Sáng tác

Lỗ thủng giữa lô ghế F. Truyện ngắn của Đặng Thị Thuý

Đặng Thị Thuý
Truyện 12:36 | 09/06/2025
Baovannghe.vn- Khán phòng chật kín người, cả tầng một và tầng hai, lộng lẫy trong ánh sáng của những chùm đèn pha lê lớn được thả xuống từ mái vòm thiết kế theo kiểu Gothic. Không ai nói chuyện to, không ai nhốn nháo hay nghển cổ nhìn quanh.
aa

Nhà hát Lớn Hải Phòng, một buổi tối đầu hè năm 2025.

Sắp đến giờ biểu diễn.

Khán phòng chật kín người, cả tầng một và tầng hai, lộng lẫy trong ánh sáng của những chùm đèn pha lê lớn được thả xuống từ mái vòm thiết kế theo kiểu Gothic. Không ai nói chuyện to, không ai nhốn nháo hay nghển cổ nhìn quanh. Mọi ánh mắt đều hướng lên sân khấu, nơi tấm màn nhung đỏ sẫm sắp hé mở. Vở nhạc kịch Khúc tráng ca màu đỏ vừa đoạt huy chương vàng tại liên hoan quốc tế ở Pháp sẽ được trình diễn một đêm tại đây, như món quà đặc biệt trong chuỗi sự kiện kỉ niệm 70 năm Giải phóng Hải Phòng.

Lỗ thủng giữa lô ghế F. Truyện ngắn của Đặng Thị Thuý
Minh họa Lê Trí Dũng

Ở giữa lô ghế F, hàng thứ ba, một người đàn ông tóc bạc phơ lặng lẽ ngồi im như pho tượng. Bộ comple sẫm màu, hai khuỷu tay chống nhẹ vào hai bên thành ghế, các ngón tay đan chéo vào nhau, mắt chăm chú hướng lên sân khấu. Đó là Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Dụng - tác giả vở nhạc kịch. Ông cũng chính là một trong số rất ít người may mắn sống sót sau trận đánh cuối tháng 11 năm 1946 tại chính địa điểm này, trận chiến ác liệt đầu tiên của thành phố cảng sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, trận chiến mở màn cho âm mưu và chiến dịch đánh chiếm toàn bộ Hải Phòng, mà sau này có người còn coi đó là một cuộc thảm sát đẫm máu của quân đội Pháp.

Tấm màn nhung dày khẽ rung lên, hé ra một khe nhỏ rồi từ từ rộng mở, toàn cảnh sân khấu hiện ra với hình ảnh bức tượng thần âm nhạc màu trắng được đặt ngay chính giữa. Tiếng vĩ cầm ngân lên những âm thanh du dương của khúc nhạc dạo đầu. Ông Dụng ngả nhẹ người ra sau ghế, mắt từ từ khép hờ lại, nhịp thở của ông nhẹ bẫng. Vở nhạc kịch tâm huyết nhất, mong chờ nhất của cuộc đời ông đã bắt đầu, tại chính nơi đây…

*

Tháng 11 năm 1946.

Hải Phòng âm ỉ như một đống tro ủ, chỉ cần gió thốc lên là đỏ rực.

Sau Hiệp ước Sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946, với âm mưu xâm lược một lần nữa, ngay từ khi đổ bộ lên bờ, thực dân Pháp đã bộc lộ âm mưu đánh chiếm Hải Phòng để làm bàn đạp thực hiện dã tâm chiếm miền Bắc, thôn tính Việt Nam. Đến tháng 10, thực hiện mệnh lệnh của Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, địch đã lập xong một kế hoạch chi tiết để đánh chiếm Hải Phòng.

Nhà hát Lớn những ngày ấy không sáng đèn, không rộn ràng náo nhiệt kẻ ra người vào theo những suất diễn như thời gian trước. Nhưng từ giữa tháng 11, Đội tuyên truyền văn hóa Chiến khu III và một số văn nghệ sĩ từ Hà Nội về tập luyện tại đây. Họ đang miệt mài chuẩn bị cho đêm ca nhạc kịch sẽ chính thức được trình diễn phục vụ đông đảo khán giả Hải Phòng vào tối ngày 19 tháng 11 sắp tới.

