Diễn đàn lý luận

Nhà văn Phạm Ngọc Chiểu và ba “khúc quanh định mệnh”

Lê Huy Hòa
Chân dung văn học
13:50 | 12/11/2024
Baovannghe.vn - Tôi biết và quen nhà văn Phạm Ngọc Chiểu khá muộn. Cùng là dân làm sách, tôi nghe danh ông - một biên tập viên kĩ tính và khái tính nhưng chưa có dịp làm quen.
aa

Trong đời làm sách, tôi luôn thích đọc, thích được làm quen với những người có gốc gác bên khoa học tự nhiên có đam mê sáng tác, nghiên cứu, dịch thuật văn chương, khoa học. Và có 3 người, đều là dân vật lí, tôi trân quý và thấy tự hào về thành công ở họ: nhà vật lí lí thuyết, dịch giả Phạm Văn Thiều, người đặt nền móng cho dòng sách (tủ sách) “Khoa học & Khám phá”) của Nhà xuất bản Trẻ; đại tá, nhà thơ Đỗ Trung Lai, cựu sinh viên khoa Lí, Đại học Sư phạm Hà Nội và nhà văn - nhà báo Phạm Ngọc Chiểu, nguyên Phó Tổng biên tập thường trực Tạp chí Văn nghệ Công nhân, một học sinh trường làng giỏi môn Vật lí, từng nuôi ước mơ trở thành nhà vật lí, nhưng do “số trời”, lại trở thành nhà báo, nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình.

Nhà văn Phạm Ngọc Chiểu và ba “khúc quanh định mệnh”
Nhà văn Phạm Ngọc Chiểu

Tôi biết và quen ông khá muộn. Cùng là dân làm sách, tôi nghe danh ông - một biên tập viên kĩ tính và khái tính nhưng chưa có dịp làm quen. Mãi đến khi chuyển ngành, về đầu quân cơ quan ông, phụ trách chi nhánh Nhà xuất bản Lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh, tôi mới gặp ông. Nhớ lần gặp tại buổi cơ quan đón người mới, khi ấy, ông đang trên cương vị Trưởng ban biên tập Sách Văn học của nhà xuất bản. Thoạt đầu, tôi thấy ông là một người mộc mạc, xởi lởi cả ở ánh mắt tươi và sáng, nhất là nụ cười. Cuối buổi gặp, tôi ghé phòng làm việc của ông, gặp như để từ biệt trước ngày tôi vào Nam nhận nhiệm vụ. Hai anh em cũng chỉ kịp nói với nhau vài chuyện xã giao. Khi bắt tay tôi từ biệt, ông dặn, vào trong đó, cậu cố gắng kết nối với một số cây bút văn học công nhân, ông có kể tên một số nhà văn ông từng quen trước đấy… Bấy giờ, tôi cũng chỉ nghĩ là ông có ý “bàn giao” cộng tác viên phía Nam cho tôi, nhưng sau này, tôi mới hiểu, ông đã “chủ ý” cho công việc sau đấy ông đảm nhận trên cương vị “kiến tạo” nội dung một tờ tạp chí văn nghệ.

Mấy tháng sau, ông gọi điện cho tôi báo tin vui: Dự án tổ chức xuất bản Tạp chí Văn nghệ Công nhân, diễn đàn văn hóa - văn nghệ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp giấy phép hoạt động và Tổng Liên đoàn Lao động giao cho Nhà xuất bản Lao động tổ chức xuất bản, phát hành. Ông nói đang lo các thủ tục hành chính, con dấu… và không quên thông báo, tờ tạp chí sẽ ra hàng tháng và tự chủ về tài chính. “Chú giúp anh làm đại diện thường trú phía Nam và lo đầu ra cho tạp chí…” Tôi chúc mừng ông về ý tưởng nuôi dưỡng bấy lâu ở ông đã thành hiện thực, và xin hứa sẽ làm tốt việc ông tin cậy và gửi gắm nơi tôi. Tôi có thưa lại với ông, chi nhánh sẽ làm một “đề án” nhỏ trong tổ chức tham gia xây dựng tạp chí (như dạng quy chế phối hợp hoạt động) và gửi ra, làm căn cứ, để hai bên cùng bàn bạc và thống nhất trong các hoạt động chuyên môn cũng như phân khúc địa bàn “phủ sóng” (phát hành) tạp chí, tránh chồng chéo, làm sao đạt hiệu quả tốt nhất. Ông nghe xong và nhất trí với đề xuất của tôi. Ngay sau đó, ông fax đề cương nội dung các chuyên mục sẽ có trong mỗi số tạp chí. Về phần mình, tôi cũng thảo quy chế phối hợp, đóng góp bài vở, và đề xuất một chuyên mục mới. Sau khi nhận được quy chế chúng tôi gửi ra, ông hoàn toàn ủng hộ và gọi cho tôi, nhắc tôi lo chuẩn bị bài cho số đầu tiên…

