Đoàn Hữu Nam là một cái tên không còn xa lạ với độc giả qua nhiều trang tiểu thuyết và một loạt trường ca về vùng biên viễn. Sinh ra tại Hà Nam, lặn lội lên Yên Bái, Lào Cai lập nghiệp, vào đời bằng nghề công nhân cầu đường, thông tin lưu động ở các huyện vùng cao… Gần năm chục năm vừa lao động vừa sáng tác, trở thành nhà văn, nhà thơ, nhà báo, Đoàn Hữu Nam gắn bó với Lào Cai như một cơ duyên, ẩn sâu trong đó là cái tình cái nghĩa đối với một vùng đất đầy biến động phức tạp và những con người nơi biên ải gan góc kiêu hùng trong dòng chảy kì vĩ của lịch sử.
Nhân tiểu thuyết Rễ người của nhà văn Đoàn Hữu Nam vừa được trao giải A cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và kí về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống lần thứ IV, 2017-2020, do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức, Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có cuộc trò chuyện với ông.
- Chúc mừng nhà văn và tiểu thuyết Rễ người vừa được trao giải cao nhất trong một cuộc thi văn chương. Xin ông cho độc giả Văn nghệ Quân đội biết đôi điều về cuốn tiểu thuyết này?
+ Tiểu thuyết Rễ người viết về một trưởng bản người Mông vì phòng vệ mà đánh chết người, sau đó sợ bị trả thù, sợ bị tù đày đã trốn và sống chui lủi giữa rừng sâu. Anh ta ngoài việc chạy trốn, đối mặt với sinh tồn còn đối mặt với quá khứ của bản thân, của gia đình, dòng tộc, dân tộc, xã hội… Để tồn tại anh ta đã phải dốc hết bản năng, kinh nghiệm của một “sơn tử nhân”, tức người con của rừng núi ra để thích nghi, để đấu tranh với thiên nhiên, thú dữ và hơn thế nữa là đấu tranh với chính mình. Trong cuộc đấu tranh khổ ải đó, anh ta đã hai lần trở về với đồng loại mà không thành. Để nguôi ngoai và tạo ra sợi dây liên hệ với con người anh ta đã đẽo những bức tượng mang hình dáng người thân, kẻ đối địch để trò chuyện, để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, đã tạo ra những ống thời gian để đánh dấu ngày đánh dấu tháng, đã tổ chức ngày giỗ tổ, tổ chức ăn tết, và giành nhiều thời gian nghĩ về người thân…
Tiểu thuyết có một cái kết bi tráng, đó là việc anh ta bị rắn cắn, cái chân rắn cắn đó bị hoại tử buộc phải tự cắt bỏ, sự sống bị dồn đến đường cùng, không muốn lâm vào một cái chết khốn cùng, anh ta quyết định lê lết về với đồng loại.
- Qua Rễ người, tôi hình dung rằng, đó là một quá trình tiếp tục hoàn thiện những trang “văn bản không đứt rời” về lịch sử đất và người vùng biên ải Lào Cai. Từ Ma Văn Kháng với Đồng bạc trắng hoa xòe, Vùng biên ải, Gặp gỡ ở La Pán Tẩn, Một mình một ngựa… đến Đoàn Hữu Nam với Tình rừng, Dốc người, Trên đỉnh đèo giông bão, Thổ phỉ… và Rễ người, không gian lịch sử được kéo lại gần hơn. Chân dung họ - những con người biên tái - được nhìn rõ hơn, chân thực và cần cảm thông hơn. Nếu như một số tiểu thuyết trước của ông mải mê với công cuộc tiễu phỉ của Việt Minh (tiếp nối mạch đề tài trong Vùng biên ải của Ma Văn Kháng hay Hoa hậu xứ Mường của Phượng Vũ) thì đến Rễ người đã rẽ sang một hướng khác, đi sâu vào thân phận con người trong mối liên hệ, gắn kết bền bỉ, sâu xa với dòng tộc, cộng đồng…
+ Có lẽ vậy, tôi lấy nhan đề Rễ người là xuất phát từ câu ngạn ngữ đầy sâu sắc và thâm thúy của người vùng cao: Rễ cây ngắn rễ người dài. Với nhân vật Phù, cái “rễ người dài” xuyên suốt câu chuyện và cũng là cái cớ để Phù về với đồng loại. Và nữa, để có nhân vật Phù sống động, sâu sắc, luôn nghĩ đến đồng tộc, đến những con người ngoài xã hội, một nhân vật hư cấu song không tách khỏi cái nền hiện thực tôi đã dùng vốn sống có được từ đi nhiều biết nhiều để đưa vào mạch truyện. Đó là những nhân vật tôi từng biết hoặc qua báo chí, dân gian như ông lão ở hang núi trên đất Mường Khương, như một phó chủ tịch, xã đội trưởng ở Nàn Sín - Si Ma Cai do mê muội mà đã trốn vào rừng sâu sống một mình hơn hai mươi năm, trở thành kẻ có tội giết người và bị săn đuổi, hay như người đi săn ở Nghệ An bị rắn cắn phải tự tay mình chặt cái chân bị nạn rồi tìm cách về với bản làng...
