Quê ngoại tôi ở ven sông Đáy, con sông bồi lên một cánh bãi rộng và trù phú. Nhưng người dân quê tôi không giàu được vì nông nghiệp, mà lam lũ bươn chải bởi thiếu ruộng cấy lúa, chỉ trông vào hoa màu của bãi. Nhà nông ăn đong là khổ thế đấy. Người quê tôi buôn bán ngược xuôi đủ nghề, đủ nơi nên có những tay máu mặt cũng không thuần nhất, mà rất nhộm nhoạm. Nhưng cũng lạ, ở quê tôi đàn bà có sắc một tí là lao đi buôn cả, họ chẳng chịu bán mặt vào đất bãi, mà lại muốn phơi mặt ở những đám đường trường, với những búi tóc cao, áo hở cổ, xăm bô rõ cao và những búi tóc ấy khiến họ vừa đảm vừa hiền. Nhưng phải nói là họ thành đạt hơn cánh đàn ông. Bởi có lẽ là cánh đàn ông quê tôi vốn máu cờ bạc từ nhỏ, vừa chăn bò vẫn trăm hai mươi quân, lễ tết giỗ chạp là tụ nhau thâu đêm. Mà thói đời cờ bạc luôn đi với gái nên nhiều tay thích đổi đời bán bò đi buôn chuyến là lãi chẳng thấy đâu mà tậu ễnh ương về không xong. Phụ nữ thì sẵn tính nông dân, thu ba hà vén thì có bỏ ra một tí thì cũng thu lợi về hai, ba phần. Người làng trên không gần sông, cánh phụ nữ lại vừa xấu vừa đần có lẽ do ghen tị hay cạnh khoé rằng làng ý con gái hay tắm sông thuỷ thần khoái mắt nên phù hộ đấy. Thì họ cứ kháy nhau thế nhưng thật ra làng này chân đất cũng cao nên có độc một cái giếng đất giữa làng chứ đất cát đào giếng thơi là cứ khô cong, thuôn vài cây sào cũng không thấy nước. Nên cánh chị em cứ, nổi lạnh thì chớ, nắng lên là ào ra sông. Thần nào chả biết, chỉ thấy có lẽ họ hợp nước thật, người làm ruộng thì đỏ da thấm thịt săn chắc lại, người buôn bán thì phốp pháp ra cả, cánh đàn ông làng này đuối sức đủ đường là phải.
Ông bà ngoại tôi mất sớm nên mẹ tôi phải ở với người chú và ông ăn thừa tự gia sản vài sào vườn luôn. Thế nên ông được đặc cách lên chức ông ngoại chị em tôi. Ông bà đối xử với mẹ tôi như đối với một đứa ở hơn là với con cái. Tình cảm của mẹ tôi với ông bà cũng còn nhiều sự hờn trách, mặc dù tóc mẹ tôi cũng đã ngả màu.
Ngày xưa ông bà tôi đây đẹp nhất làng, mười người con không bị bỏ ai, mà ai cũng đẹp ngời ngời. Người ở làng thường ghen tị với ông bà tôi được cả lộc của, lại cả lộc con. Dù có phải làm ruộng, phải buôn bán lam lũ nhưng các cậu, các dì tôi đều vừa đẹp vừa sang. Các dì đều hao hao giống nhau, thu nạp được hết những nét đẹp của bố mẹ: da trắng, mắt đen thẫm, mũi cao, miệng nhỏ, cười đến duyên. Còn các cậu thì thừa hưởng những nét đẹp rất sang của ông tôi, rất phong lưu. Cho dù vào thời điểm này kinh tế gia đình ông tôi có sa sút đi nhiều.
Dù có học, được bố mẹ giáo dục, lại thường được bạn bè khen là xinh đẹp nhưng tự nhiên trước cái đẹp khoẻ khoắn, sự tháo vát thành thục của các dì mình tôi cũng luôn phải mở to mắt ngắm nhìn, hoặc lảng tránh bằng những nụ cười không đâu.
Về đến đầu làng tôi đã nghe thấy tiếng nhạc đài ầm ĩ. Vào đến sân nhà tôi không ngờ cậu tôi cưới lại mà cũng rầm rộ đến thế. Nhà ông tôi dù có sa sút vẫn không hề bỏ được sự khoa trương như thuở xưa nhất nhì cái làng bến bãi này.
