Chuyên đề

Nỗi đàn ông

Văn học địa phương
09:08 | 13/05/2020
​Anh mắc chứng suy thận cấp sau hôm ở ngôi nhà bên sông về. Với tay tới cõi thì bệnh viện như cái chắn tầu, ngáng lại. Anh cảm thấy bất lực và xấu hổ bởi hơn bẩy mươi kí lô cơ thể cứ ườn ra trên xe đẩy, không nói, không động cựa, lúc mơ, lúc tỉnh kèm xung quanh bao nhiêu là ống thở, ke, dịch truyền lủng liểng
aa

Anh mắc chứng suy thận cấp sau hôm ở ngôi nhà bên sông về. Với tay tới cõi thì bệnh viện như cái chắn tầu, ngáng lại. Anh cảm thấy bất lực và xấu hổ bởi hơn bẩy mươi kí lô cơ thể cứ ườn ra trên xe đẩy, không nói, không động cựa, lúc mơ, lúc tỉnh kèm xung quanh bao nhiêu là ống thở, ke, dịch truyền lủng liểng.

Khi cô y tá mảnh khảnh đẩy anh vào buồng cấp cứu, cảm giác đầu tiên là sự liên tưởng đây như phòng thí nghiệm với vô số máy móc, bình, lọ. Rồi mắt anh bập ngay vào một hình thể cũng tua tủa ống hút, ống thở, tóc rụng từng mảng, chân tay xù xì đỏ bợt tựa quả cà chua lai - chín. Nhìn kỹ thì ra một ông già. Anh gật đầu. Ông cụ nhướn mắt chào anh.

Lượng kali trong máu tăng cao, 6.5 mmoL/L.

Tim đập 130 nhịp một phút.

Huyết áp một trăm chín mươi trên một trăm hai mươi mi-li-lít thuỷ ngân.

Hôn mê - 24/24.

Những lúc mê man, anh như tái tạo cuộc sống. Hồi ức đã khô, vụn nhỏ bỗng hiện về mồn một. Thế mới biết ở ranh giới giữa cái sống cái chết người ta hay ngoái lại. Tỉnh tỉnh, chẳng biết làm gì anh lại nói chuyện bằng mắt với ông lão cùng phòng, cứ như hai cao thủ võ lâm trong truyện kiếm hiệp thông tuệ thần giao cách cảm.

... Một ngày, anh đọc trong ánh mắt ông cụ: “Vợ cậu vừa đến đấy”.

Anh quay phắt vào tường. Chuyện lạ. Tốt đẹp bình phong. Nhưng anh chợt thấy năm quả thanh long trên tủ. Cô ấy đến thăm mình? Phòng cấp cứu đặc biệt đâu có được vào? Anh lại nghiêng mặt nhìn ông cụ. “Chứ sao”. Anh liếc mắt ra xa, ở đó có tấm biển: Khu cấp cứu tích cực - cấm vào. “Cậu không biết, trong vô số cái nguyên tắc, có trường hợp hãn hữu à? Vợ cậu tóc dài”.

Tuần chạy thận thứ hai, tình trạng sức khoẻ anh vẫn rất xấu. Bắp chân bị loét một chỗ, người nặng chịch, cảm giác lúc nào trong người cũng như đeo túi nước.

Một hôm, anh lại nhìn thấy lời nói trong mắt ông già. “Cô ấy gửi cho cậu sách đấy”. Mãnh liệt sống trong anh bỗng trỗi dậy. Trong người có luồng sinh khí đang chảy rân rân, âm ấm. Tim đập mạch lạc chứ không chìm đi. Và anh thèm ăn. Thèm thứ lương thực đích thực là cơm chứ chai nước lủng lẳng treo trên đầu kia đâu thay thế được đậu phụ, rau muống, cá nấu dấm... cả bia hơi nữa. Rồi giấc ngủ đến với anh đúng vào buổi tối.

“... Con chúc mừng sinh nhật bố. Bố ơi, mẹ đi rồi. Mẹ vào Tuy Hoà”.

Bé Hoài Thương nấc lên trong điện thoại. Anh bải hoải, đau nhói nơi ngực trái. Lẽ nào. Anh vội ngắt máy, kịp nhận ra tiếng khóc tấm tức của con gái, tựa như dao khứa. Tinh thần anh bấn loạn, hồ nghi mọi thứ. Cách đây mấy ngày cô ấy vẫn vào thăm mình, gửi cả sách? còn nấu canh khổ qua cho mình ăn? Hôm qua cậu Phước điện thoại ra xác nhận thế. Lẽ nào.