Đội trưởng Nguyễn Văn Đạo bước vào khán phòng của nhà hát khi anh em nghệ sĩ đang tập lại bản hợp ca. Anh vừa sang gặp lãnh đạo Ủy ban hành chính thành phố để báo cáo tình hình chuẩn bị cho đêm diễn. Ngồi chính giữa hàng ghế đầu của khán phòng nhà hát, anh chăm chú theo dõi anh em tập luyện dưới sự chỉ đạo của Phan Tại, một nghệ sĩ đa tài và cũng là người bạn, người đồng hương thân thiết của anh. Trên sân khấu, người được Đạo giao trách nhiệm thiết kế và đạo diễn toàn bộ chương trình của buổi biểu diễn này đang say sưa trong từng nhịp điệu, có lúc cúi rạp xuống ra hiệu người thổi kèn đổi lại tiết tấu, khi chỉnh tư thế đứng của diễn viên, lúc lại đứng thẳng giữa sân khấu, tay khua như một nhạc trưởng: “Lại nào, từ đoạn hai nhé! Hãy hát thật sôi nổi và tự hào, hát như thể sau lưng mình là cả Hải Phòng đang nghe ấy!” Rồi khi cả dàn đồng ca đang ngon trớn, Tại bỗng đột ngột gắt: “Dừng!” Mọi âm thanh ngừng bặt. Anh chỉ về phía nhóm bè, giọng hơi bực: “Bè kiểu gì đấy, vẫn có người lệch tông. Phải chú ý vào chứ, tuy là vocal nhưng không hề vô can tí nào đâu, nhớ chưa!”

Đạo bật cười trước lối vận dụng từ đồng âm của Tại. Anh đứng lên khỏi chỗ ngồi, gọi với lên sân khấu: “Anh Tại ơi, có vẻ anh em hơi mệt rồi, đạo diễn cho anh em nghỉ giải lao mấy phút, ăn tấm mía vừa giải khát vừa ngọt giọng nào!” Có tiếng nói hưởng ứng: “Phải đấy ạ, sáng nay tập hơi căng, anh cho chúng em giải lao tí đi!” Tại nhìn về phía Quốc Dụng, giọng nam chính của đội, người vừa lên tiếng hưởng ứng. Anh ngần ngừ: “Đã ăn thua gì mà căng... Thôi được, giải lao mười lăm phút.”

Cá đội phấn khởi ào xuống dưới. Hai cô diễn viên múa đỡ lấy rổ mía Đạo vừa bưng lên, đùa ríu rít: Đội trưởng tâm lí hết ý luôn!”. Đạo bông đùa: Mía tím Thủy Nguyên sang đấy anh em ạ. Không phải tôi tâm lí gì đâu, mà ban nãy đi qua đò Bính, thấy cô bán mía xinh quá nên mua khá nhiều, anh em cứ xơi thoải mái nhé!”. Cả đội cười ào.

Gió đầu đông len qua khung cửa sổ cao của khán phòng, mang theo mùi nước mặn, mùi gió biển, và cả hơi thở lạnh giá của một thành phố đang chờ được sưởi ấm bằng tiếng nhạc ấm nồng.

Ngày 18 tháng 11 năm 1946.

Trong một căn phòng cạnh hành lang sân khấu nhà hát, Trung đội trưởng Đặng Kim Nở ngồi trầm ngâm trước chiếc bàn gỗ. Ánh đèn mờ nhạt hắt xuống bản sơ đồ vị trí tác chiến đã được anh trải sẵn ở đó.

Kể từ khi cuộc đàm phán Việt - Pháp ở hội nghị ở Fontainebleau không đi tới giải pháp hòa bình, thì ở Hà Nội và Hải Phòng, thực dân Pháp ngày càng trắng trợn, ngang nhiên xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Cay cú vì thất bại trong âm mưu đảo chính ở Hà Nội, hơn tuần nay quân Pháp cho xe tăng, xe bọc thép bao vây các cơ sở của công an thành phố, cản trở hoạt động của Sở thuế quan hòng thiết lập quyền kiểm soát thuế. Làn sóng đấu tranh chính trị của nhân dân Hà Nội lại dâng lên mạnh mẽ, phản đối Pháp chiếm đóng sở thuế quan Hải Phòng.

Do tình hình diễn biến căng thẳng như vậy, nên khắp các điểm trọng yếu của thành phố đều có các đội bảo vệ, túc trực và giữ liên lạc thường xuyên, sẵn sàng chiến đấu. Lực lượng bảo vệ nhà hát lớn thành phố gồm 13 người, thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn 89, Trung đoàn 41, do chính Nở chỉ huy. Mấy ngày nay, thấy tình hình ngoài kia ngày càng căng thẳng, anh cứ có cảm giác bồn chồn. Anh lo có thể buổi biểu diễn sẽ không diễn ra, nhưng nhìn anh em trong Đội tuyên truyền văn hóa hăng say tập luyện, anh lại tự trấn an mình, biết đâu đó chỉ là những lo lắng vu vơ, biết đâu sẽ có diễn biến mới tốt đẹp hơn…

Ngày 19 tháng 11 năm 1946.

