Sự kiện & Bình luận

Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Dịch giả bảo tôi, nếu viết lại “Chúa đất” thì đừng để nhân vật chết

Tiếng nói nhà văn
11:59 | 05/03/2022
Ngay đầu năm 2022, tin vui đến với nhà văn Đỗ Bích Thúy khi tiểu thuyết “Chúa đất” của chị đã xuất bản ở Hàn Quốc. Dưới đây là cuộc trò chuyện của nữ nhà văn với Thời Nay về con đường “Chúa đất” đến với xứ kim chi.
aa
Nhà văn Đỗ Bích Thúy và GS-dịch giả Ahn Kyong Hwan.

Ngay đầu năm 2022, tin vui đến với nhà văn Đỗ Bích Thúy khi tiểu thuyết “Chúa đất” của chị đã xuất bản ở Hàn Quốc. Dưới đây là cuộc trò chuyện của nữ nhà văn với Thời Nay về con đường “Chúa đất” đến với xứ kim chi.

Phóng viên (PV): Cuốn tiểu thuyết “Chúa đất” của chị vừa được Quỹ văn hóa “HansaeYes24 Foundation” tài trợ dịch và xuất bản tại Hàn Quốc. Chị có thể chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của mình về sự kiện này?

Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Đây là cuốn sách đầu tiên của tôi được dịch ra một thứ tiếng khác, đó thật sự là một điều rất ý nghĩa đối với tôi. Tôi hy vọng rằng, người Hàn Quốc nào từng đọc nó thì sẽ nảy sinh ý muốn khám phá văn hóa Việt Nam ở những góc độ mở rộng hơn, cụ thể là văn hóa dân tộc thiểu số, miền núi, phía bắc Việt Nam - chính là vùng văn hóa mà tôi đã chìm đắm trong đó hơn 20 năm qua. Ở tư cách một nhà văn nhỏ bé của văn học Việt Nam, tôi chỉ có ước mong như vậy. Tất nhiên, một cuốn sách có lẽ vẫn quá ít ỏi so mong ước ấy.

PV: Trong quá trình GS Ahn Kyong Hwan dịch “Chúa đất” sang tiếng Hàn, ông ấy có liên hệ và trao đổi với chị về nội dung tác phẩm hay không? Có điều gì khiến ông băn khoăn hay đặc biệt ấn tượng về tác phẩm?

Nhà văn Đỗ Bích Thúy: GS Ahn có lần gửi email trực tiếp cho tôi, cũng có lần thông qua thư ký. Vì tôi viết về dân tộc H’Mông, lại dựa trên một truyền thuyết, tôi sử dụng nhiều phương ngữ, dùng nhiều tư liệu về phong tục tập quán dân tộc H’Mông... nên ông trao đổi với tôi hầu như trong suốt quá trình dịch. Tôi cảm thấy ông làm việc rất cẩn trọng. Có một chi tiết là sau khi dịch, một lần duy nhất chúng tôi gặp trực tiếp và cùng ăn trưa, ông có nói vui: Nếu cô Thúy có viết lại “Chúa đất” thì đừng để Thào Chá Pó chết nhé. Tôi nhớ mãi nét mặt vui vẻ của ông khi nói câu ấy. Tôi hiểu là ông cũng rất yêu các nhân vật của tôi.

Dịch giả bảo tôi, nếu viết lại “Chúa đất” thì đừng để nhân vật chết -0

Sách “Chúa đất” bản tiếng Hàn.

PV: Chị từng chia sẻ rằng, tác phẩm “Chúa đất” đã đi xa hơn tác giả của nó. Vậy chị chưa từng đến Hàn Quốc? Chị có ấn tượng gì về đất nước, con người Hàn Quốc? Và chị có hình dung bạn đọc Hàn Quốc đón nhận tác phẩm của mình ra sao?

Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Tôi chưa đến Hàn Quốc bao giờ. Tôi có đọc một số cuốn sách của các tác giả Hàn Quốc cũng như một số sách tác giả Việt Nam viết về Hàn Quốc và như nhiều người Việt, tôi cũng hay xem phim Hàn. Cả phim điện ảnh và phim truyền hình. Trong gia đình tôi thì các con tôi rất thích nghe nhạc Hàn Quốc... Tóm lại, tôi thấy ngưỡng mộ dân tộc Hàn vì các chiến lược vĩ đại của họ trong việc đưa ngành giải trí tiến những bước hết sức ngoạn mục. Sức lan tỏa của văn hóa Hàn Quốc là cực kỳ lớn tới rất nhiều quốc gia trên thế giới. Tôi nghĩ, chúng ta có thể học ở họ rất nhiều. Còn riêng với cuốn sách của tôi, thật sự nó quá nhỏ bé, nó sẽ rất khó khăn để tìm được một chút ấn tượng trong lòng bạn đọc xứ kim chi. Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, tôi vẫn có hy vọng riêng cho nó. Một cuốn sách, tự nó sẽ có số phận riêng sau khi ra đời. Số phận đó không còn nằm trong tay tác giả nữa.

