Trần Tiến người làng Điền Trì, tỉnh Hải Dương. Ông sinh giờ Dần ngày 18/11 năm Kỉ Sửu (1709), tên tự là Khiêm Đường, cũng có tên tự khác là Hậu Phủ, tên hiệu là Cát Xuyên, là con Tiến sĩ, Tham tụng Lễ bộ thượng thư - Diệu Quận Công Trần Cảnh, nhà nông học đầu tiên của Việt Nam. Ông đỗ tiến sĩ năm Mậu Thìn (1748), làm quan Công bộ Hữu Thị lang, Phó đô Ngự sử, tước Sách Huân Bá, là nhà sử học và nhà văn lớn ở thời Lê, tác giả các bộ sách: Đăng khoa lục sưu giảng (sử), Cát Xuyên thi tập (thơ), Cát Xuyên tiệp bút (kí), Niên phả lục (kí), Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (kí, biên khảo)…
Văn học trung đại Việt Nam, mở đầu từ năm 938, Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, mở ra kỉ nguyên độc lập và phát triển của nhà nước Phong kiến Việt Nam 920 năm, đến năm 1858 thì bị người Pháp xâm lược. Thành tựu rực rỡ nhất của văn học thời kì này là thơ, có nhiều thi phẩm kiệt xuất từ thời Lí, Trần. Nhưng thể kí trong văn xuôi Việt Nam, phải đến năm 1755 mới xuất hiện, với tập kí đầu tiên là Công dư tiệp kí của Vũ Phương Đề. Chín năm sau (1764), tập kí thứ hai mới ra đời, là Niên phả lục của Trần Tiến. Pgs - Ts Nguyễn Đăng Na đánh giá: đây là “bộ sách có giá trị lớn, nó đánh dấu một mốc quan trọng trên con đường phát triển văn xuôi tự sự Việt Nam, đặc biệt về thể kí…” Với thành tựu quan trọng đó, Trần Tiến đã “mở ra cho mình một lối viết riêng, không giống bất cứ một ai trước đó, đồng thời đặt nền móng cho những người đi sau noi theo, như Lê Hữu Trác, Phạm Đình Hổ…” (Lời giới thiệu Niên phả lục, Nxb Văn học, 2003).
Niên phả lục gồm 2 tập kí riêng biệt. Tập đầu là Tiên Tướng công niên phả lục, viết về cha mình, Tham tụng - Thượng thư Trần Cảnh. Tập sau là Trần Khiêm Đường niên phả lục, viết về bản thân mình, khi ông 55 tuổi, hoàn thành vào một ngày mùa đông, năm Long Tập, Giáp Thân, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 25 (1764) tại lị sở xứ Thanh Hoa (nay là Thanh Hóa) khi ông làm quan ở đó, với chức danh đầy đủ là “Triều liệt đại phu, Tán trị thừa chánh sứ ti, Tham chính xứ Thanh Hoa”, mà ông đã ghi ở Lời Tựa, đầu sách. Theo Pgs - Ts Nguyễn Đăng Na với Trần Khiêm Đường niên phả lục, Trần Tiến đã sáng tạo ra một thể lọai mới trong văn xuôi Việt Nam là thể kí tự thuật, từ năm 1764.
Lễ thiết triều của vua Lê Hy Tông. Tranh của Samuel Baron. |
Nguyễn Đăng Na viết, với tác phẩm này, “lần đầu tiên trong văn xuôi tự sự Việt Nam có một tác phẩm kí tự thuật. Chỉ khi con người ý thức được về mình, ý thức về vai trò và vị trí của mình, thì loại hình tự thuật mới ra đời. Ở thời trung đại, mấy ai dám làm như vậy”. Nguyễn Đăng Na nhận xét: “Khi thuật lại cuộc đời mình, tác giả luôn giữ thái độ trung thực, thật thà, kể cả khi nói về sự “quanh co” của mình”. Ở đây, lần đầu tiên cái Tôi “trở thành nhân vật trung tâm trong tác phẩm, để từ đó, mọi sự kiện được quan sát, đánh giá, miêu tả dưới điểm nhìn trực diện của anh ta. Điều này, tất cả các tác giả trước đây, chưa một ai làm được”.
