Diễn đàn lý luận

Xuân Thiều - như tôi thấy và biết

Ngô Vĩnh Bình
Chuyện văn chuyện đời
14:30 | 08/11/2024
Baovannghe.vn - Nhà văn Xuân Thiều (còn có các bút danh khác là Nguyễn Thiều Nam, Tú Hói) sinh ngày 01 tháng 4 năm 1930 vốn người làng Triều Đông, bên bờ con sông La thơ mộng thuộc xã Bùi Xá, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh - một vùng quê văn hiến và giàu truyền thống yêu nước, trong một gia đình nông dân.
aa

Chừng cuối năm 1979, đầu năm 1980 khi tôi đang là lính ắc-ê dưới một đơn vị bộ binh thì thật bất ngờ được thủ trưởng sư đoàn gọi lên nói là có khách dưới bộ cần gặp. Khách là một viên trung tá da dẻ hồng hào tự giới thiệu: “Tớ là Hải Hồ - Thư ký Tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Quân đội được cơ quan cử lên gặp cậu”. Dường như thấy tôi - một viên hạ sĩ có vẻ “không thể tin nổi” điều này, khách nói thêm, đây cậu xem “giấy giới thiệu” của tớ. Tôi liếc qua thấy dấu đỏ, đóng chồng lên một chữ ký rất chân phương Xuân Thiều với chức danh Phó Tổng biên tập... Cái tên Xuân Thiều tôi đã gặp nhiều qua sách báo, từ hôm ấy chẳng ngờ lại trở nên gần gũi với tôi suốt hơn 30 năm sống và làm việc nơi phố nhà binh...

Nhà văn Xuân Thiều (còn có các bút danh khác là Nguyễn Thiều Nam, Tú Hói) sinh ngày 01 tháng 4 năm 1930 vốn người làng Triều Đông, bên bờ con sông La thơ mộng thuộc xã Bùi Xá, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh - một vùng quê văn hiến và giàu truyền thống yêu nước, trong một gia đình nông dân. Sau vào đầu thập niên 60 của thế kỷ trước ra Hà Nội ngụ tại Tập thể quân đội K95 (bãi Phúc Xá) và khu gia binh 16A phố Lý Nam Đế (phố nhà binh) - Hà Nội. Hai địa danh này có biết bao kỷ niệm với ông và gia đình (vợ ông - bà Nguyễn Thị San cùng các con ông - Thiều Quang, Thiều Hoa, Thiều Quyên và Thiều Nam); đồng thời cũng đã đi vào nhiều trang sách của Xuân Thiều... Đi chiến trường biền biệt, nhưng mỗi lần nghỉ ngơi giữa hai trận đánh, hay dừng chân trên đường hành quân là ông lại nhớ về Hà Nội, về xóm bãi thân yêu. Thơ ông viết gửi con gái Thiều Quyên năm nào:

Xuân Thiều - như tôi thấy và biết
Nhà văn Xuân Thiều (1930 - 2007)

Ba đi một chặng đường xa

Ví bằng con bước từ nhà ra sân

...

Rồi ba đi tận cuối trời

Mãi vì ấm một vành nôi con nằm

(Trước giờ ra trận)

Ngay từ khi còn là học sinh tiểu học ở quê đã có cảm tình với những phong trào đấu tranh yêu nước, đặc biệt là phong trào đấu tranh kiên cường bất khuất của những người cộng sản, nhất là sau khi phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh bị thực dân Phong kiến khủng bố, đàn áp. Chưa đầy tuổi 15 ông đã tham gia những hoạt động yêu nước ở địa phương chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 trên cả nước. Sau đó, ngày 25 tháng 2 năm 1947, chưa tròn 17 tuổi tòng quân vào lực lượng vũ trang địa phương; rồi phục vụ tại Lữ đoàn 341 của Quân khu IV lần lượt từ chiến sỹ lên Chính trị viên Trung đội, Chính trị viên đại đội, Trợ lý tuyên huấn Lữ đoàn.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước làm phóng viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội ở chiến trường Bình -Trị - Thiên nhiều năm, viết văn làm báo với bút danh Nguyễn Thiều Nam (cũng là tên người con trai út của ông). Sau ngày thống nhất đất nước (30 tháng 4 năm 1975), ông là cán bộ sáng tác rồi Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội (1977) với quân hàm Đại tá. Năm 1987 biệt phái sang Hội Nhà văn làm Chánh Văn phòng, sau đó làm Trưởng ban sáng tác của Hội đến khi nghỉ hưu.

