Trong lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam xuất hiện một sự trùng hợp ngẫu nhiên thú vị: có ba người lính cùng mang tên Hoàng Cầm đều rất nổi tiếng. Một Hoàng Cầm nhà thơ, tác giả Về Kinh Bắc, Bên kia sông Đuống, Mưa Thuận Thành, Lá diêu bông,... từng là trưởng Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị. Một Hoàng Cầm anh nuôi, sáng chế bếp Hoàng Cầm không khói huyền thoại. Và một Hoàng Cầm danh tướng, thi thoảng cũng làm thơ... tình dành tặng vợ! Từ người lính trở thành Thượng tướng - Tổng thanh tra Quân đội, bước chân Hoàng Cầm đã trải khắp chiến trường Đông Dương mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ, Sài Gòn - Gia Định với Chiến dịch Hồ Chí Minh và tiến vào Phnôm Pênh giải phóng nước bạn Campuchia thoát nạn diệt chủng. Đằng sau cuộc đời phong phú đầy chiến tích của ông là những câu chuyện ấn tượng xúc động…
Thượng tướng Hoàng Cầm (1920-2013) |
Thoát ra từ bước đường cùng mồ côi bất hạnh
Thượng tướng Hoàng Cầm tên thật là Đỗ Văn Cầm, thường được gọi thân mật Năm Thạch, sinh ngày 30/4/1920 trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Vĩnh Thượng, xã Sơn Công, huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Tây nay thuộc thành phố Hà Nội. Mẹ mất năm ông lên 4 tuổi. Bố con phải đi làm thuê gánh mướn kiếm sống. Nhưng rồi bọn nhà giàu muốn cướp mảnh đất nhỏ nhoi mà ông bà để lại, nên đã vu oan cho người bố bán rượu lậu để chính quyền bắt đi tù.
Ra khỏi nhà tù, bố của Hoàng Cầm phải bán nhà được 20 đồng và bán cô con gái lấy 20 đồng để nộp phạt. Từ đó gia đình không còn tấc đất để ở, lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. “Quẫn chí, bố tôi thắt cổ tự tử khi tôi mới 12 tuổi. Nhưng gia đình phải giữ kín chờ đêm khuya bó chiếu đưa ra xa chôn cất, vì nếu khai báo bọn hào lý trong làng kiếm cớ gây sách nhiễu phiền hà, có khi để thối mới được chôn nếu không có tiền lo lót” - Hoàng Cầm bồi hồi nhớ lại.
Nhà có bốn anh em, do hoàn cảnh như vậy, mỗi người phân tán lưu lạc một nơi. Hoàng Cầm đi ở mướn cho người ta tới năm năm, dưới hình thức con nuôi, nhưng cách đối xử và công việc chẳng khác đứa ở. Khi làm mộ táng cho cha mẹ, họ đưa cho Hoàng Cầm 3 đồng tiền Đông Dương, nhưng đến khi ông bỏ đi thì họ đòi lại. Hoàng Cầm lang thang ở nhờ hết nhà này sang nhà khác để kiếm cái ăn cái mặc.
Đến năm hai mươi tuổi, Hoàng Cầm quyết bỏ làng ra đi, giang hồ lưu lạc từ Hà Đông lên Hà Nội với nhiều nghề lặt vặt để mưu sinh cho qua ngày: kéo xe bò, gánh nước, bổ củi, vác gỗ… Ai thuê gì làm nấy, miễn có cơm ăn. Ngày lang thang trên phố tìm việc. Tối ngủ lề đường xó chợ. Hai tháng sau, giữa cơn túng quẫn, ông tính trở về quê thì được tin chủ thầu người Pháp mộ phu làm đường từ Vinh sang Lào, liền ghi tên và đi làm. Nhưng sự đói rét, công việc nặng nhọc của người phu làm đường giữa chốn rừng thiêng nước độc dẫn đến bệnh tật quật ngã Hoàng Cầm, buộc ông phải quay về cố hương.