*

Mái hiên hun hút, tản mạn, khuất, nhô hơn chục chiếc cột ốp gạch thô ấn tượng.

Bàn nước là loại gỗ đen bóng, kèm đôi ghế tựa bọc nhung mầu ca cao loảng.

Bên phải là mảng tường cách điệu, treo các bức tranh sao: Rupple-Ronai; Phong cảnh Tatry; Vườn địa đàng... bắt mắt.

Nước trên mái hiên nhỏ long tong suốt ngày.

Điện nến đỏ nhờ.

Cảnh sắc lãng mạn và hoài cổ.

Anh đến quán cà-phê đã một giờ đồng hồ.

Quyển tạp chí khoa học về những ngôi nhà pha-lê trong không gian trên tay. Ly Dimarll trà đỏ sậm vẫn đầy. Thỉnh thoảng anh lại lơ đãng nhìn ra cửa. Anh hay đợi chị ở đây. Phụ nữ đáng yêu hơn nếu đúng hẹn. Chị quen anh luôn chờ, một giờ hay hai giờ đồng hồ để được bên chị ba mươi phút. Chị cho mình đặc quyền, vì cớ: Chị kém anh mười năm tuổi, đẹp, thông minh và quan trọng: Chị đang tự do. Anh thì có gia đình. “Anh như con thuyền hai mạn”. Chị thường nói, và: “Tốt nhất anh đừng kêu ca”. Ngoài phẩm chất một phụ nữ hiện đại: Đẹp, bằng cấp, thông minh, lương cao, thời trang, không biết chị còn ưu điểm gì khiến anh mê muội?! “Tớ nghiệm điều này..., dù phải chịu khổ, chịu nhịn nàng tớ cũng kham, đó là: Nụ hôn!

Chị đến.

Vẫn thói thường: Mỗi ngày một trang phục. Vài cô gái trẻ trong công ty rất ngưỡng mộ chị. Chị đòi hỏi sự đặc biệt ở anh “Thế mới xứng với em”. Anh lảng sang chuyện khác “Đổi mới là mỗi ngày một trang phục sao?” Như thế là tuyệt, phong cách ư?! Chỉ vài bộ quần áo cũng ấn tượng ở dăm cô gái anh từng gặp. Lúc giận, không dám nói, anh hay âm thầm ví suy nghĩ chị giống sự lầm lẫn về mầu sắc của loài bò tót trong các trường đấu xứ Ca-ta-lăng.

“Quá thể... trông xe còn đánh bạc”.

Chị hất hàm nhìn mấy thằng bé đang chụm đầu chơi trò ba cây. Thằng lớn nhất như chẫu chàng đu lên chiếc Spasy, đùn vào chỗ cất, xong, nó còn cúi rạp, vòng tay một đường, kính cẩn đưa chị tấm số. Chị lắc đầu: “Không cần”. Nhướng mắt tới chiếc bàn số 9 anh chị thường ngồi, giờ có hai đứa trẻ ranh học sinh trung học, chiếm mất. Chúng cứ quện đầu hôn nhau tựa hai con gà choai chọi nhau đến độ đuối sức. “Khỉ. Con nhà mất dạy”. Chị buột miệng. Chị đưa mắt nhìn khắp quán, mãi mới phát hiện ra anh. Ông tướng đang gập người trên trang tạp chí viết về mái vòm của những ngôi nhà pha-lê, bàn số 4 (con số chị luôn phản cảm). Chị bước đến gần. Anh giật mình nhoi dậy. Điệu bộ như cậu học trò bị bắt quả tang đang coi cóp. Chị phì cười. “Sao không đón em. Mệt”. “Anh cũng đợi rồi”. “Từ bao giờ?”. Đứng chán, mỏi, phải vào ngồi chứ - Nghĩ vậy, nhưng anh vẫn nở nụ cười. Hàm răng trắng, đều. “Từ... kiếp trước”. “Ghét”.

Đôi lúc bên chị, anh cũng nhớ về vợ. Vợ anh đẹp nhưng tộc tệch. Đấy là lời của bà Tâm hàng xóm. Còn anh: “Tóc cô ấy dài nhưng ý nghĩ mỏng tựa trí nhớ loài cá vàng ấy”. Anh kể với chị. Anh cần quan tâm bằng lời nói, vợ anh lại quăng thức ăn, nước chanh leo đến rồi im lặng. Anh mê đọc báo văn nghệ, chị ham bóng chuyền và nghiện truyện vụ án giật gân; anh thường thủ thỉ chuyện trò và hứng thú nghe con gái chơi đàn, chị mệnh lệnh, yêu cầu con là bản sao của mình;... nhiều điều khác biệt trong lời kể của chị với bà chị kết nghĩa bán thịt quay đầu phố. Còn con gái. Nó cứ nghĩ bố mẹ là đôi hợp nhất trên đời.

