Tôi biết đến thơ của nhà thơ Trần Nhuận Minh là khi đọc tuyển thơ (1960 - 2008) có tên Bốn mùa của ông, do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2009. Cho tận đến hôm nay, sau khi đọc thêm nhiều tác phẩm khác của ông, tôi vẫn bị ám ảnh bởi một thứ ngôn ngữ thơ rất khác biệt. Mà đúng hơn là một kiểu tư duy rất đặc biệt của một con người có vẻ bề ngoài thật dễ gần với bất kỳ ai.
Tôi thử rà lại một lần nữa những gì đã suy nghĩ về những tác phẩm của ông mà tôi đọc được, mới thấy rằng, cái thứ ngôn ngữ thơ mà tôi thấy "rất khác biệt" ấy, kiểu tư duy “rất đặc biệt" ấy, chính là một hệ thống câu hỏi vô cùng sâu sắc về con người, về cuộc sống. Về yêu - ghét, hay - dở. Về đúng - sai, tốt - xấu. Về được - mất, trắng - đen… Mà rộng hơn là về số phận của cả một dân tộc. Tôi thử tưởng tượng ra, nếu có ai trả lời thỏa đáng những câu hỏi trong thơ của ông, thì cuộc sống này thú vị biết chừng nào.
Nhà thơ Trần Nhuận Minh. Ảnh Internet |
Chẳng phải đến mãi năm 2018, ông mới đặt cho một tập thơ của mình cái tên là một câu hỏi lớn: Biết gửi cho ai? Mà ngay từ bài Chiều Yên Tử sáng tác năm 1983 (in ở trang đầu trong tuyển tập thơ Bốn mùa xuất bản năm 2009) ông đã viết: Cuộc đời đến đâu ư?/ Con người là gì vậy?/ Họa phúc có hay không?/ Kiếp sau ai đã thấy?
Chẳng biết bao người khác đang sống trên thế gian này có hay đặt ra câu hỏi cho mình hay không. Còn ông, mỗi bài thơ là một câu hỏi. Ông cứ thế đặt ra vô vàn câu hỏi trong mỗi bài thơ, thậm chí cả trong từng câu thơ của mình: Hư ảo hỡi! Giữa vô cùng Còn, Mất/ TA là ai? Thăm thẳm có TA không? (Bừng thức).
Các câu hỏi trong thơ ông bao trùm lên tất cả, từ thiên nhiên, cỏ cây, đời sống, xã hội, con người, vũ trụ, quá khứ, hiện tại và tương lai…, và tất cả đều xoay quanh số phận con người. Nếu ghép lại những mảnh ghép ấy, ta sẽ thấy hình thành một hệ thống thẩm mĩ, một hệ thống triết lí, lối tư duy khoa học và những câu chuyện triết học khá đồ sộ, thỏa sức cho người ta nghiên cứu, trao đổi. Vì lẽ đó, thơ ông được dịch ra nhiều thứ tiếng và phát hành ở 21 quốc gia như Anh, Pháp, Canada, Mĩ, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn quốc, Nga, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ…, được nhiều nhà văn, nhà thơ lớn nghiên cứu, trao đổi.
Đọc thơ ông, tôi nhận ra có ba loại câu hỏi, và tất cả không có câu nào ông trực tiếp trả lời. Có những câu hỏi ngay khi đọc ra, người ta đã thấy có hàm ý trả lời của chính ông trong đó. Có câu hỏi ông chỉ thắp lên những tia sáng niềm tin, để bạn đọc tự tìm kiếm câu trả lời. Người đọc thơ khi ấy tha hồ sáng tạo. Cái phần sáng tạo ấy trong thơ phương Đông, người ta gọi là dư ba (sóng ở ngoài sóng - ý ở ngoài lời - ý tại ngôn ngoại). Tôi nghĩ thơ Trần Nhuận Minh đã kế thừa xuất sắc sự thâm hậu trong nghệ thuật thơ kinh điển của phương Đông. Làm được như vậy, không chỉ nhà thơ bộc lộ tài năng, mà còn huy động được khả năng kiến giải, tôn trọng và phát triển đến tận cùng cái mà chúng ta vẫn gọi là tự do tư tưởng của tác giả và người đọc. Và như thế, cả triệu bạn đọc tự bù vào cái khoảng trống mà ông cố ý bỏ ngỏ kia. Bạn đọc thơ ông chẳng biết tự khi nào trở thành đồng tác giả với ông, tự giác tham gia sáng tạo thơ ông theo cách của mình. Điều đó giải thích vì sao có người nói: Đọc thơ ông thấy đơn giản như những câu chuyện thường ngày. Có lẽ vì họ bị hút vào cái đơn giản thường nhật ấy, mà người ta chưa kịp nhận ra cái bóng lồng lộng phía sau. Kiểu tư duy mở ấy là cốt lõi, là linh hồn trong thơ cổ điển phương Đông. Thật tiếc chẳng có nhiều người đời sau học và làm tốt được như ông.
