Phùng Văn Khai là nhà văn quân đội. Hiện tại, ông đang là Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Phùng Văn Khai là tác giả của một loạt tiểu thuyết với đề tài lịch sử như: Phùng Vương, Ngô Vương, Nam Đế Vạn Xuân, Triệu Vương phục quốc, Lý Đào Lang vương... Với tình yêu dành cho văn chương, đặc biệt là lịch sử, ông đã làm cho tiểu thuyết chương hồi đến gần hơn với công chúng. Lịch sử không còn là đề tài mới nhưng dưới góc nhìn, lăng kính của Phùng Văn Khai, lịch sử được khoác lên mình một màu sắc mới mẻ, sống động. Ông đã mang đến cho độc giả cái nhìn về lịch sử dân tộc rất khác, vô cùng thu hút và hấp dẫn.
Theo tôi thì chúng ta nên lưu tâm đến các nhà văn nhiều hơn, chúng ta muốn ứng xử tốt với lịch sử xa xưa thì phải ứng xử tốt với lịch sử đang diễn ra. Tôi bị lịch sử dẫn dụ tới mức tôi không làm được gì ngoài tìm hiểu lịch sử.
*Thưa nhà văn Phùng Văn Khai, tại sao ông chọn chủ đề lịch sử cho một số bộ tiểu thuyết đã xuất bản như Phùng Vương, Ngô Vương, Nam Đế Vạn Xuân và Triệu Vương phục quốc?
Tôi đến với sáng tác văn học lịch sử được hơn mười năm, cuốn đầu tiên tôi viết là Phùng Vương. Tôi đến với đề tài này vì thấy lịch sử Việt Nam rất hào hùng, bi tráng trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Trong quá trình đó đã tạo lên nhiều võ công, sự kiện lịch sử đi vào tâm thức của dân gian, trở thành những biểu tượng và văn hóa sâu sắc. Những sự kiện lịch sử đó vô cùng lớn lao, chúng ta có những trận đánh vang danh sử sách như: Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ và Điện Biên Phủ trên không… Chúng ta yêu chuộng hòa bình, nhưng để dựng nước và giữ nước chúng ta buộc phải chiến đấu để giành độc lập, quyền tự chủ để có Việt Nam hôm nay. Với tư cách nhà văn, tôi hiểu lịch sử là vô cùng quan trọng, tôi cho rằng mọi người cần biết nhiều hơn nữa về lịch sử.
Đề tài lịch sử đã có rất nhiều nhà văn đi trước khai thác như tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái. Sau đó, một loạt các nhà văn thời tiền chiến như Khái Hưng, Hà Ân, Nguyễn Triệu Luật, Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải… viết về lịch sử. Tôi là một nhà văn đương thời, cũng đang khẩn trương viết tác phẩm của mình.
*Theo ông, văn học và lịch sử có mối liên hệ gì?
Đầu tiên tôi được phân công viết về cụ Phùng Hưng. Tôi cũng mày mò viết được hai trăm trang, nhưng đọc lại thấy không ổn nên phải bỏ. Sau đó tôi dành nhiều thời gian, tâm huyết, nghiêm túc nghiên cứu lịch sử, dành 5 năm viết cẩn thẩn được cuốn Phùng Vương, giờ sách đã được tái bản lần thứ ba. Cuốn sách được độc giả, giới nghiên cứu lịch sử đón nhận, đánh giá tốt. Thậm chí, có nhiều bạn sinh viên ngành văn học làm luận văn tốt nghiệp cũng lấy cuốn Phùng Vương để làm, đó là điều động viên, khích lệ tôi rất lớn.
Chúng ta thấy rằng văn học và lịch sử đồng hành cùng nhau, việc tôi tiếp cận với lịch sử để chuyển hóa thành trang văn cũng hết sức tự nhiên. Lịch sử chúng ta không hề thua kém nước khác. Chúng ta có hàng nghìn năm, có văn hóa, phong tục đã trở thành bản sắc, có những trận đánh, võ công hiển hách. Việc giúp cho lịch sử không bị mai một, lãng quên là nhiệm vụ của người cầm bút. Thứ chúng ta viết không chỉ là lịch sử, mà còn là tái hiện lại cả bức tranh về văn hóa, nghi lễ, tập tục, trang phục của các vương triều, của một nền văn minh tồn tại hàng nghìn năm của dân tộc.