“Ngồi gần em. Anh sao thế?”. Mặt anh thoáng bí xị. Chị định khoác tay, anh lại đưa lên sửa kính. “Anh kể chuyện đi. Ngày về Hà Nội ấy”. Chị nũng nịu. “Có gì đâu mà kể”. Anh ngửa cổ. Cầm ly nước. “Từ huyện đảo về, người đầu tiên anh gặp là cô ấy”. Chị ngó dài: “Và thương lắm tóc dài luôn, càng mê khi chạm cái eo ong... tham giầu, bố vợ, đi nước ngoài xoành xoạch”. Chị trau trảu, làm anh cứng cả người.

... Chuyện một nửa, anh cực đoan logic con tim và nhầm khi tính việc hôn nhân vẫn bị xúc cảm dẫn dụ, không đếm xỉa đến logic của cái đầu. Anh có đàn ông không? Cơ quan ai cũng biết. Chứng thực, anh từ chối chuyện ở rể. Bố vợ có ý cho gian nhà rộng thênh trên miếng đất trăm mét vuông hướng ra hồ. Anh cảm động nhưng lại trung thành phương châm: Đưa vợ vào tập thể cơ quan. Chị kê giường ở tập thể nữ, anh có một cái giường ở nhà tập thể nam. Muốn gần gũi, chị lại đưa anh vào nhà mẹ. Thật khổ và thật vui khi bé Hoài Thương ra đời. Cô con gái mũm mĩm nặng những ba kí lô và anh ngỡ trúng số độc đắc sau ba tháng được cơ quan phân gian phòng mười bốn mét vuông. Hạnh phúc và toại nguyện. Anh thở phào: “Thế là gia đình nhỏ của mình đã lo xong”. Nhiều năm qua đi, nhớ lại, anh ân hận và hay sỉ vả mình bởi những quyết định manh nha từ ý nghĩ này, là một trong những điều tệ hại nhất diễn ra trong cuộc sống của anh. Anh thoải mái xả hơi, không bon chen thăm quan nước ngoài. “Chức quan thất phẩm - phó phòng, tớ không màng” những lúc trà dư, tửu hậu anh tếu táo với bạn bè. “Nhà có, đất cát mà làm gì. Ông Hội độc thân...”. Anh từ chối phân đất vì ảnh hưởng đến ông trưởng phòng và không đi nghiên cứu chuyên đề ở Nhật khi viện trưởng chỉ đích danh, anh muốn cậu An, người mà anh đang hướng dẫn làm luận án cần đi hơn.

Đúng dịp này anh gặp chị tại cuộc hội thảo về ứng dụng công nghệ Nano do Viện anh chủ trì...

“... tháng sáu trời mưa, mưa không dứt.

… trời không mưa anh cứ đợi trời mưa

...

anh muốn về. Mưa phong kín lối về

và em ơi đêm cứ dài vô tận”

Âm nhạc êm dịu, giọng hát lắt lay của nam ca sỹ như kéo mây vào lòng chị. Chị loay hoay xoay ghế khỏi hướng mặt vào tán cây liễu. “Lừa khéo gã mới ký đơn”- Chị bật câu tức tối. Anh trố mắt. Lừa tiền, lừa bạc, lừa hợp đồng kinh tế chứ ai lừa chồng ký vào đơn ly hôn. Em lại lầm - tấm giấy ly dị chẳng qua là biên bản cuộc hôn nhân thất bại mà thôi. Gió giọt dẹt buông khiến những chiếc lá liễu dài, rũ ra. Anh nghiêng đầu chắn tầm nhìn chị. Có lần chị nói: “Sao tóc gã chồng em cứ bàng bạc như tán liễu lộn ngược thế?”. Anh xuội người, tủm tỉm. Lúc trầm tư thế này trông chị đẹp biết bao. Lành lạnh và sang trọng. Ngày đầu, ngoài lý do nụ hôn huyền diệu anh còn nhận ra: Chị luôn rành rẽ và chẳng cần gì khi dính với anh. “Mê, thì yêu thôi”. Nói thế, sao chị vẫn thở dài: “Tiếc, đàn ông đáng mặt đều rủ nhau có gia đình cả”. Chị xử sự nhẹ tênh trong các mối quan hệ, nếu ở anh sẽ trĩu nặng cân nhắc. Chị chuyển chỗ làm xoành xoạch, có năm đến bốn cơ quan. Chỉ đơn giản: Làm nơi nào cho xứng. Thời buổi hàng đống sinh viên túa ra các nơi tìm việc, chị tới đâu người ta cũng nhận vì hoạt bát và năng lực ngoại ngữ của mình. Cuộc sống chị thừa thãi mọi thứ nhưng thiếu những khoảng lặng, kiên trì ở anh, và: anh luôn biết làm giầu cảm xúc trong chị, điều không người đàn ông nào trước anh làm được. Trong mắt chị, anh là của hiếm và chị hay nói: “Sao cô ấy không thấy nhỉ”.