9 giờ sáng. Một sĩ quan Pháp xuất hiện tại cửa nhà hát, quân phục thẳng nếp, gót giày nện cứng trên nền đá. Hắn không chào hỏi, chỉ lạnh lùng yêu cầu gặp chỉ huy lực lượng bảo vệ tại chỗ.

Trung đội trưởng Đặng Kim Nở bước ra, phong thái điềm tĩnh, gương mặt cương nghị:

“Chào ông. Có phải ông muốn gặp tôi?”

Viên sĩ quan nhìn thẳng, giọng khô lạnh:

“Ông là người chỉ huy ở đây?”

“Đúng vậy? Ông là ai?”

“Tôi là người đại diện của Ban Liên hiệp Việt - Pháp.Tôi đến để báo cho ông biết, quân đội Pháp sẽ sớm có mặt ở địa điểm này. Trong trường hợp đó,đơn vị của ông cùng toàn bộ những người có mặt tại đây bắt buộc phải rời khỏi đây. Trong mọi tình huống, các ông tuyệt đối không được nổ súng.”

Anh nở một nụ cười, không một giây chần chừ, trả lời, chậm rãi và rành rọt:

“Ban Liên hiệp Việt - Pháp không có quyền ra lệnh cho chúng tôi. Chúng tôi chỉ nhận lệnh từ chỉ huy của mình. Chúng tôi tôn trọng thỏa thuận giữa hai bên, kiềm chế để tránh đụng độ vũ trang. Nhưng nếu quân đội Pháp nổ súng trước – chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ nhà hát và thành phố này.”

Hai ánh mắt sắc lạnh chạm nhau. Viên sĩ quan siết môi, hằm hằm quay người rời khỏi nhà hát. Gót giày của hắn nện đều trên nền đá, để lại những âm thanh khô khốc.

Đúng lúc đó Đạo cùng Tại từ ngoài bước vào. Họ vừa trở về từ trụ sở Ủy ban hành chính thành phố và nhà in Văn Tân. Trên tay cầm nguyên hai ngàn tờ rơi của chương trình còn thơm mùi mực.

“Chuyện gì thế?” Đạo hỏi, ánh mắt phóng theo bóng dáng viên sĩ quan đang khuất dần ra phía quảng trường.

“Gặp nhau trong ôn hòa, nhưng có mùi thuốc súng.” Nở đáp gọn. “Anh giúp tôi triệu tập toàn thể anh em xuống khán phòng nhé, ngay bây giờ.”

Khán phòng rộng lớn, những chiếc ghế nhung đỏ sẫm ở những hàng trên cùng của khu vực trung tâm được lấp đầy không phải bởi khán giả, mà bởi chính những người nghệ sĩ và các chiến sĩ tự vệ. Họ ngồi xen lẫn vào nhau. Đặng Kim Nở bắt đầu, giọng rõ và đanh:

“Thưa các anh em, tình hình đang rất căng thẳng. Có thể, khả năng xung đột vũ trang là khó tránh khỏi. Tôi vừa nhận yêu cầu từ một sĩ quan tự xưng là đại diện Ban Liên hiệp Việt - Pháp, rằng nếu quân đội Pháp vào nhà hát, chúng ta buộc phải rời đi.”

Cả khán phòng rộ lên tiếng xôn xao phản đối. Nở đưa tay ra hiệu cho mọi người bình tĩnh. Anh đứng thẳng người, ánh mắt lướt một lượt khắp những gương mặt thân thuộc.

“Tôi tin, nếu giặc Pháp định dùng áp lực buộc chúng ta rời khỏi nơi này, thì chúng đã nhầm. Chúng ta sẽ quyết chiến đến cùng để bảo vệ nhà hát, bảo vệ từng tấc đất của thành phố, bảo vệ nền độc lập của chúng ta. Anh em có đồng lòng không?”

“Chúng tôi đồng lòng!”

Trung đội trưởng hướng về phía Đạo và Tại. Ánh nhìn của anh chững lại, thoáng chút do dự.

“Nhưng tôi vẫn muốn... anh em văn nghệ sĩ rút khỏi nhà hát. Giữ được mạng sống, sau này còn tiếp tục cống hiến. Sân khấu có thể dựng lại, nhưng người thì không thể...”