Là cán bộ Tiền khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 (lão thành cách mạng), được tặng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huy chương Quân kỳ Quyết Thắng, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (hạng Nhất, Nhì, Ba), Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật cùng nhiều giải thưởng văn chương có uy tín khác như: Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu, Giải thưởng Hội Nhà văn, Giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng...

Đọc thiên hồi ức Thành bại một đời văn của ông mới hay Xuân Thiều thích văn chương từ khi còn rất trẻ, còn là anh lính trơn. Thấy bạn bè cùng lứa văn nghệ ở Liên khu IV viết truyện ngắn và được đăng, ông sốt ruột và tập tọe viết liền đến 3, 4 cái gửi ra Hà Nội. Nhưng mấy bận chẳng thấy hồi âm. Tuy vậy, Xuân Thiều không nản... Và thành công đã đến với ông. Truyện Dưới hầm bí mật được giải thưởng của Tạp chí Văn nghệ của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, và truyện Trắng đêm được nhận giải thưởng của Tạp chí Văn nghệ Quân đội... Sự khởi đầu này thật ý nghĩa!. Năm 1959 ông được cử ra Hà Nội tham dự Hội nghị Bạn viết toàn quân (cùng với Nam Hà, Văn Ngữ, Nguyễn Minh Châu...) và sau đó được điều về Tổng cục Chính trị làm trợ lý phòng Văn nghệ quân đội thuộc Cục Tuyên huấn. Năm 1959 chuyển sang Văn nghệ Quân đội làm trợ lý biên tập văn xuôi, sau biên tập thơ. Đời viết văn của ông, nói theo cách nói của chính ông là cuộc đời có “thành”, có “bại”, nhưng trước sau dù thế nào ông cũng là một nhà văn quân đội, một nhà văn - chiến sĩ. Đúng như ông có lần kể: Sau 1954, đang ở một đơn vị bảo vệ giới tuyến thì được điều động về Phòng Văn nghệ Quân đội dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Cục trưởng Tuyên huấn là Thiếu tướng Lê Chưởng. Cục trưởng vui vẻ bảo: “Cuối cùng cậu đã toại nguyện. Lại được trở về với văn nghệ”. Xuân Thiều thành thật đáp: “Vâng, cũng như anh thôi”. Tướng Lê Chưởng xua tay: “Không, cậu khác mình chứ... Mình là cán bộ chính trị của Đảng yêu văn nghệ. Còn cậu là cán bộ văn nghệ của Đảng...”. Và dường như từ ấy, suốt cuộc đời ông luôn luôn lòng dặn lòng mình là “cán bộ văn nghệ của Đảng”.

Xuân Thiều - như tôi thấy và biết
Sông La - Hà Tĩnh. Ảnh Internet

Trong bài Thành bại một đời văn, ông cho rằng, cái “chủ yếu” của văn chương chính là những vấn đề của con người vì lẽ sống chính của văn chương là cho con người. Và trong bài Tâm sự viết truyện ngắn, ông nói rõ hơn: “Văn học... phải phát hiện những điều mới mẻ của con người, đào xới sâu vào con người, thể xác lẫn tâm linh, cả hành động lẫn tư duy, để cuối cùng hướng con người tới chân, thiện, mỹ”

Là người lịch lãm, luôn cầu thị và thẳng thắn, Xuân Thiều có né tránh mà cũng có đương đầu, nói theo một nhà phê bình văn học thì đời văn của ông, có “thành”, có “bại”, có “chiến tích” mà cũng có “thương tích!"... Song ông không một mảy may ân hận về con đường mình đã chọn, về lý tưởng sống và viết của mình: “Tôi chưa bao giờ viết những gì mà tôi không thích thú. Không viết vì bất kỳ một áp lực nào. Tôi không muốn tự đánh mất mình bằng ngòi bút”

Văn nghiệp của Xuân Thiều để lại gồm trên dưới 5.000 trang gồm đủ các thể loại.

