Năm 2021, trong đợt tái phát dịch Covid-19 rất cấp bách ở TP. Hồ Chí Minh, các nhà văn nữ Huệ Triệu, Trần Mai Hường (Ban Nhà văn nữ, Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh) đã mạnh dạn đứng ra kêu gọi các đồng nghiệp, bạn viết, các nhà hảo tâm đóng góp Quỹ để mua gạo ủng hộ quán cơm 2.000 đồng, thiết thực giúp đỡ bà con nghèo vượt qua đại dịch. Chỉ sau 2h kêu gọi trên mạng xã hội, Quỹ đã thu được gần 50 triệu đồng, trong đó có sự tham gia ủng hộ của nhiều nhà văn trong cả nước. Ngay lập tức, các nhà văn nói trên đã chủ động liên hệ để mua gạo từ Long An (thông qua một nhà văn quen biết ở đó) rồi chở ngay đến tận các quán cơm trên địa bàn, kịp phục vụ bà con nghèo đang gặp khó từng bữa, từng ngày.
Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hơn ở TP. Hồ Chí Minh cũng như khu vực phụ cận và các tỉnh phía Nam, nhiều nhà văn, nhà hảo tâm biết được việc làm kịp thời, thiết thực đó của Ban Nhà văn nữ, Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh lại lên tiếng đề nghị tiếp tục công việc thiện nguyện và ủng hộ tiền, gạo, rau thông qua “địa chỉ vàng” là các nhà văn nói trên. Không quản ngại khó khăn, các nhà văn nữ lại tiếp tục “xông pha” đến tận những địa chỉ cần cứu trợ, hết việc hôm nay lại lo chuẩn bị cho ngày mai, xong việc nào “báo cáo” rõ rành việc nấy để mọi người an tâm, chia sẻ và tiếp ứng…
Dịp này, Hội Nhà văn Việt Nam cũng ra lời kêu gọi các nhà văn, bạn viết, nhà hảo tâm ủng hộ, đóng góp xây dựng Quỹ ủng hộ các nhà văn gặp khó khăn ở vùng dịch Covid-19 và đã thu được một số kết quả tích cực.
Không chỉ riêng trong đại dịch. Nhiều người đã từng biết, trong đợt lũ lụt xảy ra ở miền Trung năm 2020, các nhà văn nữ của Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh cũng đã tự nguyện quyên góp, cùng các nhà hảo tâm ra tận Quảng Trị và Nghệ An để trao tiền, hàng cứu trợ. Nhiều nhà văn, nhóm các nhà văn ở khắp nơi cũng chủ động đứng ra làm những công việc tương tự, góp phần giúp bà con nhanh chóng ổn định cuộc sống
Rõ ràng, khi cả nước ra sức chống dịch, khắc phục hậu quả thiên tai, việc các nhà văn chủ động “ra trận”, không chỉ bằng ngòi bút mà bằng cả tấm lòng, trách nhiệm, nghĩa vụ của một công dân, của những con người luôn gắn bó máu thịt với người dân, với bạn đọc, bạn viết, thấu hiểu và chia sẻ mọi khó khăn với từng số phận con người, nhất là trong khó khăn, hoạn nạn… là việc làm đáng cổ vũ, duy trì và lan tỏa. Đó là những người không chỉ nói, viết mà thực sự đứng về/ thuộc về “phe nước mắt” bằng hành động cụ thể, thiết thực trọng mọi hoàn cảnh.
Ngay cả trong cuộc sống thường ngày, lâu nay nhà văn vẫn có nhiều cách làm thiện nguyện đáng chú ý. Chẳng hạn, năm 2016, nhà văn Thu Trân ở Đồng Nai vừa tổ chức giới thiệu sách, bán sách vừa làm từ thiện thông qua chương trình “Thắp lửa yêu thương” thu hút đông đảo đồng nghiệp trong khu vực tham gia. Từ đó, nhà văn bán sách lấy tiền ủng hộ bệnh nhân nhỏ tuổi mắc bệnh hiểm nghèo từ giới thiệu của Quỹ bảo trợ trẻ em địa phương. Nhà văn - nhà báo Võ Đắc Danh dùng toàn bộ số tiền 500 triệu đồng từ bán sách Người Sài Gòn bất đắc dĩ để xây dựng 2 cây cầu ở Cà Mau. Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa lập Quỹ học bổng “Khát vọng mùa” từ việc bán sách, thu hút nhiều người tham gia hoạt động tích cực nhiều năm nay…
Ngoài ra, các hoạt động thiện nguyện của nhà văn Phạm Ngọc Tiến, nhà văn Như Bình, nhà văn Nguyễn Thế Hùng, nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành, nhà văn Tống Phước Bảo, nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm, nhà văn Phương Huyền, của nhóm Văn nhân Long Biên hay nhóm Nhân sĩ Hà Đông và nhiều người, nhiều nhóm nhà văn thiện nguyện khác… đều đã mang lại hiệu ứng tích cực và thu hút nhiều đồng nghiệp tham gia, tạo sự lan tỏa rộng rãi, thiết thực trong xã hội.