Sau này, gặp lại ông trong chuyến công du vào các tỉnh phía Nam, tôi mới có dịp hỏi về những ngày đầu tạp chí. Ông nói, nhiều khó khăn, thách thức, vì nhà xuất bản đã thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính, nhân sự phải sử dụng “vốn tự có”. Phụ trách mảng văn xuôi của tạp chí, ông thuyết phục nhà văn Trần Dũng, Phó Giám đốc, Tổng Biên tập nhà xuất bản đảm trách, nhà thơ Nguyễn Thái Sơn, người vừa từ chi nhánh phía Nam ra, làm Thư kí tòa soạn và phụ trách trang thơ, họa sĩ Vũ Đức Hiếu lo mĩ thuật và kiêm “chánh văn phòng” của tạp chí. Đội ngũ phóng viên (cộng tác viên) thuộc biên chế “mềm” là các nhà văn, nhà báo cộng tác viên nhà xuất bản. Cơ quan đại diện tạp chí phía Nam gồm các nhà báo, nhà thơ, nhà nghiên cứu độc lập: Nguyễn Trung Bình, Phạm Hoàng Quân, nữ sĩ Lâm Bình… Mọi chuyện đương nhiên là “vạn sự khởi đầu nan” song rồi cũng êm đẹp. Với hơn 60 số đã xuất bản cùng các chuyên mục hấp dẫn như Phóng sự điều tra, Chân dung văn học, Nghiên cứu biên khảo, Truyện ngắn mini…, tạp chí Văn nghệ Công nhân đã trở thành người bạn đường thân thiết của bạn đọc là công nhân, viên chức, người lao động cả nước, và thật hạnh phúc, họ luôn nhớ và ghi nhận công sức, sự tận tâm với nghề của nhà văn, nhà báo Phạm Ngọc Chiểu cùng các cộng sự luôn sát cánh bên ông.

