẫn viết đều và được độc giả, người trong giới đánh giá cao nên không cần mạng xã hội để được biết đến?

- Không phải ổn theo cách đó, mà là ổn về khía cạnh đời sống bình thường. Tôi không thấy thiếu thốn mặt tinh thần. Còn về số lượng phát hành sách của tôi "hẻo" quá, mỗi cuốn in nghìn bản.

- Nói "hẻo" nghĩa là anh thấy nản?

- Không. Việc gì phải nản. Nhưng có nhiều độc giả thì cũng thích. Kiểu gì nhà văn cũng phải cần độc giả. Nhưng phải thận trọng điều ngược lại: Chạy theo độc giả thì nhà văn cũng thành tan loãng, ngả nghiêng.

- Vậy anh chọn con đường vẫn viết theo cách của mình dù độc giả "hẻo"?

- Tôi có muốn thêm độc giả nữa cũng chẳng có. Cái tạng văn chương của tôi nó thế.

- Giới phê bình và nhiều người đọc vẫn đánh giá cao văn chương của anh. Họ nhận xét: "Nguyễn Bình Phương tìm tòi nghệ thuật văn chương mới mẻ và những truy nguyên về cái ác của con người"?

- Đánh giá tác phẩm thế nào là quyền của mọi người. Nhà văn chẳng có quyền gì khi tác phẩm đã ra đời. Tác phẩm ra đời rồi thì nhà văn chỉ còn lại là một hình nhân. Tác phẩm mang sức sống của nhà văn đi và tự có một sinh mệnh. Tôi từng viết câu thơ "Sau chữ nghĩa là hoang tàn thân xác".

Nhưng nói chuyện văn học chán lắm. Cứ loanh quanh. Vừa rồi, quan sát vụ án chuyến bay giải cứu tôi thấy thú vị. Có những chi tiết, tình huống thật buồn cười ở vụ án này. Cảm giác những người phạm tội rất thật ở tòa. Họ tham thật, ngớ ngẩn thật và cũng lắt léo thật. Dường như đó là vụ án của bản năng. Lòng tham bản năng, vơ vét bản năng, ác bản năng.

- Ác bản năng, tham bản năng thì thật nguy hại. Anh nghĩ căn nguyên của điều này là do đâu?

- Là vì người ta mất lý tưởng. Tôi không nói tới lý tưởng to tát của đất nước ở một thời đại, mà là lý tưởng cá nhân. Mỗi cá nhân cũng có lý tưởng sống. Mất lý tưởng nên bản năng trỗi dậy. Cứ thấy là vơ, có khi chết đói ngay trên đống tiền vơ được vẫn cứ cố vơ.

Nhưng trông vậy thôi chứ người tốt vẫn chiếm đa số. Cái xấu nổi lên, dễ nhìn ra. Dù vậy, cái tốt vẫn chiếm đầy nhóc (nhiều). Nhìn trong đại dịch vừa qua thì thấy ngay người tốt nhiều hơn người xấu chứ. Vụ chuyến bay giải cứu chỉ là bề nổi rất đau lòng. Nhưng bằng làm sao được triệu triệu ổ bánh mì, gói khẩu trang, bát mì từ thiện mọi người san sẻ cho nhau. Tôi nghĩ tính đồng bào của người Việt mạnh lắm. Những ngày TP HCM vào đỉnh dịch, ông chủ tịch Hội đồng hương Phú Yên ở TP HCM đã cùng mọi người huy động đưa bà con Phú Yên ở TP HCM về quê. 800 chuyến xe đưa 18.000 người về. 18.000 con người được cứu. Đó chẳng phải là một việc rất kỳ công hay sao. Nhưng họ không hề muốn lên báo.

- Anh là nhà văn nhưng lại có nếp sống quy củ như một anh bộ đội, với giờ ăn, giờ làm việc, giờ đi bộ chuẩn chỉ qua nhiều năm tháng?

- Trước hết, tôi đúng là bộ đội. Vả lại tôi thấy mọi người xung quanh tôi cũng sống như vậy, chứ tôi cũng chẳng phải cá biệt. Tôi cũng có những ngày phá quy tắc của mình chứ. Bao buổi chiều tôi cũng ngồi uống với bạn bè hàng giờ liền, đâu phải như một cái đồng hồ không bao giờ sai khác. Tóm lại thì tôi vẫn chưa phải là một cái máy (cười).

Một số tác phẩm của nhà văn Nguyễn Bình Phương. Ảnh: Thanh Nghị

Thanh Nghị thực hiện

Nguồn VnExpress


Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.