Chuông điện thoại trong túi reo.

“Thắm à. Chuyện gì đấy?”

“Họ điều em từ phòng tài vụ xuống trông kho vật tư anh ạ”

“Trông kho cũng được chứ sao”

“Nhưng kho trước kia là nhà xác. Vẫn còn cái bàn thờ đá”

“Ôi. Tí anh về”

Ai lại cải tạo nhà quàn thành kho chứa đồ chứ. Nó đàn bà con gái. Chắc lão trưởng phòng hành chính chim chuột con bé không được nên giở trò. Mình sẽ điện cho cậu Khang giám đốc. Anh nhìn chị:

“Anh phải đi…”

“Vừa ngồi tí. Anh... về trước”

“Đừng giận. Tuần sau anh đưa đi nghe hoà nhạc”

Hàng cây trứng cá dọc con phố nhỏ nhà anh cứ phảng phất mùi quả chín. Ngày anh mới về đây, nó còn lúp xúp. Thời gian như so đũa, thấm thoắt đã mười mấy năm... Anh nhớ, khi bé Hoài Thương vừa bốn tháng tuổi thì anh dành toàn tâm lực để lo cho đại gia đình. Tức là xin việc cho các em mà thầy u anh mỗi công đẻ, mặc thằng Tư, con Thắm học hành lớp mấy, có nghề gì để rút chân ra khỏi ruộng... nhà hướng đông nam, gió đồng cứ rời rợi. Anh là cả của bốn đứa em. Khi con Ngà vào trường nuôi dậy trẻ, anh bán chiếc áo mút Lào mua quả đu đủ và con gà thiến cảm ơn ông trưởng phòng tổ chức hợp tác xã khâu bóng đã nhận con Thắm vào làm hợp đồng. Công việc cô út không tốn kém, anh chỉ bị điện giật cắm đầu xuống nắp cống giữa đêm khuya vì câu điện trộm cho ông hàng xóm để có cái thư tay gửi anh chàng đang làm bảo vệ một khách sạn ngành du lịch... kẽo kẹt, gian truân lắm, đứa cuối cùng cũng rút chân ra khỏi ruộng.

Tiếp đến, chúng lấy chồng, lấy vợ. Bố anh chẳng lo gì. Tức là như đám cưới anh ngày xưa, đón cụ lên tập thể, tìm một chiếc giường thật tĩnh, cắt cử bạn bè, đứa hầu cờ, đứa thổi cơm còn anh quắn người lo hội trường, cỗ bàn, hoa cưới, thiệp mừng... cho em. Anh gầy tóp, già hơn cả những năm ở huyện đảo nắng gió. Trán thêm hai nếp nhăn, lại sút cân kinh khủng. Khi đám cưới con Thắm xong, anh bị ho dữ dội, đi khám, người ta bảo anh mắc chứng lao, phổi lỗ ra, lỗ rỗ. Vợ anh được dịp cách ly. Bà ngoại cho con nhị thể. Thay vì chăm anh, chị chăm mèo. Con mèo óng ả, đỏm dáng, anh thì gầy cong keo vì mỗi ngày phải uống hàng vốc kháng sinh mà chẳng có gì bồi dưỡng. Như chiếc lá khô. Có lúc tưởng không qua, nhưng cứ nghĩ mình là cả còn gánh vác mọi chuyện trong nhà, anh vận người cố nuốt những thứ lổn nhổn viên tròn, viên dài, nghĩ đến đã oẹ. Mỗi lần ôm con anh phải quay mặt đi chỗ khác để thở. Anh chỉ đủ tiền mua thuốc năm ngày một lần.