Các dì tôi ở sân đang làm cỗ ùa cả ra, ai cũng cười rất tươi. Họ đều đẹp, già và lam lũ. Tôi cười xã giao bỏ qua những lời hỏi han tranh thủ của họ theo mẹ vào trong nhà. Mẹ tôi dúi vào tay ông tôi cái phong bao 200 ngàn đồng, nét mặt tỉnh khô nhưng giọng nói lại giảo hoạt và cả như nghiêm trọng: "Chăn màn con chỉ sắm cho nó một lần, lần này con may còn cho được cậu nó mấy đồng." Ông tôi nghe mà như không thấy gì, cầm tiền đút vào túi áo rồi mải mê khách khứa luôn.
Tôi vừa có cảm giác sĩ diện trước những con mắt mọi người ở quê đang tất bật nhễ nhại với những đồ nấu ăn, những đứa trẻ đen nhẻm xấu xí, bẩn thỉu xung quanh, lại ngài ngại trước mắt những người phụ nữ đảm đang sắc sảo và còn xinh đẹp kia.
Quả là cái áo đỏ, cái mũ đỏ của tôi ở đây thật có giá trị. Bởi nó vừa chói, lại còn sang đầy chất thành thị. Bọn trẻ con nhìn tôi trân trân, chúng gọi tôi nhì nhằng cô cô chị chị gì đấy. Thi thoảng có đứa cố tình sờ vào áo vào quần tôi, hẳn có đứa sẽ ao ước được như tôi.
Tôi chưa dám hoà đồng vào đám các dì đang mải nấu nướng, nhìn họ rồi cười nhạt thếch. Tôi chợt tiếc đôi mắt đẹp của dì Tâm đẹp thăm thẳm nhìn người khác như níu kéo, mời mọc, lại như thách thức - giờ đã đầy chân chim. Cái cổ kiêu ba ngấn của dì Thanh bị che bởi một cái khăn bóng bay bạc thếch. Dì Toán có cái miệng rộng có khoé, môi mọng lúc nào cũng như nũng nịu giờ lại như có chốc mép.
Tay ai cũng nhầy mỡ, quần áo họ chắc phải khét lẹt mùi khói và mùi đồ ăn, chân ai cũng đen nhẻm bởi cái thứ nước đen sánh như luyn của mỡ, nhọ nồi và nước.
Dì Út hơn tôi có một tuổi nổi tiếng xinh đẹp, tươi trẻ đang lụng thụng trong cái quần hồng quá rộng quá dài mà đôi xăm bô dẫm phải thứ nước đen sệt kia lấm bê bết phần gấu. Dì cười đẹp mê hồn bởi mắt rất đẹp và còn đôi đồng tiền nơi má. Dì rủ tôi vừa như để làm quen "Đi mua hoa về cắm đi."
Tôi theo ba người bạn nữa của dì sang bãi mua hoa ở vườn hoa các cụ và ở nghĩa trang liệt sĩ. Ba người bạn của dì cũng đều trạc tuổi chúng tôi. Đứa thì gầy quắt, đen nhẻm, tóc tai tứ tung. Đứa lại béo xệ như nứt quần nứt áo ra, có đứa lớn bằng thế rồi tóc vẫn vàng hoe. Họ cười biểu hiện nét cố hữu sẽ lam lũ cơ cực, nhưng họ nói chuyện thủ thỉ và tự nhiên. Họ làm tôi không nhàm chán.
Ảnh pixabay |
Chúng tôi đi trên con đê làng lộng gió. Hanh khô nứt nẻ cả, cánh bãi và dòng sông hiền hoà trong nắng. Tiếng ô tô sầm sầm ngoài quốc lộ như phá vỡ sự bình yên nguyên thuỷ của nó từ bao giờ không biết. Ừ con đường quốc lộ này đã đưa đến những chuyến đi cho người dân làng này, họ đã thấy sự hấp dẫn trên những chuyến xe mà họ đi. Còn trên đường đê thi thoảng có một chiếc xe máy rồ qua chúng tôi để lại một đám bụi mù mịt. Những chiếc xe đắt tiền như Dream, Suzuki với những chủ nhân đẹp, đủ đầy và sang trọng thường được những ánh mắt người dân đi trên đê, người ngồi ở quán ven đê nhìn theo hút.