Đó là những vốn sống về người Mông, người Dao, về núi rừng tôi tích lũy được trong những năm tháng sống ở vùng cao. Đó là những trang sách cùng những “từ điển sống” ở vùng cao như các nhà văn, nhà thơ Pờ Sảo Mìn, Mã A Lềnh, Trần Hùng cung cấp thông tin, phong tục tập quán. Cùng với viết văn tôi là người làm thơ, làm báo, làm nghiên cứu văn hóa dân gian nên đã tận dụng lợi thế của mình để thể hiện trong tác phẩm. Tôi đã dùng những câu thơ phù hợp với nội dung truyện để mở đầu, kết thúc từng chương; có những đoạn tả cảnh, tả tâm trạng giàu chất thơ đan cài trong tất cả các chương, tạo nên một “nguồn lực tổng hợp” động viên, khích lệ tôi trong suốt hành trình tiểu thuyết. Và cuốn sách đã ra đời, đã cho tôi những gặt hái.
- Vâng! Những câu chuyện “đường rừng” chỉ để kể thôi đã hấp dẫn, thu hút người nghe rồi. Ma Văn Kháng, người đã từng sống và làm việc 22 năm tại tỉnh Lào Cai, coi Lào Cai là “một bảo tàng lịch sử sinh động”, là “miền đất vàng của văn chương”. Với gần nửa thế kỉ lập nghiệp ở đây, hẳn nhà văn Đoàn Hữu Nam cũng đang thỏa sức khai thác một “mỏ vàng” đầy huyền tích li kì, và ông đã trang bị cho mình chìa khóa để đi vào “khu rừng rậm rạp” của ngôn ngữ các tộc người bản địa, đi vào một kho tàng văn hóa và thế giới tự nhiên nơi biên cương giàu bản sắc?
+ Vâng, tôi đã sống trong những “mỏ vàng” từ ngày con tàu đưa tôi tới miền Tây Bắc hoang sơ song đầy tình người. Ngày đó tôi mới mười bảy tuổi, rời quê hương Hà Nam lên làm công nhân cầu đường trên vùng Hưng Khánh (một xã thuộc huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái), nơi có tới trên chín mươi phần trăm người Tày.
Ngày ấy tôi đã gặp may. Gần một trăm công nhân mới được tuyển dụng trong đó có tôi đổ bộ vào Công trình 6 - một đơn vị của Công ti Cầu đường Yên Bái đang làm nhiệm vụ mở đường cho khu kinh tế mới. Đúng lúc lán trại không đủ chỗ, lãnh đạo Công trình gửi tổ chúng tôi vào một nhà người Tày ở gần đó. Chuyện ăn nhờ ở đậu này làm anh em trong tổ thất vọng nhưng tôi thì thích thú.
