Kobo Abe là một trong những tác giả lớn của văn học Nhật Bản thế kỷ 20 với nhiều tác phẩm mang tính siêu thực, phi lý, đưa người đọc vào bầu không khí kỳ lạ, từ đó phơi bày đời sống xã hội lẫn câu hỏi về danh tính con người. Độc giả trong nước quen thuộc với ông qua 2 tác phẩm nổi tiếng, Người đàn bà trên cồn cát và Khuôn mặt kẻ khác, tuy vậy ông cũng là nhà viết kịch đại tài. Dựa trên truyện ngắn Kaijin (tạm dịch: Những kẻ xâm nhập) được viết nào năm 1951, vở kịch Tomodachi đã giúp ông nhận được giải Tanizaki danh giá vào năm 1967. Trong văn nghiệp, cốt truyện của Abe luôn ẩn trong mình tính chất phi lý đầy sáng tạo, từ đó trao gửi những thông điệp ý nghĩa trong các tình tiết quyến dụ, không ngừng kích thích độc giả bằng sự kỳ lạ của diễn biến và tâm lý bất ổn của các nhân vật.
Cũng giống Người đàn bà trên cồn cát kể về người đàn ông khi đang vô vọng đi trên hoang mạc thì tìm thấy ngôi nhà heo hút, cô độc nằm sâu bên dưới đụn cát mà khi trèo xuống sẽ là bất khả vãn hồi. Tomodachi cũng khởi đầu bằng sự phi lý tương tự như vậy. Nhân vật chính của vở kịch là một nhân viên văn phòng sống một mình trong căn hộ nhỏ, bỗng một ngày được “bộ sậu” gồm 7 con người hoàn toàn xa lạ chiếm lấy nhà mình với lời biện hộ sẽ giúp anh đạt được thành công trên đường công danh. Trong quá trình đó họ không ngại ngần bắt cóc bạn gái của anh, cư xử một cách độc đoán bằng các biểu quyết theo số đông và dần đục khoét con người, cuộc sống “vật chủ”. Mọi thứ kết thúc khi cô con gái của gia đình ấy đã phải lòng anh, từ đó nảy ra ý định cả 2 cùng nhau đi trốn, nhưng kết cục đó không thật dễ dàng.
Đặt trong bối cảnh Nhật Bản thập niên 1950, không quá khó thấy Kobo Abe đã gửi gắm ẩn ý chính trị trong tác phẩm này, khi muốn nói đến sự kiện Nhật Bản bị quân Đồng minh chiếm đóng sau Chiến tranh Thế giới thứ hai (từ ngày 2/9/1945 đến ngày 28/4/1952). Nhưng song song đó, ở cấp độ cao hơn, ta cũng nhìn thấy khía cạnh phổ quát trong động cơ của gia đình này, rằng khi họ nói muốn giúp đỡ, bắt nguồn từ lòng từ tâm hay chỉ đơn thuần là “ký sinh trùng” đeo bám “vật chủ”? Qua đó vở kịch đã phơi bày một thông điệp bao trùm hơn, rằng hạnh phúc chỉ có khi con người ta đối xử với nhau bằng lòng từ tâm.
|
Dựa trên tiền đề này, để phù hợp với bối cảnh Việt Nam, biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc đã cải biên khá nhiều. Thay vì là một nhân viên văn phòng, bà cho thấy hơi thở thời đại khi xây dựng câu chuyện quanh nhân vật Nam – một diễn viên có thực lực nhưng chưa nổi tiếng, được giới thiệu và tìm thấy 7 thành viên của một gia đình hứa hẹn giúp mình gia tăng danh tiếng trong giới showbiz. Đó là người bà cao tuổi có nhiệm vụ quán xuyến nhà cửa, là ông bố và cô em lần lượt là tài xế, stylist và 4 người cháu làm quản lý, vệ sĩ, tư vấn chiến lược và đảm nhận hậu cần. Trong đó cậu con trai cả hay cháu trai đích tôn làm quản lý là người móc nối tất cả, từ đây tạo ra bi kịch. Bằng những trò ma mãnh, họ đã khiến cậu và bạn gái chia tay, khiến mẹ Nam nhập viện và mua chuộc nhân chứng để tạo ra một bê bối lớn ngõ hầu muốn cậu chi tiền “bịt miệng” nạn nhân, thế nhưng sau rốt lại chỉ rơi vào túi tiền của họ.