Kẽo kẹt chữa gần một năm thì bệnh lui. Tử vi nói, anh phát về hậu. Anh tin, vì mình ở hiền. Người ta, đầy chỗ này thì vơi chỗ khác, mình vơi nhiều, khắc có lúc đầy. Thì đầy tình nghĩa. “Tình với chả nghĩa. Đến thăm người ốm chỉ vài lời hỏi han thì để người ta nằm nghỉ cho khoẻ”. Vợ anh bực dọc mỗi lần anh nói chuyện tình nghĩa. Cả những lúc vợ chồng mây mưa nhất, đột nhiên nhớ cử chỉ sốt sắng lo cho người làng khám bệnh là cảm xúc trong chị trôi tuồn tuột như trẻ con ngồi cầu trượt. Anh ôm eo chị, gục đầu vào tấm lưng mịn màng. Chị xoay phắt anh, kéo vào giường, đẩy ập xuống. Anh né mình nhớ tới trận rượu hôm qua, người còn sưng sửng. Cái thứ kia dẻo sớm chị lại nổi cơn điên... Chị ngó sững, đập bộp vào bụng dưới làm anh đau thót. Cứ tưởng chỉ hôn hít. “Vô tích sự”. Ôi, không phải vô tích sự, mà cảm hứng chồng vợ trong anh tắt rụi từ lâu bởi mỗi lần nghĩ lời đồn thổi chị chung chạ với thằng cha đồng hương đồng khói hồi bên kia và cả thằng phi công trẻ lái máy bay bà già là mọi hồng cầu không ở chỗ cần tích tụ mà dồn hết lên đầu. Cả những lúc gặp bạn bè, bia bọt, về nhà muộn. Khi bánh xe kịch vào cổng là anh đã mường tượng ngay nét mặt vợ hằm hằm. Hôm nay, chị còn móc mỉa: “Anh - miệng chị kéo rề, phát một tiếng: xì. Nếu bảo tôi không có bồ mới là chuyện lạ. Anh ngắm mình xem”. Như bị phang một vồ. Anh choáng, thụp ngay xuống ghế. Ngực tức, hụt hơi. Rồi anh nhoi đứng dậy. Theo phản xạ tự nhiên, anh cúi xuống ngắm mình. Chị phì cười. Thay vì giơ tay cho chị cái tát trời giáng, anh sững sờ bước lại giường. Nước mắt anh tràn trệ nghĩ đến con, đến sự vất vả bao việc bên nhà anh, nhà chị và nhất là lúc ôm con ốm giữa đêm khi chị đi công tác nước ngoài. “Con yêu, đêm nay con đừng sốt nữa, bố quỵ mất - Thế mà cô ấy...”. Cơn thịnh nộ của chị cuộn lên một phần do xót con nhị thể đi ngoài sườn sượt. Chị trực ca chiều mãi năm giờ mới về, anh đang nghỉ mấy ngày chuẩn bị đi công tác miền Nam, thế mà... Con mèo bỏ ăn, dính bụng xuống miếng giẻ lau nhà. Lạ, con nhị thể thành đàn bà rồi mà nó vẫn cứ ngoeo ngoeo như còn bé khi bà ngoại bảo Hoài Thương bê về. Ngày về, nó náo loạn cả nhà. Anh thật ghét và bực mình mỗi khi nó cào cấu cánh tủ lạnh hay loa máy tính. Con nhị thể còn láu cá. Mỗi lần nổi cơn, thấy anh trừng mắt nó liền ngoeo một tiếng, quay ra ngó nghiêng, cầu cứu hai bà chủ. Thấy chị và Hoài Thương chiều mèo thái quá, anh mát mẻ: “Hai mẹ con làm như nó là thành viên thứ tư trong nhà không bằng”. Vợ anh nhìn bé Hoài Thương. Mãi sau này anh mới giải nghĩa được ánh nhìn - Con nhị thể còn đứng trên anh. Quý thế. Hôm nay thành viên thứ... ba, không yên dạ. Chị nguyểnh người bước ra hiên. Anh liếc chữ “nhẫn” trên tường, kịp nghe câu: “Đàn ông hèn”. Máu anh sôi. Anh bấu chặt tay vào thành giường giữ khối thuốc nổ trong người khỏi bùng ra. Bằng cấp mình có, nghề nghiệp ổn định. Mình còn có công trình khoa học lưu vào sách đỏ của viện. Lại được phỏng vấn trên truyền hình và nhiều tờ báo đã tốn vô khối giấy mực ca ngợi. Xét khía cạnh gia đình, mình chỉn chu, lương đưa về đều. Không ham đốt thời gian vào xổ số, rượu chè... nghĩ cho cùng khiếm khuyết vẫn là cái lỗi mình để gia đình so xíu, ở nhà tập thể mãi vậy.

