Đời sống âm nhạc sôi động hơn
Cứ đến tối thứ Bảy, khán giả Việt lại nóng lòng đón xem “Anh trai vượt ngàn chông gai” và “Anh trai say hi” lên sóng. Việc hai chương trình lên sóng cùng thời điểm, có sự tương đồng về format vô tình khiến khán giả chia tách thành hai phe bởi họ khó theo dõi cùng lúc cả hai show.
Dù vậy, “Anh trai vượt ngàn chông gai” và cả “Anh trai say hi” đã nhanh chóng định hình bản sắc, có những đặc trưng để phân biệt với chương trình còn lại. Hai hướng đi riêng tạo nên đầu ra là những sản phẩm âm nhạc cũng hoàn toàn khác nhau.
“Anh trai vượt ngàn chông gai” chào sân bằng 33 màn trình diễn cá nhân, làm sống lại những giai điệu đã quen thuộc với nhiều thế hệ khán giả. Không ít bạn trẻ kể rằng nếu họ hào hứng với loạt hit “Cô gái mét 52”, “Giá như”, “Người lạ ơi” thì các bậc phụ huynh lại hoài niệm với các bài hát có tuổi đời hàng chục năm như “Tình đất”, “Niềm tin chiến thắng”, “Trống vắng”, “Chiếc khăn gió ấm”...
Cả phần thi cá nhân và phần thi nhóm đều được 33 nghệ sĩ ưu tiên lựa chọn các ca khúc đã có độ phổ biến nhất định, từ đó dễ chạm đến cảm xúc của khán giả, mang đến không gian hồi tưởng và gắn kết từ quá khứ đến hiện tại.
Thế nhưng, trình diễn những ca khúc cũ không có nghĩa sân khấu sẽ nhàm chán, lặp lại. Như nhóm Phan Đinh Tùng, Thành Trung, Đỗ Hoàng Hiệp đã gây bất ngờ khi cả 3 ca khúc solo đều được phối rock đầy máu lửa, khai thác tối đa khả năng làm chủ sân khấu, khuấy động không khí của nghệ sĩ.
Giám đốc âm nhạc SlimV cho thấy sự biến hóa và sáng tạo khi đưa chất liệu Jazz vào tiết mục “Nếu có yêu tôi” (Tự Long, Bằng Kiều, Tuấn Hưng) hay kết hợp nhạc giao hưởng vào bài hát “Giá như” của Soobin Hoàng Sơn.
“Anh trai vượt ngàn chông gai” quy tụ các nghệ sĩ ở nhiều độ tuổi và lĩnh vực. Ảnh: Nhà sản xuất |
Về phần “Anh trai say hi”, JustaTee liều lĩnh sử dụng hoàn toàn những ca khúc mới thay vì chọn những bài hát đã nổi tiếng của 30 nghệ sĩ trẻ. Nhờ đó, đội ngũ sản xuất âm nhạc có cơ hội định hình chủ đề cho ca khúc ngay từ đầu, không chịu áp lực từ thành công của bản phối gốc hay phải vượt qua “cái bóng” của một hit nào đó.
Các ca khúc hầu hết được phối dance, pop, EDM hoặc ballad, sử dụng nhiều tiếng Anh, lời hát gần gũi với giới trẻ, cài cắm những tư duy táo bạo, gai góc. Việc quá nhiều rapper tham gia vừa là cơ hội vừa là thách thức cho ê-kíp bởi họ có nhiều cá tính mạnh nhưng cũng đặt ra bài toán về khả năng cân bằng, chia đều đất diễn cho vocal (giọng hát) và rap.
Sức nóng không hạ nhiệt
Chỉ sau vài tuần, “Anh trai vượt ngàn chông gai” đã mang đến hơn 40 màn trình diễn đủ thể loại, còn “Anh trai say hi” phát hành ít nhất 14 ca khúc mới toanh, chưa kể các bài hát chủ đề, bài hát nhóm đặc biệt.
Trên mạng xã hội, lượt thảo luận về 63 “anh trai” luôn ở mức hàng trăm nghìn lượt/tuần. Trong top 20 Âm nhạc thịnh hành của YouTube thì có đến 9 sản phẩm đến từ hai chương trình này. Tất cả các tập phát sóng dù đều có thời lượng 2-3 tiếng nhưng luôn nằm trong mục thịnh hành YouTube, thu hút hàng triệu lượt xem.
Hiệu ứng bùng nổ của hai chương trình tìm kiếm nhóm nhạc nam bắt nguồn từ thành công của “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng” năm 2023. Chương trình quy tụ 30 sao nữ như một làn gió mới, một món lạ với khán giả Việt Nam sau nhiều năm luẩn quẩn format chương trình tìm kiếm tài năng, thi thố năng khiếu.
Sự đầu tư, dàn dựng công phu trong các tiết mục trình diễn cộng với màn hòa giọng, đứng chung sân khấu của loạt tên tuổi đình đám đã làm nên hàng loạt ca khúc triệu view cho show Chị đẹp.
Vì vậy, không bất ngờ khi “Anh trai vượt ngàn chông gai” được mua bản quyền và Việt hóa ngay sau khi “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng” khép lại.
Âm nhạc của “Anh trai say hi” lẫn “Anh trai vượt ngàn chông gai” có thế mạnh riêng, phục vụ những tệp khán giả riêng. Justatee đang có phần thắng thế về mặt thị trường và hiệu ứng nhạc số, nhưng SlimV lại được đánh giá cao hơn về chất lượng chuyên môn và sự đa dạng, hứa hẹn mang đến sự cọ xát và cạnh tranh khốc liệt cho thị trường nhạc Việt.
Theo Huyền Chi - Báo Lao Động