Vốn là một kẻ mơ mộng, ưa khám phá tự dưng được rơi vào một không gian hoàn toàn mới lạ mà ở vùng xuôi tôi chưa từng nghĩ tới, lạ từ ngôi nhà sàn với cả dãy cửa sổ đón gió đón nắng, ngồi bên cửa sổ có thể ngắm mây bay gió thổi, thu vào tầm mắt cánh đồng, ao, vườn, sân sướng, lạ từ cô gái chủ nhà yểu điệu, thướt tha với bộ váy áo Tày truyền thống, từ những đêm mưa bên bếp lửa giữa sàn bập bùng ông chủ nhà chiều tôi kể chuyện về phong tục, về chuyện cổ tích người Tày, rồi rừng cọ, đồi chè, rồi con suối loanh quanh ăm ắp nước… Bạn bè tôi đi làm về là khểnh ra sàn đánh một giấc hoặc chui vào những cuộc đánh “tiến lên tiến xuống”, song tôi mê đắm với văn hóa Tày, ra đường thì thôi về đến nhà là ríu rít bên người trẻ, người già, tíu tít nhận, cho như đứa trẻ lần đầu vào rừng, mặc dù lúc đó những cái nhận được cũng chẳng biết để làm gì.
Những tháng năm tiếp theo, vì là một công nhân trực tiếp mở đường, đường mở đến đâu lán đi đến đó nên những con đường đưa chân tôi đến khắp các đất Lương Thịnh, Kiên Thành, Sơn Thủy, Nậm Mòn, Cốc Ly… toàn những nơi vùng sâu vùng xa, rừng xanh núi thẳm, nơi mà ánh sáng văn minh còn ngấp nghé đâu đó ngoài xa lắm...
Những nơi tôi đã đến, đã trực tiếp mở hoặc hoàn thiện con đường, vất vả gian nan không thể tính được song tôi có cái vui, cái an ủi là đến nơi nào cũng có những đồng bào chất phác yêu quý, coi tôi như con như cháu, như anh như em. Đó là bà mẹ nuôi người Tày chuyên làm thuốc chữa bệnh bằng củ quả, lá rừng ở đất Tân An. Là người anh kết nghĩa người Tày đất Võ Lao. Là bà mẹ nuôi người Phù Lá đất Bắc Hà. Là ông bạn kết nghĩa người Dao đất Văn Bàn… Những người tôi gặp trên đường, coi tôi là người thân ấy là những “mỏ vàng” cho tôi vốn sống dày lên theo năm tháng.
Sau này tôi chuyển công tác sang ngành văn hóa huyện, địa bàn hẹp hơn, công việc chuyên vào chuyện “cờ đèn kèn trống”, chăng dây đóng cọc và vác loa đi tuyên truyền ở cơ sở. Công việc tuy nhàm chán song có nhiều cơ hội, đó là được đặt chân tới khắp 33 xã trong huyện Bắc Hà, được tiếp xúc, tìm hiểu 14 tộc người sinh sống trên vùng đất có diện tích gần bằng tỉnh Thái Bình; đó là việc tôi được ở cạnh thư viện, thỏa sức cho tôi ngốn sách. Lợi thế của chín năm lặn lội theo những con đường, chín năm theo đuổi ngành văn hóa đã cho tôi vững tin bước vào sự nghiệp viết văn đầy gian nan vất vả.
Khi tôi chuyển ra làm ở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, nung nấu chuyện viết văn, làm thơ chuyên nghiệp, vốn cũ cộng với vốn mới bổ sung từ các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu như Ma Văn Kháng, Mã A Lềnh, Pờ Sảo Mìn, Sần Cháng, Trần Hữu Sơn, Vàng Thung Chúng… đã mang lại cho tôi rất nhiều, nên các tác phẩm mà tôi viết ra, đặc biệt là hai tiểu thuyết - Thổ phỉ viết về người Dao và Rễ người viết về người Mông - đã có được sự nhuần nhuyễn, tránh được sự hời hợt, phản cảm, “cưỡi ngựa xem hoa” khi viết về người dân tộc thiểu số.
- Từ vốn sống và cảm quan của một nhà văn gắn bó lâu năm với miền biên viễn, trong Rễ người ông đã đúc kết vấn đề chủ quyền bằng hình tượng “người biên ải bám lấy biên ải giống như cây bám đất, nắng bám trời, điều đó không phải bàn cãi…” Trong cuốn tiểu thuyết này ông cũng đã đề cập nhiều câu chuyện về công cuộc bảo vệ chủ quyền và an ninh biên giới. Nhưng chỉ với vài trăm trang sách, chắc hẳn ông còn nhiều tâm tư chưa nói hết?