*Lịch sử là một chủ đề hay nhưng rất khó, rất ít được nhà văn lựa chọn, vậy trong quá trình sáng tác ông có gặp những khó khăn và thuận lợi gì?
Lịch sử Việt Nam vô cùng phong phú, vô cùng tuyệt vời nhưng tài liệu ghi chép còn lại rất ít ỏi. Tài liệu để chúng ta khẳng định mấy nghìn năm lịch sử tương đối mỏng. Khi tôi viết gặp rất nhiều khó khăn trong việc lấy tư liệu bởi vì nguồn tài liệu vô cùng trống vắng, thậm chí bị đứt đoạn. Những vương triều càng sâu xa càng ít tư liệu viết về nó như thời Tiền Lý trong Đại Việt sử kí toàn thư chỉ chép hơn chục dòng. Trong cuốn Việt Nam qua các thời của Đào Duy Anh cũng chỉ có vài chục dòng. Tuy nhiên, chúng ta lại có nguồn tư liệu phong phú trong dân gian.
Tôi đi đình, chùa, miếu rất nhiều. Ví dụ như Lý Nam Đế có hơn trăm nơi thờ, tôi đã lên xã Tiên Phong, Phổ Yên, Thái Nguyên thì hiện nay vẫn còn chùa của Lý Nam Đế xuất thân và đi tu ở chùa Cổ Pháp, nơi đó vẫn còn lưu giữ nhiều sắc phong, chứng chỉ. Hiện nay, ở chùa Trấn Quốc và một số nơi vẫn lưu giữ tranh vẽ vua Lý Nam Đế và hoàng hậu, những tài liệu về binh tướng của cụ. Đặc biệt là người được Lý Nam Đế giao cho nhiệm vụ phục quốc là Triệu Quang Phục. Khi Lý Nam Đế thua binh rút về hồ Điển Triệt, cụ bị ốm và giao binh quyền cho tả tướng Triệu Quang Phục. Tiếp theo Triệu Quang Phục rút quân về Dạ Trạch, hiện nay ở đó vẫn còn hệ thống đình đền thờ cụ Triệu Quang Phục cu quỷ và đầy đủ sắc phong.
Khi tôi điền dã đình, đền, chùa, miếu thì tôi được nghe dân gian người ta kể như cụ Triệu Quang Phục ngày xưa đóng chiến thuyền như thế nào, vẫn còn chiếc thuyền độc mộc đi trong đầm Dạ Trạch, người ta vẫn còn khắc ở trên những vách gỗ đình, đền. Tôi cũng phải tìm hiểu về cụ Ngô Quyền, Phùng Hưng về quá trình săn voi như thế nào, làm sao đưa voi được từ Thanh Hóa theo đường thượng đạo để tập kết. Cách thức đóng cọc trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền ra làm sao? Ngô Quyền sử dụng chiến thuyền như thế nào? Bởi vì hải thuyền đi biển của Hoằng Tháo rất cồng kềnh vì để nó vượt biển, mình là thuyền trong sông, khi mình dụ nó vào sông thì phải tìm cách áp sát và đốt phá được nó. Đó là nghệ thuật quân sự của dân tộc Việt Nam, trong tiểu thuyết của tôi có kể đến rất nhiều.