Không khí đang căng như dây đàn, thì may, Hoài Thương đi học về. Nó khoe với anh tiết mục biểu diễn đàn Tam thập lục đoạt giải A trong cuộc thi nhạc cụ dân tộc các trường tiểu học thành phố.

Anh, chị, nhìn nhau, ngồi xuống mâm cơm.

Chiều, khi mọi điều tạm lắng, lúc Hoài Thương không có nhà. Chị bước đến trước anh, giọng mềm đi:

“Thế đã gọi bác sỹ thú y chưa? mất mặt ở đâu”

Anh choàng tỉnh, dừng con chuột máy vi tính.

“Lúc sáng ông ấy đã cho uống thuốc”

“Phải truyền chứ”

“Truyền thứ nước luộc ngô chắc nó đi luôn”

“Huyết thanh của người ta ông lại bảo nước luộc ngô”

Từ khi Hoài Thương được bốn tuổi, giờ nó đã sang tuổi mười ba. Tối nào anh cũng phải kể một câu chuyện cổ tích cho con nghe. Thay, xem tin tức các trận túc cầu, kết quả giải quần vợt... anh đọc, sưu tầm truyện cổ các nước miền Duyên Hải đến lục địa biển Đen. Hôm nay, vì cú sốc khi vợ tung thông điệp tự ngắm mình làm tâm thần bấn loạn. Thay, kể câu chuyện nào đó trong tập truyện cổ Grim anh nghĩ đến lão Hang ngọng, dính chuyện hủ hoá với cô phụ trách nhà ăn uỷ ban hành chính một tỉnh trung du, lão vọt xuống thủ đô cầu cạnh một chân trong Viện anh, rồi gã bỏ của chạy lấy người từ biệt chốn trần tục này để sang chốn trần tục khác bìu díu với cô kế toán trưởng để cuộc tình sặc mùi... con số, thất thoát ba mươi phần trăm kinh phí cất căn nhà làm serum thí nghiệm. Khuyết điểm chỉ xử lý trong nội bộ vì hình như theo quan điểm vị bộ trưởng nào đó: Tổng kết xây dựng cơ bản thường thất thoát bốn mươi phần trăm kinh phí. Đây, ba mươi... mọi người nhìn Hang ngọng đầy thông cảm khi gã rầu rầu hứa hon trước ban lãnh đạo. “Anh ta là sản phẩm nói dối của cơ chế xin cho tồn tại lâu trong tập thể trí thức này”. Viện trưởng kết luận nhỏ vào tai người ngồi cạnh khi trưởng phòng tổ chức tuyên bố hạ bậc lương lão Hang. Một tuần sau, vài người nhao nhao đòi kiện. “Ôi dào, muỗi đốt. Rập ghim tai mèo ư? Hay đá mõm chó béc? Có khi hắn là Đông trùng hạ thảo của Viện cũng nên” Một vị lãnh đạo nói với anh, xong, ông ta còn nháy mắt. Mặt anh thuỗn ra, tựa mặt con bò bị úp nón vào đầu.

Ở cơ quan, nhiều lúc anh cũng ngơ ngao! Một phần, anh chỉ tập trung vào chuyên môn, với quan điểm: to know one thing, is to know a lot, to know everything is to know nothing - biết một thứ là biết nhiều, biết tất cả là không biết gì. Cả cái chuyện quản lý dự án trong Viện. Đơn vị anh chịu trách nhiệm lập kế hoạch, phân bổ kinh phí. Dự án nào cũng các vị giáo sư, lãnh đạo có tiếng tăm làm chủ. Đề cương, không biết các vị này có đọc. Điều tra cơ bản gì mà tiến hành mấy năm chưa xong. Anh là lão gở mồm. Hay dự báo những vẫn đề khó, không chở được ở các cuộc họp, hội thảo dự án của Viện. Hoặc hay kêu ca sự chồng chéo vay mượn phần việc ở dự án này, gửi chân sang dự án khác, có việc làm rồi ở đây, ở kia lại rầm rập tiến hành, như là làm mới. Nhỡn tiền. Bới ra, khó giải. Đáng lẽ lờ đi anh lại kỳ đà ngáng mũi đòi xử lý đến cùng. “Biêng. Dở hơi” - Nhiều người quay mặt, buông câu. Cả cái chuyện anh thấy trăng trắng, lôm lốp tang hang ngay trong buồng làm việc của tay trưởng phòng kế hoạch. Tất nhiên, không phải lão Hang ngọng mà là thằng “trò” ngày xưa, cái thằng anh nhường suất nghiên cứu chuyên đề ở Nhật để một năm sau nó trở về, có bằng cấp, có tiền để thành đạt để rồi chính cái hôm nó ngoại tình ngày trên bàn làm việc, nó đã không còn gọi anh là “thầy” nữa. Báng bổ. Mà anh cũng thật hâm cơ, nhìn thấy thì quay đi, hay lặng im mà xem như lời mấy kẻ bất lương đàm tiếu, anh lại bước vào góp ý chân thành, mà có kiểu góp ý đến xóc xỉa khiến ba gã người nhện, sáu gã người dơi, tám thằng mặt nạ xanh nhẩy choi choi trong thân thể con người có học kia làm thứ lưu manh ém nhẹm, nguỵ tạo, tiềm ẩn bấy lâu bật ra đến phựt, khiến anh choáng váng chẳng khác bị cú vồ của vợ.