Loại câu hỏi thứ ba trong thơ Trần Nhuận Minh dường như ko cần câu trả lời. Và không ít câu hỏi không thể trả lời: Ta là ai? Thăm thẳm có ta không? (Bừng thức). Hay: Đi trắng tóc chưa qua miền thơ dại/ Yên làm sao? Thăm thẳm gió thu ơi (Đá cháy).
Trước những sự việc lớn lao, những hình ảnh ấn tượng hay trong những hoàn cảnh thông thường, những sự việc tưởng chừng rất tầm thường, trong bất kỳ trạng huống nào, một khi câu chuyện lọt vào mắt ông thì đồng thời cũng có những câu hỏi được đặt ra. Mới thấy tâm hồn nhà thơ vô cùng nhạy cảm: Mợ đáng thương hay đáng trách?/ Trời ơi! Tách bạch mà chi (Mợ Hữu).
Đọc thơ ông, thấy ông đi đến đâu, gặp ai, nhìn thấy gì, nghe thấy điều gì là ngay sau đó ông đặt ra câu hỏi. Nhưng những câu hỏi về số phận con người vẫn để lại ấn tượng như một dòng chảy chủ đạo trong thơ ông. Mà số phận con người đã, đang và sẽ tiếp tục là mối bận tâm của thời đại, của nhân loại. Vì thế thơ ông còn là một câu chuyện của tương lai, bởi những câu hỏi khắc khoải: Nỗi gì lay động lòng dân/ Vượt bao thế cuộc xoay vần… chẳng tan? (Ông Hủi); Chả nhẽ mỗi chấm người mong manh trên trái đất/ Lại là biểu hiện mơ hồ huyền bí của không trung? (Vô thức).
Cũng có khi là những câu hỏi ông dành cho mình. Nhưng không vì thế mà người đọc trốn được việc phải tự tìm cách trả lời. Khi đến thăm một người bạn có thời làm bí thư huyện, chẳng gặp được nhau, vậy mà câu hỏi nhà thơ đặt ra làm cho ai đọc được cũng phải suy ngẫm để trả lời: Chả lẽ thế mới bõ/ Những thuở nằm hầm sâu/ Chí lớn xưa của bạn/ Có còn thì ở đâu? (Thăm bạn).
Tôi chưa có dịp hỏi nhà thơ xem có phải những câu hỏi trong thơ của ông là thủ pháp nghệ thuật chăng. Nhưng tôi cam đoan rằng, trong số những bài thơ của ông mà tôi đã được đọc có rất nhiều câu hỏi. Những câu hỏi dường như được sắp đặt bằng một hệ thống thẩm mĩ và các triết lý nhân sinh bao gồm các mối quan hệ người - người, người - đất - trời (có khi là với Đấng Âm U do chính tác giả sáng tạo nên), nó thấm đẫm chất nhân văn của triết học phương Đông. Có lẽ cách phát triển các vấn đề của hiện thực sinh động dưới dạng các câu hỏi là một cách lập tứ, một thứ ngôn ngữ riêng của ông, tạo cho thơ ông sự sâu sắc và độc đáo, mà tôi chưa thấy hoặc rất ít thấy ở nhà thơ khác.
Không bài thơ nào không đặt ra câu hỏi. Có khi mỗi câu thơ cũng là một câu hỏi. Có những câu hỏi, nếu thành thật với lòng mình, ta có thể trả lời ngay được. Nhưng có vô vàn những câu hỏi, đời này chẳng dễ gì chia sẻ được với ai: Hỡi Đấng Âm U/ Ngự trên chín tầng mây trắng/ Người đã đúng ngay cả khi không đúng/ Ta không sao đối thoại được cùng người (20-45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh).