Mở đầu tác phẩm tự thuật, Trần Tiến viết: “Tôi họ Trần, thuở bé tên là Tân, lớn lên tên là Kính, lại có tên là Tiến, tự là Khiêm Đường, con của Thừa tướng Trần công, do bà Quận phu nhân họ Nguyễn sinh ra. Nghiêm quân tôi từng nói rằng, ngài có số ẩn tướng, sẽ sinh quí tử, đến năm 26 tuổi thì sinh ra tôi. Thuở bé, tôi ngỗ ngược, khó dậy dỗ, người nhà đều lấy làm lo ngại…” Ông tự nhận xét: “Lại nữa, tôi bẩm tính ngu độn và không được mẫn tiệp, lại không biết nghề gì, tuy có nhã nhặn, thực thà, nhưng không tài hoa, ngoài ra chẳng có gì hơn người”.
Lời văn tự thuật chân tình, thành thật, ấm áp, mà rất già giặn, đầy sự tin cậy và chia sẻ, được viết xong từ năm 1764, mới thấy cái giá trị mở đầu vẻ vang của nó, cho một thể loại mới, là kí tự thuật, do chính ông khai mở. Với lối viết điềm đạm, khiêm nhường, thân mật và thấm thía như thế, Trần Tiến thuật lại toàn bộ cuộc đời mình, từ khi sinh ra, lớn lên, rồi đi học ở An Quảng (nay là tỉnh Quảng Ninh).
Năm Tân Sửu (1721), “thân phụ đến nhậm chức Đốc đồng xứ An Quảng. Tôi đi theo để học”. Năm Nhâm Dần (1722) “tôi theo thân phụ, học tập tại xứ An Quảng, và làm thơ phú rất có khả quan, có câu luận như sau: Cổ giả Quản Y phi dị ngộ/ Dụng chi công hóa khởi nan thành. (Người xưa như Quản Trọng, Y Doãn không dễ gặp/ Dùng họ, công hóa há khó thành). Và một số câu đối nữa. Thân phụ hết sức khen ngợi”.
Như vậy, Trần Tiến viết bài thơ đầu tiên ở Quảng Ninh ngày nay, khi ông mới 13 tuổi. Trong tác phẩm, ông thuật lại nhiều việc diễn ra, từ kinh đô đến các xứ Hải Dương, An Quảng, Sơn Tây, Sơn Nam, Thanh Hoa, Kinh Bắc…, chủ yếu xoay quanh hai việc lớn, là nông dân khởi nghĩa mà ông chứng kiến, và đặc biệt quan trọng là việc học hành thi cử mà ông trực tiếp tham gia, khi là thí sinh, khi là quan giám khảo, với rất nhiều chi tiết sinh động. Theo đó, từ lúc treo bảng báo tin thi Hội, cho đến lúc vinh qui là hơn 6 tháng. Thời gian từ lúc đỗ thi Hội đến lúc vào thi Đình, để xếp hạng Tiến sĩ là khoảng 1 tháng, chấm thi Đình mất 5 ngày. Sau khi có kết quả thi Đình, phải mất 3 tháng để hoàn tất các thủ tục, nào lễ “cụ thánh”, nào lạy tạ vua ở điện Càn Thọ, lễ ban đai mũ, tứ yến ở bộ Lễ, yết kiến và tạ ơn ban giám khảo, làm lễ “Thích thái”, gửi lạy để vinh qui rồi mới được phụng mệnh vinh qui…
Ông thuật lại năm đi thi đầu tiên (1726): “Năm 18 tuổi, khoa Hương thí năm Bính Ngọ, phụ thân muốn tôi đi thi. Tôi cho rằng, lực học của mình chưa tới độ, nên không đi thi. Tiên quân tôi cũng không cưỡng.
Năm 19 tuổi, tôi mới vào trường Giám tập văn bài. Bấy giờ văn học đang thịnh hành, sĩ tử tới học đông như mây tụ, người trúng bảng tới gần 300, tôi trúng thứ 15. Khi đến lĩnh quyển, quan Tri giám người Thiên Kiệm, Thanh Liêm là Thượng thư họ Trương, lấy quyển của tôi xem, khen “được” đến hai ba lần và nói rằng: “Ta đỗ đại khoa năm 21 tuổi mà văn chương chưa được như thế này. Cố lên! Cố lên!”.