Những chiếc xe 50 với những tay lái xe ngoằn ngoèo lắt léo, hay chệnh choạng. Mấy cô bạn của dì và dì tôi lại nhìn theo cười ré.
Tôi lo khi họ - trừ dì tôi xinh đẹp - yêu nhau. Những triền đê làng, bãi sông này, con cầu kia. Ngày yêu nhau họ có biết hôn nhau không nhỉ. Lấy nhau rồi họ còn biết yêu nhau và hôn nhau nữa không?
Tôi không dám tin rằng những người con gái này sẽ giữ được chồng mình. Mà cánh đàn ông kia có hơn gì để phải nghĩ. Họ đen đủi, khẳng khiu, luộm thuộm trong những cái áo rộng thùng, sơ vin đi dép, đi tất.
Tôi chạnh lòng nghĩ về mình. Những mối tình lần lượt đi qua dẫu những cái hôn có nồng nàn hay nguội lạnh rồi rực cháy. Qua hết rồi. 20 tuổi tôi thấy chán nản với mọi thứ dư vị của tình yêu. Những tay đàn ông hay nịnh, giả dối và si mê để rồi tầm thường. Cuộc đời chỉ cho tôi những dư vị ngọt ngào khi tình yêu còn day dứt. Tôi lại chợt nghĩ chắc là họ phải biết hôn nhau vì bờ đê trăng thanh gió mát thế thì khỏi nói. Tôi chán ngắt và rùng mình nghĩ đến đèn cao áp, giường đệm ga trắng toát sạch mà hôi chi chít hơi người lạ... Nhưng tôi lại thèm hơi ấm của một người đàn ông đích thực cho mình. Tôi tặc lưỡi trong suy nghĩ. Thiên hạ họ vẫn sống đầy cả thôi.
Tôi lại chợt nghĩ, có lẽ dì Út của tôi khó lấy chồng vì đôi mắt kia, nụ cười vừa tươi vừa lẳng kia, một thân thể ngần trắng tinh khiết thế kia không thể áp vào một khuôn mặt vừa đen vừa thô của một tay trai làng ít học được. Dì phải khác xa những người bạn của dì.
Sự ồn ã của đám cưới lại làm tôi sực tỉnh. Cậu cả của tôi sau khi ở tù về vì tội "tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa" giờ lại phong độ như xưa. Mũ phớt, to béo khệnh khạng, không làm, chỉ tay năm ngón mà nói đúng như rắn trong lỗ bò ra (mẹ tôi thường nói thế). Cậu thứ của tôi lổm cổm theo thằng con. Cậu gần 40 tuổi mới lấy vợ. Lấy mợ tôi người Hà Nội, hai vợ chồng chạy chợ buôn bán và cậu tôi ở rể luôn ngoài đó. Giờ cậu về mất cả vai vế trong nhà. Có lẽ thằng cu Anh con cậu, quần áo tính cách tỉnh hơn con mấy bà chị cô em nên cậu thoả mãn, mà đúng hơn, là có cái để khỏi tủi. Cậu Ba tôi vừa đẹp vừa hiền nhu mì lam làm nghe người ta xúi giục thế nào lấy phải cô vợ xấu người xấu cả tính: thô tục, ăn quà như mỏ khoét, lại lôi thôi bẩn thỉu. Hai đứa con may mà giống bố cả chứ giống mẹ thì...
Mọi người vừa làm cỗ, vừa chuyện trò rôm rả, đang vui mẹ tôi ở đâu chạy xuống hỏi dì Ngọc tôi đâu. Dì giống ông tôi nhất, nét đẹp như Tây, lấy một chú vừa lùn vừa chéc. Giờ ông ấy dở chứng vào Nam làm ăn cũng phải theo vào để giữ. Tôi thầm nghĩ "Nếu là mình thì coi như thoát nợ, lấy tay khác to con cho ra dáng đàn ông, tối ngủ đỡ lo cọc cạch". Nhưng đời lại đâu đơn giản như thế, mà dì với chú đã có với nhau tận ba đứa con. Chúng vừa nghe nói đến mẹ, nhớ mẹ quá lại khóc ré lên. Khổ hai thằng con trai giống mẹ nét xinh như Tây, đứa con gái đầu y hệt bố, vừa đen, vừa quắt, mắt lại thô lố. Vì thế nó sẽ chẳng bao giờ được tự hào với chúng bạn "mẹ tớ đẹp".