Nhưng chẳng phải không thể đối thoại được với Đấng Âm U mà nhà thơ thất vọng. Ông vẫn có một niềm tin sắt đá vào những cái đẹp trong tâm hồn con người, như tiếng đàn bầu đã thấm đẫm trong từng âm thanh cả hồn vía của dân tộc. Chỉ là ai, ai sẽ làm cho tiếng đàn bầu ấy ngân lên "tiếng vang rền của núi sông trường cửu”?: Đêm nay/ Ta soạn khúc đàn bầu/ Không biết để cho ai/ Cũng chẳng biết có ai một lần gảy lên/ Những giai điệu tâm hồn ta vang vọng (44-45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh). Vì thế câu cuối của khúc thứ 45 ông viết: Bạn thấy chăng/ Trong mưa/ Cầu vồng mọc/ Huy hoàng/ Lao qua cả khoảng thời gian đã mất (45-45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh).
Cứ mải mê với những câu hỏi trong thơ Trần Nhuận Minh, có lúc tôi còn tự hỏi mình: Phải chăng ông là một nhà triết học có tài luận giải các vấn đề về con người, về xã hội bằng thơ? Cái cách luận giải của ông thật dễ hiểu: Đập lồng chim/ Thả chim ra/ Chim bay quanh quẩn hiên nhà chim quen/ Nhẹ nhàng chim khẽ đậu lên/ Nhành cây trong chậu ngỡ miền rừng xa (Con chim). Và đây nữa: Vầng trăng dịu dàng dát vàng biển máu/ Bãi cát đỏ ngổn ngang sáu vạn xác đầm đìa/ Hỡi vầng trăng/ Em soi sáng phía nào/ Trong cuộc huyết chiến kia? (Xem tranh Tống vẽ trận Trần Đào).
Đọc thơ ông, ở đâu, chỗ nào, bài nào cũng thấy những câu hỏi. Nếu không phải là những câu hỏi trực diện, thì khi đọc xong nhất định ai cũng thấy xuất hiện một câu hỏi trong đầu mình, thậm chí trong tận trái tim mình: Thiện và ác/ Cái nào là bất diệt?/ Một đời sông/ Chỉ có chảy thôi ư? (11-45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh).
Cái cách sử dụng "tiểu đối" trong thơ Trần Nhuận Minh không còn ở mức độ "kỹ thuật" thông thường, nó hòa vào tứ thơ, nó tan vào câu chữ trong việc phản ánh các "mặt đối lập", rồi trở thành thứ nghệ thuật mang hơi thở triết học mà người đọc có thể sử dụng nó, để luận giải các vấn đề về con người, về xã hội. Vì vậy người ta nói, thơ ông là thơ "thế sự" cũng có nhiều cơ sở lắm! Với tôi, cái "thế sự" trong thơ ông không phải mớ lý thuyết sách vở như những gì ta hay thấy. "Thế sự" trong thơ Trần Nhuận Minh xuất phát từ trái tim, khiêm nhường trong từng câu chữ, không đao to búa lớn mà chẳng khác gì những phát ngôn mang tính định đề hóa một chân lý hiển nhiên. Mọi sự hiển hiện ra như nó vốn vậy: Lấy cái vu vơ làm mủng/ Chở sao qua cuộc bạc đầu? (Cô Bổng). Đôi khi là những bất ngờ tưởng như đơn giản: Có lắm anh hùng, đất nước bình yên là một điều vĩ đại/ Không cần có lắm anh hùng, đất nước vẫn bình yên còn vĩ đại hơn nhiều! (Năm khúc hát bên bờ Trường Giang).
Cái hay, cái đặc biệt trong thơ ông, là ông có thể nói về những vấn đề rất lớn thông qua những cái rất nhỏ. Nhiều vấn đề phức tạp qua ngòi bút của nhà thơ trở thành giản dị như chân lý của cuộc sống: Giành một miếng ăn mà bị xử đến mức này/ Với trẻ con, sao các người ác thế?/ Không ai vô can, khi một em bé/ Đến ngày hôm nay vẫn còn đói bánh mì (Bài thơ không định viết).