+ Người biên ải bám lấy biên ải dường như là định mệnh. Tôi đã trải qua những ngày chiến tranh biên giới tháng 2 năm 1979, rồi hậu chiến tranh dai dẳng mười bốn, mười lăm năm. Trong chiến tranh kẻ thù đã tàn phá tan hoang khắp dọc biên giới Việt - Trung. Sau chiến tranh họ lại trăm phương ngàn kế làm cho ta suy yếu như xâm lấn, cho thám báo biệt kích sang phá hoại, cho quân áp sát biên giới, đưa hàng hóa tâm lí chiến xâm nhập vào dân chúng… Họ đã gây nên tâm lí căng thẳng, hoang mang cho dân ta, khiến ta căng mình lên đối phó, phải lập vành đai trắng suốt dọc biên giới cho đến khi quan hệ bình thường được lập lại. Trong những năm tháng cam go ấy nhân dân các dân tộc dọc biên giới Lào Cai vẫn bám làng bám bản, vừa mưu sinh vừa cùng với bộ đội biên phòng đấu tranh trực diện với kẻ thù, quyết giữ gìn mảnh đất cha ông để lại. Có một câu nói rất hay trong bộ đội biên phòng ở biên giới Việt - Trung là: “Nếu không có nhân dân các dân tộc dọc biên giới thì bộ đội biên phòng có giang tay ra nối nhau cũng khó mà giữ nổi đường biên mốc giới”. Điều đó đúng cho đến tận bây giờ, khi mà ngoại giao nhân dân ở vùng biên càng ngày càng hiệu quả.
Điều gì khiến những người dân trình độ học vấn thấp, ít có điều kiện giao tiếp văn hóa xã hội lại có trách nhiệm với quê hương, đất nước như vậy? Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước? Đúng, các chính sách hỗ trợ sâu rộng, bền bỉ của Đảng và Nhà nước với đồng bào dân tộc sinh sống ở biên giới trong nhiều năm qua đã tác động trực tiếp làm thay đổi tới tận gốc rễ đời sống tinh thần, vật chất của đồng bào. Vì mưu sinh? Cũng đúng, phong tục tập quán cùng phương thức sản xuất tự cung tự cấp đã ăn sâu vào đời sống của đồng bào nên khi gắn bó bên nhau, gắn bó với núi rừng, với những mảnh ruộng mảnh nương cha ông để lại sẽ thuận lợi với họ hơn là việc tới vùng đất mới, làm theo cách làm ăn mới.
Song những cái đúng này không phải là điều tất yếu giữ chân được đồng bào, khiến cho người biên ải đương nhiên phải bám lấy biên ải. Bởi họ cũng biết so sánh người này với người kia, vùng này với vùng khác, biết thế nào là lợi là hại, biết làm thế nào để thay đổi đời mình, đời con cháu mình… Từ những “cái biết” ấy đã dẫn đến tình trạng bất ổn và những cuộc di cư tự do đi tìm miền đất hứa, khiến chính quyền cả nơi quê gốc lẫn nơi họ đến đều phải vất vả, khó khăn trong việc xử lí và hệ lụy của nó còn dai dẳng mãi về sau. Cũng may sự xáo trộn này xưa nay chỉ là số ít. Trên thực tế, đại đa số đồng bào vẫn bám chặt lấy mảnh đất quê hương như một định mệnh - điều này có những cái giải thích được, có những cái không giải thích được. Nhưng dù thế nào cũng phải thực hiện bằng được hai vấn đề: một là tôn trọng đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào, hiểu biết và đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của họ; hai là có những chính sách thiết thực hơn nữa để làm sao cho khoảng cách đời sống của vùng biên giới với vùng xuôi được kéo lại gần nhau. Hai vấn đề lớn này là tâm tư của toàn xã hội trong đó có tôi.