“Tôi không hiểu, cậu lại biến công sở, nhà làm việc thành nhà nghỉ. Tại sao cậu không ra nhà nghỉ mà làm việc. Xấu hổ. Có thời tôi đã là thầy của cậu”.

Tay học trò, giờ là lãnh đạo anh, mặt đỏ tía, ẩy cô trợ lý ra ngoài.

“Hâm. Ông nghĩ nhờ ông tôi mới nên người, mới như hôm nay à. Đồ điên. Thử ngắm mình xem”.

Lại ngắm mình!

*

Đúng vào cái ngày lễ tình nhân, khi những đôi yêu nhau gặp để thổ lộ, mãn nguyện thì anh và chị nói lời chia tay tại một trong sáu mươi chiếc cabin treo lưng chừng trời. Năm nay ai nghĩ ra cái ý tưởng tổ chức lễ Valentine ở các cabin công viên nước này thật tuyệt vời. Nhưng tiếc, với anh ý nghĩa lại ngược lại. Anh chia tay chị vì cứ tưởng có chị sẽ thay thế những gì thiếu, cân bằng cái phần thêm mà cuộc sống chồng vợ dị sàng bấy lâu anh kĩu kịt... Còn chị, thôi anh, vì: “Đến lúc không thể díu vào nhau mãi thế này, mất tự trọng lắm”, phải tìm người hợp hơn và dứt khoát phải đặc biệt hơn anh”. Đã đến lúc chị nghiệm ra câu nói: “Anh một bên và những người đàn ông trên thế giới một bên” không còn đúng, vì cuối cùng gia đình dù muối nhạt, trầu hăng anh vẫn phải tròn bổn phận làm cha, làm chồng chứ đâu có thể giũ một cái. Nghĩ vậy và ngày tháng tiếp diễn trắng phớ chị vẫn không ân hận về cuộc tình gió táp mặt sông. Thế, sao đêm chị cứ buồn rã người vì nhớ anh. Rồi không chịu được, chị cố xin anh cho gặp.

Ngôi nhà nhìn xuống dòng sông.

Nền chiều hồng sậm in bóng cây cầu khúc khuyủ mé phải. Bên kia là chiếc cầu xi măng khoẻ khoắn, ồn ã. Khuôn viên lắng dịu, sân gạch đỏ tràn sát ra mé nước. Vừa đến nơi là anh tự hỏi: “Liệu khi nào cả cái sân này lở ụp xuống sông?” Sát mí nước có cây vối già. Anh chợt nhớ bài hát: “Nụ vối đầu mùa” chị thường nghe say đắm đâu đó. Căn nhà ốp loại gỗ mầu cánh gián, các phòng bên trong cũng ốp gỗ. Nội thất sang trọng và hiện đại như khách sạn ba sao. Chị chọn nơi này, phút giây cực điểm thăng hoa tình yêu để chinh phục, thoả mãn anh. Gần nhau hai năm trời, ngần đó thời gian mà chuyện ấy giữa anh chị chưa hề xẩy ra. Anh là người đàn ông đầu tiên chị đưa về tệ xá. Còn người yêu sùng ái chị như tôn giáo, ông chủ căn nhà lại ở cách đây nửa vòng trái đất.