Chính sự đặc biệt và riêng có, mà tôi nêu trên, nên thơ ông có nhiều người bỏ công nghiên cứu để xây dựng những luận văn khoa học. Gần đây tác giả phê bình văn học Nguyễn Xuân Dương viết cả một quyển sách mấy trăm trang về thơ ông, trong cuốn phê bình và tiểu luận Thơ Trần Nhuận Minh như tôi hiểu đã xuất bản sách điện tử, được rất nhiều người trên thế giới tìm đọc. Còn nhà phê bình người Mỹ gốc Việt Chu Vương Miện thì viết rằng: "Thơ Trần Nhuận Minh càng đọc càng thấy hay, càng thấy sâu. Mỗi lần đọc, lại phát hiện thêm một chiều sâu khác, một bề rộng khác, càng đọc càng thấy phải đọc lại, để hiểu cái cần phải hiểu." Nhắm mắt lại, tôi mới nhìn thấy cái không nhìn thấy.../ ...Bịt tai lại, tôi mới nghe thấy cái không nghe thấy.../ ...Dưới nước có nhiều luồng nước/ Trên trời càng có lắm tầng trời/ Các ngôi sao cũng đi đêm với nhau và những bí mật chỉ lặng lẽ nhấp nháy (Nhận biết). Khi đứng ngắm phế tích thành nhà Hồ, ông đặt câu hỏi: Dân là ai?.../ Tôi bỗng rùng mình/ Nền cung điện phân bò rơi rải rác/ Núi Cầm Hồ cỏ may bay xao xác/ Mệnh trời ư? Nào biết có hay không (Đứng trên thành nhà Hồ). Nhìn dòng người như dòng nước vào thăm cung điện Versailles ông viết: Cháu chắt, chút chít… những người đã chặt đầu ông/ Giờ sống bằng tiền tham quan di sản ông để lại/ Mới hay lẽ công bằng và điều ngang trái/ Đôi khi cách nhau một sợi tơ trời (Versailles).
Tôi không dám chắc cái lối tư duy đặc biệt kia của ông, hay đời sống gần gũi, gắn bó với những người xung quanh của ông, thì cái nào có trước? Bởi mỗi bài thơ là một bức chân dung, đôi khi là những chân dung có tên như mợ Hữu, ông Hủi, thím Hai Vui, dì Nga, bá Kim, cụ Hãn, ông Vọng, Lão Xá... và những bức chân dung không tên. Vậy mà ai soi vào cũng thấy bóng mình trong đó, bởi ông không ngắm nhìn họ bằng mắt, vẽ họ bằng tay, mà bằng chính tâm hồn mình. Những bức họa tài hoa ấy đã làm bao người cứ muốn xem đi xem lại mãi, vậy mà nhà thơ vẫn chẳng hài lòng với chính mình: Mỗi người một câu hỏi/ Đi mang mang trong đời/ Nổi chìm bao ghềnh thác/ Tôi chưa tìm thấy tôi (Chiều Yên Tử).
Càng đọc, càng thấy những câu hỏi trong thơ Trần Nhuận Minh nhiều như sóng biển, mênh mông và chẳng dễ trả lời. Mới thấu hiểu cuộc sống cho tới tận ngày nay vẫn là những cuộc vật lộn mưu sinh chẳng dễ dàng gì. Vì lẽ ấy, tâm hồn nhà thơ chưa khi nào bình lặng. Bởi với ông, chừng nào cái ác vẫn thè cái lưỡi ghê tởm ra trước đồng loại, thói tham lam vị kỷ vẫn ngự trị, niềm tin của con người vẫn bị đánh cắp bởi sự lừa dối, những phi lý vẫn ngang nhiên tồn tại… thì những câu hỏi trong thơ ông vẫn sẽ như sóng ngầm, cuồn cuộn trong lòng: Ta ngửa mặt hỏi làn mây trắng/ Dòng sông nước mắt này… ai đã sinh ra? (Ngồi chơi giữa sông tương); Hình như trời muốn rửa sạch/ Máu oan chảy suốt sáu trăm năm (Nguyễn Trãi); Làm sao biết được kiếp sau, em sẽ là gì?/ Là con chim nhỏ hót ríu ran trên cành cây kia chăng?/ Làm sao biết được kiếp sau anh sẽ là gì?/ Là tảng đá tím đứng lẻ loi bên đường kia chăng?/ Làm sao biết được ta còn kiếp sau?/ Làm sao biết được ta còn thấy nhau?/ Làm sao biết được nỗi buồn qua mau?/ Làm sao biết được tim mình không đau? (Làm sao biết được).