Không nhà cửa. Không tiền bạc. Không nơi nương tựa. Cuộc sống vô gia cư của anh nhà quê không đồng dính túi buộc Hoàng Cầm phải đi lính khố xanh cho Pháp, đóng quân tận biên giới phía Bắc. Hai năm trấn ải ở Lai Châu với nhiều cam go, khi chuyển về Hà Nội thì Hoàng Cầm bỏ lính. Nhật đảo chính Pháp, được cán bộ Việt Minh tuyên truyền, ông bí mật tham gia hoạt động cách mạng, chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Cách mạng như tia sáng giúp Hoàng Cầm bước ra khỏi bóng đen nô lệ, thoát gió bụi giang hồ lưu lạc.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Hoàng Cầm gia nhập Cứu quốc quân, Vệ quốc đoàn, Giải phóng quân tham gia mặt trận Sơn La năm 1947 đánh nhau với quân Pháp. Trong tư tưởng của Hoàng Cầm lúc ấy vẫn nghĩ chỉ tham gia quân đội một thời gian rồi quay về quê kiếm vốn buôn bán làm ăn. Ông không nghĩ mình sẽ gắn bó lâu dài với binh nghiệp. Nhưng suy nghĩ ấy dần thay đổi…
Lần đầu được gặp Chủ tịch Hồ Chí minh và Tổng tư lệnh Võ nguyên Giáp
Nhớ lại thời tuổi trẻ của mình, sinh thời trò chuyện với chúng tôi, tướng Hoàng Cầm nói rằng, lớp thanh niên của ông là lớp thanh niên mất nước, được giác ngộ tinh thần dân tộc, đánh đổ thực dân, cứu nước, sống rất bình dị và trong sáng, sẵn sàng hy sinh đến giọt máu cuối cùng. Sau này, họ mới được giác ngộ giai cấp, kết nạp vào Đảng. Từ khi Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 cho đến cuối năm 1947, họ đánh giặc chủ yếu từ vũ khí cướp được của giặc. Ăn uống thì dựa vào nhân dân. Chỉ đến năm 1948 trở đi thì quân ta mới có chế độ về khí tài, lương thực thực phẩm, quân trang quân dụng… Trong đội quân hỗn hợp ấy, những chiến sĩ xuất thân từ nông dân đã lớn lên và trưởng thành… Chính vào thời gian này, bí danh Hoàng Cầm xuất hiện. Giống như những người cùng thế hệ đã lấy họ Hoàng: Hoàng Điền, Hoàng Đan, Hoàng Phương, Hoàng Sâm, Hoàng Tùng, Hoàng Minh Thảo… Đỗ Văn Cầm đã đổi tên thành Hoàng Cầm. Từ năm 1946, Hoàng Cầm thuộc phiên chế của Trung đoàn 148 tham gia mặt trận Sơn La. Tháng 7/1947, Đại đội 250 của Hoàng Cầm được điều đến hoạt động ở vùng địch hậu Mộc Châu, khu du kích Mộc Hạ. Trong một trận đánh, Hoàng Cầm bị thương nặng, ngất tới 3 phút. Đồng đội tưởng ông đã hy sinh nên lấy khăn gói kín chuẩn bị khiêng đi chôn. Nhưng may mà Hoàng Cầm kịp tỉnh lại.
Năm 1949, Hoàng Cầm chuyển về Trung đoàn 209 - Sông Lô làm tiểu đoàn phó, rồi tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 130, nhận lệnh chuẩn bị hành quân đi chiến dịch Cao Bắc Lạng giải phóng biên giới, mà Trung đoàn 209 và Trung đoàn 174 được giao tiêu diệt cụm cứ điểm Đông Khê trên đường số 4. Tiểu đoàn 130 có nhiệm vụ đánh chiếm Phủ Thiện – khu hành chính của huyện lỵ Đông Khê. Nhờ những thành tích vượt bậc trong chiến đấu, ngày 12/9/1950, Hoàng Cầm vinh dự là Tiểu đoàn trưởng duy nhất cùng Chính trị viên tiểu đoàn Tạ Đình Hiển được Tổng tư lệnh Võ nguyên Giáp cho triệu tập lên Sở Chỉ huy chiến dịch gặp Bác Hồ đang trực tiếp đi chiến dịch. Đây là lần đầu tiên Hoàng Cầm được gặp Đại tướng Tổng tư lệnh và lãnh tụ tối cao. Một cuộc gặp gỡ hoàn toàn bất ngờ mà ông chưa bao giờ nghĩ đến.