Và đây là sự việc diễn ra sau cuộc thi cuối cùng (thi Tiến sĩ năm 1748): "Xem xướng danh xong, tôi ra về, giữa đường gặp con trai quan Thượng thư người Hoạch Trạch là Nhữ công, dừng lại nói chuyện. Bấy giờ, ông ta không được thủ khoa, hơi phật ý. Tôi an ủi. Ông bỗng nhiên nói: “Khoa này trúng đại danh chỉ có huynh và tôi. Người khác tuy đỗ đứng trên, nhưng không đáng ngại”. Lúc đó, tôi cũng hơi biết, tự nghĩ rằng, tuy ông nói vậy, nhưng thực ra là tự nói về bản thân, bèn đưa đẩy: “Huynh là bậc kì tài trong thiên hạ, chứ không phải của riêng xứ ta. Còn như danh sĩ trường ta, cũng rất nhiều người như đệ đây, sao so được với huynh”. Ông nói:“Không đúng! Tôi không phải là kẻ nịnh đời, nhưng đã từng bàn luận với các quan huyện, phủ, xin kể qua các danh sĩ đỗ cao các huyện, quyển trúng chỉ có một hai câu hay. Nhưng xem bài của huynh, không phải lọai bình thường. Đại thành khoa này là huynh và đệ, không khác được”.
Về nguyên nhân thi trượt các khoa trước, tác giả cũng thành thật nhận ra: "Bấy giờ, tôi có một người bạn ở Nhuế Đông, thường xuyên đi lại, nói rằng:“Học vấn của huynh toàn những thứ đâu đâu, thực không thể có kết quả. Cần phải theo thời thế mới được”. Nhờ đó, tôi bỗng nhiên tỉnh ngộ, bèn khổ luyện văn bài, trước tác toàn thứ văn khoa cử, rất biết cần phải chuẩn bị như thế nào cho cuộc ứng thí…” (Nguyễn Đăng Na dịch).
Những tiêu cực trong việc thi và chấm thi, kể cả sự đỗ đạt, cũng đã được bộc lộ một cách chân thực:“Các khoa trước đây, khi thi vào tứ trường, thường thường mượn người làm văn hộ, chỉ cần hối lộ hậu hĩnh quan Tuần xước, là được vào trường thi hộ, cuối cùng họ đều đỗ trúng cách”. Đến lượt ông được phụng sai làm quan Tri tuyển, cùng quan giám thí là người quốc thích (họ nhà vua), một viên biền sinh đem 80 hốt bạc đến xin cho đỗ hạng ưu… mặc dù có sự can thiệp của vị quốc thích này), ông không nhận và thấy văn bài của hắn rất kém, ông vẫn không cho đỗ… vân vân…
Đúng như Nguyễn Đăng Na nhận xét: “trong văn học Việt Nam trước thế kỉ XVIII, chưa có tác phẩm nào ghi chép tỉ mỉ, chân xác mọi “thủ tục” thi cử như Trần Khiêm Đường niên phả lục”. Và đây là tác phẩm tự thuật đầu tiên của văn xuôi Việt Nam. Với tác phẩm này, Trần Tiến là “người khai sinh ra thể kí tự thuật” từ năm 1764. Bằng “bút pháp của đại gia… sâu kín nhưng rõ ràng, ý tại ngôn ngoại…”, “Trần Tiến đã thực sự mở ra một con đường cho thể kí Việt Nam bước vào thời kì phát triển mới. (Nguyễn Đăng Na - Lời giới thiệu).
Trần Tiến mất giờ Mão ngày 7/5 năm Canh Dần (770) tại nơi làm việc quan. Theo ghi chép của con ông, nhà văn Trần Trợ, ở cuối sách Niên phả lục, các quan đưa ông về mai táng tại quê nhà. Trong số những người lo việc tang cho ông, có Lê Bảng nhãn người Diên Hà (Lê Quí Đôn), Tả Tư giảng người Tiên Điền (Nguyễn Khản, anh ruột Nguyễn Du) và Bùi Hoàng Giáp, người Thịnh Liệt (Bùi Huy Bích)…
Vua Lê Hiển Tông ban cho ông tên thụy là Trung Cẩn, truy thăng Lễ bộ Thượng thư.