Trên cương vị quản lí là vậy, còn trên hành trình sáng tác, ông cũng đã có một “gia tài văn học” của riêng mình bao gồm: 10 cuốn tiểu thuyết (Hiệp sĩ giữa đời thường, Khúc quanh định mệnh, Thung lũng đầy nắng bụi, Bên ngoài vành móng ngựa, Dưới tán rừng lặng lẽ, Nơi góc rừng xa vắng, Trong cuộc, Chuyện tình dưới chân núi, Vệt buồn trên má…); 6 tập truyện ngắn (Chiều lặng gió, Người ơi có nhớ, Đừng vô tình truyện đó, Hai chị em, Những mảnh đời khác nhau, Chiều hè oi ả); 1 tập truyện vừa (Gió ngược), cùng với 3 tập tiểu luận chân dung văn học (Những trang sách - những cuộc đời). Như thế, đủ thấy, ông là một “phu chữ” lực lưỡng, đáng để bạn bè, đồng nghiệp nể phục và trân trọng! Vào năm 2024 này, ông công bố chuyên luận riêng về một “tượng đài” văn học: Ma Văn Kháng: Thành tựu - Thi pháp - Đẳng cấp văn chương (Nhà xuất bản Văn học). Công bố một chuyên luận riêng, với một tác giả, một nhà văn, ở tuổi U80 như ông, quả là một kì tích! Đọc chuyên luận với riêng tôi thấy, ông có cách tiếp cận nghiên cứu, phê bình không theo “thông lệ” mà bằng tư duy logic của người có năng khiếu về khoa học cơ bản (môn vật lí). Ông tìm tòi, tra cứu tư liệu, so sánh, đối chiếu các thuật ngữ chuyên môn…, đi tới việc tự cắt nghĩa các khái niệm nghiên cứu, phê bình và chọn được cho mình một cách thể hiện riêng?! Về điểm này, nhà văn Phạm Ngọc Chiểu có “thế mạnh” riêng có: trước hết ông vừa là người biên tập sách văn học, và ông lại là người sáng tác. Về thành công của chuyên luận này, giáo sư, tiến sĩ Trần Đăng Suyền trong bài viết “Thêm một công trình nghiên cứu mới về Ma Văn Kháng” đã nhận định: “Ngòi bút phê bình của Phạm Ngọc Chiểu có cái thế mạnh của một người sáng tác, vừa am hiểu những chuyện bếp núc của văn chương, vừa có cái trực cảm, tinh tường mà không phải nhà nghiên cứu văn học nào cũng có được”. Bạn đọc sẽ cảm nhận nét tài hoa của Phạm Ngọc Chiểu ở chuyên luận này, khi phát hiện ra những hồn cốt ẩn hiện tinh hoa ở mỗi tác phẩm và định danh, “bắt vít” bằng những cụm từ tinh tế, tài tình như: “Đồng bạc trắng hoa xòe, Vùng biên ải - bộ sử thi bị lãng quên”, “Lãng du cùng truyện ngắn”, “Mùa lá rụng - chuyện một nhà, chuyện một thời”, “Thế giới tiểu thuyết vạm vỡ”, “Cây bút truyện ngắn sum suê hoa trái”, “Thi pháp cổ điển trữ tình”… Cũng có thể coi, trong việc này, ông đã dụng công thiết kế công trình chuyên luận của mình đến độ tinh xảo. Như thế, Phạm Ngọc Chiểu, như cách tôi từng nói với ông: Ở ông anh có 3 trong 1, đó là có một nhà văn, một nhà nghiên cứu, phê bình và một “kiến trúc sư trưởng” thiết kế nội dung tờ tạp chí văn nghệ dành cho người lao động.

Gần đây, Tạp chí Văn nghệ Công nhân (điện tử) có thực hiện một buổi ra mắt sách của ông. Vì ở xa, tôi không có mặt trong ngày vui chung, một “sự kiện” không mấy ai có được như ông, xin ông nhận ở tôi những tình cảm được “gói” bằng những con chữ trong bài viết này. Xin chúc mừng ông!

Nhà văn Phạm Ngọc Chiểu và ba “khúc quanh định mệnh”
Tranh M.S. Angelica Henriques
Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam - Vietnam Music Week 2024 tại TP.HCM

Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam - Vietnam Music Week 2024 tại TP.HCM

Baovannghe.vn - Từ ngày 13-15.12, tại TP.HCM sẽ diễn ra Tọa đàm ngành kinh doanh âm nhạc - Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam 2024 - Vietnam Music Week 2024 (VMW 2024)
Công chiếu 3 bộ phim đặc sắc của điện ảnh Việt Nam

Công chiếu 3 bộ phim đặc sắc của điện ảnh Việt Nam

Baovannghe.vn - Ba bộ phim đặc sắc được công chiếu "Dòng sông hoa trắng" ngày 11/12; "Cây bạch đàn vô danh" ngày 12/12 và "Người đàn bà mộng du" ngày 13/12
“Bài văn về trứng vịt lộn” đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh

“Bài văn về trứng vịt lộn” đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh

Baovannghe.vn - Vượt qua hai vòng chấm Sơ khảo và Chung khảo “Bài văn về trứng vịt lộn” đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh do Nxb Kim Đồng tổ chức
Gió phương xa. Truyện ngắn dự thi của Trần Thủy

Gió phương xa. Truyện ngắn dự thi của Trần Thủy

Baovannghe.vn- Ngơ ngác, bấn loạn, tôi loanh quanh ở nhà chờ, nơi nhận hành lí để thoát ra ngoài. Cả ba tiếng đồng hồ trôi qua tôi chưa thấy gã. Gã lặn mất tăm với chiếc vali
Han Kang: “Tôi vô cùng sốc khi thiết quân luật một lần nữa lặp lại”

Han Kang: “Tôi vô cùng sốc khi thiết quân luật một lần nữa lặp lại”

Baovannghe.vn - Nhà văn Han Kang vừa có buổi gặp gỡ với báo chí tại Viện Hàn Lâm Thụy Điển trong thời gian chuẩn bị cho buổi nhận giải Nobel Văn chương.