Trong một cái lán nhỏ nằm giữa rừng sâu, Hoàng Cầm và Tạ Đình Hiển bước vào còn lúng túng chưa kịp chào thì Bác Hồ đã ôn tồn hỏi: “Chú Hoàng Cầm và Tạ Đình Hiển của Tiểu đoàn 130 đến báo cáo Bác phải không? Các chú ngồi luôn đây uống chén nước cho ấm bụng đã”. Rồi Bác hỏi thăm sức khoẻ, quê hương, gia đình hai người lính một cách thân mật. Bác bảo thời gian ở chiến trường lúc này rất quý, Bác cháu tranh thủ làm việc. Nghe Hoàng Cầm báo cáo, Bác tỏ ra hài lòng về quyết tâm chiến đấu của tiểu đoàn… Bác phân tích sâu sắc những bước đi cụ thể chuẩn bị cho chiến dịch, rồi bảo: “Các chú muốn tiêu diệt địch thì phải có biện pháp đánh bại các thủ đoạn của chúng”. Là cán bộ chỉ huy, lần đầu vinh dự được gặp Bác Hồ, trực tiếp nghe những lời giáo huấn của lãnh tụ về tư tưởng quân sự, với Hoàng Cầm đã trở thành một kỷ niệm thiêng liêng, một phương châm hành động trong suốt cuộc đời binh nghiệp.
Chiến dịch Biên giới kết thúc thắng lợi, Hoàng Cầm được cử làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 209 – Sông Lô thuộc Đại đoàn 312 tiếp tục chiến đấu trên chiến trường Bắc Bộ.
Chớp thời cơ trước giờ tổng công kích và bắt sống tướng De Castries.
Khi đợt 1 Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn, Trung đoàn trưởng 209 – Sông Lô của Hoàng Cầm được giao nhiệm vụ phối hợp với Trung đoàn 142 san bằng trung tâm phòng ngự kiên cố bậc nhất của quân Pháp ở cụm 3 cứ điểm Him Lam vào đêm 13/3/1954, góp phần mở thông cánh của vào trung tâm tập đoàn cứ điểm từ phía bắc và đông bắc, uy hiếp sân bay Mường Thanh. Đại tá Pirot chỉ huy pháo binh địch đã dùng lựu đạn tự sát.
Đợt 2 chiến dịch, Trung đoàn 209 của Hoàng Cầm đánh chiếm cụm đồi D1, D2, D3, đến ngày 1/5 tiếp tục đánh chiếm khu vực bàn đạp mở đầu cho đợt tiến công thứ 3 chiến dịch. Trên đường tiến quân, Trung đoàn 209 bẻ gãy nhiều cuộc phản kích của địch tái chiếm các cứ điểm… Sáng 7/5, Trung đoàn trưởng Hoàng Cầm gọi điện cho Đại đoàn trưởng 312 là Lê Trọng Tấn, rồi sau đó gọi tiếp lên Chỉ huy trưởng mặt trận Võ Nguyên Giáp xin cho đánh tiếp... Sau những giây phút chờ đợi căng thẳng, Hoàng Cầm nghe tiếng ông Tấn qua điện thoại: “Bộ chỉ huy mặt trận chuẩn y giờ nổ súng của trung đoàn, nhưng nhấn mạnh cần phải chuẩn bị cho tốt, không được bỏ qua một công việc nhỏ nào có liên quan đến đảm bảo chắc thắng”…
Giữ đúng lời hứa với cấp trên, Hoàng Cầm đã chỉ huy trung đoàn đánh chiếm điểm cao 507, tiếp đến tiêu diệt 508, 509 và đồng thời lệnh cho Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật chỉ huy Đại đội 360 vượt cầu phao chặn đường rút quân của địch cũng như chặn viện từ trung tâm Mường Thanh ra. Lúc này đã về chiều, nhưng trời nắng nóng, Hoàng Cầm chỉ mặc độc chiếc áo lót chỉ huy tấn công vào “đầu não” của địch ở Mường Thanh. Nghe tin bắt được một lính ngụy điều khiển khẩu đại liên 4 nòng và hắn khai báo hầm De Castries cách đó khoảng trên 200 mét, ông lệnh cho Tạ Quốc Luật dẫn một tiểu đội vượt lên ngay để bắt sống bằng được viên tướng chỉ huy Điện Biên Phủ. Chỉ vài phút sau tướng De Castries phất cờ trắng đầu hàng, toàn bộ ban tham mưu địch hai tay giơ khỏi đầu theo hai hàng dọc thất thần bước ra khỏi hầm. Vui mừng trước tin Tạ Quốc Luật báo về, ông ra lệnh giải ngay De Castries về Ban Chỉ huy trung đoàn để ông trực tiếp hỏi cung. Chiến sĩ Nguyễn Văn Minh dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật đã cắm lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” lên nóc hầm chỉ huy tướng De Castries. Thời khắc lịch sử đáng nhớ ấy là 17 giờ ngày 7/5/1954.