- Vâng, nói về người biên ải thì không thể không nói đến cộng đồng người dân tộc thiểu số - họ chính là chủ nhân không thể tách rời của vùng đất này. Tôi là người Dao. Trong lịch sử, Mông - Dao cùng hệ ngôn ngữ, cùng một gốc gác liên minh hình thành nước Tam Miêu hùng mạnh vùng nam Trường Giang, bắc Hoàng Hà, vì tham vọng làm chủ trung nguyên của người Hán mà phải lãnh nạn thiên di. Nhưng sâu trong tâm khảm sắc tộc Mông - Dao chúng tôi vẫn luyến lưu đến đất cũ qua các thiên truyện ca truyền miệng, qua các phong tục, tập quán riêng có. Đó là cách tổ tiên chúng tôi lưu giữ dấu ấn, tính cách, tư tưởng và truyền lại bầu “khí quyển” đó của mình cho con cháu. Tôi cho rằng nhiều nhà văn đã và đang cố gắng viết về miền núi nhưng không hiểu bầu khí quyển ấy, nên từ lăng kính chủ quan, phiến diện đã hình thành một lối suy nghĩ cứ viết về người dân tộc thiểu số miền núi là phải mang những đặc điểm mộc mạc, chất phác đến ngô nghê, thậm chí là ngu dốt. Ông nghĩ sao về điều này?
+ Đó là một thực trạng, song không phải là tất cả. Sau gần một thế kỉ đồng hành, sáng tạo cùng đồng bào các dân tộc thiểu số, nhiều cây bút tưởng đã loại bỏ được những câu văn ngô nghê cái tao, cái mày, úi dô, ái dà…, loại bỏ được ý nghĩ áp đặt, đóng sống cách làm, cách nghĩ của mình lên ý nghĩ, cách làm của đồng bào, nhưng không, trong văn chương của chúng ta vẫn còn nhiều sản phẩm mà ở đó sự áp đặt văn hóa và thiếu vốn sống đã làm méo mó suy nghĩ về cuộc sống tinh thần, vật chất của một hay nhiều cộng đồng dân tộc. Trong Rễ người, tôi cũng thừa nhận “chơi với người Mông thì dễ nhưng vào được hồn người Mông thì khó”. Khó là vậy, song muốn viết về đề tài này nhà văn buộc phải vượt qua thử thách ấy mới có thể có được những tác phẩm viết về miền núi và dân tộc thiểu số đúng nghĩa.
Một số tác giả người dân tộc thiểu số, do dân tộc mình thiếu vốn từ để diễn đạt song lười đọc, lười tìm hiểu học hỏi các nền văn hóa khác dẫn đến những gì họ viết ra đơn giản, không có bề sâu, bề rộng, ít được bạn đọc đón nhận… Tóm lại, theo tôi những tác phẩm viết về miền núi và dân tộc đúng nghĩa - đối với cả nhà văn người Kinh và nhà văn dân tộc thiểu số - là trước tiên tác giả phải hiểu kĩ, phải “thuộc” những vấn đề mình cần viết; thứ hai, những tác phẩm viết ra phải có chiều sâu và hòa mình được vào nền văn hóa của dân tộc (câu nói “hòa nhập không hòa tan” vô cùng đúng trong nền văn học có tính đặc thù này). Lâm Tiến - nhà nghiên cứu về văn học các dân tộc thiểu số - từng nói, khi nhà văn “không được tắm mình trong dòng chảy của truyền thống văn hóa dân tộc, không có được những kỉ niệm máu thịt thắm đượm tâm hồn dân tộc thì không thể có tác phẩm mang được bản sắc dân tộc đó”. Từ cuộc đời một “nhà văn chân đất” vừa viết vừa bươn chải cật lực để sống của mình, tôi thấm thía với câu nói ấy.