Anh lặng bên gốc vối ngắm sông, đúng ra là anh đang ngắm vợ chồng người thuyền chài. Chiếc thuyền mong manh đối nghịch dòng nước ngầu đỏ, người vợ khom mình khoắng chiếc áo của chồng xuống lòng sông còn người chồng đang hý hoáy mở đài, chốc chốc lại áp tai dò sóng. Chị ở sau và ngắm anh đến tơi bời, chờ đợi và mong những đọt nắng dềnh dàng cuốn chiều xa khỏi họ. Bên kia, bên bồi ấy vài ngôi nhà le lói đèn. Con thuyền bơi vào sương và khoang thuyền tỏ đốm lửa dầu. Hôm nay, anh phát hiện ra: Sương mù là hiện tượng thiên nhiên kỳ vĩ nhất, có thể gói mọi thứ mang đi và lung linh tột bậc những gì để lại. Anh bồi hồi mơ màng trước cảnh như cố tình quên thực tại. Chị khát ngập gió trăng, tóc xoà, áo ngủ thông thênh. Thung lũng chị mù khơi xanh ngặt thèm muốn sự ngập chửng, vùi lấp, nhấn chìm mọi thứ ập vào. Mắt chị biến màu chờ đến phập phồng mang cá. Anh như kẻ khờ thiên thạch ngao du: “Hay cứ cho đây là cơ hội khám phá bản thể mình” và lập tức anh biết ngay sự trầy truột, ngợp ngạp tựa diều đứt bóng, chứng thực sự biến dạng hoàn toàn bản năng đàn ông chứ không phải hiện tượng lãnh cảm như anh tưởng bấy lâu. Thật là sỉ nhục. Cái quý giá, công lực, thể hiện sức mạnh quyền năng, độc đoán, dẫn dụ, chi phối, cứng rắn phút chốc teo tũn, nhõm nhẹt một cách thảm hại. Anh thảng loạn vì điều nhận ra khiến không còn dũng khí động viên chị cái hôn rã rệu. Chị lại lầm tưởng men tình anh rữa nát chẳng còn chắt được một chút yêu đương nào nữa.

Anh lên xe phóng vội như một tên trộm.

Ngay hôm sau, anh phải vào bệnh viện cấp cứu vì bị chứng suy thận cấp.

*

Ngày ra viện, anh một mình về nhà, lòng buồn rã rượi.

Ba trăm sáu mươi năm bậc cầu thang từ tầng một lên đến tầng năm của khu tập thể cứ trì anh xuống. Vừa đi anh vừa bóc thư của vợ ra đọc vì thấy nó lạnh băng bên ngực trái.

Anh Sinh!

Thì tôi cũng phải nói lời cuối cho đúng thủ tục để vào Tuy Hoà. Gạo tôi đã mua, tiền điện nộp và lệ phí truyền hình cáp đã đóng trước sáu tháng vì đang dịp khuyến mại. Anh cứ say sưa với khuôn viên gạch Bát Tràng có cây vối quả đỏ au và bằng lòng những gì có. Tôi đi đây. Sắp xếp xong tôi sẽ đàm phán chuyện đưa Hoài Thương vào Tuy Hoà như ly dị gửi toà.

Anh ốm tôi cũng thăm, mang cả thanh long và truyện nhưng không lần nào chuyển được vì anh ở khu cấp cứu.

Anh lật bật bước đến căn hộ tập thể của mình. Vài giò phong lan treo trước cửa chạm nhau lộc cộc. Anh không dám ngó gian bếp lạnh lẽo dù biết vợ đã sắm sửa đầy đủ trước lúc đi.

Tiếng đàn vẳng ra từ phía ban công buồng con gái.

Tiếng đàn buồn, đơn lẻ, dung dị lạ thường như đi ra từ vỏ ốc bằng đôi chân cổ tích.

Tiếng đàn ướp đầy nước mắt và sự chia xa.

Lẽ nào mình chỉ là vỏ ốc cho con? Phần nhỏ tí teo liệu có hoá được chút đá vôi!

Nguồn Văn nghệ số 50/2019


Dấu mốc trên hành trình tiểu thuyết

Dấu mốc trên hành trình tiểu thuyết

Baovanghe.vn - Tấn kịch ở Hạ Lỗi là tiểu thuyết thứ 6 trên hành trình tiểu thuyết của Nguyễn Nhuận Hồng Phương. Thiên truyện bắt đầu bằng cuộc hồi hương nhọc nhằn và bất đắc dĩ của thông phán Trịnh Huệ và cậu con trai Trịnh Hạ mới 7 tuổi đầu của ông.
Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Baovannghe.vn - Tối ngày 19.9.2024 Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức lễ trao Tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT năm 2023, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội)
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.