Cả Đạo lẫn Tại đồng loạt lắc đầu. Hai mươi hai người trong đội phản ứng quyết liệt. Đạo đứng lên:

“Chúng ta đã thống nhất là cùng sát cánh bên nhau?”

“Nhưng chúng ta không có nhiều vũ khí, chỉ có một khẩu tiểu liên, mười sáu súng trường, lựu đạn và một ít chai cháy.”

Một giọng nữ bật lên ở hàng giữa, nhẹ mà như rạch vào yên lặng:

“Có chứ. Chúng tôi ai cũng có vũ khí của mình.”

Tại tiếp lời:

“Đúng thế. Tôi có máy ảnh!”

Dụng giơ thẳng cánh tay lên cao:

“Em có những bản hùng ca!”

Những tiếng nói khác tiếp tục vang lên, của Kim, của Sinh, của Thi, của Sáu:

“Tôi có cây guitar gỗ này!”

“Tôi có cây violon…”

“Tôi có cây mandolin…”

“Tôi có cây banjo…”

“Tôi có đàn clarinette…”

“Và cả chiếc accordion này nữa!”

Rồi tất cả mọi người đồng loạt đứng dậy, những nắm tay nhất loạt vung lên:

“Quyết tử vì nhà hát! Quyết tử vì thành phố của chúng ta!”

Tiếp đó, Đạo báo tin vui: cho đến tối qua, vé đã được phân phối hết đến các khu phố, bà con rất háo hức mong chờ đêm diễn khai màn. Không khí phấn khởi lan khắp hậu đài. Một vài anh em reo lên: “Thế là đêm nay đông lắm đây!” “Cả phố Tam Bạc, phố Cầu Đất, Đinh Tiên Hoàng, Trần Hưng Đạo, phố Ga, Lạch Tray, thậm chí cả mạn Máy Chai chắc bà con sẽ kéo sang đây hết! Sẽ là một đêm ngập tràn cảm xúc với anh em mình.” Rồi Đạo cầm lên tập tờ rơi mà anh cùng Tại mới nhận từ nhà in về, tiến đến các hàng ghế, bắt đầu phát cho từng người. Tờ rơi được in bằng hai màu trắng đen sắc nét, giữa là hình ba chiến sĩ Vệ quốc quân đội calô, ánh mắt hướng lên bó đuốc đang cháy bừng bừng.

Đẹp quá! Tại ngắm kĩ, giọng không giấu được xúc động. Những ánh mắt này... không chỉ nhìn vào lửa. Là nhìn về phía trước. Nhìn vào một tương lai đẹp đẽ đang được nhen lên.

Cùng lúc mọi người đang còn ngất ngây với tập tờ rơi thì bỗng có tiếng động cơ rầm rập phía ngoài. Tất cả ào ra phía các ô cửa. Trên quảng trường phía trước nhà hát, một tốp lính Pháp đông đảo và trang bị đầy đủ đã dàn đội hình ở đấy. Cùng với những chiếc ô tô và xe bọc thép - chúng xua đuổi dân, kiểm soát vỉa hè, chiếm luôn phần đường bên hông nhà hát.

Tại nhanh chóng di chuyển lên tầng hai. Từ ô của kính, anh dùng chiếc máy ảnh Zeiss của mình nhanh chóng ghi lại hình ảnh hỗn loạn dưới quảng trường. Tiếp đó, anh lia ống kính về phía đầu phố Cầu Đất. Ở đó, bà cụ bán bánh rán vẫn ngồi như mọi khi. Nhưng rồi, toán lính Pháp ập đến, một tên giật lấy mâm bánh đẩy bà cụ ngã dúi dụi xuống vỉa hè. Cả tốp lính cười hô hố xong bốc bánh nhai ngấu nghiến. Anh chớp được cảnh đó, buột mồm chửi:

“Mả cha mấy thằng lính đụt - cướp cả chảo bánh của bà già!”

16 giờ: Lệnh chuẩn bị chiến đấu được ban hành toàn thành phố.

Cơm chiều được dọn ra sớm ở hành lang phía sau cánh gà. Cơm trắng, cá kho. Mọi người ăn nhanh, lặng lẽ, như thể ai cũng đang canh từng phút từng giây trôi qua. Tại ngồi ăn cạnh Dụng. Anh không nói gì nhiều. Mắt nhìn xa về phía sân khấu tối. Cơm vừa đưa lên miệng, anh đã bỏ xuống, quay sang kiểm tra lại danh sách tiết mục lần cuối. Lưng áo nghệ sĩ lấm tấm mồ hôi, không phải vì nóng - mà vì hồi hộp.

18 giờ.