Tôi phải cảm ơn anh Phan Cẩm Thượng - một nhà nghiên cứu văn hóa. Anh ấy mô phỏng những trang phục của người Việt rất chân xác. Qua đó, tôi có thể mô tả trang phục quan huyện của vương triều Triệu Quang Phục, ăn mặc, giày dép, binh khí, làm việc ra sao. Ngoài ra, tôi còn phải tìm hiểu về cách thức tổ chức làng xã của người Việt, bởi chúng ta chống ngoại xâm cũng phải khơi sức dân, cũng phải chăm lo phát triển đất nước. Tất cả những điều đó đều nằm trong kiến thức của dân gian, nó nằm trong dân, nhiều khi tôi đến những ngôi làng cổ, nhà cổ, tư liệu nằm trong dân gian rất nhiều. Tôi còn có thể khai thác từ những câu chuyện dân gian, những bài vè… Sau khi tìm hiểu, thì tôi khá ngạc nhiên khi vương triều Tiền Lý và Hậu Lý, các vua đều xuất thân từ cửa cửa chùa. Khi viết tôi mới thấy điều đấy. Đại Việt sử kí toàn thư cũng chỉ chép rất ít dòng về Lý Nam Đế.
*Các trận thủy chiến của Việt Nam được ghi lại rất ít, trong các tiểu thuyết lịch sử của mình, ông thường kể về các trận thủy chiến, có lý do đặc biệt nào không? Thưa ông
Tôi thấy thủy binh của ta rất mạnh, cách đánh của người Việt rất hay, mềm mại. Tàu thuyền của chúng ta thường nhỏ, khi phương Bắc xuống nước ta thì buộc phải vượt biển nên dùng hải thuyền lớn. Khi thuyền vào trong sông, ngòi sẽ bị khó xoay trở. Còn các vua triều đại chúng ta đều sử dụng chính sách ngự binh ư nông, tất cả những thuyền đánh cá, ngư dân, người dân khi có chiến tranh lập tức trở thành vũ khí đánh giặc. Chiến thuyền của người Việt có khi chỉ có một người ở trên thuyền, bơi áp sát vào hải thuyền lớn cài cỏ khô, củi khô trên đấy và đốt cháy. Thậm chí, các cụ đánh trận rất giỏi, bằng cách buộc dây vào thuyền hàng ngàn dây bên này bên kia sông như vô số ròng rọc, tạo lên một thế trận liên hoàn, giống một tầng lưới lửa phòng không khi ta đánh B52 ngày nay vậy.
Ta đánh thủy chiến rất uyển chuyển, đóng thuyền nhỏ, gọn, khi thời bình nó dùng làm thương thuyền. Khi chiến tranh xảy ra, thuyền đó sẽ sung vào quân ngũ. Người Việt ta rất đoàn kết, khi có chiến tranh sẵn sàng dỡ nhà cửa đang ở làm thuyền.
Thủy chiến của Việt Nam rất nhiều trận lớn, oanh liệt tuy nhiên không được miêu tả, ghi lại kĩ. Khi tôi tìm tư liệu, tôi không ngờ rằng triều đại Lý Nam Đế, chúng ta đều dùng thủy chiến và có một trận vô cùng lớn, đó là trận ta đưa chiến thuyền hẳn sang Hợp Phố - Khâm Châu để đánh, đến nay sử Trung Quốc vẫn chép. Triệu Quang Phục đem quân sang đánh, đốt bảy ngày bảy đêm quân doanh thủy trại. Trong Đại Việt sử kí toàn thư chỉ chép ít dòng nhưng bên Tùy thư, Lương thư có chép khá rõ.
Có câu “Bắc mã Nam chu” nghĩa là phương Bắc giỏi về kị chiến, phương Nam giỏi về thủy chiến. Thủy quân của người phương Nam chúng ta là bậc thầy. Trận Bạch Đằng lần thứ ba, Trần Quốc Tuấn đánh hủy diệt binh tướng nhà Nguyên. Trận đó, toàn bộ thủy quân của đế chế Nguyên Mông gần như bị thiêu chìm sạch.
Tôi cũng muốn độc giả của mình, những người yêu văn chương, lịch sử có thể biết đến thêm các trận thủy chiến lừng lẫy của Việt Nam. Tôi muốn mỗi chúng ta đều biết đến và tự hào với các chiến tích của cha ông ngày trước trong sự nghiệp dựng và giữ nước.
*Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam cho tiểu thuyết Ngô Vương có làm ông bất ngờ?