Về tiểu thuyết, Xuân Thiều có hai tập tiểu thuyết gây được sự chú ý của người đọc là Huế mùa mai đỏTư Thiên viết thiên về hướng sử thi mô tả cuộc chiến đấu ngoan cường và vô cùng ác liệt ở một vùng đất dọc dài đói nghèo và miên man nắng gió là chiến trường Bình - Trị - Thiên; đặc biệt là vùng ven Thành phố Huế trong những năm tháng chiến tranh, cụ thể nhất là trước và sau cuộc Tổng tấn công tết Mậu Thân năm 1968. Ở đó, trong những năm chiến tranh với bút danh Nguyễn Thiều Nam, ông đã viết những tác phẩm được nhiều người biết tới như: Mặt trận kêu gọi, Chiến đấu trên mặt đường, Gieo mầm, Tâm sự chiến sỹ quản tượng, Chuyện làng Rapồng… Ấy là những trang viết đầy đạn bom, lửa khói và chết chóc nhưng cũng thật lãng mạn. Và cũng có những năm lăn lộn cùng bộ đội dưới cả trời bom đạn ấy, về sau Xuân Thiều mới viết được những tác phẩm nổi tiếng như: Huế mùa mai đỏ, Tư Thiên, Truyền thuyết quán tiên, Xin đừng gõ cửa, Người mẹ tội lỗi

Về truyện ngắn. Nói tới Xuân Thiều phải nói tới các truyện ngắn: Người mẹ tội lỗi, Xin đừng gõ cửa, Truyền thuyết về quán tiên là những sáng tác xuất sắc của ông. Với thể loại truyện ngắn, Xuân Thiều đã giành được rất nhiều giải thưởng: Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội với tác phẩm Trắng đêm (năm 1957), giải thưởng Cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ của Hội LHVHNT Việt Nam (1958-1959) với tác phẩm Dưới hầm bí mật, giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn nghệ Giải phóng (1966) cho tác phẩm Chuyện làng Rapồng, giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng 1989 - 1994, tặng thưởng Hội đồng Quốc phòng An ninh, Hội Nhà văn Việt Nam cho tập truyện ngắn Xin đừng gõ cửa, giải thưởng Hội đồng văn học về chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang, Hội Nhà văn Việt Nam (1986) cho tập truyện ngắn Gió từ miền cát, giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2001) của ông cũng là các tập truyện ngắn Gió từ miền cát, Xin đừng gõ cửa.

Đồng thời với tiểu thuyết và truyện ngắn, Xuân Thiều còn là nhà văn của thiếu nhi, cây bút ký sự phóng sự chiến tranh xông xáo và sắc sảo. Thêm nữa, ông còn là một nhà thơ, người viết tiểu luận phê bình có văn và có trách nhiệm.

Viết cho thiếu nhi, ông có hai tác phẩm được tuổi trẻ một thời yêu thích và được tái bản nhiều lần với số lượng lớn là Tâm sự chiến sỹ quản tượng Khúc hát mở đầu… Tập tuyện dài Khúc hát mở đầu được Giải thưởng của Uỷ ban thiếu niên nhi đồng và Hội Nhà văn Việt Nam (1982). Xuân Thiều là một trong những nhà văn quân đội đầu tiên được Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Huy chương Vì thế hệ Trẻ .

Về thơ, Xuân Thiều có hai tập thơ Trước giờ ra trận (1973) và tập Và nỗi nhớ (1998), trong đó có nhiều bài nhiều câu được bạn yêu thơ, nhất là những người lính nhớ và thuộc lòng.