Đạo cụ được đưa ra sân khấu. Trang phục được treo sẵn theo từng vai diễn, từng tiết mục. Đạo cùng Nở đi một vòng kiểm tra cửa hậu, cầu thang kĩ thuật, khu ánh sáng và các vị trí tự vệ. Ai nấy đều đã sẵn sàng. Các chiến sĩ chốt gác bên trong nhà hát như bóng người im lặng gắn vào từng cánh cửa, từng hành lang tối.

Cùng lúc trong phòng hóa trang, hàng gương phản chiếu gương mặt các nghệ sĩ - người tô môi, người chải tóc, người cài lại hoa lên đầu. Động tác nhẹ, chậm, gần như theo nhịp tim.

Cô Nhung, diễn viên múa, vừa kẻ mắt vừa khẽ hát thành tiếng đoạn điệp khúc bài hát thứ ba trong chương trình. Tiếng hát nhỏ, không hẳn là để biểu diễn - mà như để nhắc chính mình rằng giọng ca ấy vẫn còn có thể cất lên, dù điều gì đang chờ đợi phía trước…

18 giờ 45 phút.

Tất cả đã sẵn sàng. Như kịch bản đã định: giờ này là lúc khán giả phải bắt đầu ổn định chỗ ngồi. Đèn sân khấu hạ dần xuống mức nền. Tiếng trống điểm mở màn lẽ ra sẽ vang lên sau đó đúng mười lăm phút.

Nhưng…

Không có ai bước vào.

Không tiếng bước chân ngoài cửa lớn. Không tiếng cười rì rầm của khán giả chờ đợi. Không một mệnh lệnh mới. Không thông báo. Không chỉ thị. Cánh cửa chính của nhà hát vẫn đóng chặt.

Trên tầng hai, lối cầu thang lên và nơi ban công kĩ thuật, vài chiến sĩ tự vệ vẫn âm thầm chốt chặt. Các cửa sổ bên hông đã đóng. Đèn rọi đã tắt. Những chiếc bóng im lặng đứng gác như tượng đá.

Khán phòng im lìm. Một im lặng dày đặc. Như một nốt nhạc bị kéo dài quá mức, treo lơ lửng không có đoạn kế tiếp. Mỗi người ở một vị trí. Không ai gọi ai. Không ai cởi bỏ trang phục. Tất cả đều đang đợi. Trong cái đợi chờ ấy, mọi người đều biết rằng đêm nay sẽ không có buổi biểu diễn nào cả.

Nhưng chắc sớm thôi, sẽ có một vở diễn khác của lịch sử...

Ngày 20 tháng 11 năm 1946.

9 giờ sáng, một chiếc thuyền Trung Hoa chở ét-xăng cập bến, có đủ giấy phép của sở thuế quan, nhưng quân Pháp viện cớ đó là hàng lậu. Chúng tràn lên kéo thuyền đi. Khi một công an viên của ta yêu cầu làm rõ giấy tờ, lính Pháp nổ súng vào anh. Máu loang trên mặt gỗ còn chưa kịp khô thì từ sông, một chiếc ca-nô Pháp rồ đến, súng máy quét thẳng vào bến. Dân chúng nhốn nháo bỏ chạy. Vài tên lính Pháp bị lực lượng tự vệ tước khí giới giải đi.

Đến gần trưa, hai chiếc xe thiết giáp Pháp có mặt tại bến tàu. Liên kiểm Việt Nam đến nơi, yêu cầu xe thiết giáp rút khỏi nhưng bị phớt lờ. Tiếp sau, đột ngột, súng nổ liên tiếp từng tràng. Cuộc xung đột chính thức bắt đầu. Cả thành phố rùng mình. Người ta hốt hoảng lao về nhà. Những bà mẹ kéo con nhỏ lũ lượt rời nội thành. Cửa hàng, tiệm quán đồng loạt đóng sập. Những con phố sầm uất bỗng hóa trơ trọi, hoang vắng. Chỉ còn lại những người lính, những chiến sĩ tự vệ, những cô gái đội mũ vải trắng của tổ cứu thương - âm thầm bám trụ, chờ đợi…

Khi tiếng súng ran lên từ nhiều phía của thành phố, không khí bên trong nhà hát căng lên. Trung đội trưởng Nở xin ý kiến chỉ huy qua bộ đàm. Điện trả lời: “Giữ nguyên lập trường tự vệ. Không nổ súng trước.” Anh truyền lệnh cho đồng đội và không quên nhắc anh em chú ý gia cố thêm các điểm phòng thủ. Mọi người trong tư thế sẵn sàng.