Đối với một nhà văn, giải thưởng giống như một dấu mốc đánh giá một quãng mình cầm bút. Khi biết mình đạt giải, tôi cũng không bất ngờ lắm nhưng cũng rất vui mừng, vì đó là sự ghi nhận cho sự cống hiến, công sức của mình.Giải thưởng lớn nhất mà tôi có được là sự yêu mến, đón nhận của độc giả.
Hiện nay, việc ghi nhận các nhà văn đã rất tốt rồi nhưng theo tôi cần tính toán và làm cho tốt hơn nữa. Nhà văn trong thời đại Hồ Chí Minh được ghi nhận khá tốt, một số tên đường, tên phố có tên của họ, nhưng đó là điều đã diễn ra và chúng ta cần làm tốt hơn nữa. Thực ra, động viên nhà văn cũng không phải nhất thiết về vật chất, cái cần hơn nữa là ghi nhận kịp thời.
*Theo ông, việc khen thưởng cho các nhà văn hiện nay có đang thỏa đáng?
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Văn học là một phần văn hóa. Theo tôi, cần lưu tâm hơn nữa đến các thế hệ đàn anh của tôi, những hệ nhà văn đi trước, những người rất xứng đáng. Nhà văn Hoàng Quốc Hải, ông viết về hai bộ tiểu thuyết lịch sử triều Trần, Lý tái bản hàng chục lần, rất cần ghi nhận giải thưởng khẩn trương hơn. Hoàng Quốc Hải tôi biết là đã nhận giải thưởng Nhà nước, tuy nhiên cụ xứng đáng nhận giải thưởng Hồ Chí Minh, vì trong thời đại Hồ Chí Minh đã cống hiến rất lớn. Nếu ông so sánh với các loại hình, các tác giả khác thì cũng hoàn toàn xứng đáng. Ngay cả cụ Nguyễn Xuân Khánh, cuộc đời cụ rất cơ cực, cụ viết bộ tiểu thuyết rất hay là Mẫu Thượng Ngàn, Hồ Quý Ly, Đội gạo lên chùa…cần phải ghi nhận khi họ còn sống.
Hiện nay cần sự ghi nhận kịp thời, phải có cách khen thưởng trong danh dự cẩn thận, không phải khen đại trà theo kiểu khoán. Tôi cho rằng cách ghi nhận thành tựu các nhà văn hiện nay còn xộc xệch, cào bằng, chưa thỏa đáng. Nhân đây tôi cũng muốn đưa ra tiếng nói công tâm, ngoài sáng tác viết lịch sử thì tôi cũng tham gia quản lý cơ quan trong Văn nghệ quân đội, chúng tôi có nhiều nhà văn được đặt tên phố, tên đường, tên trường như: Nguyễn Thi, Vũ Cao, Thanh Tịnh, Phùng Quán, Xuân Thiều,…
*Ông vừa nhắc đến sự gần gũi với độc giả, vậy ông có ý định để tác phẩm của mình chuyển thể thành phim trong thời gian tới?
Một tác phẩm văn học người ta vẫn gọi vui là thể loại mẹ. Nếu họ muốn có phim Tam Quốc thì phải có Tam quốc diễn nghĩa. Việc chúng ta cộng sinh, hỗ trợ các tác phẩm văn học bằng điện ảnh, sân khấu… là rất tốt nhưng dường như còn xa vời, xôi đỗ quá.
Cuốn sách Ngô Vương của tôi có người yêu lịch sử Việt Nam, thông qua đạo diễn Lê Đức Tiến ngỏ ý muốn đầu tư để làm phim. Tôi nói luôn là tôi không cần trả thù lao bản quyền, tuy nhiên tôi có ba điều kiện, thứ nhất phải đúng chính sử, thứ hai không được thóa mạ tiền nhân anh hùng dân tộc, thứ ba khi phim ra người Việt phải được thưởng thức. Tôi sẽ không lấy một đồng, đó là đóng góp cam tâm tình nguyện của nhà văn.
Xin cảm ơn nhà văn!
Thu Ngân - Nguyên Khánh ( thực hiện)
Nguồn Ảnh: NVCC