Tôi nhận chân nhặt rau sống chuẩn bị cho bữa ăn chiều. Góc bếp với trăm thứ chuyện từ mươi cái gia đình nhỏ này làm tôi không hề biết các cụ đang nhai trầu và bỏm bẻm những chuyện gì. Tôi thờ ơ nhặt ù xọe cho xong. Cứ để cả bó mùi lấy dao xẻo gốc. Dì cả tôi lao đến:
- Khổ, con ranh ẩu thế, không biết nhặt rồi, phải cầm lấy đằng lá, nhặt rễ đi thôi, từng cây một, bớt lại cái củ này mới thơm.
Tôi ngượng nghịu đỏ cả mặt, cúi xuống làm.
Các dì tôi nay được dịp sổ ra bao nhiêu chuyện về gia đình, bố mẹ chồng, con cái, chồng mình, chồng người, buôn bán, lời lãi.
Cuộc đời vô tư thế này là đúng, nhớ những chuyện buồn đã qua mãi sẽ tự hành mình. Các dì quên chưa chuyện hoang con, hoang thai.
Bữa ăn tối qua đi, lạnh ngắt, ồn ã và đồ ăn hết sạch. Người ta kéo đến đông nghèn. Thuốc lá "sâu ven", nước chè đặc, cau tươi. Người già rất ít vì họ đã đi từ chiều cơ. Đám thanh niên đùa nhau cười khanh khách. Họ nhìn nhau, đấm nhau đùm đụp đầy tình ý. Họ bằng tuổi tôi, giờ họ mới biết thế, còn tôi đã ít nhất 5 năm biết đưa đẩy kiểu đàn bà.
Bọn con trai biết sơ vin, bọn con gái chải dầu bóng lên tóc và đánh son đỏ choét tươi mới. Họ là những đường tô ngờ nghệch của một tay hoạ sĩ hùng hục mới vào nghề.
Tôi lần vào buồng chú rể, lợi dụng người ở xa về tôi dở chăn bông mới của cậu ra đắp, nghĩ bụng "Cưới lại thì có thiêng liêng gì". Tôi đắp chăn và nhớ lại những người đàn ông của mình: họ tốt, đẹp và sang trọng, tôi yêu họ, ai cũng nhiệt thành và si mê. Còn lấy họ? Tôi sợ họ sẽ thành một người đàn ông cục súc, hay quát tháo, một người tài hoa sẽ lại có bao nhiêu người đàn bà như tôi ao ước, hay sợ gặp người đàn ông cứ về đến nhà là lại trần như nhộng, quần soóc ngắn cũn đi rong con khắp xóm. Hí hoáy quạt bếp than, có nhờ đổ rác lại cun cút đi đổ... Thật, tôi ao ước đừng bao giờ nhìn thấy họ như thế. Tôi thấy lô nhô những người dâu rể của ông bà tôi. Người nhà tôi xinh đẹp là thế mà lấy về một lũ "người không ra người xấu cả người lẫn tính, vô phúc" (mẹ tôi toàn nói nặng lời như thế).
Mà đúng thật. Cậu cả tôi lấy phải mợ vừa lì lợm vừa đĩ tính. Cậu đi tù ba năm về mợ chạy chợ nuôi được hai cô con gái lớn thêm ba tuổi thì lại sinh thêm được với ai đấy trong số bạn hàng của mợ một đứa cũng đã ba tuổi. Ông tôi cay đắng, bà tôi chửi vắt óc ra những lời cay nghiệt, nhưng cậu tôi về chấp nhận coi như xong. Mợ tôi càng lên nước với ông bà tôi hơn.