Đoành… Đoành… Đoành…

Nhà hát bất ngờ rung chuyển. Mọi người giật thót, choáng váng. Loạt cối đầu tiên nã vào công trình được coi là trái tim thành phố. Cả khối kiến trúc đồ sộ rùng mình đau đớn. Kính cửa sổ tầng hai vỡ vụn.

Nở hét to: “Toàn đội, chú ý an toàn! Chủ động phản kích!”

Tạch tạch … Tạch tạch... Tạch tạch…

Đạn bay rát rạt găm vào tường và các cánh cửa gỗ phía trước nhà hát.

Tạch… Tạch… Tạch…

Súng bên ta đáp trả chắc nịch. Hai tên lính Pháp đầu tiên gục xuống.

Đoành… Một quả đạn bắn thẳng vào cửa chính nhà hát, nơi có hình chiếc đàn Lia, biểu tượng cho âm nhạc. Một mảng gạch vữa rụng xuống, cánh cửa gỗ và cây đàn Lia bị xé nát tươm.

“Chúng bắn cả vào nghệ thuật.”

Đạo thảng thốt cất lời. Tất cả mọi người như bừng tỉnh. Tiếng hát bật lên: Bao chiến sĩ anh hùng/ Lạnh lùng vung gươm ra sa trường. Tiếng hát cất lên đầu tiên là của Quốc Dụng. Từng người, từng người một - từ hậu đài, từ sau cánh gà, từ ban công - đồng thanh hòa nhịp theo: Quân xung phong, nước Nam đang chờ mong tay người/ Hồn sông núi khí thiêng ghi muôn đời/ Ngựa phi nơi xa kìa nghe súng vang bên trời điệu kèn rộn ràng/ Là trang nam nhi/ Quyết chiến sa trường/ Sống thác coi thường/ Mong xác trong da ngựa bọc thân thể trai... Phía ngoài, những tên lính Pháp tiếp tục tiến sát thềm. Bỗng tiếng hát ập tới như một trận gió lạ khiến chúng khựng lại. Vài tên đưa mắt nhìn nhau lưỡng lự.

Tên sĩ quan phía sau gào lên:

“Bắn vào! Tiến nhanh!”

Trong nhà hát, từ cửa chính, cùng các ô cửa trên tầng súng trường và tiểu liên nhả đạn chặn ngang đường tiến của quân Pháp. Đạn cày sát mặt đất, bắn tung bụi đá - thêm vài tên gục xuống. Chúng không tiến nổi lên bậc thềm ngoài nên hô nhau rút ra xa. Tiếng súng tạm ngừng…

17 giờ 30 phút.

Một lệnh ngừng bắn tạm thời được ban ra. Bên ngoài, quân Pháp không rút. Đội hình vẫn giữ nguyên, nòng pháo và các mũi súng vẫn chĩa thẳng vào nhà hát. Nhưng chỉ ít lâu sau một loạt đạn lại bất ngờ dội vào. Kính vỡ tung rơi loảng xoảng từ các ô cửa. Tiếp đến, một trái pháo bắn chếch vào mái hiên. Khói, bụi, tiếng rít xé tai - và rồi tiếng người - một chiến sĩ trẻ gục xuống gần cánh gà. Đạo lao đến, nâng đầu cậu đặt nhẹ lên đùi. Cậu mở mắt. Đôi mắt ấy dại đi nhưng vẫn cố níu lấy sự sống, níu lấy Đạo như một điểm tựa cuối cùng.

“Sao... yên thế...” Cậu thì thào. Giọng khản đặc, yếu như tiếng gió lọt qua khe cửa - “Sao... tự nhiên... em lại muốn nghe... một điệu chèo...”

Câu nói rơi vào không gian như lưỡi dao cắt ngang màn sương. Không ai nói gì. Khoảng lặng nhói vào tận tim. Đạo ngẩng đầu, mắt long lanh, giọng nghẹn lại:

“Tại sao… chúng ta không bắt đầu đêm diễn của chính mình… ngay lúc này đây…”

Một vài ánh mắt ngỡ ngàng. Dụng chậm rãi ngồi xuống bục gỗ, nhìn quanh. Đạo tiếp, giọng anh chậm, chắc:

“Biết đâu, chúng ta sẽ không còn cơ hội nào nữa. Biết đâu, đây là lần cuối tiếng hát còn có thể cất lên trong nhà hát này. Hát đi, hát để cho cả thành phố biết chúng ta vẫn còn ở đây, vẫn bám trụ, vẫn tin, vẫn sống và chiến đấu.”