Ở đây Nguyễn Thị Minh Ngọc bằng việc phóng tác đã khơi lên rất nhiều vấn đề mang tính thời đại, từ khát khao nổi tiếng, sự mê hoặc của những lùm xùm cho đến những vấn đề cốt tủy hơn, về cách biệt giai cấp, giới tính lẫn những định kiến ngàn đời bóp nghẹt con người... Về mặt xã hội, điều này cho cảm giác 7 con người ấy cũng giống gia đình ở tầng lớp dưới trong tuyệt tác điện ảnh Parasite của Bong Joon-ho. Nhưng thay vì phải chốn chui chốn nhủi và che giấu thân phận, bằng sự phi lý trong nguyên tác của Kobo Abe, họ đã xuất hiện trơ tráo không cần ẩn danh. Với một vở kịch đã xuất hiện hơn nửa thế kỷ, bằng tài năng và sự quan sát sắc sảo, có thể nói Bạn bè, bè bạn đã làm tốt trong việc tìm thấy hơi thở mới mà không cũ kỹ, lỗi thời.
Nguyễn Thị Minh Ngọc cũng cho thấy sự thấu hiểu thị hiếu khi cho 7 thành viên của gia đình này tương tác, đố kỵ, tranh cãi lẫn nhau. Điều này đã mang đến nhiều tiếng cười ý nhị, không quá ồn ào với các “miếng hài” lan man, tản mác. Dàn diễn viên đảm nhận tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng đa số làm rất tròn vai, trong đó nổi bật nhất là Huỳnh Thiện Trung (vai Nam) và Minh Nga (vai người bà). Phần âm nhạc của vở kịch cũng phát huy hết vai trò, với tiếng trống dồn dập ở những khoảnh khắc đánh dấu bước chuyển lẫn ca khúc xuyên suốt xoay quanh câu chuyện của cô kỹ nữ và vị khách phong trần, hàm ẩn một sự đồng vọng về cốt truyện đang diễn ra. Vốn dĩ là một tác phẩm Nhật Bản, một điều cũng rất đáng khen là Nguyễn Thị Minh Ngọc đã tinh tế giữ lại những nét Phù Tang điểm xuyết ấn tượng. Ta thấy điều đó trong âm nhạc, thậm chí một đoạn thoại nhân vật người bà cũng tái hiện lại nghệ thuật ca kịch Kabuki nổi tiếng. Sở hữu cấu trúc lồng trong nhau, trong một phân đoạn Nguyễn Thị Minh Ngọc cũng cho nhân vật Nam tái hiện lại truyền thuyết Người vợ hạc để làm rõ hơn nghề nghiệp của anh, qua đó ít nhiều phản ánh bối cảnh của nguyên tác.
Không quá khó thấy từ một kịch bản ấn tượng trước đây, nữ biên kịch vẫn biết cách để lại dấu ấn riêng mình. Theo đó bên cạnh câu chuyện của Nam, ta cũng nhìn thấy mảng đề tài khai thác câu chuyện thân phận của người phụ nữ mà Nguyễn Thị Minh Ngọc vô cùng quan tâm trong cả kịch nghệ lẫn văn chương. Điều đó xuất hiện trong mạch truyện của người cô stylist (tạm dịch: chuyên gia phong cách cá nhân) quá lứa lỡ thì, người sau này có cảm xúc đặc biệt với Nam, muốn anh trốn đi cùng mình. Qua đó nữ biên kịch tiếp tục cho thấy những định kiến, áp chế cũng như những kỳ vọng đã tước đoạt đi hạnh phúc của người phụ nữ. Chính người mẹ vì ước mơ con gái sẽ được gả cho một người giàu sang, sống như bà hoàng mà bao nhiêu “mối” đã trôi qua tay. Trong khi cũng người mẹ đó vì đứa cháu trai đích tôn thất bại mà đã khiến tất cả phụ nữ trong gia đình mình phải từ bỏ ước mơ, chịu cảnh đơn chiếc… Ngoài đời, Nguyễn Thị Minh Ngọc cũng từng góp mặt trong vở Ngôi nhà không có đàn ông nói về 4 người đàn bà không chồng có nội dung tương tự, sau này Thành Lộc tiếp nối thành Cô giáo Duyên được nhiều khán giả yêu thích.
Vượt lên tất cả, ngay trong tựa đề, Nguyễn Thị Minh Ngọc đã đặt câu hỏi: những người trong gia đình này rốt cuộc là ‘’bạn” hay “bè”? Từ đây, qua vở kịch, bà khẳng định hạnh phúc chỉ có khi ta đối xử với nhau một cách từ tâm và không vụ lợi. Đây là thông điệp xuyên suốt, vượt thời gian, thời nào cũng “nóng hổi”. Có thể nói Bạn bè, bè bạn là một vở kịch thành công dưới bàn tay phóng tác “ma thuật” của Nguyễn Thị Minh Ngọc, ở đó nét đẹp vừa cổ điển vừa hiện đại, vừa Nhật Bản vừa Việt Nam mà cũng vừa riêng tư vừa phổ quát. 2 suất đầu tiên đã diễn ra vào ngày 12 và 13/3 tại sân khấu Xóm kịch (Quận 3, TP. Hồ Chí Minh). Vở kịch dự kiến sẽ có suất diễn tiếp theo vào ngày 30/3 và dự kiến tiếp tục trong tháng 4 tới.