Gần đây, tại Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc 2022 tại Đà Nẵng, các thế hệ nhà văn đã đến thăm Trường Nội trú Hy Vọng, nơi đang nuôi dạy một số trẻ mồ côi cha mẹ vì đại dịch Covid-19 để “Mang thật nhiều yêu thương, gom thật nhiều Hy Vọng”, để “Nhìn thấu được những tâm tư giấu kín bên trong chúng con” như bức thư các em tỏ bày sau đó. Quan trọng hơn, qua chuyến thăm đặc biệt này để nhà văn nhận ra rằng “Cuộc đời này còn bao mất mát, đau thương, còn bao vẻ đẹp lớn lao mà những trang viết của chúng tôi chưa biết tới và chưa làm cho những điều đó hiện lên trên trang viết của mình”
Chúng ta hẳn chưa quên chuyện làm thiện nguyện vô cùng rình rang của một số ngôi sao ca nhạc, giải trí gần đây bỗng lần lượt bị “bóc phốt” gây thất vọng cực lớn trong cộng đồng. Càng trân trọng, khâm phục các nhà văn với mong muốn thật giản dị “Ủng hộ quán cơm 2.000 đ” hay “một số hộ đang thiếu gạo”, “mấy bác xe ôm thất nghiệp hết tiền, hết gạo”, “mấy nhà trong xóm hết rau mấy bữa” để làm thiện nguyện mà không hề mưu cầu chút lợi danh nào, lại luôn được các đồng nghiệp, các nhà hảo tâm tin cậy và trao gửi. Cứ thế, họ làm tốt công việc của ngày hôm nay lại được cậy nhờ tiếp mấy việc cho ngày mai, cho khu này, khối khác, những người tận cùng khó khăn, không biết kêu ai, gọi ai giữa tứ bề khốn khó khi đại dịch bùng phát dữ dội…
Tất nhiên, ai ai cũng biết nói đến nhà văn là nói đến tác phẩm. Nhưng liệu tác phẩm chất lượng đến mức nào, thu hút và đi vào lòng người đến mức nào nếu nhà văn chỉ đứng ngoài mọi vấn đề thiết thân của xã hội, chỉ là người quan sát, đưa tin, phản ánh thông qua một hình tượng thiếu sức sống, xa lạ với mồ hôi, nước mắt của đồng bào mình, người thân, ruột thịt với mình?
Không thiếu những dẫn chứng sinh động về các nhà văn dấn thân, nhập cuộc, chiến đấu, hy sinh như một người bình thường trong các cuộc kháng chiến và dựng xây đất nước. Cuộc sống mới hôm nay có nhiều vấn đề mới, nhiều phát sinh, phức tạp, chưa có kinh nghiệm, bài học nào cả, vì vậy, đòi hỏi không chỉ nhà văn mà cả xã hội phải vào cuộc thực sự, vừa làm vừa học, vừa làm vừa tìm ra xử lý mọi vấn đề bức thiết đặt ra. Đó chẳng phải là cái mới trong cuộc sống mà nhà văn cần nắm bắt, phát hiện sao?
Thiết nghĩ, việc chủ động bắt tay vào công việc thiện nguyện nói trên của các nhà văn TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh đại dịch nguy hiểm và cần kíp và việc làm thiện nguyện thường ngày của các nhà văn cả nước là việc làm cần thiết, có tác động tích cực, rộng rãi. Chắc chắn không có chuyến đi thực tế nào, trại viết nào, lớp bổi dưỡng viết văn nào, cuộc hội thảo nào hiệu quả hơn, nhiều thu hoạch hơn bằng những việc làm xuất phát từ trái tim thiện nguyện nồng ấm và bao dung đó của chính các nhà văn, bằng sự đóng góp chân thành, cụ thể của mỗi nhà văn, bạn viết, bạn đọc.
Biết bao nhà văn bậc đàn anh trong chiến tranh luôn là người “cầm súng trước khi cầm bút” và không kịp nghĩ mình là nhà văn. Trong bối cảnh mới hiện tại, việc nhiều nhà văn bôn ba xuôi ngược, tất tả với cân gạo, mớ rau để mang đến tận tay, tận nhà đồng bào nghèo, để họ khỏi đứt bữa, để “không một ai bị bỏ lại phía sau” cũng chính là tiếp nối con đường đi tới sáng tạo thành công, như một lẽ tự nhiên của nghiệp cầm bút.
Lần đầu tiên trong lịch sử trao giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam, xuất hiện “giải thưởng khác không phải giải thưởng văn chương nhưng tạo cho chúng tôi niềm xúc động ấn tượng. Đó là giải thưởng về con người, nhân cách được trao cho các nhà văn Huệ Triệu, Trần Mai Hường. Họ đã xuyên qua sự thách thức và đe dọa của Covid-19 để mang đến những tình cảm mặc dù vật chất thì hạn chế nhưng trái tim thật đẹp đẽ” như phát biểu của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội tại Lễ trao giải thưởng 2021.
Khi cả nước buộc phải đặt nhiệm vụ chống dịch lên hàng đầu, khi thiên tai bất ngờ ập đến ở đâu đó, khi cuộc sống bình thường trôi đi với bao cung bậc khác nhau, nhà văn làm thiện nguyện cũng chính là chiến sỹ tiên phong trên mặt trận này; theo cách của riêng mình, theo tiếng gọi của trái tim mình dành cho bạn đọc, bạn viết máu thịt của chính mình; qua từng hành động thiện nguyện, từng trang viết đầy tính nhân văn cao đẹp lúc nào cũng cần kíp cho cuộc sống .,.
Nguồn Văn nghệ số 43/2022