Dụng gật nhẹ, bàn tay run rẩy lướt lên dây mandolin. Hát vừa đủ vang trong lòng khán phòng - một làn điệu chèo cổ xứ Đông vọng về: “Người ơi, người ở đừng về...” Giọng anh run nhẹ, giữa khói bụi và loang máu, giọng hát ấy như ngọn nến chập chờn nhưng không chịu tắt. Rồi ngay sau, tiếng đàn guitar vang lên. Tiếp đó là tiếng clarinette. Âm nhạc nối âm nhạc. Giai điệu nối giai điệu. Mặc ngoài kia xe thiết giáp của Pháp tiếp tục rền rĩ. Chúng chạy dọc các trục phố: Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Tam Bạc...

Tiếng súng vẫn nổ đì đoành.

Phía bưu điện khói đen bốc cao.

Lửa bùng lên ở góc phố Trần Hưng Đạo.

Đồng hồ tháp chuông nhà thờ điểm đúng 12 giờ.

Ngày 21 tháng 11 bắt đầu.

3 giờ 30 phút sáng.

Quân Pháp dàn lại đội hình vây siết. Tất cả các lối vào nhà hát đều bị bịt kín bởi lính lê dương. Trung đội trưởng Nở quan sát, chỉ đạo anh em giãn đội hình, tránh tập trung. Tiếng loa vọng từ ngoài quảng trường vào: “Yêu cầu lực lượng trong nhà hát hạ vũ khí đầu hàng!”

Tất cả vẫn giữ nguyên vị trí. Dụng bước ra sân khấu, giữa ánh sáng đạn pháo nhập nhòe. Anh lấy hơi, cất lên giọng nam trung mạnh mẽ, rền vang như tiếng trống mở hội giữa lửa đạn: “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc…”

Ba phát đại bác 37 li bắn thẳng vào mặt tiền. Toàn bộ nhà hát rung chuyển. Những mảng trần vỡ vụn rơi lả tả xuống sàn gỗ sân khấu. Tấm phông cảnh của đêm diễn bị xé toạc một đường dài. Gạch vữa, mảnh thủy tinh rơi lả tả. Cột cửa gãy ngang. Từ mọi hướng lựu đạn tiếp tục được ném vào. Lính Pháp tràn lên bậc tam cấp đồng loạt tấn công. Nở và một nhóm Vệ quốc đoàn tiếp tục dựng bàn ghế thành công sự chặn đạn. Anh hô lớn:

“Tổ một chốt giữ cửa chính! Tổ hai giữ hành lang và cửa hậu! Tổ 3 chốt các cửa sổ tầng hai. Giữ từng bậc cửa! Quyết không lùi!”

Đạn bắn rát rạt. Khói bụi mù mịt. Tại cùng mấy anh em đội tự vệ trấn giữ cầu thang lên tầng hai. Một mảnh pháo sượt ngang mái vòm. Mảng trần phía trên sân khấu sập xuống sượt qua vai Dụng, máu túa loang đỏ bên vai, chảy xuống ngực.

Phía sau cánh gà, Cương áp sát tường, súng sẵn sàng nhả đạn. Một tên lính Pháp thò đầu vào qua cửa sổ tầng trệt. “Pằng!” Thân xác đồ sộ của hắn đổ gục. Đúng lúc đó, một viên đạn xé gió găm giữa ngực Cương. Anh chỉ kịp xoay mình, dựa lưng vào khung cửa rồi gục xuống. Trong phòng hóa trang, Liên nép mình sau bàn gương vỡ, khẩu súng trường run lên từng nhịp. Cô bắn trả đến viên cuối cùng, khi ngã xuống tay vẫn ghì chặt súng, mắt mở trừng đầy căm hận.

Khi giặc Pháp tràn vào hành lang chính. Tại lấy chai cháy ném xuống, lửa bùng lên. Đồng thời ngay lúc đó Sinh trúng đạn, máu loang xuống cần đàn mandolin.

Hỏa lực và sức tấn công của địch quá mạnh. Tiếng súng bắn trả thưa dần. Trung đội trưởng Nở lệnh cho mọi người rút lên tầng hai, còn mình ở lại sau cùng, chốt chặn lối lên cầu thang. Quân Pháp ào lên như đàn dơi sắt. Anh rút chốt lựu đạn ném về phía địch. Không nổ. những viên đạn thù găm vào vai, vào bụng, vào chân. Nở rút chốt quả thứ hai ném đi - vẫn không nổ. Hai tên lính Pháp xông tới trước mặt. Nở dùng báng súng, lưỡi lê quần với giặc đến khi ngực đẫm máu bởi những vết đạn thù…

Quân Pháp ào lên tầng, xông vào phòng nhạc, nơi vẫn phát ra những giai điệu hào hùng. Từ trong phòng, Thi giương súng chờ địch tới, ngắm bắn những phát đạn cuối, nhưng vì vết thương quá nặng, anh kiệt sức, nên đường đạn không theo ý muốn. Trước khi gục xuống anh còn kịp nhìn sang bên, thấy Mỹ vẫn ngồi nguyên tư thế biểu diễn, tay ôm chiếc kèn, đôi mắt thanh thản đến kì lạ, như thể Mỹ vừa trình diễn thành công bản độc tấu tâm huyết nhất đời mình.