Tập tiểu luận Tiếng nói cảm xúc là một đóng góp đáng kể của ông ở lĩnh vực lý luận phê bình văn học. Ở đấy ông tổng kết: “Cái cần kêu gọi ở nhà văn chính là tài năng, mà tài năng chỉ có thể phát triển qua lao động nghiêm túc. Cái cần kêu gọi nữa ở nhà văn, chính là lòng trung thực với chính mình. Nhà văn không tự lừa dối mình, sẽ không lừa dối bạn đọc...”!. Xuân Thiều còn không một giây phút lãng quên mình là một nhà văn - chiến sĩ. Ông luôn ý thức trau dồi phẩm chất nghệ sĩ cho thật đầy đủ, cho thật giàu có; đồng thời cũng luôn nhắc mình là người lính, là sĩ quan cao cấp trong quân đội và là người cộng sản. Đó là cái căn bản làm nên tên tuổi ông; và theo ông, đó cũng là “thành bại một đời văn” của ông . Từ cán bộ quân đội trở thành nhà văn quân đội (hai con người này cũng có cái giống nhau mà cũng có nhiều cái khác nhau), Xuân Thiều phải trải qua một chặng đường khá dài, bằng việc bồi dưỡng “nghề nghiệp chuyên môn”, bằng cách nâng cao “nhận thức văn học” mới có được.

Văn phẩm Xuân Thiều để lại không thật là đồ sộ, nhưng trang nào, quyển nào cũng mang dấu ấn của một thời bom đạn ngổn ngang mà trên cái nền máu lửa ấy là thân phận của những con người - những con người đã đi qua chiến tranh, giành lấy chiến thắng một cách quả cảm bằng máu và nước mắt của chính mình. Ấy là những người dân vùng cán xoong “tuyến lửa” khu Bốn và Bình - Trị - Thiên “khói lửa” những năm chưa xa mà tiêu biểu hơn cả, hồn nét hơn cả là cuộc sống của những người lính, của những người đàn bà trong chiến tranh. Có thể nói những nhân vật đàn bà trong Truyền thuyết quán tiên, trong Người mẹ tội lỗi và trong Xin đừng gõ cửa… của Xuân Thiều là những nhân vật văn học tiêu biểu cho một thời, cho một vùng đất. Thông qua những nhân vật của mình, Xuân Thiều không chỉ vẽ ra một bức tranh, miêu tả một không khí bi tráng của chiến tranh mà cái quan trọng là ông muốn phát đi một thông điệp rằng: “Viết về chiến tranh nhưng không cổ xuý cho chiến tranh vì chiến tranh chỉ mang đến sự huỷ diệt và bất hạnh cho con người”; và theo ông chiến tranh, “đấy chính là trò đùa khắc nghiệt, đòi hỏi nhà văn phải có một chỗ đứng vững chắc, có một đầu óc tỉnh táo, có một tầm nhìn sáng suốt và hơn hết là một tấm lòng nhân hậu ưu ái đối với con người”.

Và, như thế có thể nói, nói tới văn học đề tài chiến tranh và người lính nói riêng và rộng ra là văn học chống Mỹ, văn chương cách mạng không thể không nhắc tới tên tuổi Xuân Thiều và những tác phẩm như Huế mùa mai đỏ, Truyền thuyết quán tiên, Người mẹ tội lỗi… của ông.

Xuân Thiều cũng là một ông “đồ Nghệ”. Vốn chữ Hán, vốn tiếng Pháp học được thời tiểu học ở quê tuy không nhiều, nhưng với “chất Nghệ” bẩm sinh và bền bỉ tự học với bút danh Tú Hói, ông đã sáng tác hàng trăm câu đối, bài thơ chân dung tặng bạn bè người thân, nhiều hơn cả là các bạn văn, những người bạn đồng hương, đồng tuế. Có câu in sách in báo, có câu được đóng khung treo trong nhà ai đó làm kỷ niệm, nhưng cũng có câu viết cho vui, viết để đùa ghẹo bạn bè…, nhưng câu nào cũng đối nhau chan chát, hóm hỉnh, sâu sắc và nhiều ý tứ. Đáng chú ý nhất là câu tự hoạ cái bút danh Tú Hói của mình:

- Có đỗ đâu mà “Tú”, dăm ba chữ Tây Tàu lõm bõm, cũng văn thơ, cũng câu đối nhì nhằng, vẫn cứ liều làm “tú” (tuot: tiếng Pháp là tất, làm tất làm tuốt)

- Đầu đã “Hói” còn xuân, mấy mươi năm văn nghệ lai rai, khi biên tập lúc phóng viên đắp đổi hẳn đang muốn hồi “xuân” (xuân trong chữ Xuân Thiều, nhà văn có cái đầu hói).

Và một câu khác vô cùng “táo bạo” viết tặng hai nhà văn đàn anh là Vũ Cao và Từ Bích Hoàng khi hai “sếp” sinh nhật tuổi 50 và vinh thăng quân hàm thượng tá (1972):

- Mình năm mươi, cậu cũng 50. Ừ nhỉ chúng mình tròn trăm tuổi

- Đây cấp tá, đấy cấp tá. Ờ hay hai đứa chẵn đôi quan

Đem “trăm tuổi”, đem “hai 50” và “đôi quan” ra mừng thọ thủ trưởng thì quả là to gan, vậy mà lại vô cùng ý nghĩa!

Từ một học sinh trường làng trở thành một sĩ quan cao cấp của quân đội (Đại tá hưởng lương tướng); từ một người viết văn nghiệp dư dưới đơn vị cơ sở trở thành một nhà văn chuyên nghiệp, Phó Tổng biên tập một tạp chí văn chương có uy tín nhất nước và là Trưởng ban sáng tác Hội Nhà văn Việt Nam với nhiều giải thưởng, phần thưởng và danh hiệu cao quý, tên tuổi Xuân Thiều đã vinh dự được đặt tên cho một trường tiểu học đặt tại nơi chôn nhau cắt rốn của ông - Trường Tiểu học Nguyễn Xuân Thiều (xã Bùi Xá, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh); đồng thời đời ông, văn nghiệp của ông đã nêu một tấm gương, một bài học về sự say mê rèn luyện, học tập cũng như lòng trung hiếu, kiên trung với quê hương với Tổ quốc. Ông xứng đáng là bậc lão thành của Cách mạng, của Đảng; đồng thời tên tuổi ông cũng là niềm vinh dự của quê hương Hà Tĩnh nói chung và nói riêng quê hương Bùi Xá.

Báo Văn nghệ số 48/2015

Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Baovannghe.vn - Mùa hoa mận của Chu Thùy Liên là mùa xuân rộn ràng của núi rừng Tây Bắc, ở đó tác giả gửi gắm những điều tốt lành như ước mơ ai cũng được thả lên trời cao và lời chúc cho những người con của quê hương dù đi đâu xa đều gặp may mắn, duyên lành để "nhớ lối trở về".
Di sản bất hòa ở Đông Âu

Di sản bất hòa ở Đông Âu

Baovannghe.vn - Tinh thần dám đối diện với quá khứ, dám chấp nhận sự đa dạng của văn hóa đã giúp các quốc gia Đông Âu và cả châu Âu bước qua nhiều trở ngại để bảo tồn và khai thác khối di sản kiến trúc XHCN ở Đông Âu.
Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Baovannghe.vn - Sầm Sơn đang góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa đứng top đầu các tỉnh phía Bắc trong phát triển kinh tế, văn hóa...
Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Baovannghe.vn - Ngày 20 tháng 11 năm 2024, quả chuối mang tên Comedian của Maurizio Cattelan đã được bán tại nhà đấu giá Sotheby’s với giá 6,24 triệu đô la, trở thành tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi nhất trong giới nghệ thuật đương đại. Một quả chuối dán tường với cuộn băng keo đã tạo nên cơn sốt toàn cầu, không chỉ vì giá trị vật chất, mà còn vì các câu hỏi nó đặt ra về giá trị thực sự của nghệ thuật.
Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Năm, ngày 21/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 22 (Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.