Năm 2025 đánh dấu nhiều bước ngoặt quan trọng đối với y tế công cộng toàn cầu, khi Hoa Kỳ chính thức rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và cắt giảm đầu tư vào lĩnh vực này. Quyết định này khiến nguồn lực dành cho phòng chống và ứng phó với các mối đe dọa sức khỏe cộng đồng bị thu hẹp đáng kể.
Trong bối cảnh đó, nỗ lực kiểm soát thuốc lá trên toàn cầu tiếp tục ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Đây là những biện pháp vừa hiệu quả về chi phí, vừa góp phần bảo vệ sức khỏe người dân, giảm gánh nặng chi phí y tế và tăng nguồn thu cho ngân sách – đặc biệt có ý nghĩa quan trọng khi nhiều quốc gia cắt giảm chi tiêu y tế công.
![]() |
Hội nghị Thế giới về Kiểm soát Thuốc lá năm 2025 đã diễn ra từ ngày 23 đến 25/6 tại Dublin, Ireland. |
Hội nghị đã tập trung vào việc: (1) Tạo ra một diễn đàn quốc tế rộng lớn và uy tín để chính phủ và các nhà nghiên cứu, các tổ chức quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận khó khăn và xây dựng chiến lược hành động về phòng, chống tác hại của thuốc lá; (2) Thúc đẩy mạnh việc thực hiện Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC) và các biện pháp phòng chống tác hại hiệu quả /MPOWER thông qua chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, dựa bằng bằng chứng và dữ liệu tin cậy; (3) Ngăn chặn các chiến thuật của ngành công nghiệp thuốc lá nhằm bảo vệ chính sách y tế công cộng, vì sức khỏe của người dân; (4) Đảm bảo các kết quả hội nghị được cụ thể hóa thành hành động lâu dài trong tương lai.
- Phòng chống tác hại thuốc lá trên toàn thế giới là một trong những thành tựu nổi bật của lĩnh vực y tế công cộng. Trong 20 năm qua, tỷ lệ sử dụng thuốc lá trên toàn cầu đã giảm từ 22,7% năm 2007 xuống còn 17,3% năm 2021. Thành quả này có được nhờ việc nhiều quốc gia áp dụng các chính sách kiểm soát thuốc lá dựa trên bằng chứng khoa học, theo hướng dẫn của Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), từ đó giúp cứu sống hàng triệu người khỏi bệnh tật và tử vong sớm do hút thuốc lá.
- Khoảng 5,6 tỷ người (71% dân số thế giới) đang được bảo vệ bởi ít nhất một chính sách kiểm soát thuốc lá theo FCTC. Các tổ chức quốc tế và khoa học uy tín đã đóng góp tích cực, sáng tạo và bền bỉ trong hợp tác với các quốc gia để thực thi các can thiệp hiệu quả.
- Dù đã đạt được nhiều tiến bộ, công tác kiểm soát thuốc lá vẫn còn nhiều việc cần thúc đẩy. Việc áp dụng các chính sách y tế công cộng vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Ở một số quốc gia, ngành công nghiệp thuốc lá đã sử dụng nhiều hình thức tiếp thị tinh vi như quảng bá trên mạng xã hội, sản phẩm có hương vị hấp dẫn và định vị thương hiệu nhằm thu hút giới trẻ – đặc biệt tại khu vực gần trường học.
- Đầu tư vào kiểm soát thuốc lá mang lại lợi ích rõ rệt: bảo vệ sức khỏe, giảm chi phí y tế, tăng thu ngân sách từ thuế thuốc lá và nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng. Trong bối cảnh ngân sách y tế eo hẹp, đây là giải pháp hợp lý, bền vững – điều kiện tiên quyết là cần có quyết tâm chính trị và sự phối hợp liên ngành mạnh mẽ.
![]() |
Nói không với thuốc lá để giữ gìn môi trường sống lành mạnh và tránh xa bệnh tật do khói thuốc |
Với sự chỉ đạo của Đảng, Chính Phủ trong nhiều năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá. Tại hội nghị, Việt Nam đã chia sẻ bài học kinh nghiệm về thiết lập và vận hành cơ chế tài chính ổn định cho công tác phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL). Bà Phan Thị Hải – Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá tham dự Hội nghị đã chia sẻ sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong công cuộc phòng, chống tác hại của thuốc lá. Việt Nam đã ban hành Luật PCTHTL năm 2012 và thành lập Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá vào năm 2013. Quỹ được hình thành từ đóng góp bắt buộc của các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu thuốc lá. Bên cạnh cơ chế tài chính, mô hình quản lý Quỹ cũng được đánh giá cao nhờ tính đa ngành, minh bạch và dựa trên bằng chứng. Quỹ do Bộ Y tế chủ trì và có sự tham gia của nhiều bộ, ngành, hoạt động theo nguyên tắc cấp kinh phí dựa trên kết quả đầu ra. Các quy trình lựa chọn, lập kế hoạch, giám sát và đánh giá đều được thực hiện công khai, khoa học, với các chương trình được xây dựng và triển khai dựa trên dữ liệu tin cậy và bằng chứng thực tiễn.
- Tỷ lệ hút thuốc ở người trưởng thành giảm từ 23,8% (năm 2010) xuống 20,8%[1] (năm 2021).
- Tỷ lệ tiếp xúc với khói thuốc thụ động cũng giảm mạnh, từ 73,1% năm 2010 xuống 45,6% năm 2021.
- Tháng 11/2024, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 173/2024/QH15 quy định “Cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025”. Bộ Y tế Việt Nam được trao giải thưởng nhân ngày Ngày Thế giới Không thuốc lá 2025 của Tổ chức Y tế Thế giớI vì vai trò lãnh đạo tiên phong trong phòng chống thuốc lá mới.
- Tháng 6/2025, Quốc hội đã thông qua Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, bao gồm việc áp dụng hệ thống thuế tiêu thụ đặc biệt hỗn hợp áp dụng từ năm 2027, với lộ trình tăng thuế thuốc lá liên tục đến năm 2031với mục tiêu giúp giảm tỷ lệ sử dụng và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
[1] Khảo sát Quốc gia về Các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm (STEPS) năm 2021
Nguồn Quỹ PCTH của thuốc lá - Bộ Y tế