Ở lô ghế F đã nhuộm đỏ máu, Khoa nín thở nấp chờ. Anh không có súng, chỉ có cây đàn alto. Khi lính Pháp tràn lên, anh dùng hết sức bình sinh phang cây đàn vào tên đi đầu. Cây đàn vỡ tan. Khoa vật hắn xuống sàn, hai tay siết chặt cổ. Anh ngã xuống sau một nhát dao sâu hoắm vào gáy. Máu trào ra xối xả, tay anh vẫn ghì chặt tên lính. Trước khi lịm hẳn anh vẫn nghe thấy tiếng đạn đập vào những hàng ghế quanh mình…

Quay trở lại nhà hát vào hôm sau, để thực hiện nhiệm vụ thu dọn chiến trường là một toán lính Pháp, dẫn đầu bởi tên sĩ quan già. Y không khỏi bàng hoàng trước cảnh tượng nhà hát bị phá tan hoang cùng thi thể của những chiến sĩ, nghệ sĩ gục ngã bên nhạc cụ của họ, những thứ đáng lẽ chỉ dùng để tấu lên bao giai điệu tuyệt đẹp cho cuộc đời thì lại trở thành vũ khí chiến đấu…

*

Bản nhạc Hòa bình vang lên những giai điệu dịu dàng. Khán giả vẫn còn lặng đi trong xúc động. Đèn trong nhà hát bật sáng. Tiếng vỗ tay vang lên như sóng. Tràng thứ nhất, thứ hai, kéo dài không ngớt…

Tiếng người dẫn chương trình vang lên:

- Trân trọng kính mời nghệ sĩ nhân dân Quốc Dụng, nhân chứng lịch sử, tác giả của vở diễn Khúc tráng ca màu đỏ bước lên sân khấu!

Quốc Dụng run run vịn vào thành ghế đứng lên. Những ngón tay gầy gò của ông trượt trên mép ghế, chạm vào một khoảng trống nhỏ. Một vết lõm tròn, sâu và lạnh. Ông khựng lại. Vẫn còn đó vết đạn găm. Đã bảy mươi năm - lỗ thủng trong lô ghế F. Ông đặt tay lên ngực, nơi trái tim vẫn đập dồn, như nốt trầm giữ nhịp cho một bản hùng ca dài hơn cả cuộc đời…

Hải Phòng, tháng 5/2025

Cảnh - Thơ Nguyễn Đông Nhật

Cảnh - Thơ Nguyễn Đông Nhật

Baovannghe.vn- Những nhà thơ buồn chết đi/ nhưng có phải nỗi buồn đã chết?
Lời hẹn mùa hè

Lời hẹn mùa hè

Baovannghe.vn - “Bống nhé, có một dịp nào đó ngang qua đất Huế, mời Bống ghé nhà Rốt chơi. Rốt sẽ dẫn Bống đi thăm Huế, nơi mà chắc bạn mới chỉ nghe nói trong thơ, trong nhạc mà thôi.”
Việt Nam lần thứ 3 trúng cử thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO 2005

Việt Nam lần thứ 3 trúng cử thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO 2005

Baovannghe.vn - Tại kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 10 Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, Việt Nam lần thứ 3 tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp là thành viên của Ủy ban liên Chính phủ Công ước.
Thủ tướng Chính phủ: Tháo gỡ "điểm nghẽn" tìm giải pháp tăng tốc nền kinh tế

Thủ tướng Chính phủ: Tháo gỡ "điểm nghẽn" tìm giải pháp tăng tốc nền kinh tế

Baovannghe.vn - Sáng 22/6, Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thực hiện 3 chương trình quan trọng trong năm 2025.
Báo chí cách mạng Việt Nam: Vững bước tiến vào kỷ nguyên mới

Báo chí cách mạng Việt Nam: Vững bước tiến vào kỷ nguyên mới

Baovannghe.vn - Sáng ngày 21/6, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, diễn ra Lễ kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025).