Sau 55 ngày đêm anh dũng chiến đấu, dưới sự chỉ huy tài tình của Bộ Chỉ huy chiến dịch mà đứng đầu là Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, quân dân ta đã làm nên chiến thắng vĩ đại, gây chấn động thế giới. Hơn mười sáu ngàn quân viễn chinh Pháp bị tiêu diệt và bắt sống. Ngay sau đó, vị chiến tướng tương lai Hoàng Cầm vinh dự được Đại tướng Võ Nguyên Giáp cử làm Trưởng đoàn Chiến sĩ thi đua Mặt trận Điện Biên Phủ về báo tin thắng lợi với Trung ương và Hồ Chủ tịch. Hoàng Cầm lên ngựa cùng chiến lợi phẩm mang theo gồm một lá cờ Pháp đã rách, các thứ huân chương, lon thiếu tướng và máy thu thanh nhỏ của viên bại tướng De Castries. Tiếng vó ngựa chiến thắng phi nước kiệu hùng dũng vang ngân núi rừng Việt Bắc.
Sau chiến thắng Điện Biên, Hoàng Cầm được đề bạt làm Đại đoàn phó kiêm Tham mưu trưởng Đại đoàn 312, sau đó tiếp tục được đề bạt thay Lê Trọng Tấn làm Đại đoàn trưởng kiêm Bí thư Đảng uỷ Đại đoàn 312 vào cuối năm 1954, mang quân hàm Đại tá.
Theo điện yêu cầu của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Trung ương Cục kiêm Chính uỷ Quân giải phóng miền Nam, một ngày đầu năm 1965, Đại tá Hoàng Cầm cùng Thiếu tướng Trần Độ từ Hà Nội bay sang Quảng Châu, Trung Quốc. Hai người cải trang thành công nhân máy tàu trên một chuyến tàu biển chở sắt đường ray rời Trung Quốc sang Campuchia. Con tàu bắt đầu nhổ neo vào một buổi sáng dày đặc sương mù, lần lượt vượt qua nhiều “điểm nóng” nguy hiểm trên biển Đông, hết Hoàng Sa rồi tới Trường Sa do hải quân Việt Nam Cộng hoà kiểm soát. Nhằm đánh lạc hướng tình báo địch, con tàu chạy xuống gần đảo quốc Singapore rồi bẻ lái đột ngột hướng về cảng Sihanoukville, lên bờ vượt biên giới sang chiến khu Lộc Ninh ở Đông Nam Bộ. Từ đây, cuộc đời chiến tướng Hoàng Cầm bước sang trang mới, lần lượt nhận lãnh nhiều trọng trách: Sư đoàn trưởng Sư đoàn 9, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, tư lệnh kiêm chính uỷ Quân đoàn 4 góp phần quan trọng vào sự nghiệp thống nhất đất nước, giải phóng nước bạn Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng và giữ yên bờ cõi cho nước bạn Lào.
Phan Hoàng
Nguồn Văn nghệ số 19/2023