Dì cả ngày trẻ xinh đẹp nhất vùng, quán cơm của bà tôi thu hết khách qua sông chỉ vì ai cũng muốn ngắm dì. Đàn bà mà thấy thì cố mở to mắt ra mà thèm, đẹp mà như thách thức, như mời gọi đàn ông. Cánh đàn ông, nhất là dân lái xe thì cứ nhìn hau háu ao ước chuyện này chuyện nọ vì cái cổ cao, búi tóc, đôi mắt, khuôn ngực đều đẹp lắm. Không hiểu sao dì lại có bầu với tay họ Sở nào mà nó bỏ. Hẳn người hồng nhan bạc phận là thế. Khi dì sinh ra một đứa con gái ngớ ngẩn, mắt híp, miệng rộng chắc bố nó phải là một tay bợm dung tục. Rồi dì lại phải lòng một tay lái xe người miền trong. Dì cất một ngôi nhà bên sông và sổ ra bốn ả tố nga. Ông lái xế ngán ngẩm về quê thăm vợ lâu không biết, vợ ông lại sinh hạ ra một hoàng tử nữa. Dì phải ngậm bồ hòn làm ngọt và rồi may mắn thằng con thứ năm ra đời, tay lái xe không về quê mà ở với dì nhiều hơn vì đã có vợ đẹp, con trai. Từ ngày có thằng Cu, dì đẹp ra trông thấy. Ông chồng dì tóc cũng muối tiêu rồi vẫn đắm đuối, cấm dám để vợ ở nhà bao giờ. Thằng Cu được theo bố mẹ lên ca bin đi xe suốt, còn trăm việc con chị cả đảm đương. Nó không biết chữ, nhưng biết lãnh đạo bốn em gái ăn chơi và học.
Dì Tính tôi đẹp, lại giỏi công tác đoàn, rồi ai ngờ có bầu với tay bí thư (họ hàng tầm đại bác) bị dì Ngọc lôi về miền chiêm trũng với tay chồng xấu nhưng lành xỏ mũi được. Dì lam làm, làm hùng hục như để làm giàu, để tích luỹ, để quên cái tình đời, mà có thể dì đâu nghĩ như thế. Một người chồng hiền, nghe vợ, chuyện chăn gối ổn, thế là xong, có lẽ thế thì đúng hơn. Hai thằng con giống hệt mẹ thế cũng là vui lắm rồi.
Dì Thanh của tôi ít nói, lấy phải ông chồng ham món lòng lợn tiết canh, về mở quán hí hoáy mà đắt hàng. Khổ nỗi ông chồng hay nói lè nhè, và mặt đỏ. Nhưng dì chì chiết thì lại lặng thinh. Hai đứa con xinh như mẹ lại là con gái cả mà "nó" chịu im thế là yên thân rồi.
Tôi chợt thấy một mùi nước hoa là lạ bên cạnh, té ra mợ tôi ngoài tỉnh cũng đã về. Mợ xấu và già hơn cậu tôi nhiều... Tôi mặc họ không dám nghĩ nữa và thiếp đi, những người đàn ông của tôi vây lấy tôi, tôi thấy mình ôm ghì lấy một người đàn ông đang cố tìm cách đẩy tôi ra, để đi về phía ngôi nhà cấp 4 có một phụ nữ già hơn tôi rất nhiều, chung thuỷ và không thành đạt. Mắt hai đứa con anh ta lấp lánh niềm vui...
Tôi thấy ồn ào, mở mắt ra. Thì ra mấy ông chú của tôi đang lo sát phạt nhau, cay cú ầm ĩ. Mấy đứa con các dì, các cậu tôi mỗi đứa một bát mì tôm đang sì sụp. Tôi từ chối mọi đồ ăn mọi người đưa đến. Tôi lảng tránh chuyện bếp núc cỗ bàn nhận việc trông xe cho khách. Tôi sang sân nhà hàng xóm không phải chứng kiến cảnh 6 giờ sáng mắt nhắm mắt mở đi ăn cỗ cưới của người ta. Mấy cái xe chỏng chơ ở bờ rào, góc cây duối cõi.
- A chào chị, chị xinh lại áo đẹp thế.
Một tiếng nói vừa ầm vừa the thé bên tai tôi. Té ra con Linh nhà dì Cả của tôi. Nó đã lớn lên rất nhiều. Nó thành con gái từ bao giờ. Quần ống đứng, áo thun bó sát màu đỏ, áo khoác phanh cúc bên ngoài, và tóc nó dài đến gấu áo. Nó vẫn lôi thôi, xấu xí tội nghiệp nhưng tươi hớn hở và người rung rúc, ngực rung rinh như bà 30 tuổi đang độ sung mãn. Tôi nhìn nó như tìm được thú giải trí.
- Này lớn ra dáng phết đấy. Ăn chơi, nhưng lôi thôi.
