Tới dự buổi Hội thảo có đồng chí Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí; bà Nguyễn Thị An, Giám đốc tổ chức HealthBridge Việt Nam; bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cùng đại diện Tổ chức Y tế thế giới, đại diện Bộ Y tế, cùng các diễn giả và hơn 100 đại biểu là phóng viên, biên tập viên tham dự đến từ các cơ quan báo chí trên cả nước.
Hội thảo nhằm triển khai thực hiện công tác truyền thông chính sách năm 2025 và cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, kinh tế và phát triển bền vững, cũng như thảo luận về vai trò quan trọng của chính sách thuế trong kiểm soát thuốc lá.
![]() |
Ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: V.T |
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe các diễn giả trình bày ba tham luận tập trung vào các vấn đề: Cải cách Thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá để nâng cao sức khỏe và phát triển bền vững của Ths.Bs Nguyễn Tuấn Lâm (Tổ chức Y tế thế giới); Thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá – Chính sách tài khóa ủng hộ tăng trưởng kinh tế của ThS. Đào Thế Sơn (Chuyên gia kinh tế); Quan điểm của Bộ Y tế đối với Thuế thuốc lá tại Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Theo đó, mỗi năm, thuốc lá cướp đi sinh mạng của hơn 8 triệu người, trong đó có gần 7 triệu người đang và đã từng hút thuốc, và 1,3 triệu người không hút thuốc nhưng bị tiếp xúc thụ động với khói thuốc của người khác. Số người chết vì thuốc lá nhiều hơn tổng số người chết vì HIV⁄AIDS, lao phổi và sốt rét cộng lại.
![]() |
Ông Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế thế giới trình bày tham luận tại Hội thảo. Ảnh: VT |
Với hơn 15 triệu người hút thuốc, Việt Nam đang phải chịu gánh nặng y tế và kinh tế khổng lồ, với hơn 100.000 ca tử vong mỗi năm do hút thuốc lá chủ động và tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động. Đồng thời, chi phí y tế và thiệt hại kinh tế ước tính lên tới 108.000 tỷ đồng mỗi năm, tương đương khoảng 1,1% GDP. Đây là mối đe dọa đối với sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước. Trong thời gian qua, mặc dù tỷ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành tại Việt Nam đã giảm từ 47,4% năm 2010 xuống còn 41,1% năm 2021, mức giảm này vẫn còn khiêm tốn. Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 15 quốc gia có tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc cao nhất thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN.
Một trong những nguyên nhân chính khiến cho tỷ lệ sử dụng thuốc lá giảm chậm là giá thuốc lá quá rẻ, do thuế thuốc lá còn thấp. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2022, tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá của nước ta chỉ đạt 36%, thấp hơn so với trung bình của nhóm quốc gia có thu nhập trung bình (59%), và thuộc nhóm có mức thuế thấp nhất trong khu vực ASEAN, trong khi thu nhập người dân tiếp tục tăng nhanh khiến giá thuốc lá ngày càng trở nên dễ tiếp cận, với ngay cả nhóm chưa có thu nhập như là trẻ em. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới đã khuyến nghị rằng tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ ít nhất là 75% để có hiệu quả trong việc giảm tiêu dùng sản phẩm có hại này.
Tại buổi thảo luận, dưới sự điều hành của bà Nguyễn Thị An, Giám đốc tổ chức HealthBridge Việt Nam, các đại biểu, phóng viên của nhiều cơ quan báo chí đã đưa ra một số câu hỏi liên quan tới tình trạng buôn bán, sử dụng thuốc lá tại Việt Nam. Đặc biệt, các ý kiến phần lớn đều đánh giá, thuốc lá ở Việt Nam có mức giá quá rẻ, so với khu vực và thế giới.
![]() |
Bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế trả lời các câu hỏi của PV tại Hội thảo. Ảnh: VT |
Theo báo cáo của WHO, giá một bao thuốc nhãn phổ biến nhất ở Việt Nam chỉ vào khoảng 0.9 USD/bao. Với mức giá này, giá thuốc lá ở Việt Nam đứng thứ 15, gần thấp nhất, trong số 19 nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Điều tra về giá bán lẻ thuốc lá do Trường Đại học Y tế Công cộng và Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam thực hiện năm 2023 cho thấy trên thị trường có tới 40 nhãn hiệu thuốc lá có giá bán lẻ dưới 10.000 đồng/bao 20 điếu, có nhiều nhãn hiệu chỉ có mức giá 7.000 đồng đến 8.000 đồng/bao 20 điếu. Với mức giá thuốc lá bán lẻ thấp như vậy, người có thu nhập thấp và người mới hút, kể cả trẻ em và trẻ vị thành niên rất dễ tiếp cận với thuốc lá.
![]() |
Toàn cảnh buổi Hội thảo. Ảnh: V.T |
Như vậy, tăng thuế thuốc lá được đánh giá là một trong những công cụ chính sách công hiệu quả nhất để giảm sử dụng thuốc lá, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đồng thời góp phần tăng thu ngân sách và thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực hướng tới phát triển bền vững, giảm bất bình đẳng và xây dựng một xã hội khỏe mạnh, công bằng, thì tăng thuế thuốc lá không phải là lựa chọn - mà là một đòi hỏi cấp thiết để giảm thiểu những tổn thất về y tế và kinh tế do sử dụng thuốc lá gây ra, đồng thời tạo thêm nguồn thu đáng kể cho ngân sách để đầu tư vào y tế, giáo dục và các ưu tiên phát triển khác, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.