PV: Việc viết truyện cho chị thêm năng lượng hay có thể khiến chị kiệt sức? Chị lấy nguồn cảm hứng từ đâu?

Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Vừa kiệt sức vừa bổ sung năng lượng, công việc viết lách với tôi nói chung là vậy. Tôi viết “Chúa đất” nhanh kỷ lục với tôi: 17 ngày. 17 ngày hầu như không tư duy gì ngoài nó. Viết xong tôi rơi vào trạng thái trống rỗng mất cả tuần. Không ăn được, mất ngủ, không suy nghĩ được, không thấy vui cũng không phải buồn bã. Tóm lại rất... kinh khủng. Nhưng sau đó là một cảm giác khác. Thấy quý trọng công việc mà mình đang làm. Thấy vui vì đã làm xong một việc mà mình rất muốn. Nghỉ ngơi một thời gian lại làm việc khác. Nói chung, tôi và chị đều viết văn, chúng ta đều biết lao động văn chương quá nặng nhọc, nhưng năng lượng mà nó mang lại cũng cực kỳ lớn. Lớn đến mức nếu không viết tiếp thì mình không biết dùng vào việc gì cho đỡ... phí (cười).

PV: Những dự định viết và xuất bản của chị năm 2022?

Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Tôi lúc nào cũng đang làm dở một vài việc. Thỉnh thoảng tôi ước mình có thể rơi vào trạng thái làm xong hết sạch mọi việc, lúc đó có lẽ tôi sẽ cho phép bản thân chơi hẳn một thời gian dài, một tháng chẳng hạn. Trong một tháng ấy tôi sẽ đi lang thang, trong cốp xe là một thùng sách. Rong ruổi đến nơi nào thật thích thì tôi sẽ dừng lại, kiếm một chỗ thật yên tĩnh để đọc sách, nghe nhạc; dậy sớm đón bình minh và ngồi chờ những hoàng hôn buông; không giao tiếp với ai ngoài những người bán đồ ăn, thí dụ vậy. Nhưng thực tế là đến giờ tôi vẫn chưa có được một tháng viển vông tận hưởng như thế (cười). Năm nay có lẽ tôi sẽ hoàn thiện hai cuốn sách mới. Cả hai cuốn tôi đều thích lắm. Còn có in ngay trong năm không thì phải cân nhắc đã.

PV: Xin cảm ơn chị! Chúc chị một năm thành công!

KIỀU BÍCH HẬU (Thực hiện)

Nguồn Thời Nay


Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Baovannghe.vn - Mùa hoa mận của Chu Thùy Liên là mùa xuân rộn ràng của núi rừng Tây Bắc, ở đó tác giả gửi gắm những điều tốt lành như ước mơ ai cũng được thả lên trời cao và lời chúc cho những người con của quê hương dù đi đâu xa đều gặp may mắn, duyên lành để "nhớ lối trở về".
Di sản bất hòa ở Đông Âu

Di sản bất hòa ở Đông Âu

Baovannghe.vn - Tinh thần dám đối diện với quá khứ, dám chấp nhận sự đa dạng của văn hóa đã giúp các quốc gia Đông Âu và cả châu Âu bước qua nhiều trở ngại để bảo tồn và khai thác khối di sản kiến trúc XHCN ở Đông Âu.
Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Baovannghe.vn - Sầm Sơn đang góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa đứng top đầu các tỉnh phía Bắc trong phát triển kinh tế, văn hóa...
Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Baovannghe.vn - Ngày 20 tháng 11 năm 2024, quả chuối mang tên Comedian của Maurizio Cattelan đã được bán tại nhà đấu giá Sotheby’s với giá 6,24 triệu đô la, trở thành tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi nhất trong giới nghệ thuật đương đại. Một quả chuối dán tường với cuộn băng keo đã tạo nên cơn sốt toàn cầu, không chỉ vì giá trị vật chất, mà còn vì các câu hỏi nó đặt ra về giá trị thực sự của nghệ thuật.
Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Năm, ngày 21/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 22 (Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.