Tôi sực nhớ không nên thế, đành cười thân thiện. Nó cũng không để ý thì phải, quờ hai tay to chắc ôm lấy vai tôi. Người nó nóng hực, hôi mù, mùi trẻ con hay người lớn không rõ. Ngực nó đè vào vai tôi hưng hức. Tôi khẳng định nó lớn thật rồi.
- Thế nào có người yêu chưa? - Tôi gỡ tay nó ra khỏi vai và hỏi.
- Hi hí - Nó cười - Chị làm mối cho em nhé.
Nó cười, mắt một mí hấp háy. Tôi không ngờ nó lại thành "người lớn" được đến thế, lúc nào tôi cũng nghĩ nó ngớ ngẩn dì tôi bắt chăn bò ngoài bãi suốt. Tôi hỏi nó tiếp:
- Thế bây giờ làm gì?
- Em chỉ ở nhà trực điện thoại thôi - Nó trả lời khá lưu loát.
- Có người yêu gọi đến không?
- Một tuần anh ý gọi hai lần thôi, vì bận học lắm.
- Sao bảo chưa có, lại giấu tôi rồi, nhìn thế này trai nó mê lắm đấy.
Nó cười hơ hớ khoái tôi khen nó. Rồi nó ôm tôi thủ thỉ:
- Chỗ chị em, em nói thật, em yêu rồi. Anh ý hơn em 4 tuổi, người Hà Nội, học trường Luật năm thứ 5.
- Sao quen được nhau, chơi với bọn người thành phố cẩn thận đấy - Tôi gợi chuyện vì tò mò, vì muốn coi con ngớ ngẩn này làm trò giải trí. Không ngờ nó mở lòng như đầy ứ, như dồn nén, như chờ đợi và tìm được người vừa ý để giãi bày chuyện tình cảm của mình.
- Anh ý là bạn của em, anh ý yêu em lắm. Gọi điện về hỏi thăm em, dặn em ăn uống hợp lí, giữ sức khoẻ. Hẹn hôm nào về đón em đi chơi.
- Thế bố mẹ có biết không?
- Biết chứ, bố mẹ đồng ý cả. Anh ý yêu em lắm. Trên đời nay em yêu anh ý nhất. Hôm nọ anh ý cho em 200 ngàn. Em không nhận, anh ý bắt cầm, em để gọi điện thoại và ăn quà. Chị đừng tưởng em ít bạn. Em có quen 3 người nữa bạn của anh ý cả, cùng học trường Luật, các anh ấy thích lắm. Có khi em phải nhờ xin đi học Luật thôi.
- Thế ngày trước học hết lớp mấy mà định đi học Đại học – Tôi hỏi lại nó trong khi nó đang say sưa, mải miết với ý định của mình.
- Em học đến lớp 11.
Tôi biết thừa nó chỉ học hết cấp I, chắc nó hâm hấp thế thôi. Tôi giả bộ gợi tiếp chuyện:
- Thế đã hôn nhau chưa?
- Chị này. Hôn thích lắm. Bọn em hôn nhau ở gốc cây hồng xiêm, ở thành cầu, ở dưới bãi.
- Thế hay đi chơi ở đâu?
- Bọn em chưa bao giờ đi chơi. Có phải đi chơi là chỉ để ra chỗ vắng người hôn nhau không?
- Tùy! - Tôi trả lời thờ ơ và thích thú.
- Anh ý thương em và nhớ em lắm. Anh ý thường dặn đừng đi xe máy, nếu có bị thương phải ra viện, anh ý bận học không hầu được đâu. Em ra nhà anh ý chơi, tất cả bạn bè anh ý nhìn em lạ lắm...
Tôi phát hoảng vì câu chuyện ngớ ngẩn, bất lô gic và cứ thật hư hỗn độn của nó. Tôi chợt nghĩ đến một tay sinh viên và một cô thôn nữ với tâm hồn trong trắng. Con bé này ngố và si tình. Hai đứa em họ tôi ở Hà Nội vừa về, nó ùa vào.
- Này bà chị xinh đẹp phải trông xe hả. Ê Linh, anh tặng em bông hoa đại này.
Thằng bạn em tôi ranh mãnh nhìn bọn tôi:
- Cả làng Thượng, làng Hạ cũng không ai tặng nhau hoa đại.
Câu nói thật và ngô nghê làm bọn tôi cười rũ. Tôi nháy hai thằng biến để tôi trêu nó tiếp và cố tìm cho ra nhẽ chuyện yêu đương của nó.