- Viết về các dân tộc ít người, quả thực vẫn là một thách thức lớn đối với mọi nhà văn xưa nay. Ngay cả cây đại bút Tô Hoài, ở Núi Cứu Quốc - tập truyện đầu tiên viết về miền núi của ông, cũng không tránh khỏi việc “bắt chước cách nói của đồng bào miền núi một cách kệch cỡm ngô nghê” như nhận định của một nhà nghiên cứu. Đến những tác phẩm sau, như Truyện Tây Bắc và Miền Tây, Tô Hoài đã sáng tạo lại ngôn ngữ dân tộc vùng cao trên cơ sở thấm nhuần cách cảm, cách nghĩ của họ. Đi theo con đường ấy, tác phẩm không nhại lối nói của người bản địa nhưng từ các nhân vật vẫn âm thầm toát lên một cái gì đó rất sâu thuộc về bản sắc dân tộc, và tác phẩm của ông đã được đồng bào địa phương chấp nhận. Ông chia sẻ: “Bấy giờ tôi viết cuốn Miền Tây, trong ngôn ngữ, cụ thể từng câu, anh em ở trên ấy đọc, nói rằng tôi không bắt chước tiếng nói và lối nói người Hmông, nhưng lại có vẻ Hmông… Chính vì bao nhiêu sự thật đã nhuần nhuyễn vào tâm trí tôi, mới viết được như thế”. Tôi nghĩ đây là một kinh nghiệm rất đáng lưu tâm cho mọi cây bút viết về miền núi.
+ Tôi đồng ý với anh. Văn học viết về miền núi của ta lâu nay vẫn thường rơi vào tình trạng mờ nhạt bản sắc dân tộc, thể hiện trước hết ở nhân vật và ngôn ngữ nhân vật. Trong khá nhiều tác phẩm, nhân vật chỉ khoác áo dân tộc, được người viết gán cho một căn cước dân tộc nào đó hoặc thậm chí không có, còn mọi biểu hiện đều giống người Kinh hoặc không rõ hình hài một dân tộc cụ thể nào. Đọc những truyện ngắn, tiểu thuyết ấy chẳng khác gì xem một số bộ phim nhạt nhẽo, “giả cầy” về dân tộc miền núi trong nước hiện nay. Còn có trường hợp bịa đặt, gán ghép đặc điểm của dân tộc này cho dân tộc khác hoặc có những sai sót do thiếu hiểu biết về các dân tộc thiểu số. Hiện tượng “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, lẫn lộn các dân tộc với nhau ấy là hệ quả của việc “cưỡi ngựa xem hoa” của tác giả trong cuộc đời và trong sáng tác.
- Hiện nay, với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bộ mặt miền núi đã và đang thay đổi. Sự thay đổi diễn ra cả ở bề rộng và chiều sâu, thay đổi cách con người quan niệm, ứng xử đối với tự nhiên, xã hội và nền văn hoá của mình - với hai nghĩa tích cực và tiêu cực. Để có những tác phẩm viết về miền núi và dân tộc thiểu số đúng nghĩa như ông nói có lẽ chúng ta càng phải nhìn nhận lại một số vấn đề…
+ Có thể nói công cuộc xây dựng nông thôn mới đã thay đổi cuộc sống tới từng bếp lửa vùng cao. Những con đường liên xã, liên thôn, nội đồng được bê tông hóa; điện, thông tin liên lạc được phủ khắp các thôn bản; trường, trạm được xây dựng khang trang; phần lớn cán bộ từ thôn bản đến xã, đến huyện đều có trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn cao; tin học, ngoại ngữ được đưa vào giảng dạy từ cấp tiểu học… Nhờ đón bắt, hòa nhập được với công cuộc đổi mới, với kinh tế thị trường nên lúa, ngô, mận, lê, đào hầu như được bán ngay tại ruộng tại vườn, nông dân không còn cảnh trữ lương thực vụ nọ nối vụ kia làm mồi nuôi mối mọt chuột bọ, bớt đi cảnh người ngựa thồ mận thồ lê đi nửa ngày đường mới tới chợ rồi bán đổ bán tháo. Bây giờ các thanh thiếu niên vùng cao cho đến lớp người trung tuổi ai cũng dùng điện thoại (điện thoại của lớp trẻ phần nhiều là điện thoại thông minh, nhiều khi còn xịn hơn cả người vùng xuôi); trẻ em ở Sa Pa nói tiếng Anh như gió, giao tiếp với những ông bà khách Tây là chuyện bình thường.