Thật đáng sợ và tuyệt vọng khi con người không biết tự cật vấn lương tâm mình. May sao đọc thơ ông vẫn thấy ông trăn trở: Chẳng biết có khi nào/ Bác chợt thương người cũ/ Chị ấy vẫn lam lũ/ Vẫn một mình nuôi con (Gửi bác Vương Liên); Sống lương thiện bây giờ sao khó thế?/ Sao con người vẫn cứ bơ vơ ? (Giật mình); Ngày tôi sống sao mà lạ vậy? (Ngày tôi sống sao mà lạ vậy?); Lòng mình sao cũng không yên? (Đêm thu); Trong chùa, Bụt ngẫm nghĩ/ Biết đâu miền chân tông? (Chùa vắng)…
Vẫn biết, cũng chẳng phải chỉ Trần Nhuận Minh làm thơ với những dấu hỏi "thiên nan vấn", nặng sự đời. Xưa ông Đỗ Phủ bên Trung Quốc, rồi Nguyễn Du, Nguyễn Trãi và nhiều nhà thơ lớn khác từng hơn một lần cật vấn, để xót xa cho nhân tình thế thái. Bởi thời nào cũng vậy, khi ngòi bút rung lên theo nhịp đập con tim, khi trí tuệ sáng lên làm tươi hồng dòng máu trong huyết quản, thì số phận con người trong cõi nhân gian này cũng có thể gói ghém vào dăm bảy chữ: Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên (Nguyễn Du). Đó chính là cái tâm thế của người thi sĩ tài hoa mẫn tiệp, với những điều trông thấy ở nhân gian… Tuy vậy, những câu hỏi trong thơ Trần Nhuận Minh ở đâu cũng có sắc thái riêng, bởi đều là những câu hỏi có "trách nhiệm". Tôi nghĩ hình như ông là một "công dân của tương lai". Người ta không thấy ông "oán trách" thế sự, có lúc tức giận mà tỉnh táo, kìm nén trong lý trí. Có lúc bâng khuâng, bùi ngùi, đau xót mà không tuyệt vọng, chỉ thấy trong ông một niềm tin ở con người. Bởi ông nhìn thấy: Thế gian chẳng bình yên/ Dù mỗi sớm tiếng chim trời vẫn hót (35-45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh). Cũng bởi các nhân vật trong thơ ông chủ yếu và trên hết là Nhân Dân. Họ là bác nông dân, là ông bạn nhà thơ, là chị công nhân, là anh bộ đội, là ông cán bộ về hưu, là chị lao công, là ông chủ tịch, là lão ăn mày... Số phận của họ chính là số phận của Nhân Dân. Mọi ngả đường trong thơ ông cuối cùng vẫn dẫn đến số phận con người. Nó đã chạm tới mọi biểu hiện của số phận con người. Nó mang tính toàn cầu. Mà số phận con người thì chưa quốc gia nào, thời đại nào giải quyết được triệt để cả. Vì vậy những câu hỏi trong thơ Trần Nhuận Minh không chỉ là vấn đề của hôm nay, mà sẽ là của mai sau.
Người ta vẫn nói, ông chỉ làm thơ "thế sự", nhưng tôi còn thấy ông viết thơ tình cũng mê mẩn lắm! Cái tình mà tôi nhận ra ở ông trong thơ không phải là thứ tình "hưởng thụ" mà là cái tình sẻ chia, bồi đáp: Có một chiều yên ấm ở xa nhau/ Anh chợt thấy vầng trăng rằm cũng khuyết/ Tà áo mỏng bồng bềnh cơn gió rét/ Thổi nao lòng từ tuổi chớm hoa bay (Chiều xanh). Nhưng cho dù có là thơ tình, rõ ràng viết về tình yêu, nhưng trái tim ông luôn trăn trở. Yêu bằng cả con tim mình, sao vẫn thấy là chưa đủ? Vì vậy mà ngay cả trong những bài thơ tình, vẫn là những câu hỏi làm người đọc phải lặng đi để lắng nghe trái tim mình: Nước mây tình tuổi đôi mươi/ Mà trôi nổi đến cuối đời… lạ chưa? (Chiêm bao). Có lẽ cái tình trong thơ ông luôn được soi sáng bằng tình yêu đồng loại. Vậy nên: Chén rượu tạ ơn dân/ Uống một mình thấy đắng (Tạ ơn dân).
Mỗi lần đọc thơ ông, lại thấy những câu hỏi cứ chấp chới bay lượn trong những trang thơ. Nó tạo ra thứ "âm thanh trí tuệ", trí tuệ của Nhân Dân. Tôi say mê thứ âm thanh ấy và tin là có nhiều người khác cũng thích lắng nghe và muốn nghe âm thanh ấy.
Đinh Văn Thái
Nguồn Văn nghệ số 20/2024