- Thế xa nhau có nhớ nhau không?
- Nhớ lắm, muốn ra nhà anh ý nhưng em chưa ra bao giờ. Sợ đi xe cộ tai nạn rồi anh ý nói "bận học không hầu được".
- Thế gọi điện nói những gì?- Tôi hỏi tiếp cố nén cười.
- Em nói: Nhớ lắm, yêu lắm, thích hôn nhau lắm, em thích đến nhà anh để nhờ anh xin đi học Luật, để gặp bè bạn của anh, để anh sẽ dặn em đừng đi xe máy...
Nó nói đầy say mê và háo hức, vẻ mặt mang đầy tâm trạng, sự bộc lộ tự nhiên đến tội nghiệp. Tôi chỉ biết rằng trong tâm hồn nó có một thằng con trai, thế thôi.
Tôi và nó và hai thằng em ăn một mâm cỗ trong buồng. Tôi không nói, lẳng lặng ăn những món ăn lạnh ngắt. Một thằng đàn ông bạn nó cứ lảng bảng trong óc tôi lúc có lúc không. Hai thằng em tôi trêu nó như xé áo. Nó cười hi hi đĩ thõa, thô thiển và ngô nghê.
- Em thích cưới lắm, nhưng chưa có chú rể, các anh làm mối cho em nhá.
Đến lạ.
Đến giờ đón dâu, tôi đèo mẹ tôi, tôi trẻ và trông nhàn hạ hơn các dì tôi nhiều. Chỉ có thế. Các dì tôi phấn son vào xinh thật. Họ đi cọc cạch bên những ông chồng. Còn các cậu tôi đã tụ nhau vào xó cờ bạc từ bao giờ.
Bên nhà gái là cưới con đầu nên họ rôm rả lắm. Lúc lễ gia tiên tiền vàng xủng xoảng. Bọn con gái bên nhà gái ăn đứt bên nhà trai giầy, váy, áo xúng xính.
Cái áo đỏ của tôi không còn chỉ có một. Len vào xem mặt cô dâu, con Linh lại ghé tai tôi nói "bà này xấu hơn bà vợ trước của cậu. Cậu đi chuyến xa gọi điện về nhà em, em vào gọi ra nghe lại không thèm ra, em bảo ra nghe thì lấy, không để cậu cháu đi lấy vợ khác”. Nó nói làm tôi lại nghĩ, hay nó học đến lớp 11 và nó đang yêu thật. Tình yêu làm con người ta khác đi nhiều lắm chứ?
Về đến nhà trai, thủ tục lễ lạt qua đi nhanh chóng. Cô dâu, chú rể đi mời nước bạn bè, họ nhìn chẳng hề nghĩ suy gì. Đám cưới qua đi. Tôi trở về nhà dần quên chuyện con Linh.
Hôm nay, dì Tâm tôi xuất hiện ở nhà tôi, thoáng thấy dì tôi lại nhớ đến con Linh.
- Dì đi mời đám cưới con Linh đây.
- Nó lấy ai ạ?- Tôi sốt sắng hỏi lại.
- Nó lấy thằng bên bãi, cũng ngơ ngơ nhưng được cái nhà giàu, một con trai. Mà nồi nào úp vung nấy.
- Thế tưởng nó có thằng người yêu học trường Luật.
- Chị ý thì yêu cả anh bên Nhật, bên Mỹ cơ.
Dường như thấy tôi quá băn khoan dì tiếp:
- Người chẳng nên hồn, tống về đấy làm mà ăn, ở với mẹ ăn lắm, tơ tưởng suốt ngày thôi. Nó vẽ ra một thằng hay nó nói ra, hay là thật dì cũng chẳng rõ. Nhưng mà có người lấy cho là may rồi.
Ừ con gái quê tôi lập cập thế đấy. Nếu có thật một thằng con trai học Đại học trong nó, thì nó được hạnh phúc, nếu không thì nó cũng được thả sức vùng vẫy trong thứ ánh hào quang nó tự tạo. Nó không có gì cả để cho mình. Nó hơn mẹ nó, bởi nó không phải làm lẽ. Nó không biết điều này, càng không biết đã bất hạnh, đã hạnh phúc. Nó sẽ lại vô tư như những người đàn bà nơi quê tôi mà thôi.