Thế đó, trong công cuộc đổi mới ở vùng cao cái được thì rất nhiều, con người mở mang rạng rỡ hơn, khoảng cách miền ngược miền xuôi dần thu hẹp, song cũng như nhiều vấn đề khác nó cũng có mặt tốt, mặt xấu, đó là văn hóa cổ truyền bị mai một, là con người sống với nhau thực dụng hơn, là khoảng cách giàu nghèo rõ rệt… Đặc biệt là trong lúc tranh tối tranh sáng, những dự án, những cách làm nông nổi, không khoa học, không hợp với vùng cao đã để lại hậu quả nặng nề cho một vùng, nhiều vùng. Trong Rễ người tôi đã gửi gắm những trăn trở này qua suy ngẫm của nhân vật Phù: “Ở Thu Phố, mở đầu những người mang no ấm đến vùng rừng bằng cái mồm là những dự án phiêu lưu, lãng mạn. Bắt đầu là dự án cán bộ bảo dân phá rừng trồng cây lai. (…) Sau những lời có cánh cùng cây lai giống của huyện cấp là sự hồ hởi ra quân, là những cánh rừng theo nhau ăn sức ăn lửa để nhường chỗ cho loại cây mọc lên mà chẳng biết sau này sẽ làm lợi cái gì.
Dự án lai đang tối tăm mù mịt thì đến dự án chè. (…) Nào là khi trà Tuyết San thành hàng hóa nó sẽ cho thu hoạch gấp năm gấp mười trồng ngô trồng lúa, xe máy, tivi ở đấy chứ ở đâu nữa. Sau cái “nào là” nhà nào cũng dành cả quả đồi sau nhà để gọt nhẵn, đánh luống từ chân tới đỉnh. Bao nhiêu vốn liếng, công sức bỏ ra nhưng chè chưa lên được đã bị trâu quần ngựa xéo lợn ủi đến cỏ lau còn không mọc nổi nói gì đến chè...”
Rất nhiều thí điểm như thế xảy ra đã tàn phá vùng cao, kéo theo sự đói khổ của đồng bào, song rất may sự phiêu lưu đó đã dần bớt đi, người vùng cao tỉnh táo hơn, họ đã biết nghe bằng cả hai tai, nhìn bằng cả hai mắt rồi. Trong thế giới khoa học kĩ thuật, công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, không dễ để cho một người, một nhóm người thiếu kinh nghiệm thực tiễn lại bốc đồng cầm tay chỉ lối cho đồng bào. Đồng bào đã tiến bộ, thời cuộc đã đi lên thì nhà văn muốn viết đúng về họ cũng phải bắt kịp xu thế này để phản ánh chân thật vào trong tác phẩm.
- Dự định của ông sau Rễ người là gì?
+ Vẫn về đề tài miền núi, dân tộc thôi. Lâu nay, khi nghĩ tới đi đâu, làm gì trong tỉnh là tôi nghĩ ngay tới những người Mông, người Tày, người Phù Lá ở Bắc Hà, người Nùng ở Mường Khương, người Dao ở Văn Bàn, người Tày ở Bảo Yên, người Giáy ở Bát Xát, người Mông, người Giáy ở Sa Pa… Đến những nơi này, tôi hòa được ngay với thiên nhiên nguyên sơ, với nền văn hóa giàu bản sắc của các tộc người mà đất nước đang phải bỏ tiền của, thời gian vào việc lưu giữ. Khi cầm bút, tôi luôn nghĩ tới những từ điển sống, trong đó có lớp gạo cội, lớp trung tuổi, lớp trẻ ở miền núi - những “mỏ vàng” này đã nuôi dưỡng tôi trong những ngày gian khó, gây dựng vốn liếng, tạo cảm hứng và mang lại cho tôi những thành công trong cuộc đời, trên trang sách. “Mỏ vàng” ấy còn biết bao trữ liệu, vấn đề để tôi cùng các nhà văn khai thác với khát vọng làm sao có được những tác phẩm hay, đúng nghĩa về dân tộc và miền núi.
- Xin cám ơn nhà văn về cuộc trò chuyện. Chúc ông có thêm những cuốn sách mới và thành công mới!
LÝ HỮU LƯƠNG thực hiện
Nguồn VNQĐ